Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Giữa trung tuần tháng 10 năm 2020, khi nhận được những tin tức về người chết do lũ lụt, thiên tai, lở đất, lũ quét mỗi khi mùa mưa bão đến, là người Việt Nam, chúng ta luôn cảm thấy đau lòng, thương xót cho những người đã chết. Thông tin về những người thiệt mạng ở Thủy điện Rào Trăng 3 khiến chúng ta đau lòng.
Nguyên nhân trực tiếp của những cái chết thương tâm thường được báo chí chỉ ra là do mưa lớn khiến cả nửa quả núi sạt xuống nhà điều hành thủy điện, vùi lấp nhiều công nhân.
Câu chuyện lở đất gây chết người khi mùa mưa lũ đến không phải là biến cố mới diễn ra lần đầu ở Việt Nam mà đó là biến cố xảy ra nhiều lần, ở nhiều vùng miền khác nhau.
Cách đây ba năm, cũng trong tháng 10, vụ sạt lở núi xảy ra tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình khiến 18 người chết và mất tích. Vụ lở núi diễn ra sau đợt mưa lũ lớn và kéo dài trút xuống khu vực Bắc Trung Bộ.
Sau khi lũ lớn và kéo dài, sẽ dẫn đến hiện tượng lở núi và gây chết người. Vì sao núi lại lở sau khi mưa lớn? Các chuyên gia đồng tình rằng tình trạng phá rừng là nguyên nhân gián tiếp gây nên trận lũ quét, ngập lụt lịch sử vừa qua ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu: rừng cây có chức năng giúp đất không bị xói mòn, khi mưa lũ tràn về thì rừng cây sẽ giúp cản dòng nước, giúp nước không chảy xuống ồ ạt tạo thành lũ quét. Muốn không bị lở đất và không bị lũ quét thì cần phải bảo vệ rừng.
Đó là bài học căn bản về việc cần thiết phải bảo vệ rừng để giảm thiểu hậu quả do mưa lũ gây ra, thế nhưng đó lại là bài học mà những người phá rừng để phát triển kinh tế không muốn biết hoặc nếu biết thì cũng muốn quên đi.
Để làm thủy điện phát triển kinh tế thì phải phá rừng, để có bộ bàn ghế đẹp làm từ gỗ quý ngồi cho sang chảnh thì phải phá rừng, để xây một ngôi biệt phủ xa hoa thì phải phá rừng… Có rất nhiều lý do và động cơ để rất nhiều người cùng tham gia vào việc phá rừng.
Hậu quả của việc phá rừng đó là những cái chết cho những người khác, có thể đó là những người hoàn toàn không tham gia vào việc phá rừng.
Toàn bộ trái đất là một hệ thống, những gì chúng ta làm luôn có khả năng tạo ra một biến cố nào đó trong tương lai. Đó có thể là một tai nạn thương tâm gây ra cho người khác chẳng hạn như chúng ta phá rừng để làm thủy điện sẽ gây ra sạt lở đất, dẫn đến chết người.
Thế nhưng, tư duy của chúng ta thường rất phân mảnh. Chúng ta không nhìn mọi việc theo một hệ thống, chúng ta chỉ đo lường lợi ích trực tiếp do hành động mà chúng ta tạo ra. Ví dụ, chúng ta sẽ tính toán rằng nếu đầu tư vào Thủy điện Rào Trăng 3 thì sẽ có công suất 11 MW, tổng nguồn vốn đầu tư 290 tỷ đồng. Chúng ta cũng tính luôn được doanh thu và lợi nhuận cũng như số lượng công ăn việc làm tạo ra khi đầu tư vào dự án này. Và tất nhiên, bản dự toán tài chính sẽ không tính toán đến rủi ro đất bị sạt lở do mưa lớn làm chết người, cũng không tính toán đến số tiền mà ngân sách quốc gia phải bỏ ra để cứu trợ, và nhất là không tính toán đến nỗi đau của thân nhân những người bị mất.
Khi nhìn vào các dự án đầu tư, chúng ta thường chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà các dự án đầu tư mang lại, nhưng hiếm khi quan tâm đến thiệt hại mà các dự án đầu tư đó gây ra cho chúng ta trong tương lai. Nếu chúng ta biết rằng việc phá rừng sẽ tạo ra những cái chết thương tâm do lũ lụt gây ra, chúng ta có phá rừng không?
Đáng tiếc là những người đang hàng ngày phá rừng trên đất nước Việt Nam không có suy nghĩ mang tính nhân – quả như trên. Họ sẽ nghĩ rằng nếu mình phá rừng thì mình sẽ giàu lên, nếu mình không phá rừng thì người khác cũng phá, tại sao mình phải quan tâm đến việc có ai đó sẽ chết vì lở đất, đó không phải là việc của mình và mình cũng không quan tâm đến việc đó để làm gì cho nhức đầu, v.v. Lỡ như lở đất xảy ra gây chết người thì mình cũng vô can, không bị pháp luật trừng trị, chẳng có chính quyền nào mang mình ra xét xử vì tội giết người. Nếu như thế thì tại sao mình không tiếp tục phá rừng?
Trong số độc giả đọc bài viết này nếu đang sử dụng các loại gỗ thân lớn thì vị độc giả đó có đang nghĩ rằng mình có liên quan gì đến cái chết của những người chết vì lở đất không? Tôi nghĩ rằng câu trả lời là không. Thật sự tư duy của chúng ta thường cho rằng mọi hành động của chúng ta không có liên quan gì đến nhau. Những người chết do lở đất ở Thủy điện Rào Trăng 3 là do lở đất, lở đất là do lũ lụt. Một số ít độc giả sẽ có suy nghĩ nguyên nhân sâu xa hơn là do phá rừng. Rất ít độc giả nghĩ rằng có nạn phá rừng là do có người sử dụng gỗ lớn để đóng bàn ghế, đồ nội thất trong nhà. Và chẳng mấy ai nghĩ rằng mỗi hành động sử dụng gỗ của chúng ta có thể gây chết người. Chuỗi liên kết của các tác nhân trong hệ thống quá dài để chúng ta thấy được hệ quả do hành động của mỗi người chúng ta tạo ra.
Câu chuyện đau lòng về những người chết do lở đất, lũ quét sau mỗi trận mưa lũ lớn tôi nghĩ rằng sẽ vẫn tiếp tục tiếp diễn trong tương lai khi mà chúng ta vẫn không nhận thức được chính sự thiếu hiểu biết của chúng ta trong việc sử dụng và khai thác trái đất (ở đây cụ thể là phá rừng). Nhìn một cách hệ thống thì rừng bảo vệ và che chở cho con người trước thiên tai, khi con người tìm cách chặt phá đi sự che chở và bảo vệ của rừng thì hệ quả tất yếu là con người phải gánh chịu những hậu quả do hành động của chính mình tạo ra.
Để không còn phải chết vì lở đất, chúng ta phải thay đổi nhận thức của chính mình. Khi nhận thức thay đổi, hành động mới thay đổi và khi đó tương lai của chúng ta mới có thể thay đổi.