Chính sách đối ngoại của Trump: Thương mại và kinh tế

Trung Quốc không phải nước duy nhất bị nhắm đến trong chiến lược thương chiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: ABC News.
Trung Quốc không phải nước duy nhất bị nhắm đến trong chiến lược thương chiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: ABC News.

Luật Khoa trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách đối ngoại của ứng cử viên kiêm đương kim tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Loạt bài này được dịch từ bảng tổng hợp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR), một viện nghiên cứu lâu đời và có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ. Các dữ liệu trong bảng tổng hợp này được cập nhật tới ngày 11/8/2020.

Kỳ 1: Trung Quốc
Kỳ 2: Quốc phòng và hợp tác quốc tế


Thương mại

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, Donald Trump đã chỉ trích hệ thống thương mại toàn cầu mà ông cho rằng nó bị lợi dụng để chống lại lợi ích của Hoa Kỳ, gây nên tình trạng thâm hụt thương mại lớn, làm giảm sút ngành sản xuất và việc làm của người dân Mỹ.

  • Trump đã rút khỏi thỏa thuận thương mại giữa 12 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương (TPP) của chính quyền Obama trong tuần đầu tiên nắm quyền.
  • Tham gia vào một cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc, áp thuế đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong nhiều giai đoạn và khiến Trung Quốc trả đũa. Các cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa Trump và Tập đã diễn ra, nhưng không thành công.
  • Đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), mà Trump gọi là “một trong những thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được ký kết”. Một thỏa thuận được cập nhật mới với Canada và Mexico (Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada) đã được ký kết vào năm 2018 và được Quốc hội thông qua, sau khi Đảng Dân chủ thương lượng một số điều khoản khắt khe hơn về lao động và môi trường.
  • Hoàn thiện một phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Hoa Kỳ-Hàn Quốc vào năm 2018, cho phép Hoa Kỳ bán nhiều ô-tô hơn vào thị trường Hàn Quốc.
  • Dừng các cuộc thương lượng về đàm phán thương mại Hoa Kỳ-EU vốn diễn ra từ thời Obama, được gọi là Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Trade and Investment Partnership). Sau khi Trump đe dọa áp thuế đối với ô-tô nhập khẩu của EU, ông và các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại mới, mà hiện đang diễn ra.
  • Bắt đầu từ năm 2018, Trump đã áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu mà ông cho là cần thiết để chống lại tình trạng sản xuất dư thừa của Trung Quốc; tuy lệnh áp thuế này đã được áp dụng rộng rãi đối với nhiều nước, bao gồm cả các đồng minh của Hoa Kỳ. Ông cũng áp thuế đối với các tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt nhập khẩu.
  • Gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một “thảm họa”, và đe dọa sẽ rút khỏi tổ chức này. Ông cáo buộc Trung Quốc và những nước khác đã lạm dụng các quy định ưu đãi của WTO đối với các nước đang phát triển.

Kinh tế

Donald Trump nhấn mạnh các chính sách cắt giảm thuế và bãi bỏ những rào cản về kinh tế mà theo ông là giúp thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và tạo việc làm. Đại dịch coronavirus năm 2020 khiến nước Mỹ rơi vào suy thoái, với các khoản chi liên quan đến coronavirus trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia tăng cao.

  • Thúc đẩy dự luật thuế được Quốc hội thông qua vào năm 2017, theo đó giảm thuế suất doanh nghiệp từ 35% xuống 21%, thay đổi cách đánh thuế các công ty đa quốc gia, giảm thuế thu nhập cá nhân, cùng các điều khoản khác.
  • Trong bối cảnh chi tiêu liên bang gia tăng, cùng với thâm hụt ngân sách tăng lên gần 1 nghìn tỷ USD vào năm 2019 và nợ quốc gia vượt quá con số 16 nghìn tỷ USD, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (Congressional Budget Office) ước tính dự luật cải cách thuế năm 2017 sẽ làm tăng thêm gần 2 nghìn tỷ USD vào khoản nợ này trong 10 năm tới.
  • Vào tháng Ba năm 2020, với hoạt động kinh tế tạm ngừng liên quan đến coronavirus, Trump đã một dự luật kích thích trị giá 2 nghìn tỷ USD, là gói kích thích lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Gói này bao gồm: trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho người dân Mỹ, mở rộng trợ cấp thất nghiệp, và một chương trình mới nhằm hướng hàng trăm tỷ USD đến các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn.
  • Tìm cách nới lỏng sự giám sát đối với Phố Wall, cho rằng các tổ chức tài chính đã bị “tàn phá” bởi các quy trình khắt khe. Năm 2018, Trump đã ký ban hành cải cách Đạo luật Dodd-Frank, nhằm giảm bớt các quy định đối với các ngân hàng nhỏ, và chính quyền của ông đã giảm mạnh việc thực thi các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng.
  • Đề xuất một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1,5 nghìn tỷ USD, gồm 200 tỷ USD chi tiêu liên bang trực tiếp, và phần còn lại được tạo ra bởi các ưu đãi của khu vực tư nhân, tuy kế hoạch này chưa được Quốc hội thông qua. Vào năm 2019, Trump đã đồng ý một kế hoạch trị giá 2 nghìn tỷ USD, tuy không thành công, với các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội.

Kỳ tới: COVID-19

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.