Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ qua đời để lại rất nhiều nuối tiếc cho nước Mỹ. Tuy nhiên, việc vinh danh bà Ginsburg bỗng chốc bị lu mờ do các nỗ lực chính trị của cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ trong việc bổ nhiệm/ ngăn chặn việc bổ nhiệm người thay thế bà.
Với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Tối cao Pháp viện, vị trí này được coi là rất quan trọng vì các nhà quan sát cho rằng nó giúp cho Tổng thống Donald Trump có thêm một phiếu bầu “bảo thủ” và bớt đi một phiếu bầu “cấp tiến” trong các vụ án liên quan đến những đạo luật mà ông muốn gạt bỏ, chẳng hạn như đạo luật Obamacare.
Hơn nữa, việc có thêm một thẩm phán do mình bổ nhiệm có lẽ cũng giúp cho ông Trump có lợi thế hơn nếu cuộc bầu cử tháng 11 này phải đưa ra Tối cao Pháp viện để phân xử như năm 2000. Thử tưởng tượng một kịch bản nếu cuộc bầu cử năm 2020 bị đưa ra Tối cao Pháp viện và lá phiếu quyết định Trump chiến thắng thuộc về vị thẩm phán được Trump bổ nhiệm trước cuộc bầu cử 45 ngày. Có lẽ đó sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử mà một tổng thống đã bổ nhiệm vị thẩm phán giúp mình thắng cử. Kịch bản đáng sợ đó hy vọng sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên, trong lịch sử, không phải là chưa có tiền lệ về việc một thẩm phán Tối cao Pháp viện cần được thay thế ngay trong năm bầu cử. Gần nhất là vào năm 2016, khi thẩm phán Antonin Scalia qua đời vào tháng Hai. Tổng thống Barack Obama khi đó đã cố gắng đề cử một thẩm phán rất trung dung là Merrick Garland, hòng thuyết phục Thượng viện do Đảng Cộng hòa nắm đa số lúc bấy giờ bỏ phiếu phê chuẩn. Tuy nhiên, lãnh đạo phe đa số của Thượng viện lúc đó là Mitch McConnell đã tuyên bố, và được rất nhiều các thành viên cốt cán của Đảng Cộng hòa hưởng ứng, rằng Thượng viện sẽ không phê chuẩn một thẩm phán trong năm bầu cử, vì làm như vậy sẽ mang tính đảng phái, không công bằng, và “người dân Mỹ nên có tiếng nói trong việc bổ nhiệm”, ý chỉ rằng tổng thống thắng cuộc sẽ bổ nhiệm thay vì tổng thống cũ.
Tất nhiên, những gì mà Mitch McConnell nói vào năm 2016 đã không được áp dụng vào năm 2020. Lý do mà các thượng nghị sĩ Cộng hòa đưa ra là vì năm 2020 “khác”. Họ cho rằng “truyền thống” cho thấy khi tổng thống và Thượng viện cùng một đảng thì việc bổ nhiệm trong năm bầu cử là bình thường, như thể tiếng nói của người dân Mỹ trong năm 2020 là không đáng quan tâm.
Thật ra thì, như Tổng thống Trump nói, “it is what it is”. Chính trị là thế và việc các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa có ăn nói hai lời thì cũng phải chịu. Làm sao mong chờ lời nói thật từ một chính trị gia được.
Nhưng, hiện nay xuất hiện rất nhiều quan điểm cho rằng thật ra nỗ lực đề cử này (diễn ra ngay khi lễ tang bà Ginsburg còn chưa bắt đầu) không vì mục đích chính trị mà chỉ thuần tuý giúp cho Tối cao Pháp viện có đủ thẩm phán và vận hành một cách bình thường, nhờ vậy giúp cho công lý được thực thi. Những người này cho rằng một Tối cao Pháp viện chỉ có tám thẩm phán sẽ bị vô hiệu hoá nếu như bốn vị xử A và bốn vị xử B. Như vậy, nước Mỹ sẽ không có công lý và không ai xét xử các vụ án liên quan đến bầu cử, nhất là trong bối cảnh bầu cử qua thư tín bị Đảng Cộng hòa cho là đầy rẫy gian lận như hiện nay.
Lập luận như vậy nghe qua thì có vẻ có lý, nhưng nếu xem xét kĩ lịch sử của Tối cao Pháp viện, thẩm quyền, và các quy định về xét xử thì sẽ thấy rằng người đưa ra lập luận hoặc cố tình lập lờ, hoặc cố tình gây hiểu nhầm, hoặc không hiểu gì cả về vai trò của Tối cao Pháp viện.
Để hiểu tường minh vấn đề này, cần phải đặt rất nhiều câu hỏi và tìm cách trả lời.
Đầu tiên, vì sao nỗi lo ngại kể trên không xuất hiện vào năm 2016 – cũng là năm bầu cử, mà lại xuất hiện bây giờ?
Lý do rất đơn giản – theo thống kê của những năm gần đây, chỉ có không quá 1/5 các vụ án do Tối cao Pháp viện xử kết thúc với tỷ số 5-4. Đa số các vụ án sẽ kết thúc với đại đa số các thẩm phán đồng ý với một ý kiến nào đó.
Trên thực tế, những gì diễn ra trên Tối cao Pháp viện không phải là một cuộc tranh luận chính trị, mà là một tranh luận pháp lý. Vì vậy, một vụ án với tỷ lệ 9-0 chắc chắn là một vụ án tạo ra luật tốt hơn rất nhiều vụ án 5-4. Vụ án 9-0 nói rằng pháp luật trong trường hợp này là rõ ràng, và tất cả đều đồng ý như vậy. Những vụ án 5-4 thường rất gây tranh cãi và dễ bị lật ngược về sau.
Thử tưởng tượng, nếu như một vụ án liên quan đến cuộc bầu cử mà kết thúc với tỷ số 5-4, vậy tức là vấn đề pháp lý ở đó cũng đã không rõ ràng và tòa án như vậy đã làm thay công việc của cử tri trong việc chọn ra ứng cử viên chiến thắng. Điều đó rất phản dân chủ. Án lệ Bush v. Gore năm 2000 bị chỉ trích rất nhiều vì điều đó và nó khiến các thẩm phán về sau có xu hướng cố gắng né đi các phán quyết 5-4 như vậy.
Vì vậy, xét về góc độ làm luật, kiến tạo công lý, một bản án mà các bên phải cố gắng trao đổi, đi đến thống nhất về quan điểm pháp lý thì tốt hơn là một bản án mà thẩm phán chỉ nhắm mắt bỏ phiếu vì biết thế nào phe mình cũng thắng.
Thứ hai, lịch sử và pháp luật cũng chưa bao giờ yêu cầu Tối cao Pháp viện phải luôn luôn có chín người cả.
Tối cao Pháp viện đầu tiên theo Đạo luật Tư pháp 1789 chỉ có sáu thẩm phán và chưa bao giờ vấn đề bế tắc 3-3 xảy ra. Đến tận năm 1869 thì Đạo luật Tư pháp cùng năm mới quy định Tối cao Pháp viện có chín thẩm phán nhưng chỉ cần sáu thẩm phán tham gia xét xử và biểu quyết một vụ án là đủ số (quorum) (Điều 1). Tức là theo Đạo luật Tư pháp 1869, chỉ khi nào số lượng thẩm phán của Tối cao Pháp viện còn có năm người thì tòa này mới bị vô hiệu hoá.
Những nhà làm luật Hoa Kỳ hoàn toàn không có vấn đề gì trong việc đưa ra một hội đồng xét xử số chẵn cả, và do đó một Tối cao Pháp viện có tám thẩm phán không phải là chuyện nguy hiểm. Nên nhớ, phải hơn một năm sau ngày thẩm phán Scalia qua đời, thẩm phán Neil Gorsuch mới nhận nhiệm sở. Hơn một năm đó, Tối cao Pháp viện vẫn xử án và một vụ án liên quan đến quyền bầu cử là Evenwel v. Abbott kết thúc với tỷ số 8-0.
Các vấn đề về bầu cử nhìn chung là khá rõ ràng và sẽ không tạo ra nhiều án lệ 5-4. Một quyết định gần đây của Tối cao Pháp viện từ chối Đảng Dân chủ ở Texas được đẩy nhanh quá trình bầu cử qua thư tín tại một hạt ở bang này cũng kết thúc với tỷ lệ 9-0. Vì vậy, hoàn toàn không có cơ sở để nói rằng một Tối cao Pháp viện tám người sẽ không quyết định được cuộc bầu cử năm 2020, nếu chẳng may nó đến với tòa này.
Thứ ba, ngay cả khi chẳng may Tối cao Pháp viện phải xử một vụ án bầu cử và kết quả là 4-4, điều đó cũng không có nghĩa là công lý không được thực thi.
Cần phải hiểu là Tối cao Pháp viện bản chất không phải là một tòa xét xử sơ thẩm. Đại đa số các vụ án của Tối cao Pháp viện đơn thuần là xem xét lại một bản án đã được phán quyết ở tòa liên bang cấp dưới (nếu có yếu tố liên bang) hoặc tòa tối cao tiểu bang. Điều đó có nghĩa là vụ án để đến được với Tối cao Pháp viện đã phải được xử đi xử lại có khi là nhiều lần. Tối cao Pháp viện khi xem xét bản án đã được xử thì lại hết sức thận trọng. Nhưng hãy thử làm một phép toán trong một vụ án giả định.
Giả sử Trump kiện Biden về một lý do nào đó liên quan đến cuộc bầu cử, điều gì sẽ xảy ra?
Trump không thể kiện trực tiếp lên Tối cao Pháp viện được mà phải kiện ở một tòa cấp dưới, có thể là tòa ở tiểu bang như Florida năm 2000. Trump kiện Biden ở tòa sơ thẩm tại Florida. Tòa sơ thẩm xử Trump thắng. Biden kháng cáo ở tòa phúc thẩm. Tòa phúc thẩm nói Biden thắng. Trump kháng cáo lên Tòa Tối cao bang Florida. Tòa Tối cao Florida nói Biden thắng. Trump lúc này thuyết phục Tối cao Pháp viện nghe vụ kiện của mình.
Ở đây, Tối cao Pháp viện sẽ không xác định Trump thắng hay Biden thắng mà chỉ xác định xem bản án của Tòa Tối cao Florida có trái Hiến pháp hay không. Trong bối cảnh có tám thẩm phán, nếu kết quả là 4-4, điều gì sẽ xảy ra? Điều xảy ra đó là bản án của Tòa Tối cao Florida sẽ có hiệu lực, tức là việc lật ngược bản án không thành công. Nhiều người sẽ nghĩ điều đó bất công cho Trump vì nếu có chín thẩm phán, mọi chuyện có thể đã khác.
Không hẳn như vậy.
Trong trường hợp chín thẩm phán, Tối cao Pháp viện chỉ có thể nói Tòa Tối cao Florida sai nếu như có năm thẩm phán đồng ý. Vậy còn trong trường hợp tám thẩm phán, cần bao nhiêu thẩm phán để lật ngược bản án Florida? Đúng vậy, cũng cần năm thẩm phán.
Như vậy, phép toán là như nhau trong trường hợp tám hay chín thẩm phán. Nếu anh cần lật ngược bản án tòa cấp dưới, anh luôn cần thuyết phục năm thẩm phán đồng ý với anh trong cả hai trường hợp có tám hoặc chín thẩm phán.
Đó là lý do mà lập luận cho rằng Tối cao Pháp viện sẽ bị vô hiệu hoá khi chỉ có tám thẩm phán là rất vô lý. Trong mọi trường hợp, anh cần thuyết phục năm thẩm phán đồng ý lật ngược bản án cho anh, không có gì thay đổi.
Tất nhiên, trong những trường hợp rất hạn hữu (ba trường hợp) là Tối cao Pháp viện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm (original jurisdiction). Đó là khi (1) liên bang kiện một tiểu bang, (2) dân một tiểu bang kiện tiểu bang còn lại hoặc hai tiểu bang kiện nhau, và (3) công sứ nước ngoài là một bên trong vụ kiện (Điều III, Điểm 2 Hiến pháp).
Trong lịch sử, số lượng án này là rất ít và ngay cả khi Bush kiện Gore năm 2000, ông cũng không kiện thông qua hệ thống này. Lý do đó là vì việc thuyết phục Tối cao Pháp viện xử sơ thẩm một vụ án là rất khó. Nhưng ngay cả khi Tối cao Pháp viện đồng ý xử sơ thẩm, thời gian xét xử sẽ kéo dài rất rất lâu.
Khác với các tòa cấp dưới, Tối cao Pháp viện không có bộ máy giúp việc để đi xác định tình tiết vụ án và làm các công việc hành chính. Do vậy, nếu phải xét xử sơ thẩm một vụ án (tức là không có tòa án nào giúp xác định tình tiết vụ án thay cho Tối cao Pháp viện trước đó), thời gian xử lý sẽ kéo dài. Trong một vụ kiện ở thế kỷ 19, thời gian xử lý vụ kiện mà Tối cao Pháp viện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm là 20 năm. Vụ kiện gần đây là New Jersey v. Delaware (2008) kéo dài ba năm và được… tám thẩm phán quyết định – thẩm phán Breyer không tham gia vì có quyền và lợi ích liên quan.
***
Nói tóm lại, việc lo sợ rằng một Tối cao Pháp viện tám người sẽ bị vô hiệu hoá, đặc biệt là trong các vụ án liên quan đến bầu cử là một nỗi lo mơ hồ. Ai cũng đồng ý rằng việc cố gắng chọn người thay thế thẩm phán Ginsburg chỉ hai ngày sau khi bà tạ thế là một việc làm chính trị và mưu mẹo. Nhưng cố gắng gán cho nó một lý do cao đẹp như để bảo vệ nền tư pháp Mỹ, để đảm bảo dân chủ… là một việc làm rất mị dân.
Đó là chưa kể đến việc thẩm phán Ginsburg qua đời gây bất lợi cho Biden hơn là cho Trump, vì bà Ginsburg vốn được đánh giá là thẩm phán bên phe Dân chủ, do một tổng thống Dân chủ bổ nhiệm. Sau khi bà qua đời, cơ cấu thẩm phán ở Tối cao Pháp viện hiện nay vẫn là năm người do Đảng Cộng hòa bổ nhiệm (trong đó có hai do Trump bổ nhiệm) và ba người do Đảng Dân chủ bổ nhiệm.
Thêm nữa, trong bốn năm nhiệm kỳ, Trump đã bổ nhiệm gần 200 thẩm phán tòa liên bang, gần ¼ số thẩm phán đương nhiệm và nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào trong nhiệm kỳ đầu tiên. Vì thế, ngay cả khi ta tin rằng tòa liên bang Mỹ thực chất chỉ là trò chính trị thì Trump cũng đã quá lợi thế rồi. Do vậy, nỗi lo của những người ủng hộ Trump càng không có cơ sở.
Thay vào đó, người ta nên lo lắng rằng việc ăn nói hai lời của thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trong một quyết định quan trọng như vậy không khác gì một cuộc đua xuống đáy.
Quốc hội Mỹ vận hành hiệu quả cho đến hôm nay không chỉ bằng luật lệ mà còn bằng những truyền thống bất thành văn được cả hai bên tôn trọng. Những truyền thống đó đã bị xói mòn trong bốn năm ông Trump làm tổng thống và bốn năm khi Đảng Cộng hòa nắm giữ Quốc hội dưới thời Obama.
Hãy thử tưởng tượng – nếu Đảng Cộng hòa cố gắng bổ nhiệm người thay thế thẩm phán Ginsburg, đó sẽ là vị thẩm phán được phê chuẩn với thời gian ngắn nhất (người từng được phê chuẩn trong thời gian ngắn nhất cho đến nay chính là cố thẩm phán Ginsburg – trong 50 ngày, dài hơn thời gian còn lại cho đến ngày bầu cử) trong một quy trình qua loa nhất (30 tiếng tranh luận) trong lịch sử hiện đại Mỹ (từ năm 2017, Thượng viện do Đảng Cộng hoà lãnh đạo đã kích hoạt cái gọi là “lựa chọn nguyên tử” – nuclear option – trong đó giới hạn thời gian thảo luận cho vị trí thẩm phán có thể còn 30 tiếng đồng hồ). Sau đó, khi Đảng Dân chủ nắm quyền trong Quốc hội, họ sẽ “sửa sai” bằng cách sửa Đạo luật Tư pháp 1869 và tăng số thẩm phán thành 13 để tổng thống có thể lại bổ nhiệm thêm bốn thẩm phán nữa. Vòng tròn này sẽ lặp đi lặp lại và nền dân chủ Mỹ lúc đó sẽ không khác gì một trò đùa.
Và đó cũng chính là lý do mà hai thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa là Susan Collins và Lisa Murkowski đã tuyên bố không phê chuẩn thẩm phán trước kỳ bầu cử. Nước Mỹ cần thêm hai thượng nghị sĩ Cộng hòa làm điều đó nữa để mọi thứ không quá vượt tầm kiểm soát.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.