Chính sách đối ngoại của Trump: Trung Quốc

TT Mỹ Donald Trump trong cuộc họp song phương với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình hôm 1/12/2018 ở Buenos Aires, Argentina. Ảnh:...
TT Mỹ Donald Trump trong cuộc họp song phương với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình hôm 1/12/2018 ở Buenos Aires, Argentina. Ảnh: AP Photo/Pablo Martinez Monsivais.

Tổng thống Mỹ Donald J. Trump (74 tuổi), trong nhiệm kỳ đầu tiên đã theo đuổi một chính sách đối ngoại phản ánh đúng cam kết của ông lúc tranh cử là “Nước Mỹ trên hết” (America first), đối với các thương thảo ngoại giao của chính quyền.

Là người hoài nghi các thể chế quốc tế, Trump đã rút [nước Mỹ] khỏi các cơ quan của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm về y tế và nhân quyền, các thỏa thuận đa quốc gia lớn về khí hậu, lệnh kiểm soát vũ khí và vấn đề Iran; trong khi đó, ông đàm phán lại các thỏa thuận thương mại của Mỹ, gây mâu thuẫn với các đồng minh, áp đặt những hạn chế nhập cư mới và khởi động cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc.

Sinh ra và lớn lên ở Queens, New York, ông Trump đã từng điều hành Trump Organization – một tập đoàn phát triển bất động sản toàn cầu – trong hơn bốn thập kỷ, và là người dẫn chương trình truyền hình thực tế The Apprentice từ năm 2003 đến 2015.

Luật Khoa trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách đối ngoại của ứng cử viên kiêm đương kim tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Loạt bài này được dịch từ bảng tổng hợp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR), một viện nghiên cứu lâu đời và có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ. Các dữ liệu trong bảng tổng hợp này được cập nhật tới ngày 11/8/2020.


Về Trung Quốc

Donald Trump tìm cách đối đầu với Trung Quốc với các hành vi mà theo ông là lạm dụng kinh tế như: ăn cắp tài sản trí tuệ, thao túng tiền tệ, trợ giá xuất khẩu, và gián điệp kinh tế. Trump nói rằng các hành động cứng rắn là cần thiết để bảo vệ người lao động Mỹ và làm giảm sự thâm hụt thương mại song phương lớn của Hoa Kỳ, đồng thời cuộc khủng hoảng coronavirus cho thấy sự cần thiết phải quy trách nhiệm cho Trung Quốc.

  • Trump đã tham gia vào một cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc, áp thuế đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong nhiều giai đoạn, và khiến nước này trả đũa. Đồng thời, ông cũng duy trì các cuộc đàm phán thương mại cấp cao (cả trực tiếp) với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
  • Ban đầu, TT Trump ca ngợi ông Tập về việc xử lý đại dịch coronavirus, nhưng sau đó lại ngày càng chỉ trích phản ứng của Bắc Kinh. Trump đã cáo buộc các nhà lãnh đạo của Trung Quốc che đậy sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, đe dọa sẽ áp các loại thuế mới, và có các biện pháp trả đũa khác. Đồng thời, ông đưa ra các biện pháp khuyến khích các công ty Hoa Kỳ chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
  • Chính quyền Trump lên án dự án “Made in China 2025” – một chính sách công nghiệp do Bắc Kinh triển khai, nhằm đưa Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu thế giới về công nghệ cao. Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ hoài nghi về sự trợ cấp của nhà nước cho dự án, việc đánh cắp tài sản trí tuệ và thâu tóm các công ty nước ngoài.
  • Vào tháng Bảy năm 2020, Trump tuyên bố chấm dứt quy chế ưu đãi kinh tế của Hong Kong sau khi Trung Quốc áp dụng một đạo luật an ninh quốc gia mới, trao cho Bắc Kinh quyền kiểm soát và giám sát toàn diện ở đặc khu này. Ông cũng ký thành luật cấm vận các quan chức và tổ chức tài chính liên quan đến việc thực hiện luật an ninh, và áp đặt các hạn chế mới đối với xuất khẩu công nghệ của Hoa Kỳ sang Hong Kong.
  • Ủng hộ cuộc cải cách năm 2018 đem lại cho các nhà quản lý Hoa Kỳ thẩm quyền rộng hơn trong việc xem xét các thương vụ mua bán với Trung Quốc và những quốc gia khác. Và Trump cũng đã chặn một số nỗ lực bán các công ty công nghệ Hoa Kỳ cho các công ty Trung Quốc.
  • Tăng cường các hạn chế đối với các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc hoạt động tại Hoa Kỳ, bao gồm cả gã khổng lồ viễn thông Huawei, với lo ngại rằng các công ty như vậy có thể bị Bắc Kinh thao túng.
  • Cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng các quy chế đặc biệt đối với các nước đang phát triển của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và đe dọa sẽ rút Hoa Kỳ khỏi tổ chức này.
  • Chỉ trích các chính quyền trước đây đã quá dễ dãi với Trung Quốc, đặc biệt là chính quyền của Tổng thống Barack Obama và phó tổng thống – ứng cử viên tranh cử của Đảng Dân chủ Joe Biden. Trump đã công kích Biden vì mối quan hệ với Tập, và cho rằng chính quyền Obama đã cho phép Bắc Kinh “cướp bóc nhà máy, kiếm chác từ cộng đồng và đánh cắp những bí mật quý giá nhất của chúng ta [Hoa Kỳ]”.
  • Vào năm 2018, chính quyền [Trump] đã áp thuế đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu mà TT Trump cho là cần thiết để bảo vệ các nhà sản xuất của Hoa Kỳ khỏi “sự dư thừa sản lượng toàn cầu”, mà phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc.
  • Vào năm 2019, chính quyền [Trump] chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ – một bước đi mà Trump đã đe dọa trong nhiều năm, cho dù việc này không mang lại hiệu lực ngay lập tức.
  • Gặp gỡ các đại diện của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ – là nhóm người Hồi giáo thiểu số bị đàn áp ở miền Tây Trung Quốc, và ký luật cấm vận các quan chức Trung Quốc liên quan đến các vụ vi phạm nhân quyền đã được thông cáo rộng rãi của nước này.
  • Vào năm 2016, Trump là tổng thống Hoa Kỳ, hay tổng thống đắc cử đầu tiên nói chuyện trực tiếp với người đồng cấp Đài Loan kể từ năm 1979. Ông đã tăng cường các cuộc tuần tra của Hải quân Mỹ ở eo biển Đài Loan và thúc đẩy việc bán vũ khí nhiều hơn cho hòn đảo này.
  • Vào tháng Bảy năm 2020, chính quyền Trump tuyên bố sẽ bác bỏ gần như tất cả các yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, và vạch trần “chiến dịch gây hấn” của Bắc Kinh ở các vùng biển tranh chấp.

Kỳ tới: Quốc phòng và hợp tác quốc tế
Đọc thêm: Loạt bài “Chính sách đối ngoại của Biden

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.