Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Dưới đây là những diễn biến đáng chú ý trong ngày xét xử thứ hai.
Theo thông tin từ luật sư Lê Văn Luân, sáng nay các luật sư đã được tiếp xúc với thân chủ của mình.
Như đã đưa tin, trong ngày xét xử đầu tiên, lực lượng an ninh bảo vệ tòa đã ngăn cản không cho các luật sư tiếp xúc với các bị cáo. Khi các luật sư yêu cầu Hội đồng Xét xử phải tôn trọng quyền của bị cáo và luật sư, chủ tọa đã bác bỏ và công khai tuyên bố việc luật sư và bị cáo tiếp xúc tại phiên tòa là “không cần thiết”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh tham gia bào chữa trong phiên tòa đã nêu ra hai điểm bất thường về các video được tòa công chiếu trong buổi chiều ngày xét xử thứ nhất.
Ở phần xét hỏi, tòa cho trình chiếu một đoạn phim được làm theo phong cách phóng sự, kể lại sự việc theo quan điểm của chính quyền, từ việc người dân đã khiếu kiện đất đai không đúng, cho đến hậu quả là chống lại lực lượng tấn công vào làng Đồng Tâm, dẫn đến cái chết của ba người chiến sĩ. Cuối phim chiếu cảnh tang thương của gia đình ba chiến sĩ “bị hại”, cảnh vợ khóc, con thơ…
Theo luật sư, đây là điều chưa từng có tiền lệ, khi những thứ được trình chiếu ở tòa án trong quá trình xét xử phải là chứng cứ của vụ án, những tình tiết có thật, nguyên vẹn và không bị chỉnh sửa, chứ không phải một đoạn phim cắt gọt dựng lại.
Vấn đề thứ hai là khi xét hỏi các bị cáo, với mỗi bị cáo tòa lại cho chiếu một video ghi lại cảnh họ khai nhận tội. Các video này hoàn toàn không được nhắc đến trong hồ sơ vụ án như yêu cầu trong luật. Các luật sư vì vậy chưa hề có cơ hội để xem và tìm hiểu về nó. Luật sư Mạnh đánh giá hành động này như “để lừa dối các luật sư”, khiến họ bất ngờ và bất bình.
Các luật sư đã cùng soạn đơn đề nghị gửi Hội đồng Xét xử và Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu được cung cấp “danh sách” các chứng cứ điện tử này.
Các tờ báo quốc doanh lớn như Dân Trí, Tuổi Trẻ… đều tường thuật về vụ án theo hướng các bị cáo nhận tội.
Theo báo Dân Trí, “Trước tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, bày tỏ sự ăn năn, hối cải, mong được hưởng sự khoan hồng; đồng thời gửi lời chia buồn, xin lỗi đến gia đình 3 chiến sĩ hy sinh.”
Còn theo báo Tuổi Trẻ, bị cáo Bùi Viết Hiểu chủ động “giơ tay xin được trình bày”, “xin lỗi hội đồng xét xử” vì những lời khai của ngày hôm qua, thừa nhận mình thiếu hiểu biết về chính sách đất đai, qua đó “mong tòa cho hưởng sự khoan hồng của pháp luật vì đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại.”
Báo Tuổi Trẻ còn đưa tin bị cáo Mai Thị Phần tham gia đi khiếu kiện nhiều năm vì “được ông Lê Đình Kình hứa giữ đất để sau đó chia cho những người theo tổ đồng thuận.” Tờ báo mô tả bị cáo “cúi mặt ấp úng” thừa nhận “chúng em làm sai trái, thiếu hiểu biết, thấy việc làm của mình là sai.”
Các báo nhà nước đều im lặng không tường thuật trường hợp bị cáo chất vấn ngược lại Hội đồng Xét xử.
Theo thông tin từ luật sư Đặng Đình Mạnh, bị cáo Bùi Thị Nối khi tới lượt xét hỏi của mình đã liên tục chất vấn ngược lại tòa, “Tại sao có luật pháp mà không thi hành? Tại sao không bắt bố Nối (tức cụ Kình) đàng hoàng, mà lại lừa ra đồng đánh gãy chân bố Nối?…”.
Khi chủ tọa hỏi đến lần thứ ba “bà mua xăng để làm gì”, bà Nối mới trả lời “Mua xăng để thiêu chết bọn tham nhũng!”.
Chủ tọa sau đó đã cho cảnh sát dẫn giải trục xuất bà ra khỏi phòng xét xử.
Một nhóm các tổ chức xã hội dân sự đã khởi xướng một đơn yêu cầu khẩn cấp gửi các lãnh đạo chính quyền và tiến hành thu thập chữ ký, trong đó có nội dung sau:
“Coi ông Bùi Viết Hiểu là nhân chứng đặc biệt, phải bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu một cách đặc biệt; tốt nhất nên chuyển ông đến nơi giam giữ khác không do công an quản lý.”
Lý do được giải thích:
“Ông Bùi Viết Hiểu đã chứng kiến một cảnh sát đã bắn chết cụ Lê Đình Kình từ phía trước, phù hợp với dấu vết hai viên đạn xuyên từ ngực sang lưng (hoàn toàn ngược với kết luận điều tra là bắn từ phía sau lưng) ngay trước mặt ông Hiểu. Bản thân ông Hiểu người thứ hai trong tổ Đồng thuận sau cụ Lê Đình Kình, cũng đã bị bắn trong thời điểm và tại địa điểm ấy, như ghi nhận sau đây về lời khai của ông: Sau khi bắn chết ông Kình, người ta soi đèn sáng và bắn vào 2 phát vào ông. Việc ông thoát chết là nằm ngoài dự tính của người bắn vì họ nhắm bắn vào tim nhưng đạn sượt xuống sườn và chạm nổ khiến ông bị thủng 3 lỗ hành tá tràng, 2 lỗ đại tràng. Tới gần 11g trưa ngày 09/01/2020, sau thời gian chờ chết nhưng ông không chết mà rơi vào trạng thái hôn mê, thì mới được đem đi cấp cứu.”
Luật Khoa đã tiến hành phỏng vấn cô Nguyễn Thị Duyên – vợ bị cáo Lê Đình Uy, cháu dâu ông Lê Đình Kình.
Cô chia sẻ:
“Tôi rất là sợ là người thân của mình sẽ phải chịu những hình phạt rất nặng nề mặc dù người tấn công người dân Đồng Tâm trong đêm không phải là từ phía người dân mà là do chính quyền đã tấn công trước.”
“Tôi hay là người thân của chúng tôi cũng đều nghe rất nhiều người đã nói là sẽ có án tử và ngay cả bản thân tôi trong gia đình có bố Lê Đình Công, chú Lê Đình Chức và anh Lê Đình Doanh, nhiều người nói họ sẽ phải bị tử hình.”
“Nếu những người có thẩm quyền ra tay để cho gia đình chúng tôi tan nát như vậy thì không có lương tri. Cụ Kình, một người già như vậy đã chết rất thảm trong sự kiện 9/1. Tôi hy vọng những người đang cầm trịch phiên tòa hãy suy nghĩ thật thấu đáo vì không đơn giản như mọi người nghĩ về người dân Đồng Tâm chúng tôi.”
“Nếu có án tử hình chúng tôi sẽ không ngừng đấu tranh cho người thân thoát án tử đó và không thể nào ngồi yên để cho người thân của chúng tôi phải chịu một cái chết rất là oan ức.”
***
Đọc toàn bộ diễn biến phiên tòa hôm nay tại đây.