Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tuổi tác của chính trị gia là câu chuyện đến hẹn lại lên, đặc biệt khi dân chúng nhận ra những người đang hoặc có thể trở thành lãnh đạo của họ sao mà… già quá.
Nhưng thế nào là quá già?
Thử tham khảo quan điểm của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, người vừa đón sinh nhật lần thứ 96 vào tuần trước. Vị tổng trưởng sống “dai” nhất trong lịch sử Hoa Kỳ nói vào năm ngoái rằng ông hy vọng sẽ có giới hạn độ tuổi đối với những người ra tranh cử tổng thống.
“Cứ cho rằng tôi 80 tuổi đi chăng nữa, tức trẻ hơn cả 15 tuổi so với hiện nay, tôi cũng không nghĩ rằng mình đủ trí lực hay sự minh mẫn để thực hiện những công việc mà tôi từng phải làm khi giữ chức tổng thống”.
Jimmy Carter bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình vào năm 1977, khi ông 53 tuổi.
Độ tuổi trung bình của các tổng thống Hoa Kỳ vào tầm 55 tuổi, không phải là quá cao. Nhưng gần đây thì bắt đầu có quá nhiều ngoại lệ.
Người nắm giữ kỷ lục tuổi cao nhất khi nhậm chức là Donald Trump. Ông Trump trở thành tổng thống Mỹ năm 2016, khi đã 70 tuổi, tức là phá luôn kỷ lục của Ronald Reagan. Reagan nhậm chức năm 69 tuổi, hiện vẫn là vị tổng thống lớn tuổi nhất lúc rời nhiệm sở (77 tuổi). Song, dù Trump hay Biden thắng cử trong kỳ bầu cử năm nay thì Reagan cũng sẽ mất kỷ lục này vào tay một trong hai người nói trên.
Gọi là “kỷ lục”, nhưng đó không hẳn là điều gì tốt .
Trong nhiệm kỳ thứ hai của Reagan, người ta đã bắt đầu đồn đoán về sự minh mẫn và trí lực của ông. Phải năm năm sau khi Reagan rời nhà trắng, công chúng mới biết rằng ông đã mắc hội chứng suy giảm trí nhớ (Alzheimer’s disease) ở những năm cuối nhiệm kỳ.
Tranh đấu chính trị ở cái tuổi mà hầu hết các nghề khác đã nghỉ hưu, thì nên được gọi là quá già.
Ngay lúc này đây, ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden đang đứng trên võ đài ở cái tuổi 77, đối mặt với đương kim Tổng thống Donald Trump diễu võ dương oai ở tuổi 74. Nhìn rộng ra hơn một chút, hai ứng cử viên tiềm năng trước đó của Đảng Dân chủ, ông Bernie Sanders và Elizabeth Warren, đều đã lần lượt ở tuổi 78 và 70.
Một thực tiễn thú vị hơn nữa là Đảng Dân chủ, dù vẫn luôn được xem là đảng của sự cấp tiến và thay đổi tại Hoa Kỳ, lại có tuổi thọ trung bình của giới lãnh đạo đảng cao hơn đảng Cộng hòa đến 24 tuổi. Theo cây bút Andrew Ferguson của The Atlantic, đây là lực cản quan trọng nhất đối với đảng Dân chủ vì họ có vẻ đang đi ngược lại với những thông điệp về sự mới mẻ, về cải cách, về sức trẻ mà họ truyền tải.
Khi các chính trị gia bắt đầu tìm kiếm (hoặc kỳ vọng duy trì) vai trò chính trị của mình ở cái độ tuổi thất thập cổ lai hy, người ta có quyền nghi ngờ về năng lực thể chất lẫn tinh thần của họ, đặc biệt khi tuổi thọ trung bình của những người đàn ông da trắng tại Hoa Kỳ chỉ tròm trèm 76.
Nước Mỹ có quy định giới hạn độ tuổi tối thiểu được phép tham gia vào chính trường, nhưng không giới hạn độ tuổi tối đa. Lý giải của việc này thường quy về hai giả định: một là về năng lực của ứng viên, hai là về nguyên tắc dân chủ.
Về năng lực, có một giả định phổ biến rằng người chưa đạt tới một độ tuổi nhất định thì chưa đủ năng lực hay độ chín để tham gia chính trị. Kể cả những nhà lập quốc Hoa Kỳ cũng không nằm ngoài cách tư duy ấy, dù chúng ta chưa thể nói được rằng việc này là đúng hay sai.
Hiến pháp Hoa Kỳ từ khi được chấp bút vào năm 1787 đã quy định rằng người giữ các chức danh tổng thống và phó tổng thống phải đủ 35 tuổi, thượng nghị sĩ phải đủ 30 tuổi và hạ nghị sĩ phải đủ 25 tuổi. Những quy định này vẫn còn cho đến tận ngày nay. (Ở Việt Nam, độ tuổi ứng cử vào Hội đồng Nhân dân và Quốc hội Việt Nam là tròn 21, nhưng có vô số văn bản khác của Đảng quy định về vấn đề này mà chúng ta sẽ bàn vào một dịp khác).
Bản thân James Madison, người được mệnh danh là “cha đẻ” của Hiến pháp Mỹ cũng cho rằng quy định về độ tuổi và chênh lệch về độ tuổi giữa các vị trí là cần thiết.
“Niềm tin nguyên lão (senatorial trust) đòi hỏi sự uyên bác về tri thức và vững vàng về nhân cách, những điều mà phải đến một tuổi đời nhất định thì người ta mới có thể đạt được”, Madison viết trong tiểu luận The Federalist 62.
Lập luận tương tự cũng có thể dùng để lý giải cho độ tuổi tối thiểu của tổng thống và phó tổng thống. Song cũng có những nhà quan sát cho rằng lập luận như thế là ngụy thiện.
Scott Bomboy, Tổng biên tập của National Constitution Center nêu ra những dữ kiện lịch sử đáng chú ý: 12 đại biểu tại Hội nghị Lập hiến Hoa Kỳ đều dưới 35 tuổi, bao gồm Alexander Hamilton. Lúc viết Phần mở đầu của Hiến pháp Mỹ, Gouverneur Morris 35 tuổi và James Madison vừa đủ 36 tuổi. Ngay cả Thomas Jefferson cũng chỉ mới 33 tuổi khi ông soạn xong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ vào năm 1776.
Dù quy định tuổi tối thiểu vẫn còn được giữ nguyên đến ngày nay, nước Mỹ hiện đại không phải lúc nào cũng quá khắt khe khi áp dụng. Các thượng nghị sĩ như Henry Clay, Armistead Mason, và John H. Eaton đều tuyên thệ khi họ chưa đủ mức 30 tuổi mà Hiến pháp yêu cầu. Ngay cả Joe Biden cũng bắt đầu vận động tranh cử Thượng viện khi chỉ mới 29 tuổi mà thôi.
Như vậy, độ tuổi tối thiểu được đặt ra dựa trên giả định về sự ổn định về nhân cách, tri thức và lý tưởng chính trị của một cá nhân khi sống đến một độ tuổi nhất định, trong trường hợp nước Mỹ là 25 tuổi. Đây là một lập luận thiếu căn cứ khoa học, nhưng hợp tình, và được nhiều người ủng hộ.
Vậy vì sao lại không có giới hạn độ tuổi tối đa?
Lý do dân chủ được viện dẫn ở đây. Có một giả định phổ biến là cử tri thích hình ảnh của các chính trị gia lớn tuổi, thông thái và đĩnh đạc; ngược lại, các ứng cử viên trẻ hay bị cho là quá thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh, thậm chí là “ngựa non háu đá”. Giới hạn độ tuổi tối đa vì vậy sẽ hạn chế quyền lựa chọn dân chủ của cử tri.
Ở một góc độ khác, nhiều người lại cho rằng các nhóm cử tri thường tìm đến những ứng cử viên có cùng độ tuổi với quan điểm, trải nghiệm đời sống và ưu tiên chính trị tương đồng.
Ví dụ, các ứng viên trẻ sẽ được người trẻ ủng hộ bởi họ thường tập trung vào các vấn đề như giáo dục, an toàn tài chính, lãi suất vay hay chăm sóc trẻ em. Các ứng viên cao tuổi lại có những chính sách quan tâm đặc biệt đến trợ cấp xã hội, các chương trình an lão và giữ gìn trật tự trị an, vì thế được người già ủng hộ. Tuy nhiên, vì nhóm cử tri trẻ thường rất thờ ơ với các cuộc bầu cử, các ứng cử viên lớn tuổi mặc nhiên có lợi thế so với các ứng cử viên trẻ tuổi.
Tuy nhiên, cả hai giả định nói trên đã bị phản bác khá thuyết phục trong nghiên cứu “How Do Voters Evaluate the Age of Politicians?” của hai tác giả Charles T. McClean (Đại học Harvard) và Yoshikuni Ono (Đại học Waseda). Nghiên cứu này chỉ vừa được xuất bản vào tháng 9/2020, nên nó có thể cung cấp một cái nhìn rất tiệm cận những gì đang xảy ra, ít nhất là tại Hoa Kỳ.
Theo kết quả nghiên cứu, nhóm cử tri ở bất kỳ độ tuổi nào cũng không “ưng bụng” nhóm ứng cử viên cao tuổi.
Họ có thể phân vân giữa sức trẻ, nhiệt huyết của các ứng cử viên ở độ tuổi 25 – 30; và kinh nghiệm, sự chững chạc cũng như khả năng thuyết phục rất đặc trưng của các ứng cử viên trung niên (khoảng 40 – 50 tuổi). Song nhìn chung, mọi nhóm cử tri đều không có cảm tình (hoặc theo ngôn ngữ của nghiên cứu là “có ác cảm rất lớn”) đối với những cử tri lớn tuổi.
Kết quả này đi ngược lại hoàn toàn những giả định trước đó, và bắt buộc chúng ta phải tìm cách giải thích khác. Nếu vấn đề không nằm ở quan niệm và lá phiếu của cử tri (tức đầu ra), phải chăng vấn đề nằm ở đầu vào, tức những người tham gia vào hệ thống chính trị và có tham vọng trở thành ứng cử viên?
Điều này gần như được xác nhận bởi nghiên cứu công phu “Running from Office: Why Young Americans Are Turned Off to Politics” (Trốn chạy khỏi nhiệm sở: Vì sao người trẻ Mỹ quay lưng với chính trị) của hai tác giả Jennifer L. Lawless và Richard L. Fox.
Theo nghiên cứu và khảo sát, họ ghi nhận hai lý do khiến cho giới trẻ Hoa Kỳ ít khi trực tiếp tham gia vào hệ thống chính trị của quốc gia này.
Một là họ ít có tham vọng trở thành các chính trị gia chuyên nghiệp. Họ có cảm giác lạc lõng trong môi trường chính trị đương đại. Họ khinh thường môi trường chính trị đương đại, thứ mà họ luôn xem là thoái hóa, không trung thực và kém hiệu quả.
Hai là, một lượng lớn dân số trẻ Hoa Kỳ tin rằng họ có thể thay đổi cộng đồng của mình qua những biện pháp khác, sáng kiến khác, nằm ngoài phạm vi chính trị truyền thống quốc gia. Hiển nhiên đây là những tham vọng và mục tiêu cao quý, nhưng cũng chính xu thế này vô tình làm hụt nguồn cung nhân tài trẻ tuổi và nhiệt huyết cho những cuộc bầu cử quốc gia.
Như vậy, tại những quốc gia có bầu cử và nền dân chủ mở, vấn đề nguồn cung có lẽ là vấn đề mấu chốt dẫn đến các chính trị gia quá già. Và điều đó sẽ cần sự can thiệp từ nhiều phía, khách quan lẫn chủ quan. Thực tế cho thấy rằng các chính khách tương đối trẻ, có mức độ kinh nghiệm vừa phải như John F. Kennedy (nhậm chức tổng thống lúc ông mới 43 tuổi) hay Bill Clinton (nhậm chức lúc 46 tuổi) đều nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cử tri.
Ngược lại, ở những quốc gia như Việt Nam hay Trung Quốc, vấn đề có lẽ nằm ở chỗ khác. Tuổi nghỉ hưu của các chính trị gia các quốc gia này được đặt ra khá rõ ràng, thậm chí rõ ràng hơn cả Hoa Kỳ. Nhưng cho đến nay, có tuân thủ nó hay không lại là chuyện của họ.