Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và kích khởi những tính toán chính trị trên toàn khu vực.
Lược dịch từ bài “The big story – Thai protests build as pandemic fuels unrest across South East Asia” đăng trên Nikkei Asia ngày 21/10/2020. Tựa đề do Luật Khoa đặt lại.
***
Một đêm mưa tầm tã tháng Mười, cảnh sát chĩa vòi rồng vào các nhà hoạt động trẻ tại một ngã tư ở trung tâm Bangkok, Thái Lan. Cuộc đụng độ xảy ra chỉ cách vài mét so với một địa điểm lịch sử, nơi mà một thập kỷ trước đó, lực lượng an ninh đã bắn chết hàng chục người biểu tình chống chính phủ.
Đám đông vào đêm 16/10 bão tố ấy đại diện cho một thế hệ các nhà hoạt động trẻ đang lao vào một chủ đề tuyệt đối cấm kỵ: quyền lực và sự giàu có của chế độ quân chủ Thái Lan.
Các cuộc biểu tình – với mục tiêu kêu gọi thủ tướng từ chức, lập hiến pháp mới và cải cách chế độ quân chủ, đã tăng lên đều đặn ở Thái Lan, ngay cả khi đất nước vẫn đang đóng cửa do COVID-19. Hàng chục nghìn người trên khắp đất nước đã tham gia, với một làn sóng đồng cảm ngày càng tăng dành cho những người biểu tình trẻ tuổi, cùng với sự tức giận trước các chiến thuật của chính phủ.
Ngay sau vụ tấn công bằng vòi rồng, ba trong số top 10 hashtags phổ biến nhất toàn cầu là về tình hình hỗn loạn ở Thái Lan (Thailand’s turmoil). Tổ chức Human Rights Watch nói chính quyền Thái Lan đã “tự tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân quyền”, đồng thời gọi cách họ đối xử với những người biểu tình là “dấu hiệu của chế độ độc tài”.
Sự ủng hộ từ quốc tế đã tiếp thêm sức mạnh cho những người biểu tình trẻ tuổi. Những động thái mới của chính phủ nhằm kiểm duyệt truyền thông Thái Lan trong những ngày gần đây cũng trở nên phản tác dụng, làm gia tăng chỉ trích dữ dội đối với vị vua và vị thủ tướng vốn không được lòng dân chúng.
Tranh graffiti với dòng chữ “Republic of Thailand” (Cộng hòa Thái Lan) đã xuất hiện trên phố. Nhà cầm quyền dường như bất lực trong việc ngăn chặn làn sóng chống đối chế độ quân chủ.
Đứng giữa dòng người biểu tình rầm rộ, thật khó có thể tưởng tượng rằng chỉ nửa năm trước, các tuyến đường lớn của Bangkok im lìm và trống rỗng trong bối cảnh bị phong tỏa, người dân lo sợ về đại dịch COVID-19 hơn là đàn áp chính trị.
COVID-19 và những khó khăn về kinh tế không được nhắc đến trong các bài phát biểu đầy nhiệt huyết của phong trào biểu tình Thái Lan. Tuy nhiên, chất xúc tác của các cuộc biểu tình chắc chắn là các biện pháp phong tỏa dài ngày để chống virus, khiến cho nền kinh tế ngày càng suy thoái sâu sắc, nghèo đói tăng vọt và cảm giác vô vọng lớn dần lên trong số 520.000 sinh viên sắp tốt nghiệp đại học ở Thái Lan trong vài tuần. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 80% trong số họ không có kế hoạch rõ ràng về công việc mà họ có thể nhận được sau khi tốt nghiệp.
Trớ trêu thay, các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố cũng là kết quả của một trong những thành tựu tiêu biểu của chính phủ: Những người biểu tình trẻ tuổi không sợ COVID-19. Họ biết rằng chính phủ đã được quốc tế khen ngợi vì đã kiểm soát được đại dịch. Thái Lan được mô tả là một trong những “ngôi sao COVID-19” của thế giới, với ít hơn 60 trường hợp tử vong và chỉ có 3.700 ca nhiễm tính đến ngày 20/10.
Nhưng với nền kinh tế đang lao dốc phải phụ thuộc vào du lịch và dự báo nền kinh tế sẽ thu hẹp hơn 10% trong năm nay, Thái Lan cũng nổi lên là một trong những nước thiệt hại kinh tế trầm trọng nhất châu Á.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan, Michael DeSombre, gọi Thái Lan là “nạn nhân trong sự thành công của chính mình” trong việc ngăn chặn coronavirus. Để tổng kết tình thế tiến thoái lưỡng nan của chính phủ, ông nói rằng đất nước phải tìm ra sự cân bằng giữa việc giải quyết các nhu cầu kinh tế cấp bách và phòng chống virus.
Suy thoái kinh tế đã đẩy thứ hạng của Thái Lan lên một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất trên thế giới. Theo “Báo cáo tài sản toàn cầu” (Global Wealth Report) năm 2018 của tập đoàn ngân hàng Credit Suisse, 1% người giàu nhất ở Thái Lan kiểm soát gần 67% tài sản của đất nước.
Kể từ năm 2017, người giàu nhất ở Thái Lan là nhà vua, người đã chuyển nhượng tài sản hoàng gia sang cho mình sau cái chết của vua cha Rama IX một năm trước đó. Ước tính danh mục tài sản và cổ phần khổng lồ trị giá trong khoảng từ 40 tỷ đến 70 tỷ USD. Thực tế đó đã tác động lên những người biểu tình, những người đang bất chấp vi phạm những điều luật hà khắc nghiêm cấm chỉ trích hoàng tộc.
Vì bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội cùng hội tụ trong các cuộc biểu tình đang leo thang, Thái Lan được coi là một lời cảnh báo cho khu vực mặc dù có thành tích sức khỏe cộng đồng nổi bật. Cũng bởi vì đất nước đang vật lộn để khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư, mở cửa trở lại ngành du lịch, giải cứu các hoạt động kinh doanh thua lỗ và hỗ trợ một lượng người nghèo đang ngày càng tăng, những nghi ngại về sự ổn định và an ninh của Thái Lan đang được đặt ra.
Các chính quyền Đông Nam Á đã có kinh nghiệm đau thương về sự đánh đổi giữa việc chống dịch và xây dựng nền kinh tế đang phát triển của họ. Kể từ khi COVID-19 bùng phát, họ đã thử nghiệm thành công việc mở cửa lại nền kinh tế của mình trong điều kiện không có vắc xin hiệu quả. Ở Thái Lan, việc đóng kín biên giới đã giúp nước này ngăn chặn con virus đang hoành hành ở các nước láng giềng Myanmar, Philippines và Indonesia. Nhưng Thái Lan đã phải trả giá đắt cho thành tựu bảo vệ sức khoẻ cộng đồng này.
Trong khu vực Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho từng quốc gia có ước tính một số “trường hợp thấp” nghiệt ngã. Thái Lan là nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực, với mức giảm ước tính 10,4%, tiếp theo là Philippines (9,9%) và Malaysia (6,1%).
Nền kinh tế của Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào các thị trường bên ngoài. Đặc điểm đó khiến khu vực này dễ bị tổn thương hơn trước “cú sốc ba trong một” (triple shock) của COVID-19: ảnh hưởng từ bản thân đại dịch, tác động kinh tế của các biện pháp ngăn chặn và ảnh hưởng từ suy thoái toàn cầu.
Tin tốt cho Đông Nam Á là khu vực này thoát được tình cảnh tử vong quy mô lớn và sự lây lan kinh hoàng, điều từng xảy ra với Hoa Kỳ và các khu vực của châu Âu, châu Mỹ Latin và Nam Á. Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên, COVID-19 đã gây ra khoảng 19.000 ca tử vong trong số 650 triệu dân, mặc dù Indonesia, Philippines và Myanmar đều đang nếm trải các trường hợp “làn sóng thứ hai” theo hình xoắn ốc.
Tin xấu, là sự tàn phá đối với sinh kế của người dân chỉ mới bắt đầu, trong khi sự bất mãn ngày càng tăng vì thiếu trợ cấp của chính phủ là điều hiển nhiên trong toàn khu vực.
Theo trung tâm nghiên cứu thị trường GlobalWebIndex, các vụ phong tỏa trong khu vực đã thúc đẩy sự gia tăng sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là ở giới trẻ. Hoạt động xã hội ngày càng tăng của giới trẻ phản ánh “hiệu ứng Hong Kong”, thể hiện trong sự ngưỡng mộ rộng khắp đối với các nhà hoạt động trẻ đi đầu trong phong trào chống lại “vòng kim cô” của Trung Quốc.
Phỏng theo các chiến thuật thường thấy trong các cuộc biểu tình ở Hong Kong, các nhà hoạt động Thái Lan đang thực hành các cuộc biểu tình dưới dạng flash mob: tập trung chớp nhoáng, giải tán nhanh chóng và tận dụng các nền tảng truyền thông xã hội. Họ thêm vào phong cách địa phương, sự sáng tạo và cả hài hước châm biếm, như dàn dựng các cuộc biểu tình theo chủ đề Harry Potter và trình diễn nghệ thuật, thời trang và âm nhạc theo chủ đề phản kháng.
Cho dù trên đường phố hay thông qua mạng xã hội, bất đồng chính kiến đang gia tăng trong các rạn nứt chính trị – xã hội vốn có, nhưng vì COVID-19 mà trầm trọng thêm. Những người phản kháng đang nhắm đến quyền của người lao động ở Indonesia, chính phủ và chế độ quân chủ ở Thái Lan, cùng với tình trạng vi phạm nhân quyền ở Campuchia và Philippines.
Các vấn đề rất đa dạng, nhưng dường như có chung một chủ đề, đó là một làn sóng mới về “sự xói mòn dân chủ” do đại dịch gây ra ở Nam Á và Đông Nam Á. Đó là ý kiến của Thomas Carrothers và Andrew O’Donohue, trong một báo cáo từ Carnegie Endowment for International Peace (Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế). Các tác giả coi sự phân cực xã hội, được khuếch đại bởi đại dịch, là “một căn bệnh chính trị nghiêm trọng có thể phá nát các nền dân chủ”.
Đáng chú ý không kém là cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về những nguy cơ mất ổn định từ sự gia tăng bất bình đẳng. Báo cáo Giám sát Tài chính tháng 4 của IMF cho biết, “các biện pháp cụ thể có thể gây ra các cuộc biểu tình, nhưng căng thẳng gia tăng nhanh chóng đã chuyển hóa những bất ổn xã hội thành sự chỉ trích rộng rãi hơn đối với các chính sách của chính phủ”.
“Mọi người xuống đường vì những bất bình và nhận thức đã tồn tại từ lâu về việc bị ngược đãi. Mức độ nghèo đói và bất bình đẳng cao hoặc gia tăng, đặc biệt là ở các quốc gia có mạng lưới an toàn xã hội yếu kém, có thể góp phần gây ra bất ổn.”
Tại Indonesia, sự phẫn nộ của công chúng vì bị bần cùng hoá do các lệnh phong tỏa và thiếu hỗ trợ của chính quyền đã làm bùng phát bạo loạn trước những nỗ lực vụng về của chính phủ nhằm nới lỏng các quy định về lao động và luật tài nguyên thiên nhiên nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Indonesia có số người chết vì COVID-19 cao nhất ở Đông Nam Á, với hơn 358.000 ca nhiễm và gần 13.000 ca tử vong. 270 triệu người Indonesia đang đối mặt với cuộc suy thoái đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-98. Ngân hàng Thế giới dự báo mức tăng trưởng năm nay là âm 2%. Những người biểu tình cáo buộc chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đã ưu tiên kinh tế hơn là những lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Thêm vào đó, các tổ chức công đoàn lớn nhất của đất nước chỉ trích những thay đổi được đề xuất trong luật lao động. Những thay đổi này sẽ “chỉ làm lợi cho giới tư bản, các nhà đầu tư và các tập đoàn” và “chà đạp” lên những người dân thường, một trong những tổ chức Hồi giáo lớn nhất nước cho biết.
Tại Philippines, cũng đối mặt với cuộc suy thoái đầu tiên trong nhiều thập kỷ do COVID-19, những lời chỉ trích tập trung vào tình trạng nghèo đói gia tăng do các lệnh phong tỏa và các biện pháp tàn nhẫn, bao gồm chỉ thị “hãy bắn chết họ” (shoot to kill) của Tổng thống Rodrigo Duterte nhằm thực thi các biện pháp kiểm dịch. Những nỗ lực để dập tắt tình trạng bất ổn đang gia tăng gần đây đã vấp phải bạo lực gia tăng từ những người biểu tình ở Manila, những người đang yêu cầu chính phủ cứu trợ.
Chính phủ cũng vừa đưa ra một gói kích thích (kinh tế) khẩn cấp trị giá 3,4 tỷ đô la – là ở mức thấp trong các nỗ lực cứu trợ ở châu Á – nhưng không thể giảm được những lời oán trách. Theo tổ chức thăm dò Social Weather Stations, tỷ lệ người đói ăn đã tăng gấp đôi lên 16,7% kể từ tháng 12 và tỷ lệ thất nghiệp đang tăng vọt. Bất chấp các biện pháp ngăn chặn khắc nghiệt, Philippines chỉ đứng sau Indonesia về số ca mắc COVID-19, với 345.000 người tính đến giữa tháng 10, mặc dù dân số 106 triệu người của nước này chưa bằng một nửa Indonesia.
Tại Malaysia, chính phủ và các lãnh đạo phe đối lập đã đấu tranh giành quyền lực khi dư luận chỉ trích tập trung vào việc quản lý sức khỏe cộng đồng lỏng lẻo, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử cấp bang gần đây ở Sabah. Chính phủ cũng đã thẳng tay đàn áp các phương tiện truyền thông, bao gồm cả việc bắt giữ và truy quét những tổ chức tham gia đưa tin về việc đối xử hà khắc với lao động nhập cư.
Nhà bình luận Crystal Teoh viết trên tờ The Diplomat: “Khi đất nước đang tìm cách vượt qua khủng hoảng chính trị và nền kinh tế thì bị đại dịch tấn công, những người trẻ tuổi ở Malaysia ngày càng trở nên mất kiên nhẫn và thất vọng với tình hình lãnh đạo của đất nước họ. Bà nói thêm, mặc dù Malaysia vẫn chưa chứng kiến một phong trào do những người trẻ lãnh đạo quy mô lớn và rộng khắp như ở nước láng giềng Thái Lan, có những dấu hiệu cho thấy xu hướng xảy ra một cuộc kêu gọi bầu cử bất ngờ trong tương lai gần.
Tại Myanmar, những người chỉ trích trong số 22 triệu người dùng mạng xã hội của nước này đang lên tiếng vì ảnh hưởng của các đợt phong toả đối với người nghèo trước cuộc bầu cử ngày 08/11. Trong các chiến dịch vận động trên mạng, các tài khoản Facebook đã cho thấy “sự gia tăng các phát ngôn thù địch và thông tin sai lệch về các đảng phái và ứng cử viên”, theo cảnh báo của Trung tâm Carter (Hoa Kỳ), nơi đang giám sát cuộc bầu cử. Theo tác giả và nhà sử học Thant Myint-U, viễn cảnh về một cuộc bầu cử đầy sai sót “sẽ không giúp Myanmar giải quyết bất kỳ thách thức lớn nào: xung đột bạo lực, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và kém phát triển”.
Tại Campuchia, quốc gia chỉ ghi nhận 300 trường hợp nhiễm COVID-19 và không có trường hợp nào tử vong trong số 16,25 triệu dân, các tổ chức nhân quyền quốc tế đã cáo buộc chính phủ sử dụng đại dịch như một cái cớ để gia tăng đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền và môi trường. Chính phủ đã bắt giữ hơn 30 người Campuchia từ tháng Một đến tháng Tư vì cáo buộc đăng tin giả, và đã bỏ tù 19 nhà hoạt động và nghệ sĩ kể từ tháng Bảy. Các nhóm nhân quyền cho biết các động thái này là một nỗ lực nhằm kiềm chế sự bất đồng về cách xử lý của chính quyền đối với đại dịch và tác động kinh tế của nó. Việc truy quét các luật tội phạm mạng mới đã giảm bớt nhưng không thể làm câm lặng những lời phàn nàn ngày càng tăng trên mạng xã hội.
Ở phần lớn khu vực Đông Nam Á, các cuộc biểu tình đã bị thống trị bởi tầng lớp trung lưu, bất kể già hay trẻ. Điều trớ trêu là những người dễ bị tổn thương nhất trong khu vực – cư dân khu ổ chuột, lao động nhập cư, người nghèo nông thôn và người hành nghề mại dâm – vẫn không lên tiếng.
“Bạn không thực sự trông thấy những người nghèo cùng cực lên tiếng trên mạng xã hội hoặc trên khán đài của các vụ biểu tình”, một nhà ngoại giao Đông Nam Á nói. “Với một vài trường hợp ngoại lệ, phần lớn sự bất đồng chính kiến là ý thức hệ … Đó là về tự do, chính trị, sự kiểm duyệt, bạn có thể thấy nó trên mạng xã hội. Trong những trường hợp như Thái Lan, những người biểu tình phần lớn là những người khá giả; nhưng không sớm thì muộn, khó khăn kinh tế sẽ trở thành vấn đề then chốt, cả trên bục giảng lẫn ngoài đường phố.”
Tình thế tiến thoái lưỡng nan nhất đối với nhiều chính phủ thiếu nguồn lực ở châu Á là ở áp lực ngày càng tăng trong việc tung ra các gói kích thích để vực dậy nền kinh tế và hỗ trợ những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất. Mức chi tiêu trung bình của các chính phủ châu Á cho các chương trình phúc lợi liên quan đến đại dịch chỉ đạt khoảng 1% GDP – so với mức thặng dư 16% của châu Âu.
Ở Đông Nam Á, với mạng lưới an toàn xã hội cũ mòn, mối lo ngại lớn nhất là về việc nâng trần mức nợ và thâm hụt ngân sách đang gia tăng. Tại Thái Lan, nơi có chi tiêu kích thích khẩn cấp gần bằng 15% GDP, nợ chính phủ đã tăng từ 41% lên 57% GDP. Indonesia cũng đã chứng kiến nợ chính phủ của họ tăng từ 30% lên 37% GDP.
Các chính phủ trong khu vực đã thực hiện một cách tiếp cận hỗn hợp để cứu trợ khẩn cấp. Một số nước chẳng hạn như Campuchia và Myanmar thì không làm gì nhiều, trong khi Malaysia và Thái Lan đã nhận được nhiều lời khen cho những nỗ lực của họ. Nhìn chung, khu vực Đông Á chỉ chi một khoản nhỏ cho các biện pháp bảo trợ xã hội so với nhiều khu vực khác, làm nổi bật điều mà Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, coi là một sự thâm hụt đáng kể, thậm chí là hậu đại dịch.
“Chúng tôi được nhắc nhở một lần nữa rằng người giàu có thể làm việc từ xa, người nghèo thì không thể; người giàu có thể tự cách ly, còn người nghèo phải sống trong những khu ổ chuột; con em của người giàu có thể tham gia các lớp học trực tuyến, người nghèo thì không; người giàu có các khoản tiết kiệm, người nghèo thì không có”, ông nói.
Ngay cả khi tăng mức chi tiêu dùng cho cứu trợ, số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy đến tháng 8, trợ cấp của chính phủ trên toàn khu vực Đông Á và Thái Bình Dương chỉ đến được chưa đến 1/4 số hộ gia đình bị giảm thu nhập và chỉ có 10% đến 20% số lượng các công ty yêu cầu hỗ trợ kể từ khi đại dịch bùng phát.
Trong báo cáo kinh tế mới nhất về khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, được công bố vào đầu tháng 10, Ngân hàng Thế giới dự báo rằng sẽ có thêm 38 triệu người trong khu vực này rơi xuống dưới ngưỡng đói nghèo trong năm nay do COVID-19, bao gồm 33 triệu người đã thoát nghèo và 5 triệu người sẽ tái nghèo. Một số nhà kinh tế tin rằng con số này có thể cao hơn gấp đôi. Nhưng ngay cả ước tính thấp hơn cũng làm tăng số lượng những người sống dưới 5,50 đô la mỗi ngày lên 517 triệu người – một sự đảo ngược của những tiến bộ về ổn định (xã hội) trong những thập kỷ gần đây.
Đông đảo nạn nhân cũng có những người phải chịu đựng cái mà Ngân hàng Thế giới gọi là “cú sốc thứ ba” sau đại dịch và hậu quả của thương mại toàn cầu giảm tốc. Ở tuyến đầu của cú sốc này là giới trẻ, đặc biệt là phụ nữ. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ở Đông Nam Á, họ đang phải gánh chịu những tác động khắc nghiệt đối với thị trường việc làm châu Á. Gần 85% việc làm của thanh niên ở châu Á – Thái Bình Dương là do kinh tế phi chính thức cung cấp, đây là khu vực bị tác động nhiều nhất từ suy thoái liên quan đến đại dịch, theo ILO.
Khi thị trường lao động trong khu vực cạn kiệt, “chất xúc tác cho sự thay đổi có thể sẽ bắt đầu từ việc giới trẻ ở Đông Nam Á bị tước bỏ các quyền lợi (trong xã hội) – giới trẻ hiện đang thất nghiệp và mệt mỏi với sự quản trị đặc biệt kém hiệu quả như một căn bệnh kinh niên của khu vực”, Daniel P. Grant, một chuyên gia phụ trách khu vực Đông Nam Á, viết trên The Diplomat.
Một nhóm người dễ bị tổn thương khác cũng xuất hiện ở nhóm trung lưu thấp, bất kể tuổi tác. Mattoo gọi họ là “nhóm nghèo mới nổi vì COVID” (the new COVID poor). Ông nói: “Họ không phải là một phần trong sổ đăng ký nghèo đói thường thấy, họ không được đăng ký”. Họ bao gồm các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các nhà quản lý tầm trung, những người làm việc tự do và hàng chục triệu người sống dựa vào nền kinh tế phi chính thức.
“Về cơ bản, trên toàn bộ phổ của nền kinh tế, mọi người đang trở nên nghèo hơn… Trong khi đó, những bất bình đẳng mới đang nổi lên và những bất bình đẳng cũ thì sắc nét thêm do COVID-19 và các biện pháp ngăn chặn đại dịch”, ông nói thêm.
Trên khắp khu vực, những thành tựu phát triển kinh tế khó kiếm được trong nhiều thập kỷ đã bị xóa sổ – một số trường hợp như quay ngược trở lại những ngày diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-98. Ngay cả ở các quốc gia cung cấp trợ cấp liên quan đến đại dịch, nhiều trong số những “người nghèo mới nổi” này sẽ không đủ tư cách để nhận các khoản trợ cấp phúc lợi xã hội hoặc các chương trình khẩn cấp.
Trong khi tầng lớp trung lưu Đông Nam Á là một trong những câu chuyện thành công tiêu biểu của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, thì lối sống của họ hiện đang bị đe dọa bởi các khoản nợ gia tăng. Một số có thể phải bán nhà hoặc xe hơi, đóng cửa công ty, trả nợ lương cho nhân viên, chuyển con cái của họ từ các trường tư sang trường công hoặc các biện pháp khác.
Các vấn đề của họ được phản ánh trong việc thu nhập hộ gia đình giảm mạnh kể từ khi đại dịch bắt đầu, trung bình lên đến 50% – 60% trong toàn khu vực, và nợ hộ gia đình tăng cao, riêng ở Thái Lan hiện đã đạt gần 90% GDP, từ mức 80% vào tháng Ba. Ngay tại Việt Nam, một trong số ít các quốc gia châu Á được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong năm nay, làn sóng phá sản đã gợi cảm hứng cho một dòng tiêu đề báo chí gần đây: “Với cuộc chiến COVID-19 mới, giấc mơ trung lưu của Việt Nam bị hoãn lại” (With new COVID-19 battle, Vietnam’s middle-class dream deferred).
Một cuộc khảo sát của một nhóm các công ty du lịch và lữ hành – khách sạn có trụ sở tại Thái Lan vào tháng Năm cho thấy trên 85 công ty chỉ giữ lại 2% nhân viên với mức lương đầy đủ, 67% là giảm lương theo thỏa thuận, lương, 17% cho nghỉ tạm thời và 14% bị sa thải. Nhiều người viện dẫn nhu cầu khẩn cấp về hỗ trợ tài chính, cho biết rằng các khoản vay ưu đãi đặc biệt từ các ngân hàng thương mại là “rất khó tiếp cận”. Đây là một ví dụ rõ ràng về những vấn đề mà các doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt.
Hơn hai mươi cuộc phỏng vấn của Nikkei Asia với các nhà quản lý tầm trung và chủ doanh nghiệp nhỏ trên khắp Đông Nam Á cho thấy những người vẫn đang làm việc phải chấp nhận bị cắt giảm lương mà không giảm giờ làm việc, trong khi các chủ doanh nghiệp và người làm việc tự do lo sợ có khả năng phải đóng cửa vĩnh viễn.
Ty Champa, một quản lý của một khách sạn boutique ở thị trấn du lịch Siem Reap của Campuchia, cho biết cô đã bị tạm dừng công việc kể từ tháng 4, khiến cô không còn phương tiện để nuôi đại gia đình của mình. “Tôi chưa bao giờ trải qua điều gì như thế này trong sự nghiệp của mình. Mọi thứ đang xuống dốc. Tôi không biết mình có thể trụ được bao lâu với tình trạng này, hay làm cách nào để trả nợ ngân hàng ”, cô nói.
Saichon Siva-urai, chủ một cửa hàng massage Thái Lan truyền thống ở quận Sathorn, Bangkok, cho biết anh đã đình chỉ toàn bộ nhân viên của mình sau khi chính phủ ra lệnh đóng cửa các tiệm massage và phải vật lộn để trang trải các khoản chi phí như tiền thuê hàng tháng hết 50.000 baht (1.603 USD). “Tôi không có tiền mặt trong tay, vì vậy khi công việc kinh doanh dừng lại, thu nhập của tôi cạn kiệt”, anh nói. Mặc dù lệnh cấm đã được dỡ bỏ, anh ta hoài nghi liệu công việc kinh doanh của mình có thể tồn tại được lâu hay không.
Từ 40 triệu lượt khách quốc tế vào năm ngoái, lượng khách du lịch đến Thái Lan đã giảm gần như bằng 0 trong năm nay. Dự báo năm tới, giả sử rằng biên giới mở cửa trở lại, thì lượng khách du lịch chỉ ở mức hơn 6 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch trong nước và quốc tế cũng sụt giảm, từ khoảng 2000 tỷ baht xuống chỉ còn 350 tỷ trong năm nay, do nhiều khách sạn phải đóng cửa, cho thấy khách du lịch trong nước không thể bù đắp được sự thiếu hụt.
Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, người lao động trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức và chính thức trong khu vực đã tiết lộ phạm vi của cuộc khủng hoảng “vô hình” đã ảnh hưởng đến người lao động nhập cư – nhiều người bị lâm vào cảnh khó khăn và mất việc làm trong bối cảnh những lời hứa bồi thường bốc hơi mất. Nhiều người cho biết họ không thể tiếp cận hoặc không đủ điều kiện nhận các chế độ phúc lợi xã hội; hầu hết đã về quê nếu họ có thể.
Theo chuyên gia Mattoo của Ngân hàng Thế giới, các chính phủ đang phải đối mặt với “sự đánh đổi khó khăn”. Ông cảnh báo rằng “chi tiêu đáng kể để cứu trợ hoặc kích thích hỗ trợ tiêu dùng có thể dẫn đến một chính phủ “nợ như chúa chổm” ít khả năng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tăng trưởng”. Cách các chính phủ phân bổ gánh nặng nợ công cho các cá nhân theo thời gian – thông qua thuế gián thu, thuế thu nhập và lợi nhuận, lạm phát hoặc áp chế tài chính – sẽ là một vấn đề đối với tăng trưởng và phân bổ kinh tế, và cho các thế hệ tương lai, Mattoo lưu ý.
Quan trọng hơn, các nhà lãnh đạo khu vực nhận thức sâu sắc rằng, cách họ đối đãi với những người dân trong thời điểm này sẽ quyết định tương lai – không chỉ về việc phục hồi kinh tế mà còn là gắn kết xã hội và ổn định khu vực. Dân chúng đang ở trong trạng thái bất an và liên tục bị kích động bởi các sự kiện ở Thái Lan, Hồng Kông và những nơi khác, quay cuồng với những khó khăn kinh tế và ngày càng gia tăng chỉ trích chính phủ.
Trong trường hợp không có những ý tưởng mới, lời tiên tri dành cho các nhà lãnh đạo có thể có sẵn trong lời của Thủ tướng Thái Lan Prayuth trong một bài phát biểu hồi tháng Tám: “Tương lai thuộc về giới trẻ. Hãy để giới trẻ dẫn đường …”