Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Việt Nam vừa mới tổ chức thành lập Hội Triết học Việt Nam.
Trong bài phát biểu tại đại hội thành lập, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, với tư cách một người học triết, có một mong muốn là Việt Nam có những triết gia tầm cỡ. Đó là một mong muốn hoàn toàn chính đáng của một người học triết ra, những nhà nghiên cứu triết học và những người yêu thích triết học.
Tuy nhiên, với cương vị của Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, ông Thưởng có lẽ sẽ hiểu rằng đó là một mong muốn rất khó trở thành hiện thực ở Việt Nam trong bối cảnh hệ tư tưởng chính thống của Việt Nam hiện nay vẫn là hệ tư tưởng Marx-Lenin. Chính Ban Tuyên giáo do ông lãnh đạo sẽ tìm mọi cách để loại bỏ hoặc hạn chế các hệ tư tưởng triết học khác có khả năng cạnh tranh với hệ tư tưởng chính thống của đảng ông.
Trong lịch sử nhân loại, có một số thời kỳ mà các tư tưởng của các triết gia xuất hiện như thời Hy Lạp cổ đại với sự xuất hiện của nhiều triết gia với đủ các trường phái đối lập nhau. Mỗi trường phái có một cách giải thích khác nhau về sự hình thành và vận hành của thế giới. Có trường phái cho rằng vũ trụ do nước tạo ra, có trường phái lại cho rằng vũ trụ do lửa tạo ra, có trường phái có quan điểm duy tâm, có trường phái lại có quan điểm duy vật. Vấn đề mấu chốt là xã hội Hy Lạp cổ đại thời bấy giờ có một không gian tự do về tư tưởng để tất cả các triết gia thuộc nhiều trường phái khác nhau có thể suy nghĩ và bày tỏ suy nghĩ của mình.
Trung Quốc cổ đại cũng có một thời kỳ “trăm hoa đua nở” về tư tưởng tương tự như Hy Lạp cổ đại, đó là thời Xuân Thu Chiến Quốc. Đó là thời kỳ Trung Quốc được tự do tư tưởng, do đó, nhiều nhà tư tưởng khác nhau xuất hiện như Khổng Tử với tư tưởng trung dung, Lão Tử với tư tưởng vô vi, Hàn Phi tử với tư tưởng pháp trị…
Hai thời kỳ rực rỡ về tư tưởng của Hy Lạp cổ đại và Trung Quốc cổ đại cho thấy rằng các triết gia chỉ có thể xuất hiện trong một môi trường đảm bảo tự do về tư tưởng. Nếu Việt Nam muốn xuất hiện một triết gia tầm cỡ như lời ông Võ Văn Thưởng đã nói thì điều cần làm đầu tiên không phải là thành lập Hội Triết học Việt Nam mà chính là đảm bảo về quyền tự do tư tưởng.
Một triết gia tầm cỡ là triết gia sáng tạo ra một tư tưởng độc nhất mà chưa có ai nghĩ ra. Để làm được điều đó, triết gia đó cần một môi trường để tư tưởng độc nhất đó có thể được lên tiếng, thông thường thông qua việc viết sách để công bố học thuyết của mình. Một học thuyết triết học được xem là mới thông thường sẽ phê phán các học thuyết cũ. Ví dụ như học thuyết xã hội chủ nghĩa của Marx đã phê phán tư tưởng tư bản chủ nghĩa. Một triết gia tầm cỡ chắc chắn sẽ tìm cách phủ nhận các học thuyết cũ, mở ra một chân trời mới cho nhân loại về tư tưởng.
Liệu Ban Tuyên giáo mà ông Võ Văn Thưởng là trưởng ban có chấp nhận sự xuất hiện của một học thuyết triết học hoàn toàn mới, vượt ra ngoài suy nghĩ và nhận thức của những người đang đảm trách việc giám sát hệ thống tư tưởng của Việt Nam? Nếu chấp nhận tự do tư tưởng thì tư tưởng triết học mới có thể xuất hiện, các triết gia tầm cỡ mới xuất hiện.
Từ quan điểm trên, nếu để góp phần tạo ra một triết gia Việt Nam tầm cỡ thì việc lập Hội Triết học Việt Nam theo tôi là việc làm không cần thiết.
Mặc dù vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ quyền tự do lập hội của tất cả mọi người với điều kiện các hội được thành lập không sử dụng ngân sách nhà nước mà phải tự thân vận động về kinh phí.
Một trong những lý do quan trọng trong việc độc lập về kinh phí của Hội Triết học so với các hiệp hội khác đó là độc lập về kinh phí sẽ dẫn tới độc lập về hoạt động, sau đó là độc lập về tư tưởng. Khi đó, các thành viên trong Hội Triết học Việt Nam mới có thể tự do trong suy nghĩ, từ đó mới có thể tạo ra những tư tưởng mới, những tư tưởng mới cọ xát với nhau để tạo nên những trường phái triết học mới. Khi đó, những triết gia tầm cỡ mới có thể ra đời.
Là một người hoài nghi, cũng là một người yêu thích triết học, tôi cho rằng thiếu một không gian tự do tư tưởng, Việt Nam khó lòng có triết gia, mặc dù trong thâm tâm của những người Việt yêu mến triết học, ai cũng mong muốn Việt Nam xuất hiện một triết gia tầm cỡ.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.