Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Sự hung hăng ngoài mặt của Trung Quốc có thể đang phản ánh một nỗi bất an bên trong.
Dịch từ bài viết “To Understand China’s Aggressive Foreign Policy, Look at Its Domestic Politics” của tác giả Christopher W. Bishop, đăng trên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) ngày 8/10/2020. Ông Bishop là nhà nghiên cứu quốc tế của CFR, hiện làm việc tại Đại học Ottawa, đồng thời là một viên chức ngoại giao của Hoa Kỳ. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết đại diện cho quan điểm của Bộ Ngoại giao hay chính quyền Hoa Kỳ.
Trong sáu tháng qua, chính sách đối ngoại của Trung Quốc dường như đã trở nên hung hăng hơn. Trung Quốc đã nổi giận với Australia vì dám chất vấn việc kiểm soát đại dịch COVID-19 ở đại lục, đẩy mạnh các yêu sách của nước này ở biển Đông, tăng cường tuần tra quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát, xung đột với Ấn Độ trên dãy Himalayas, và điều máy bay chiến đấu vượt qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan.
Nước này cũng gia tăng nỗ lực bảo vệ Huawei qua việc cáo buộc hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor về tội gián điệp, sau khi một tòa án Canada bác yêu cầu ngưng thủ tục dẫn độ giám đốc tài chính của Huawei sang Mỹ. Trung Quốc còn cảnh báo Vương quốc Anh sẽ “gánh chịu hậu quả” vì loại Huawei ra khỏi kế hoạch phát triển mạng 5G của nước này. Đáng chú ý hơn cả, Trung Quốc đã thẳng tay đàn áp khu vực bán tự trị Hong Kong, ban hành Luật An ninh quốc gia và tiến hành bắt giữ nhiều nhà hoạt động dân chủ.
Các quan chức Trung Quốc đã bảo vệ những động thái này, xem chúng là phản ứng trước những “hành động khiêu khích” từ bên ngoài. Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng những chính sách đối ngoại cứng rắn này của Bắc Kinh thể hiện một sự thay đổi căn bản dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình – một bước chuyển triệt để khỏi những đường lối trước kia của Đặng Tiểu Bình với châm ngôn “náu mình chờ thời” (“hide your strength, bide your time”).
Nhưng có thể hiểu một cách khác về chính sách đối ngoại cứng rắn của Trung Quốc thông qua lăng kính chính trị nội bộ của nước này, không chỉ trong sáu tháng qua, mà kể từ khi Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 2012. Mặc dù Trung Quốc còn xa với tiêu chuẩn của một xã hội cởi mở và dân chủ, nhưng nó cũng không phải là một chiếc hộp đen. Hơn nữa, rất khó và đôi khi không thể biết chính xác cách ông Tập và ban lãnh đạo ĐCSTQ ra quyết định, nhưng những áp lực ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách của Trung Quốc là điều ai cũng có thể nhìn ra.
Hãy xem xét một vài điểm tham chiếu. Sự bùng nổ của COVID-19, như chính ông Tập đã nói, là “một phép thử quan trọng đối với hệ thống và năng lực quản trị của Trung Quốc”. Đại dịch lần này được cho là thách thức lớn nhất mà ĐCSTQ phải đối mặt kể từ cuộc biểu tình sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Việc phong tỏa các thành phố để kiểm soát virus đã khiến nền kinh tế Trung Quốc giảm sút lần đầu tiên trong hơn bốn mươi năm. Đó là một đòn đau với Trung Quốc, sau nhiều năm tăng trưởng chậm và và một cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.
Mặc dù nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi, nhưng GDP của Trung Quốc dự kiến chỉ tăng 1% trong năm nay. Con số này đã là khá hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác, nhưng vẫn đáng lo ngại đối với một chế độ mà tính chính danh của nó phụ thuộc sâu sắc vào tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Duy trì sự ổn định này tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu của ĐCSTQ, và chính phủ Trung Quốc được cho là đã dành nhiều nguồn lực dưới danh nghĩa “duy trì ổn định” hơn cả chi tiêu chính thức cho quốc phòng. Các khoản này bao gồm chi tiêu cho cảnh sát, an ninh nội bộ và các “trung tâm huấn luyện” người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Đáng kể nhất, nhiệm kỳ của Tập Cận Bình được đánh dấu bởi xu thế củng cố quyền lực bằng cách loại bỏ các đối thủ tiềm năng và nâng đỡ những người trung thành với sự lãnh đạo của ông. Ví dụ, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập cho đến nay đã nhắm vào hơn một triệu quan chức – bao gồm một số thành viên của Bộ Chính trị của ĐCSTQ – trong khi các cải cách quân sự của ông Tập đã tăng cường quyền kiểm soát của cá nhân ông đối với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.
Mặc dù ông Tập dường như đã thành công, những động thái này đã tạo ra cảm giác oán hận ngấm ngầm trên khắp đất nước. Nỗi bất bình lan rộng dưới dạng những lời chỉ trích từ một số trí thức và những người khác đủ dũng cảm để lên tiếng. Một “chiến dịch chấn chỉnh” mới của các cơ quan an ninh và cảnh sát Trung Quốc khởi động vào mùa hè này cho thấy ông Tập vẫn chưa hoàn thành việc thâu tóm quyền lực. Nó đồng thời cho thấy rằng một số bộ phận quan trọng của đảng – nhà nước vẫn chưa nhiệt tình với sự lãnh đạo của ông.
Ngay cả khi điều tồi tệ nhất của đại dịch đã đi qua, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị đang dần lộ diện, với một chế độ cảm thấy yếu ớt ở chính quê hương hơn là hình ảnh bề ngoài mà nó tỏ ra.
Hơn nữa, không có gì ngạc nhiên khi cảm giác khủng hoảng và những bất an này đã phần nào khiến cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc cao giọng hơn. Điều này không có nghĩa là Tập Cận Bình coi chính sách đối ngoại là một cách dễ dàng để chuyển hướng sự chú ý (của dân chúng) khỏi những vấn đề nội bộ, giống như phiên bản Trung Quốc của bộ phim Wag the Dog (Đánh lạc hướng).
Nhiều khả năng là ông Tập và các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy bối rối trước một môi trường chính trị ngày càng tồi tệ. Bởi vì họ không thể tỏ ra yếu đuối hoặc thiếu quyết đoán ở trong nước, họ có thể cảm thấy buộc phải hành động mạnh mẽ và quyết đoán ở bên ngoài, đặc biệt là trong tinh thần chủ nghĩa dân tộc dân túy mà chính quyền đã nuôi dưỡng từ năm 1989. Trên thực tế, hiện tượng này là lời giải thích hợp lý duy nhất cho sự xuất hiện của chính sách ngoại giao “Chiến lang” (Wolf Warrior) hung hãn của Trung Quốc. Đó là tên gọi được đặt theo một bộ phim hành động kiểu Rambo của Trung Quốc – bộ phim được đón nhận khá thờ ơ ở nước ngoài nhưng lại giành được thành công vang dội ở đại lục.
Gần 60 năm trước, nhà sử học người Đức Fritz Fischer đã phủ nhận những quan điểm truyền thống giải thích về lý do Đức tham gia Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Ông lập luận rằng chính nền chính trị rối loạn chức năng nội bộ, chứ không phải hệ thống liên minh châu Âu phân cực, mới là nguyên nhân gây ra thảm họa sau đó.
Fischer nói, để hiểu về cuộc chiến, người ta phải quan tâm nhiều đến tầm quan trọng của chính trị trong nước (“Primat der Innenpolitik”) và vai trò của nó trong việc hoạch định chính sách đối ngoại, hơn là ngược lại.
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không phải là Đế quốc Đức, và Tập Cận Bình không phải là Wilhelm II. Nhưng quan điểm của Fischer đóng vai trò như một lời nhắc nhở thuyết phục rằng hành vi hiếu chiến của một quốc gia trên trường quốc tế có thể bắt nguồn sâu xa từ các động lực chính trị nội bộ của quốc gia đó. Bài học đó, cùng với câu hỏi về chiến tranh và hòa bình mà nó đặt ra, rất đáng được ghi nhớ.