Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nhà báo Phạm Đoan Trang, sáng lập viên của Luật Khoa tạp chí, đang bị cầm tù. Tuy vậy, cô không mưu cầu một phong trào đòi tự do cho riêng mình. Điều cô mong mỏi, là việc mình đi tù sẽ trở thành cơ hội để những cuốn sách cô viết có thêm nhiều người đọc, thông qua đó phổ biến kiến thức pháp luật và chính trị đến mọi người dân Việt Nam. Đó là lý do mà Ban biên tập Luật Khoa muốn mời bạn cùng đọc sách với Đoan Trang, mỗi tuần, vào thứ Ba, ngày mà cô bị bắt đi.
Và lúc nào cũng vậy, chúng tôi hoan nghênh bạn đọc chia sẻ suy nghĩ của mình tại đây.
***
Mọi chính quyền trên đời này đều do dân nuôi. Các chính quyền độc tài, cho dù khét tiếng trong việc dùng bạo lực và lực lượng quân đội an ninh để “trị dân”, cũng không phải là ngoại lệ. Họ đều hoàn toàn phụ thuộc vào người dân.
Đó là lý do tất cả các chính quyền đều xây dựng cho mình “tính chính danh”, từ tiếng Anh là “legitimacy”.
Trong quyển sách “Chính trị bình dân”, tác giả Phạm Đoan Trang đã dành nhiều thời lượng nội dung để bàn về tính chính danh này.
Theo đó, “tính chính danh là niềm tin phổ biến của các thành viên trong một xã hội rằng quyền lực của chính quyền hay đảng cầm quyền là đúng, chính đáng, hợp lý, hợp pháp, và vì thế dân chúng phải phục tùng.”
Công cụ để khiến cho người ta tin không thể là bạo lực. Bạo lực chỉ làm người khác sợ hãi, lánh xa và tới một mức độ nào đó chắc chắn sẽ dẫn đến phản kháng.
Để khiến cho dân tin rằng quyền lực mình đang nắm giữ là “đúng, chính đáng, hợp lý và hợp pháp”, chính quyền buộc phải dùng đến các biện pháp truyền thông, mà trong nhiều trường hợp, đặc biệt là ở các thể chế độc tài, nó được biến đổi thành tuyên truyền.
“Tuyên truyền” có gì khác biệt với “truyền thông”?
Như định nghĩa trong sách “Chính trị bình dân”, tuyên truyền là việc “đưa ra những thông tin có chọn lọc, có nội dung thiên vị, không công bằng, sai lệch, bóp méo để tác động tới một đối tượng nào đó, nhằm phát tán và/hoặc đẩy mạnh một quan điểm chính trị nào đó.”
Như vậy, nó là một hình thức truyền thông, nhưng là truyền thông kiểu “ăn gian”: nói xấu nói xạo, nói tăng nói giảm, nói ngang nói ngược, nói nhăng nói cuội… chỉ để đạt được mục đích của mình.
Và không có gì minh họa cái gian manh đó của tuyên truyền trong các chế độ độc tài bằng hình ảnh chiếc tivi.
Những ai thuộc thế hệ 7x, 8x trở về trước hẳn vẫn còn nhớ cảm giác bồi hồi khi lần đầu được xem tivi, được nghe những “người trong cái hộp” nói chuyện, và cảm nhận được thứ “quyền lực” trong mọi thứ phát ra từ cái hộp đó.
Ngày nay, Internet đã phủ khắp hành tinh, ngành truyền thông đã trải qua nhiều biến đổi sâu rộng, nhưng ấn tượng về quyền lực của chiếc tivi vẫn còn đó, đặc biệt với người dân ở những xứ sở như Việt Nam. Theo điều tra của Broadcasting Board of Governors và Gallup năm 2015, truyền hình vẫn thống trị (95,8%) trong số những lựa chọn phương tiện tiếp nhận thông tin của người Việt Nam.
“Đi làm về, bật tivi” vẫn là thói quen của đại đa số người Việt. Và nếu “được lên tivi”, rất nhiều người vẫn sẽ hãnh diện đi khoe với bạn bè người quen.
Hiểu được sức mạnh của chiếc tivi, các thể chế độc tài xưa nay đều luôn tìm cách kiểm soát hoàn toàn ngành truyền hình, biến nó thành trái tim của chế độ.
Vào thời điểm nước Đức còn bị chia cắt thành hai phần, phần Tây Đức theo chế độ tư bản, còn Đông Đức được đặt dưới chế độ cộng sản, nhịp tim khác biệt của hai nơi này thể hiện rõ ràng qua những chiếc tivi.
Trong quyển sách của mình, nhà báo Đoan Trang kể lại câu chuyện về nước Đức thời đó:
Nhiều người Đức cho rằng truyền hình (ngoài luồng) đóng một vai trò quan trọng khiến chế độ cộng sản ở Đông Đức cũ thất bại trước Tây Đức dân chủ tự do, và nước Đức thống nhất.
Ấy là do trước thời điểm thay đổi, những người dân Đông Đức đã được tiếp xúc với thông tin từ Tây Đức qua truyền hình. Đặc ủy nhân quyền Đức Christoph Strässer kể với người viết trong một cuộc trò chuyện vào sáng 5/6/2015 tại Hà Nội: “Ở CHDC Đức hồi đó, có quy định ăng-ten (antenna) chỉ được quay sang một hướng nhất định thôi, hướng đài truyền hình quốc gia. Nhưng nhiều người, ví dụ ở vùng Đông Berlin, vẫn sáng tạo lắm, họ làm cách nào đấy để nhận được thông tin, hình ảnh từ Tây Đức”.
Và thế là dân chúng Đông Đức hiểu rằng trong khi họ đang phải “xếp hàng cả ngày”, phải tiêu dùng những hàng hóa chất lượng tồi, phải sống đời sống văn hóa-tinh thần nghèo nàn, xám xịt và bị kiểm soát, thì ngay sát bên họ, có một nước Đức khác. Một Tây Đức phồn vinh, mức sống cao trong một xã hội tiêu thụ đầy màu sắc rực rỡ, và có những ban nhạc như Modern Talking, Scorpions…
Họ bắt đầu khao khát, ước mơ, hoặc là ghen tị, thèm muốn… Gọi là gì cũng được, tùy chúng ta nghĩ. Nhưng rõ ràng là đã có một thời truyền hình góp phần mở cửa ra thế giới, thúc đẩy ước mơ và dẫn đến thay đổi xã hội theo hướng dân chủ hóa.
Bài hát Geronimo’s Cadillac của Modern Talking (1986) có câu “chiếc xe Cadillac của Geronimo làm tất cả các cô gái đều phát khùng”. Có lẽ cuộc sống đầy màu sắc ở Tây Đức ngày đó cũng đã làm rất nhiều người Đông Đức “phát khùng”.
Ngày nay, người dân Đức nói riêng và người dân ở các nước hậu cộng sản nói chung đều không còn phải lén lút để tìm cách xem các kênh truyền hình khác. Với người dân Việt Nam, cùng với đó là người dân Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, câu chuyện vẫn không mấy khác biệt.
Trên danh nghĩa, Việt Nam hiện tại có hàng trăm đài truyền hình (mà theo lời của một vị cựu quan chức chính quyền, “Việt Nam có nhiều đài truyền hình nhất thế giới” – vị cựu quan chức này, vào cuối năm 2019 đã bị tuyên án chung thân vì tội tham nhũng).
Trên thực tế, tất cả các cơ quan báo chí truyền thanh truyền hình của Việt Nam đều có chung một “tổng biên tập” là Ban Tuyên giáo. Nội dung các tin tức về chính trị vì vậy đều gà cùng một mẹ. Thậm chí đến khung giờ cố định, các đài truyền hình đều buộc phải tiếp sóng chương trình thời sự của Đài truyền hình Quốc gia VTV – người xem tivi chạy trời cũng không thoát móng vuốt của Ban tuyên giáo.
Các quan chức độc tài sống chết cũng phải buộc tất cả người dân đập chung nhịp đập với mình.
Nhưng lịch sử cho thấy, đó là chỉ ảo tưởng.
Câu chuyện về những chiếc tivi đi dạo phố ở Ba Lan là một minh chứng. Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu từng kể lại chuyện này trên facebook cá nhân với tựa đề: “Làm thế nào để không phải nghe một chương trình thời sự nói dối?”.
Đó là thời điểm năm 1982 tại Ba Lan, khi chính quyền cộng sản kiên quyết dùng bạo lực trấn áp các hoạt động đấu tranh của Công Đoàn Đoàn Kết. Xe tăng, quân đội và các vụ bắt bớ tràn ngập khắp nơi, nhưng tuyệt nhiên không xuất hiện trên các bản tin truyền hình. Thay vào đó, những chiếc tivi của chính quyền vẫn ra rả hình ảnh một đất nước tươi đẹp dưới một chế độ nhân văn.
Người dân Ba Lan quyết định phản đối bằng việc không thèm xem tivi nữa. Cứ đúng 7h30 tối, khi chương trình thời sự bắt đầu phát, người dân lại rút dây điện đem tivi ra ban công. Cảm thấy chưa đủ, họ còn hẹn nhau đúng giờ thời sự phát sóng là kéo ra công viên dạo mát. Nhiều người sau đó còn dắt theo cả chiếc tivi đi dạo phố để thể hiện sự phản đối.
Mọi hành động trấn áp của chính quyền đều không giúp chế độ độc tài của Ba Lan kéo dài sự sống thêm được bao lâu.
Khi những chiếc tivi tuyên truyền giả dối – trái tim của thể chế độc tài – bị người dân ném ra ngoài đường, không có thần y nào cứu nổi những chế độ vô nhân.