Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Tôi đọc “Chính trị bình dân” của nhà báo Đoan Trang khá lâu sau khi nó ra đời. Một phần vì thói quen lười đọc xưa nay, phần khác vì mới đầu khi lướt thoáng qua, cảm giác không có gì mới so với những gì mình đã biết.
Một thời gian sau, khi đã đọc phần lớn quyển sách, ấn tượng ban đầu bị lật ngược. Hóa ra rất nhiều, nếu không muốn nói là phần lớn những thứ “bình dân” trong sách này tôi đều không biết. Những nội dung được trình bày đơn giản đến mức khiến cho tôi có cảm giác “mình cũng viết được”. Chắc không ít người đọc xong cũng nghĩ như vậy.
Và đó mới là vấn đề.
Vì sao một thứ không có gì phức tạp như vậy lâu nay chẳng ai viết? Vì sao bản thân không viết nếu như thấy “mình cũng viết được”? Vì sao lại phải chờ cho một người phụ nữ đơn độc chịu bao nguy hiểm và khổ ải để viết ra quyển sách đơn giản đó? Và vì sao một thứ kiến thức phổ thông ai cũng cần biết, bằng cách nào đó lại trở thành “vũ khí”, thành thứ công cụ “phản động chống phá” đối với một chính quyền luôn miệng rêu rao mình có chính nghĩa?!
Quá nhiều câu hỏi vì sao treo trong đầu tôi cả trong lúc tỉnh lẫn khi mơ màng.
***
Phạm Đoan Trang tất nhiên không phải là người đầu tiên bị chính quyền cộng sản Việt Nam đàn áp, đánh đập và bắt giữ chỉ vì bất đồng chính kiến. Cô cũng không phải là người nổi tiếng nhất. Nhiều người nhận định vị trí đó thuộc về Trần Huỳnh Duy Thức, người đã có gần 12 năm phải sống trong lao tù vì những đòi hỏi thay đổi dân chủ. Nhưng những cái tên này được nhắc đến nhiều chỉ vì thế hệ sinh sau đẻ muộn chúng tôi không có bao nhiêu điều kiện tìm hiểu xa hơn về quá khứ. Những người nổi tiếng đầu tiên bị chính quyền độc tài đàn áp vì không chịu ngoan ngoãn câm miệng phải xuất hiện từ ít nhất hơn 60 năm trước, trong vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm chấn động một thời.
Kể từ đó đến nay, đã có biết bao nhiêu người sinh ra rồi chết đi trên mảnh đất hình chữ S này, nhưng não trạng của chính quyền – chính xác hơn là não trạng của những ai đã giành được quyền lực và những người đời đời ăn nhờ ở đậu từ bổng lộc của nó – vẫn mãi mãi không thay đổi. Bất kỳ ai trái ý mình đều là “phản động”, đều là thành phần phải bị tiêu diệt.
Theo thống kê của “Dự án 88” (The 88 Project), cho đến thời điểm hiện tại, có hơn 250 người vẫn còn đang bị giam giữ vì các tội danh “chống chính quyền” – chỉ vì họ dám mở miệng. “Tội” của họ hoặc là đấu tranh chống tham nhũng, hoặc là chống các trạm “BOT bẩn” ngang nhiên đặt giữa đường cướp tiền người dân, hoặc viết sách viết báo, hay chỉ đơn giản là đăng các bài viết trên mạng xã hội. Chưa kể còn hàng trăm người khác, cũng vì không chịu câm miệng, thường xuyên bị các lực lượng chính quyền đe dọa, quấy rối, dùng thứ lý lẽ nhầy nhụa của động vật (bạo lực) hòng trấn áp, phá hoại cuộc sống của họ.
Nếu cộng hết số năm tù của tất cả những ai đã từng bị chính quyền cộng sản chụp mũ “phản động” từ xưa đến nay, con số hẳn phải lên đến hàng ngàn.
Không có đám mây đen nào, dù lớn đến đâu, chặn mãi được ánh sáng mặt trời, đó là quy luật của tự nhiên. Chế độ này rồi sẽ biến mất, đó là sự thật giản dị của tự nhiên. Những con người hô hào ủng ê cho nó, bâu chặt cắn xé giành giật từng mảng thịt tươi nhơn nhởn của nó, rồi cũng sẽ chết đi, đó là chân lý của tự nhiên.
Thứ mà những kẻ đó để lại thì sẽ thối mãi ngàn năm. Những năm tháng mà chúng đã cướp đi của biết bao nhiêu người khác, cộng lại sẽ thành một thứ bia miệng ghi danh “ngàn năm văn thiến”. Đó là “công trạng” của một thể chế đã thiến sạch những gì đẹp đẽ nhất của một dân tộc tự hào có lịch sử cả ngàn năm.
***
Trong loạt phim truyền hình “The Newsroom” (Phòng tin tức) của nhà biên kịch nổi tiếng Aaron Sorkin, những nhà báo trong đó được mô tả như những “kẻ đại ngốc” (the greater fool).
“The greater fool”, nghĩa đen là “những kẻ ngu hơn”, là một lý thuyết về hành vi kinh tế. Theo đó khi mua một món hàng trên thị trường, cho dù có mua hớ với giá đắt, bạn vẫn sẽ luôn có cơ hội tìm được “kẻ hớ hơn” để bán lại kiếm lời. Kẻ ngu hơn này tới lượt mình lại tìm một kẻ ngu hơn nữa để bán lại. Có thể nói thị trường tồn tại được là nhờ vào những kẻ ngu (hơn) như vậy.
Sorkin dùng hình ảnh ẩn dụ đó để nói về những nhà báo trong câu chuyện của ông, những người “đủ ngu” để tin rằng mình sẽ thành công trong những hoàn cảnh mà người khác sẽ rút lui hoặc chịu thất bại. Đó là những người thay vì chạy theo các tin tức câu khách chụp giựt, lại đánh đổi sự nghiệp, cuộc sống và tương lai của mình để nói lên sự thật, bất chấp việc đó khiến họ trở thành cái gai trong mắt của những tổ chức và con người quyền lực nhất.
Nói cách khác, họ là những Don Quixote thời hiện đại.
Phạm Đoan Trang, cũng giống như Trần Huỳnh Duy Thức, ở một khía cạnh nào đó, là những Don Quixote “ngây ngô” giống vậy.
Họ không phải là những thiên tài, lại càng không phải các vĩ nhân. Những điều họ biết, những gì họ làm, những thứ họ viết, đều không tầm cỡ như Gandhi hay đầy cảm hứng như Martin Luther King Jr.. Và có lẽ đó cũng không phải điều họ bận tâm. Ở một xã hội khác, không có độc tài không có áp bức, Đoan Trang đã an nhiên dành phần lớn thời gian để chơi nhạc, còn Trần Huỳnh Duy Thức thì đã là một doanh nhân tầm cỡ.
Nhưng họ vẫn phải đóng vai Don Quixote, những kẻ ngây ngô nổi tiếng. Đó là lỗi của chúng ta.
Còn hàng trăm những tù nhân lương tâm khác, những người mà có khi cái tên chẳng ai biết tới, thậm chí dung mạo cũng không có ai hay, mỗi một ngày, một tháng, một năm họ bị tù đày – đó cũng là lỗi của chúng ta.
Và nếu mọi thứ vẫn như hiện tại, những đứa trẻ sinh ra ở đất nước này, những thế hệ tương lai mà chắc chắn sẽ không hèn hạ như những người lớn của chúng, rồi sẽ lại phải trở thành nạn nhân của thứ chế độ dối trá bệnh hoạn. Đó chắc chắn là lỗi của chúng ta.
Có ý kiến nói rằng hãy chứng minh cho chính quyền thấy, một Đoan Trang bị bắt, ngày mai sẽ có một nghìn Đoan Trang khác xuất hiện. Cá nhân tôi không nghĩ rằng cần, nên và có thể có nhiều Đoan Trang tới vậy. Mỗi người đều có những vai diễn riêng trên sân khấu vĩ đại của cuộc đời.
Với mỗi một người như Trang bị đàn áp, những Công, Bằng, Chính, Nghĩa, Trung, Thực, Dũng, Khí… phải tới lúc nào đó gạt qua những lý do lý trấu để làm đúng lương tri của mình.
Ngay cả khi cái tên của bạn không có hàm ý gì cao siêu, đó cũng không thể là cái cớ để tiếp tục một cuộc đời khôn vặt mắt nhắm mắt mở. Ý nghĩa của cái tên, và ý nghĩa của cuộc đời, là do mỗi người tự tạo ra.
Ai cũng phải có lúc mở to mắt nhìn thẳng vào gương và tự hỏi, vì sao cứ để “những kẻ ngu kia” thay mình dọn mãi đống rác của dân tộc này?
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.