Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Bốn năm cầm quyền của Tổng thống Trump ghi dấu một làn sóng bãi bỏ các quy định về bảo vệ môi trường.
“Hoa Kỳ không cần hy sinh việc làm của mình để dẫn đầu thế giới về môi trường.”
Lời phát biểu của Tổng thống (TT) Mỹ Donald Trump hôm 8/7 ở Nhà Trắng như tái khẳng định ưu tiên chính sách trong suốt bốn năm cầm quyền của ông.
Trước khi đắc cử năm 2016, ông Trump từng tuyên bố rằng ông sẽ là “tổng thống tạo việc làm giỏi nhất mà Chúa từng tạo ra”. TT Trump sau khi đắc cử quả thật đã ưu tiên kinh tế và việc làm, nhưng với cái giá là hy sinh chất lượng môi trường sống.
Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) vừa công bố hồ sơ về hoạt động liên quan đến môi trường của chính quyền TT Trump trong bốn năm qua. Luật Khoa trân trọng giới thiệu bài viết này, trong cùng loạt bài cung cấp thông tin thiết yếu về cuộc bầu cử Mỹ đang được cả thế giới dõi theo.
Tổng thống Mỹ có khả năng gây ảnh hưởng lớn tới môi trường thông qua quyền lực hành pháp và quyền lập ra các quy định mới. TT Donald Trump đắc cử năm 2016 với lời hứa về một chính quyền ủng hộ sản xuất kinh doanh, giảm bớt quy định trói buộc doanh nghiệp.
Chỉ ít lâu sau khi nhậm chức, ông hiện thực hóa lời hứa này bằng một sắc lệnh hành pháp quy định rằng: để thông qua một quy định mới, phải loại bỏ hai quy định cũ. Làn sóng cắt giảm luật lệ này chạm đến cả các quy định bảo vệ nguồn nước và không khí, cũng như vấn đề biến đổi khí hậu.
Dưới đây là những động thái quan trọng của chính quyền TT Trump trong chiến dịch bãi bỏ luật lệ môi trường.
Chính quyền Trump đặc biệt lưu ý đến việc hủy bỏ các chính sách chống biến đổi khí hậu.
Ngày 1/6/2017, TT Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, một thỏa thuận giữa 195 quốc gia nhằm cắt giảm khí nhà kính (GHG) để tránh tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Mỹ là nước duy nhất đòi rút khỏi hiệp ước này, trong khi nước này thuộc nhóm các quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới. Dù vậy, chính quyền Trump chỉ có thể chính thức rũ bỏ các ràng buộc của hiệp ước Paris vào sau cuộc bầu cử tháng 11 năm nay.
Tổng thống Trump có thể đơn phương hạ lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận này là do Quốc hội đã không chấp nhận luật hóa đề xuất của chính quyền TT Barack Obama trước đó. Tổng thống Obama đã chỉ có thể dùng các luật có sẵn và sắc lệnh hành pháp để quy định giảm bớt GHG theo mức cam kết.
Trong một phán quyết năm 2007, Tòa án Tối cao xác nhận khí nhà kính là một tác nhân gây ô nhiễm không khí và thuộc phạm vi chế tài của Đạo luật Không khí Sạch (Clean Air Act). Nhờ đó, TT Obama có thể sử dụng đạo luật này để lập Kế hoạch Năng lượng Sạch (Clean Power Plan), một trụ cột trong chính sách giảm khí nhà kính của ông. Ông Obama muốn dùng kế hoạch này để giảm lượng khí CO2 phát ra từ các nhà máy điện, đồng thời cấm xây nhà máy điện than mới nếu không có khu vực thu giữ carbon thải ra.
Chính quyền Trump đã thay thế kế hoạch của ông Obama bằng Quy định Năng lượng sạch Hợp lý (Affordable Clean Energy Rule). Ông Trump buộc phải có một quy định thay thế, vì CO2 được xem là tác nhân gây ô nhiễm theo Đạo luật Không khí sạch. Tuy nhiên, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, chính sách của Trump chỉ giúp giảm 1% khí nhà kính từ các nhà máy điện so với mức phát thải khi hoàn toàn không có chính sách nào. Trump cũng đang trong tiến trình bãi bỏ các quy định giới hạn phát thải GHG khác.
Các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho xe hơi và xe tải nhẹ cũng được gỡ bỏ, trong khi vận tải là nguồn phát GHG lớn nhất tại Mỹ. Theo kế hoạch của TT Trump, từ năm 2021 đến 2026, việc tiết kiệm nhiên liệu phải tăng 1,5% một năm. Mục tiêu này thấp hơn nhiều so với quy định tăng tiết kiệm ít nhất 5% một năm của chính quyền TT Obama.
Kế hoạch của Trump khiến bang California không còn được tự quy định mức tiết kiệm nhiên liệu bắt buộc mà họ áp dụng từ năm 1970. Chính quyền TT Trump còn giảm bớt các quy định hạn chế thải khí metan từ hoạt động sản xuất dầu khí trên các khu đất công. Quy định bắt buộc phải báo cáo phát thải metan ở hầu hết các hoạt động sản xuất dầu khí cũng bị gỡ bỏ. Metan là một loại khí nhà kính có hại hơn nhiều so với CO2, dù thời gian tồn tại của nó trong môi trường ngắn hơn.
Chính quyền Trump thường xuyên nhắm tới bãi bỏ các quy định kiểm soát việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Họ đã rút lại quy định giám sát phát thải thủy ngân và các chất độc khác từ hoạt động đốt than của nhà máy điện. Họ cũng đã giảm quy định về xả thải và thu gom xỉ than sau khi đốt (có chứa thủy ngân, asen và các chất độc khác). Thuỷ ngân là chất độc thần kinh nguy hiểm, nếu thải ra môi trường sẽ lưu lại trong nước, đất, và nhiễm vào trong chuỗi thức ăn, nhất là trong cá.
Cả hai lần “cắt gọt” luật lệ này đều nằm trong lời hứa của ông Trump khi tranh cử nhằm phục hồi ngành than của nước Mỹ. Tuy nhiên, dù bớt đi các rào cản thể chế, lượng than tiêu thụ để sản xuất điện trong năm 2019 lại giảm 22% so với năm 2016 – thời gian trước khi ông Trump nhậm chức. Sự giảm sút này là do nhiên liệu hoá thạch phải cạnh tranh với các loại khí tự nhiên rẻ tiền hơn trên thị trường.
Chính quyền Trump còn có một mục tiêu thường xuyên khác là các quy định về khai thác nhiên liệu hóa thạch trên đất liên bang. Ông Trump đã gỡ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Hoang dã Bắc cực, một phần của Khu Dự trữ Dầu Quốc gia ở Alaska, ở các vùng biển gần bờ khắp nước Mỹ và ở các khu vực trước đây bị cấm, chẳng hạn như Khu tưởng niệm Quốc gia ở Utah.
Bộ máy của ông cũng đã can thiệp để cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Đáng kể nhất là việc phê chuẩn đường ống dẫn dầu Keystone XL để đưa dầu thô từ mỏ cát dầu của Canada về Mỹ. Ngoài ra, họ còn can thiệp vào việc phê chuẩn xây đường ống dẫn dầu Dakota Access để chuyển dầu ra khỏi các mỏ dầu ở Bắc Dakota; cũng như đường ống dầu Bờ biển Atlantic để đưa khí tự nhiên khỏi khu vực Marcellus Shale ở bang West Virginia.
Ngoài việc “cởi trói” cho ngành năng lượng hóa thạch, chính quyền Trump còn nhắm tới giảm bớt các quy định môi trường cốt lõi của Mỹ vốn để đảm bảo tiêu chuẩn không khí và nguồn nước và bảo vệ các vùng đất nhạy cảm với các tác nhân ô nhiễm.
Một số quyết định gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, chẳng hạn như từ chối duy trì Tiêu Chuẩn Chất lượng Không khí Quốc gia (NAAQS) đối với các hạt nhỏ và ozone. Tiêu chuẩn NAAQS là nền tảng trong chính sách giảm ô nhiễm không khí của Mỹ. Mỗi 5 năm, một ủy ban khoa học độc lập phải đánh giá lại tiêu chuẩn này.
Đạo luật Không khí Sạch chỉ chú trọng sức khỏe và phúc lợi của con người, không tính đến chi phí tuân thủ khi tái xét tiêu chuẩn NAAQS. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã cố gắng thay đổi thành phần ủy ban tư vấn, thêm vào những thành viên từ các doanh nghiệp trong ngành nhiên liệu hoá thạch, đặc biệt là những người có quan điểm phản đối luật môi trường. Ngoài ra, chính quyền còn thu hẹp phạm vi nghiên cứu khoa học cũng như phạm vi đánh giá của ủy ban này.
Một quyết định khác ảnh hưởng tới sức khỏe người dân là việc cho phép duy trì thị trường bán thuốc trừ sâu có chứa chlorpyrifos, bất chấp các bằng chứng về sự nguy hiểm của nó.
Các vùng đất nhạy cảm với ô nhiễm cũng không nằm ngoài làn sóng bãi bỏ luật lệ của TT Trump. Trong đó, nổi bật nhất là việc thúc đẩy việc cập nhật Đạo luật Công bằng Môi trường Quốc gia vốn được thông qua năm 1970 dưới thời TT Nixon.
Theo chính quyền TT Trump, việc tuân thủ chặt chẽ luật này quá tốn thời gian. Từ năm 2010 đến 2017, các dự án cần phải công bố đánh giá tác động môi trường và mất trung bình 4,5 năm để được thông qua. Chính quyền Trump ra quy định mới để giảm thời gian xử lý các dự án xuống 2 năm và hạn chế vai trò của biến đổi khí hậu trong các đánh giá. Thậm chí, nhà chức trách còn đặc cách cho một số dự án không phải thực hiện đánh giá môi trường.
Cùng lúc đó, chính quyền cũng giới hạn phạm vi áp dụng của Đạo luật Nước sạch, khiến luật này trở nên vô hiệu đối với khu vực đầm lầy và các dòng suối gián đoạn chảy vào các thực thể nước lớn hơn.
Chính quyền Trump đang vấp phải các trở ngại về mặt pháp lý liên quan đến hoạt động bãi bỏ luật lệ môi trường (và các lĩnh vực khác). Tất cả các quy định được nhắc đến trên đây đều đang bị kiện ra tòa. Bên nguyên của các vụ kiện bao gồm chính quyền bang, chính quyền thành phố và các tổ chức môi trường và sức khỏe.
Việc các quy định về môi trường bị kiện không có gì bất thường, bởi chúng thường được đưa ra trong bối cảnh không chắc chắn và nhiều tranh cãi. Nhưng đến nay tình hình có vẻ không khả quan cho chính quyền TT Trump.
Viện nghiên cứu Liêm chính Chính sách tại Đại học Luật New York thống kê rằng tính đến tháng 9/2020, chính quyền Trump đã thua 84% số vụ kiện nhằm vào các động thái hành chính của họ.
Chính quyền Trump thường thích làm tắt quy trình, và việc này khiến họ bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Thủ tục Hành chính. Theo luật, các cơ quan liên bang khi muốn thay đổi một quy định sẵn có thì phải thông báo đến dân chúng, cho họ bình luận, và giải thích lý do thay đổi. Việc chính quyền rút ngắn, thậm chí bỏ qua các bước này để thay đổi luật nhanh hơn trở thành lý do khiến họ bị kiện nhiều hơn.
Ngoài ra, nhiều đơn vị còn đệ đơn kiện các quy định mới không bảo đảm được trách nhiệm của chính phủ theo các điều luật sẵn có về môi trường, như Đạo Luật Không khí Sạch hay Đạo Luật Nước sạch. Chính quyền còn có thể bị kiện trên cơ sở Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia, nếu việc thay đổi quy định không cân nhắc đầy đủ đến tác động tích lũy đối với môi trường.
Vào thời điểm bài viết này (8/2020), chính quyền Trump đang bị thua kiện liên tiếp. Hôm 6/7/2020, Tòa án Quận Columbia ra lệnh ngừng hoạt động đường ống dẫn dầu Dakota Access dù đường ống này đã xây dựng xong. Lý do là vì dự án đã không cân nhắc đầy đủ đến tác động đối với bộ lạc da đỏ Standing Rock Sioux.
Hôm 15/7/2020, một tòa án liên bang ở California hủy lệnh thu hồi chính sách về khí thải metan trên khu vực đất công. Tòa phán quyết rằng chính quyền Trump đã “dựng lên một tiến trình để đảm bảo kết quả định trước” mà bỏ qua các mô hình khoa học tốt nhất đang có.
Ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden đề xuất một hướng đi khác trong chính sách môi trường. Một trong những cột trụ trong cương lĩnh tranh cử của ông là đối phó với biến đổi khí hậu.
Ông Biden đặt mục tiêu tham vọng là giảm mức phát thải khí nhà kính ròng xuống bằng không trước năm 2050, và buộc những người gây ô nhiễm phải chịu toàn bộ chi phí của lượng carbon mà họ thải ra. Để làm được thế, chính quyền Biden sẽ phải đảo ngược việc cắt giảm quy định của chính quyền Trump, đồng thời lập nhiều quy định mới.
Những quy định này bao gồm: giới hạn phát thải metan, củng cố tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu, và cấm khai thác nhiên liệu hóa thạch tại đất công. Ngoài ra ông Biden cũng hứa sẽ tái gia nhập Hiệp định khí hậu Paris ngay khi nhậm chức.
Ông Biden còn có các ưu tiên môi trường khác, bao gồm đầu tư vào năng lượng sạch và các phát minh ít phát thải carbon, đưa vào sử dụng phương tiện giao thông dùng động cơ điện, và thúc đẩy các hình thức sản xuất ít phát thải. Tất cả những kế hoạch này đều quan trọng trong mục tiêu chung là giảm phát thải khí CO2, tuy nhiên, sự thành bại của chúng còn tùy thuộc vào sự đồng thuận của Quốc hội Hoa Kỳ.