‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Công giáo miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà (1954-1975) thường được xem như khối chính trị thân chính phủ và thân Mỹ [1]. Tuy vậy, nhìn lại lịch sử một cách cẩn trọng và bao quát hơn, ta thấy Giáo hội Công giáo có lập trường trung lập đáng kể với các khối chính trị ấy. Họ tham gia tích cực vào đời sống xã hội dựa trên nền tảng các giá trị nhân văn Kitô giáo bằng cách kêu gọi hoà bình và đối thoại, đồng thời đóng góp vào hoạt động bác ái, giáo dục và chính trị.
Trước công đồng Vatican II (1962-1965), Giáo hội Công giáo lên án chủ nghĩa cộng sản khá gay gắt, thể hiện trong Thư Chung Về Vấn Đề Cộng Sản Vô Thần Của Các Giám Mục Miền Nam Ngày 02/03/1960. Bức thư phân tích chủ trương vô thần của học thuyết cộng sản, đồng thời cảnh báo về một số chính sách tấn công Công giáo mà người cộng sản đang thi hành ở Việt Nam.
Nếu đặt vào bối cảnh lịch sử hiện thời, sự cảnh giác của các giám mục đối với chế độ cộng sản là có thể hiểu được. Kể từ khi chế độ cộng sản lên nắm chính quyền ở Liên Xô năm 1917, tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng đã chịu bách hại một cách mạnh mẽ tại các nước cộng sản. Tại Việt Nam, sự hà khắc về tôn giáo cùng chính sách cải cách ruộng đất của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở miền Bắc vẫn là nỗi kinh hoàng đối với các tín đồ Công giáo.
Kể từ công đồng Vatican II, Giáo hội Công giáo chủ trương mở ra với thế giới và các tôn giáo khác trong tinh thần đối thoại. Trong giai đoạn đỉnh cao Chiến tranh Lạnh giữa khối Liên Xô và Hoa Kỳ, năm 1963, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII ra thông điệp Hoà Bình Trên Thế Giới nhằm kêu gọi đối thoại và hoà bình. Trong tương quan đối với cộng sản, thông điệp này phân biệt giữa sự sai lầm với người mắc sai lầm, giữa lý thuyết triết học với trào lưu xã hội [2].
Ở Việt Nam, từ sau công đồng Vatican II, Hội đồng Giám mục ra nhiều thông cáo chung liên quan đến các vấn đề xã hội và chính trị, nhưng sự gay gắt trong việc lên án chủ nghĩa cộng sản cũng giảm dần.
Các giám mục xác định Giáo hội đứng ngoài các tranh giành chính trị. Họ khuyến khích giáo dân tham gia vào đời sống xã hội thông qua các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành, kêu gọi xây dựng hoà bình và chấm dứt chiến tranh bạo lực. Chính định hướng này đã giúp cho các hoạt động của Giáo hội Công giáo trở nên thiết thực và hiệu quả, từ đó, họ trở thành một cộng đồng có nhiều đóng góp tích cực cho đời sống xã hội – chính trị ở miền Nam.
Về bác ái và giáo dục, hoạt động của Giáo hội Công giáo được hình thành từ thời Pháp thuộc và tiếp tục phát triển dưới các chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Các dòng nữ lập ra nhiều cô nhi viện với sự hỗ trợ nguồn quỹ của chính phủ và các tổ chức quốc tế, như dòng nữ thánh Phaolô thành Chartres, dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Các tổ chức Caritas cộng tác vào việc giáo dục, dạy nghề, chăm lo y tế cho các trung tâm bác ái ấy.
Caritas là tên gọi của mạng lưới tổ chức từ thiện Công giáo, có mặt tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo một nguồn thống kê [3], năm 1969, Caritas chi ra tại miền Nam Việt Nam 1,1 triệu Mỹ kim, 20.000 tấn lương thực, cùng với áo quần và thuốc men. Năm 1970, Caritas hỗ trợ 267 cô nhi viện, 66 lớp học may và tổ chức 69 phòng khám y tế.
Về mảng giáo dục, theo thống kê của Bộ Văn hoá – Giáo dục năm 1969, trong số 292 trường trung học của các tôn giáo, có 222 trường Công giáo, chiếm 76%. Trường Công giáo cũng chiếm 80% tổng số các trường tiểu học tư thục trong toàn quốc.
Hoạt động cứu trợ khẩn cấp những người tị nạn, những nạn nhân chiến tranh và thiên tai cũng là hoạt động nổi bật của cộng đồng Công giáo. Trong cuộc di cư 1954, Giáo hội Công giáo kêu gọi quyên góp về tài lực, nhân lực để xây dựng các trại tạm cư, phân phát lương thực và nhu yếu phẩm cho gần một triệu người di cư [4].
Chỉ mấy ngày sau cuộc tấn công Mậu Thân 1968, Caritas đã giúp đỡ khoảng 280.000 người tị nạn trong toàn bộ khu vực Sài Gòn, khoảng hai phần ba trong số đó không phải là người Công giáo. Đó là minh chứng cho thấy hoạt động bác ái xã hội của người Công giáo không mang tính cục bộ, mà hướng đến tất cả những người gặp hoàn cảnh khó khăn [5].
Người Công giáo được khuyến khích để tham gia vào chính trị theo tinh thần Kitô giáo, phục vụ công ích và hướng đến quyền lợi chính đáng của con người [6].
Do mang tinh thần chống chủ nghĩa cộng sản, lại được thừa hưởng nhiều cơ hội học hành từ thời thực dân Pháp, người Công giáo nhìn chung năng động hơn trong việc tham chính so với các tôn giáo khác. Theo thống kê của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tỷ trọng người Công giáo tham gia vào chính phủ dưới thời Pháp thuộc lớn hơn so với tỷ lệ giáo dân trên tổng dân số miền Nam.
Trong quan điểm chính trị, có hai lập trường nổi bật lên trong giới Công giáo: bên cực đoan mang lập trường chống cộng gay gắt và chống đế quốc; bên còn lại chủ trương xây dựng hoà bình và đối thoại theo tinh thần mới của công đồng Vatican II.
Lập trường cực đoan được đại diện bởi các cha Hoàng Quỳnh, Trần Đức Huynh, Hồ Văn Vui, Mai Ngọc Khuê và nhiều giáo dân di cư từ miền Bắc. Họ là những người có kinh nghiệm đau thương với chế độ cộng sản, đồng thời mang trong mình tinh thần tự lập khi từng sống trong các giáo phận Bắc Việt có lịch sử tự trị. Nhìn chung, nhóm này đòi độc lập dân tộc một cách triệt để, chống cộng sản và chống đế quốc Mỹ.
Ngày 7/6/1964 tại Sài Gòn, dưới thời tướng Nguyễn Khánh nắm chính quyền, khoảng 35.000 người Công giáo tham gia biểu tình với các khẩu hiệu: chống chủ nghĩa trung lập và chủ nghĩa cộng sản; sẵn sàng chiến đấu cho quốc gia và Giáo hội; yêu cầu chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ quyết tâm chống cộng; chống sự can thiệp của Mỹ vào nội bộ Việt Nam [7].
Vào thời Đệ Nhị Cộng hoà (1967-1975), nhóm Độc Lập quy tụ những người Công giáo gốc Bắc trong Hạ viện cũng nổi tiếng với lập trường bảo thủ và cứng rắn trong việc đối thoại với cộng sản và Phật giáo [8].
Lập trường thứ hai ôn hoà hơn vì gần gũi với tinh thần đối thoại và chủ trương hoà bình theo tinh thần công đồng Vatican II. Lập trường này được đại diện bởi các cha Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín; một số nhà trí thức như Nguyễn Đình Đầu, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung; và một số tổ chức sinh viên thuộc các nhóm Công Giáo Tiến Hành.
Nhóm thể hiện lập trường của mình qua các tờ báo như Sống Đạo, Tin Sáng, Đối Diện, Hành Trình, Nhịp Cầu, với chủ trương canh tân nếp sống đạo, dấn thân kiến tạo một xã hội công bằng bác ái, đối thoại với Phật Giáo, tránh chống cộng một cách cực đoan [9].
Khi chính phủ kiểm duyệt gắt gao báo chí vì nghi ngờ nhóm thoả hiệp với cộng sản, họ đưa ra lập trường qua thư luân lưu hay tham gia các phong trào ủng hộ hoà bình khác [10]. Ngoài ra, một số cha thuộc Dòng Chúa Cứu Thế như Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trần Hữu Thanh cũng lên tiếng phê bình chính quyền ông Nguyễn Văn Thiệu về vấn đề tham nhũng, vi phạm nhân quyền trong nhà tù, hay mua bán thuốc phiện [11].
Tóm lại, trong nỗ lực hòa mình vào xã hội ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, Giáo hội Công giáo cho thấy sự năng động của mình khi tham gia xây dựng xã hội ở các lĩnh vực bác ái và giáo dục. Thông qua báo chí và các cuộc biểu tình, họ cũng thể hiện chủ trương chống sự cai trị của cộng sản, chống đế quốc Mỹ, đồng thời lên án các bất công trong chính phủ và trong xã hội. Tinh thần xây dựng xã hội công bình và hoà bình gợi hứng từ công đồng Vatican II đã được nối tiếp và thể hiện phong phú trong đời sống xã hội của nhiều thành phần giáo dân Công giáo.
[1] Van Nguyen-Marshall, “Tools of Empire? Vietnamese Catholics in South Vietnam,” Journal of the Canadian Historical Association 20, no. 2, (2009): 139.
Đây là nghiên cứu được dùng làm tài liệu tham khảo chính cho bài viết. Bản dịch tiếng Việt của nghiên cứu đã được công bố tại đây. Tài liệu này được nhắc đến bên dưới bằng tên gọi tắt TLTK [1].
[2] Pope John XXIII, Pacem in Terris, no. 158 – 160.
[3] TLTK [1]: 145.
[4]Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled, vol. II (New York: Praeger, 1967): 921–922.
[5] TLTK [1]: 147.
[6] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý & Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, số 565.
[7] TLTK [1]: 154.
[8] Allan E. Goodman, Politics in War: The Bases of Political Community in South Vietnam (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1973), 155.
[9] Trần Thị Liên, “The Challenge for Peace within South Vietnam’s Catholic Community: A History of Peace Activism”, Peace & Change 38, no. 4, (2013): 455.
[10] Sđd., 459.
[11] TLTK [1]: 157-158.