Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Người Việt Nam có câu tục ngữ: “Miệng quan, trôn trẻ”. Câu này có vẻ đúng với cả quan Ta lẫn quan Tây.
Tôi thấy buồn cười khi Donald Trump chọn khẩu hiệu cho chiến dịch tranh cử của mình là “Chiến đấu vì bạn”. Quả là ở đâu có chính trị thì ở đó có mị dân.
Khi Trump chuẩn bị nhận đề cử của Đảng Cộng hòa, ban vận động tranh cử của ông thông báo:
“Dựa trên những thành tích phi thường của nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, hôm nay chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống công bố một loạt các ưu tiên cốt lõi cho nhiệm kỳ hai dưới khẩu hiệu: ‘Chiến đấu vì bạn!’”
“Sự lạc quan vững vàng không giới hạn vào sự vĩ đại của nước Mỹ được thể hiện trong các mục tiêu trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, và trái ngược hoàn toàn với phiên bản Hoa Kỳ u ám của Joe Biden và Đảng Dân chủ”.
Một lẽ đương nhiên, tổng thống tại nhiệm phải nói về thành tựu, những mặt tốt của đất nước trong thời gian cầm quyền. Còn người thách thức thì phải nói về mặt trái, những thất bại mà chỉ ông ta, chứ không phải cái ông đang cầm quyền tệ hại kia, mới giải quyết được.
Về phương diện mị dân, Joe Biden, đối thủ của Trump cũng chẳng khác gì. Trong bài phát biểu nhận đề cử Đảng Dân chủ, ông hứa hẹn:
“Với tư cách là tổng thống, tôi sẽ hứa với các bạn rằng: Tôi sẽ bảo vệ Hoa Kỳ. Tôi sẽ bảo vệ chúng ta khỏi các cuộc tấn công, vô hình hay hữu hình. Luôn luôn. Không có ngoại lệ. Mọi lúc”…
“Ở đây, bây giờ, tôi xin hứa với các bạn rằng: Nếu các bạn tin giao vị trí tổng thống cho tôi, tôi sẽ thu gom những gì tốt nhất, chứ không phải xấu nhất của chúng ta. Tôi sẽ là đồng minh của ánh sáng chứ không phải bóng tối”…
Những lời nói này của Biden thì khác gì với Trump? Hay nói thẳng ra nó khác gì với câu “Đảng ta luôn luôn chăm lo cho đời sống của nhân dân”?
Tất nhiên khi các ông Tây nói thì nhiều khi không cầm giấy đọc và nghe du dương hơn ông Ta, nhưng về bản chất thì cũng như nhau: sáo rỗng.
Trong một video có tựa đề “Không nên bỏ phiếu cho ai?” (Who not to vote for) của kênh Youtube PragerU, tác giả nói rằng ông nào đứng lên tuyên bố “tôi sẽ chiến đấu vì bạn” thì đó là người mà bạn nên dè chừng nhất. Lý do là ông ta đang ‘nói phét’. Chỉ năm phút sau khi nói câu này, ông ta sẽ quên béng mất bạn và các vấn đề của bạn; đi sang một bang khác; lặp lại lời hứa y hệt trước những lá phiếu khác đầy háo hức.
Một chi tiết thú vị trong chuyện này là kênh PragerU vốn có xu hướng ủng hộ Đảng Cộng hòa. Ba tháng sau khi họ đăng video ấy, Donald Trump được chọn làm ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, và nói đúng câu “Tôi sẽ chiến đấu vì bạn” trong phát biểu chấp nhận đề cử. Video “Không nên bỏ phiếu cho ai”, sau đó được âm thầm sửa lại tên thành “Chính quyền không có nhiệm vụ giải quyết vấn đề cá nhân của bạn”.
Từ tương đương trong tiếng Anh của kẻ mị dân là “demagogue”. Theo định nghĩa của từ điển Cambridge, từ này chỉ một người, thường là lãnh đạo chính trị, chiếm được sự ủng hộ bằng cách kích động cảm tình của người dân hơn là bằng lập luận lý trí hoặc các ý tưởng đúng đắn.
Chính trị gia mị dân là một người giỏi hùng biện, giỏi thao túng cảm xúc đám đông, cả tích cực lẫn tiêu cực. Người mị dân dễ dàng hứa hẹn hào nhoáng, đao to búa lớn, nhưng mơ hồ, thiếu giải pháp thực tế và dễ trốn tránh trách nhiệm khi thực hiện.
Mị dân không phải là một từ mới. Nó đã có từ khi nền dân chủ mới xuất hiện, từ những năm 400 trước Công nguyên ở Hy Lạp.
Kẻ mị dân (demagogue) có gốc rễ từ chữ Hy Lạp “demagogos”, có nghĩa là “lãnh đạo của thường dân”, hoặc là “thủ lãnh băng du côn”, kết hợp giữa hai chữ demos (dân) với agōgos (lãnh đạo). Theo nghĩa lịch sử từ những năm 1650, mị dân là “một người lãnh đạo đám đông, một thành phố cổ hoặc một nhà nước, một người gây ảnh hưởng tới quần chúng bằng tài hùng biện hoặc thuyết phục”.
Mặc dù ngày nay hầu hết chúng ta dùng từ “mị dân” với một nghĩa xấu, không phải học giả nào cũng đồng ý như vậy. Oxford Reference coi tất cả các lãnh đạo phương Tây đều là kẻ mị dân ở một mức độ nào đó, với nghĩa chỉ lãnh đạo nhà nước dân chủ.
Còn tác giả Loren J. Samons của cuốn sách “Vấn đề của Nền Dân chủ”, thì cho rằng, bởi vì từ “demagogos ” rõ ràng chỉ một người lãnh đạo hay dẫn dắt đám đông, việc sử dụng từ này chủ yếu với sắc thái ý nghĩa “kẻ ma cô chính trị” gần như đảo ngược nghĩa gốc của nó. Từ “demagogos” trên thực tế ám chỉ rằng người dân cần có người dẫn dắt, và quyền lực chính trị của người đó, ít nhất một phần, được thực hành đúng đắn thông qua lãnh đạo.
Có người coi mị dân là hệ quả tất yếu của nền dân chủ, bởi nó đảm bảo cho mọi người quyền được nói và quyền được bỏ phiếu ngang bằng. Chính vì lý do này, Socrates ghét dân chủ. Đặt vấn đề theo Socrates, nếu bạn chuẩn bị du hành ra biển khơi, bạn sẽ chọn ai làm thuyền trưởng? Bất kỳ ai hay chỉ những ai đã được qua đào tạo về tàu bè?
Theo triết gia này, việc bỏ phiếu là một kỹ năng chứ không phải trực giác sinh ra đã có. Và như mọi kỹ năng khác, nó phải được dạy một cách có hệ thống cho người dân. Để cho công dân bỏ phiếu mà không được giáo dục thì cũng vô trách nhiệm như việc ném họ vào một con tàu trong cơn bão.
Trớ trêu thay, Socrates lại trở thành nạn nhân của chính kiểu bỏ phiếu dân chủ này. Năm 399 trước Công nguyên, ông bị đem ra xử án vì tội “làm hư hỏng giới trẻ ở Athens”. Trong bồi thẩm đoàn 500 người, 280 người bỏ phiếu ông có tội, và vì thế ông bị xử tử bằng thuốc độc.
Ta xét thêm một số ví dụ sau:
Barack Obama từng tuyên bố sẽ “thay đổi một cách cơ bản nước Mỹ” với khẩu hiệu “Change”. Nhưng sau tám năm, ai có thể trả lời rằng ông đã làm nước Mỹ thay đổi cơ bản ở điều gì ngoài việc bầu lên một tổng thống da màu đầu tiên? Các khảo sát còn chỉ ra mâu thuẫn sắc tộc Mỹ tồi tệ hơn trong thời gian ông cầm quyền, bất chấp các chính sách ưu đãi cho người da màu.
Donald Trump cũng tuyên bố “Phục hưng sự vĩ đại của Mỹ”, nhưng hết bốn năm rồi, nước Mỹ đã “vĩ đại trở lại” hay chưa? Trước đại dịch, Trump tuyên bố ông đã thành công và nay khẩu hiệu của ông sẽ là “Giữ sự vĩ đại của nước Mỹ”. Tuy nhiên, việc Mỹ lâm vào dịch bệnh, xung đột, biểu tình, kinh tế suy giảm đã khiến Trump phải tìm đến một khẩu hiệu khác. Phe Biden, Obama và những người phản đối thì phê phán Trump đã phá nát nước Mỹ và hủy hoại vị thế quốc gia.
Bây giờ chúng ta hãy thử so sánh với một số khẩu hiệu của quan ta:
Nhưng khẩu hiệu cũng là một thứ đầy sức mạnh. Quy tắc tuyên truyền của Đức Quốc xã là một lời nói dối, lặp lại đủ lâu sẽ trở thành sự thật. Việc nhồi nhét các khẩu hiệu mị dân vào đầu óc của người dân một nước để rồi biến nó thành “điều tự nhiên” có thể thấy rõ ở các nước độc tài, nơi người dân không có quyền phản biện và phê phán chính quyền. Một bộ phận không nhỏ sẽ bị các khẩu hiệu này làm cho tê liệt tư duy, coi sự bấu víu vào đảng cầm quyền là chân lý.
Đến đây, ta thấy giá trị của giáo dục, tư duy độc lập và một đầu óc phản biện. Ta phì cười vào các phát ngôn lố bịch của quan ta, nhưng lại say mê lắng nghe một ông chính trị gia mị dân phương Tây? Ta phải cảnh giác với tiêu chuẩn kép của chính mình.
Theo tôi, chúng ta không nên thần thánh hóa một quan Ta, Tây hay Tàu nào cả, bởi dẫu nói giỏi đến đâu, nhiều khả năng ông, bà ấy cũng chỉ đang cố gắng kiếm phiếu mà thôi. Điều đáng tiếc nhất là người Việt Nam, vì yêu ghét, thần tượng hóa cá nhân đối một ông tổng thống bên Tây cách đây nửa vòng trái đất mà mạt sát, đấu tố, dèm pha, thậm chí nghỉ chơi nhau.
Ông Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa có câu nói nổi tiếng: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy xem những gì cộng sản làm”. Có thể thay chữ “cộng sản” bằng tên bất kỳ ai đang mong đắc cử thì nó cũng đúng.
Vậy ta hãy thực hành quan sát bầu cử của nước bạn bằng một cái đầu lạnh. Chúng ta hãy cứ nhiệt huyết theo dõi diễn biến sôi nổi của nền dân chủ được xem là “vĩ đại” nhất thế giới để phán xét, nhìn nhận cả cái đúng, cái sai. Bởi vì Việt Nam ta đang thiếu cả những người mị dân có tầm và cái quyền được tự do vạch mặt những kẻ mị dân đó.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.