Luật Khoa trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách đối ngoại của ứng cử viên kiêm đương kim tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Loạt bài này được dịch từ bảng tổng hợp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR), một viện nghiên cứu lâu đời và có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ. Các dữ liệu trong bảng tổng hợp này được cập nhật tới ngày 11/8/2020.
Kỳ 1: Trung Quốc
Kỳ 2: Quốc phòng và hợp tác quốc tế
Kỳ 3: Thương mại và kinh tế
Kỳ 4: COVID-19
Kỳ 5: Nhập cư
Kỳ 6: Biến đổi khí hậu
Kỳ 7: Chống khủng bố và an ninh mạng
Trung Đông
Các chính sách của Donald Trump đối với Trung Đông đã được định hình bằng sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel, Ả Rập Saudi và Ai Cập, cũng như lập trường cứng rắn hơn đối với Iran. Ông hứa hẹn sẽ kết thúc “các cuộc chiến vô tận” trong khu vực và rút quân của Hoa Kỳ.
- Trump gọi Israel là một “đồng minh thân thiết”. Khi nhậm chức, Trump đã rút khỏi sự đồng thuận lưỡng đảng trước đó và cho rằng ông không hứng thú với một nhà nước Palestine độc lập.
- Năm 2017, ông công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ đến đây. Năm 2019, ông công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan vốn đang bị tranh chấp, là lãnh thổ mà Israel chiếm giữ từ Syria năm 1967.
- Vào tháng Một năm 2020, ông công bố một kế hoạch hòa bình Trung Đông mới với sự hợp tác của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Được soạn thảo mà không có sự tham gia của Palestine, thỏa thuận trên sẽ trao Jerusalem và một phần lớn của Bờ Tây cho Israel, một động thái khiến nhiều quốc gia Ả Rập phản đối.
- Tập trung vào việc đối đầu với Iran, quốc gia mà ông gọi là “nhà tài trợ hàng đầu cho chủ nghĩa khủng bố”. Vào giữa năm 2019, Donald Trump ra lệnh, nhưng cuối cùng đã đình chỉ một cuộc tấn công quân sự vào Iran trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở eo biển Hormuz.
- Vào tháng Một năm 2020, Trump ra lệnh thực hiện một cuộc không kích tiêu diệt chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran, tướng Qasem Soleimani. Đây là nhân vật được nhiều người cho là chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động chống lại lực lượng Mỹ ở Iraq và các nơi khác trong khu vực.
- Năm 2018, Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và khôi phục các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng đối với nước này. Ông cũng ban hành các biện pháp mới, bao gồm cấm vận trực tiếp đối với ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif.
- Hứa sẽ rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Syria, cho rằng Nhà nước Hồi giáo ở đó đã “bị tiêu diệt hoàn toàn”. Mặc dù việc cắt giảm quân liên tục đó đã đi kèm với sự trỗi dậy của các cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria và Iraq.
- Vào tháng 10 năm 2019, Trump tuyên bố rút các lực lượng Mỹ khỏi miền bắc Syria, là nơi Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã tiến hành một chiến dịch quân sự chống lại lực lượng người Kurd. Ngay sau đó, ông đã tuyên bố cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc tấn công này.
- Kể từ đầu chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump đã nhiều lần bày tỏ mong muốn các nước khác, bao gồm cả Nga, chịu trách nhiệm nhiều hơn trong cuộc nội chiến ở Syria. Tuy nhiên, vào năm 2017 và 2018, ông đã cho phép Hoa Kỳ không kích các mục tiêu của chính phủ Syria để trả đũa việc nước này sử dụng vũ khí hóa học.
- Cho rằng quân đội Hoa Kỳ nên ở lại Iraq để chống lại Nhà nước Hồi giáo và “theo dõi Iran”.
- Phát triển mối quan hệ nồng ấm với Ả Rập Saudi, gọi nước này là một “đồng minh tuyệt vời”, và thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Riyadh khi mới đắc cử.
- Ủng hộ Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, cho rằng Hoa Kỳ buộc phải duy trì hợp tác quân sự với vương quốc này.
- Vào năm 2019, Trump đã phủ quyết một nghị quyết của Quốc hội nhằm tìm cách chấm dứt sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến do Ả Rập Saudi dẫn đầu ở Yemen, và ông cũng phủ quyết đạo luật ngăn chặn việc bán vũ khí của Hoa Kỳ cho vương quốc này.
- Trump ủng hộ mạnh mẽ chính phủ Abdel Fatah al-Sisi của Ai Cập, và hoan nghênh Sisi đến thăm Nhà Trắng vào năm 2017 và năm 2019 – là điều mà Obama đã từ chối thực hiện vì những lo ngại về nhân quyền.
Bắc Triều Tiên
Donald Trump đã dành sự quan tâm đáng kể đối với Triều Tiên bằng việc khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp chưa từng có tiền lệ với Kim Jong-un, nhằm thuyết phục nhà lãnh đạo nước này chấm dứt chương trình hạt nhân.
- Trump bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng cách áp đặt các biện pháp cấm vận mạnh mẽ hơn đối với những doanh nghiệp làm ăn với Triều Tiên. Ông đã đe dọa nước này với “bão lửa và cuồng nộ” vào năm 2017, là ngôn ngữ mà chưa một tổng thống thời hiện đại nào từng sử dụng, sau khi Triều Tiên tăng cường các nỗ lực thử tên lửa.
- Sau đó, Trump đã khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp với Kim về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, trong ba lần từ năm 2018 đến năm 2019. Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân đến Triều Tiên trong một cuộc họp ngắn tháng Sáu năm 2019 tại khu phi quân sự (DMZ).
- Tại cuộc gặp đầu tiên tại Singapore vào tháng Sáu năm 2018, cả hải đồng ý tiếp tục các cuộc đàm phán và Trump cam kết chấm dứt các cuộc tập trận chung “mang tính khiêu khích” giữa Mỹ và Hàn Quốc. Trước cuộc gặp đó, Triều Tiên đã trả tự do ba con tin người Mỹ.
- Cuộc gặp chính thức thứ hai vào tháng Hai năm 2019 tại Việt Nam đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, sau khi Trump từ chối yêu cầu của Kim về việc giảm nhẹ các lệnh cấm vận. Triều Tiên kể từ đó đã nối lại việc thử tên lửa.
- Nhiều lần kêu gọi Trung Quốc gây áp lực nhiều hơn đối với đồng minh Triều Tiên trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Bên cạnh đó, Trump cho rằng việc ông sẵn sàng thỏa hiệp với Tập [Cận Bình] về thương mại có thể liên quan đến khả năng Bắc Kinh gây ảnh hưởng lên Bình Nhưỡng.
- Donald Trump cũng yêu cầu Hàn Quốc trả nhiều tiền hơn cho Hoa Kỳ để trang trải chi phí cho gần 30.000 quân Mỹ đóng tại đây.
Kỳ tới: Nga và Mỹ Latin