Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Những diễn biến cập nhật từ ngày thứ ba (9/9/2020) của phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm.
Theo báo điện tử Zing, Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội đã đề nghị tòa tuyên tử hình Lê Đình Công và Lê Đình Chức. 27 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân.
Hai bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức bị truy tố về tội giết người.
Cùng bị truy tố tội danh giết người còn có các bị cáo Lê Đình Doanh (bị đề nghị mức án chung thân), Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến (bị đề nghị mức án 16-18 năm tù), và Nguyễn Văn Tuyển (bị đề nghị mức án 14-16 năm tù).
Có 19 bị cáo khác được kiểm sát viên chuyển tội danh từ giết người sang tội chống người thi hành công vụ. Tổng cộng có 23 bị cáo bị truy tố với tội danh này và bị đề nghị mức án từ 15 tháng tù treo đến 7 năm tù giam.
Thông tin công khai ban đầu cho biết phiên tòa dự kiến kéo dài 10 ngày, nhưng mới chỉ sau hai ngày, Viện Kiểm sát đã ra kết luận đề nghị hình phạt cho các bị cáo.
Việc này có được là nhờ vào tốc độ làm việc cực nhanh của tòa, khi mỗi bị cáo chỉ bị xét hỏi vài phút, đến mức luật sư chạy đua cũng không kịp ghi lại đầy đủ các nội dung hỏi đáp.
Trả lời phỏng vấn trên BBC, luật sư Ngô Anh Tuấn cũng nêu điểm đáng chú ý trong phiên xử ngày hôm qua 8/9/2020, khi các bị cáo đồng loạt khai, xin nhận tội hết.
Theo luật sư Tuấn, điều này có thể là do đối diện với các mức án nặng, các bị cáo nghĩ rằng nếu có phản cung cũng không chống lại được thực tại nên họ chấp nhận nhận hết lỗi lầm để xin nhẹ tội.
Trong ngày thứ ba của phiên xử, luật sư Lê Văn Luân phản ánh việc Hội đồng Xét xử liên tục ngắt lời ông khi luật sư tranh luận về tính hợp pháp và giá trị pháp lý của các dữ liệu điện tử (những video không rõ nguồn gốc được trình chiếu tại tòa, những clip ghi lại lời nhận tội của các bị cáo trong giai đoạn điều tra nhưng không được nhắc đến trong hồ sơ vụ án).
Đáng chú ý là thời điểm đó chủ tọa “đi ra ngoài”, một thẩm phán ngồi cạnh làm thay chức năng và cảnh cáo luật sư “bào chữa vào nội dung, không giải thích luật, không dùng luật nữa”, nếu không sẽ bị coi là “vi phạm phiên tòa” và “mời ra khỏi phiên tòa”.
Trong ngày xét xử đầu tiên, lực lượng bảo vệ tòa đã ngăn cản luật sư tiếp xúc các thân chủ. Các luật sư phản đối thì chủ tọa khi đó đã tuyên bố luật sư và bị cáo “không cần thiết” tiếp xúc tại tòa – một việc hoàn toàn trái luật.
Sau khi các luật sư phản ứng mạnh bằng việc gửi đơn khiếu nại lên Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội ngay giờ nghỉ trưa, vào buổi sáng ngày thứ hai của phiên xét xử, tòa đã chấp thuận không cản trở việc tiếp xúc theo luật định này.
Nhưng theo phản ánh của luật sư Đặng Đình Mạnh với BBC, tới buổi chiều ngày thứ hai của phiên xử, tòa lại thay đổi, yêu cầu luật sư phải đăng ký trước mới được gặp thân chủ, và phải đứng cách xa thân chủ hai mét. Đến ngày thứ ba của phiên tòa, “họ hoàn toàn không cho chúng tôi gặp (các thân chủ) nữa.”
Luật sư nhận định sự thay đổi ngược này có thể là do khi phiên tòa diễn ra, đến phần luật sư hỏi bị cáo thì “có nhiều phần thông tin được hé lộ ra”.
Ngoài việc tự quyết định luật sư “không cần thiết” tiếp xúc bị cáo, trong phiên xử ngày thứ hai chủ tọa còn dùng lý do “không cần thiết” để trả lời cho đề nghị của các luật sư yêu cầu công bố danh sách các “bằng chứng video” mà tòa đã trình chiếu để tất cả những người tham gia vụ án đều có thể tiếp cận và tìm hiểu.
Theo đó, Hội đồng Xét xử sẽ không công bố nguồn gốc và thông tin về các chứng cứ này vì “không cần thiết”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh thuật lại vào cuối ngày xét xử thứ hai, ông đã quay xuống hàng ghế các bị cáo ra câu hỏi chung cho 29 người: Nếu những ai CÓ bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì ngồi yên, những ai KHÔNG bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì vui lòng giơ tay.
Có 10 người giơ tay, 19 người không giơ tay.
Trả lời phỏng vấn của Luật Khoa, chị Nguyễn Thị Duyên – vợ bị cáo Lê Đình Uy, cháu dâu ông Lê Đình Kình – đã khẳng định:
“Ở trong làng Đồng Tâm chúng tôi thì người dân Đồng Tâm rất thương xót cho cái chết của cụ Lê Đình Kình, cũng như những sự mất mát quá lớn trong gia đình tôi, cũng như những người anh, người em, người bác, người chú, người cô bị bắt đi trong đêm 9/1. Thì họ đều rất là đau xót.
Tôi khẳng định họ rất đau xót nhưng không dám thể hiện gì, bởi vì cứ thể hiện ra là bị các thế lực trong làng Đồng Tâm, công an ngăn chặn ngay. Dọa dẫm, có sự dọa dẫm. Đây là sự thật vì nhiều người đã bị gọi lên đồn, ủy ban xã và đe dọa là không được đến nhà tôi. Họ muốn đến thắp nhang cho cụ Lê Đình Kình nhưng đều đã bị an ninh ngăn cản vì nếu đến thắp nhang cho cụ thì bị liên lụy gì đó. Nên họ rất sợ hãi và họ không dám đến, mặc dù rất thương xót cụ.
Họ đều có một sự thể hiện âm thầm, âm thầm đi ra ngôi mộ của cụ thắp hương cho cụ chứ không hề dám đến nhà tôi. Cứ đến nhà tôi thì đã bị camera đối diện theo dõi và có thể tố cáo ngay và khi họ đến thì chắc chắn là sẽ có an ninh gọi đi ngay.
Ngay cả việc thắp nhang cho một người đã khuất cũng không được tự do thì tôi cảm thấy không hoàn toàn phục với an ninh ở xã Đồng Tâm chúng tôi.
Nhưng khẳng định với mọi người người dân rất thương và ủng hộ những người dân Đồng Tâm đang bị bắt. Họ đã thể hiện bằng cách nhắn tin hoặc gặp đâu rồi động viên đấy chứ không ghét bỏ gì gia đình tôi hay bất kỳ một người anh chị em, cô chú bác nào bị bắt, và tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi sống với người dân Đồng Tâm.”