Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Thông tin về thiệt hại nặng nề ở miền Trung từ các đợt bão lũ liên tiếp những ngày qua chiếm hết tâm trí của người Việt Nam trong lẫn ngoài nước.
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra, chính quyền có nên công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì tình hình bão lũ?
Việc các nước công bố tình trạng khẩn cấp mỗi khi đối mặt với thiên tai gây thiệt hại lớn là một điều quen thuộc, ngay cả với những ai không thường xuyên theo dõi tình hình thế giới.
Chỉ tính riêng một loại thiên tai là lũ lụt, gần như năm nào cũng có các quốc gia ban bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó, từ Philippines, Indonesia đến Colombia, Bolivia, hay Hy Lạp, Ý, Canada… Tại Mỹ, việc chính quyền các bang phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp do lũ lụt là chuyện không hề hiếm gặp.
Cách đây hơn một tháng, Sudan cũng vừa công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong vòng ba tháng vì tình hình lũ lụt đã khiến 99 người thiệt mạng, làm hư hỏng hơn 100.000 ngôi nhà và gây thiệt hại cho hàng triệu người khác.
Vì sao chính quyền lại phải ban bố tình trạng khẩn cấp (state of emergency) trong những trường hợp này?
Hiểu một cách đơn giản nhất, tình trạng khẩn cấp là khi mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền quốc gia hoặc địa phương, họ không còn đủ năng lực ứng phó như trong các tình huống thông thường. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp giúp chính quyền có thể huy động những nguồn lực đặc biệt, áp dụng những biện pháp điều hành mà dưới điều kiện thông thường sẽ không được phép áp dụng, nhờ đó nhanh chóng giảm thiểu và khắc phục được thiệt hại.
Dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020 là một ví dụ. Nó đã khiến rất nhiều quốc gia phải nhanh chóng thông qua những đạo luật mới và ban hành tình trạng khẩn cấp, từ đó áp dụng các biện pháp kiểm soát xã hội đặc biệt (như phong tỏa, giãn cách… ) để tránh dịch bệnh lây lan.
Tùy vào hệ thống luật pháp của mỗi quốc gia mà cơ chế và yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ khác nhau.
Với những nước có thể chế liên bang như Mỹ, khi gặp tình trạng vượt quá năng lực ứng phó thông thường, chính quyền các bang phải ban bố tình trạng khẩn cấp mới có thể yêu cầu sự trợ giúp từ chính quyền liên bang. Chính quyền liên bang khi đó có thể hỗ trợ tài chính và nhân lực để giúp các bang trong hoạt động sơ tán, cứu hộ, điều trị y tế, dọn dẹp, xây dựng tái thiết…
Có những trường hợp chính quyền bị chỉ trích vì chậm, thậm chí là từ chối công bố tình trạng khẩn cấp.
Trong đợt lũ lụt lịch sử ở Malaysia vào năm 2014-2015, chính quyền của Thủ tướng Najib Abdul Razak khi đó đã bị phản đối dữ dội vì không chịu ban bố tình trạng khẩn cấp, huy động toàn bộ nguồn lực giúp các bang bị ảnh hưởng giải quyết tình trạng thiếu lương thực thực phẩm, nước sạch, kiểm soát bệnh dịch, khôi phục điện và tái thiết cuộc sống.
Các chỉ trích cáo buộc rằng chính quyền muốn giữ thể diện, không muốn thừa nhận rằng mình đã thất bại trong việc chuẩn bị công tác ứng phó cho tình trạng lũ lụt, vốn diễn ra thường xuyên mỗi năm.
Việt Nam có quy định pháp luật về việc ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng như nhiều ý kiến đã phân tích, các quy định còn chồng chéo và mâu thuẫn nhau, đặc biệt đối với việc công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
Việt Nam còn có các quy định về cấp độ rủi ro trong thiên tai. Theo đó, vào thời điểm hiện tại có năm cấp độ rủi ro thiên tai, với các tiêu chí phân loại từ cấp một (rủi ro thấp nhất) đến cấp năm (tình trạng thảm họa). Ngoài cấp độ rủi ro thiên tai chung, còn có quy định về cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn (phân bốn cấp) và rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt (chia làm năm cấp).
Ngày 18/10/2020, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã kích hoạt cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai lên cấp bốn, mức cảnh báo gần cao nhất để huy động sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương và người dân.
Việc kích hoạt cấp độ bốn này có đồng nghĩa với tình trạng khẩn cấp?
Xét theo mục tiêu “huy động sự vào cuộc” của toàn bộ xã hội thì khá tương đồng, vì nó thừa nhận rằng chính quyền địa phương đã không còn đủ năng lực ứng phó với tình trạng lũ lụt. Ngay cả năng lực ứng phó của chính quyền trung ương cũng là một dấu hỏi lớn, khi đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lên tiếng công khai kêu gọi “đồng bào ta ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài” đóng góp giúp đỡ để hạn chế tổn thất do thiên tai.
Vậy có còn cần phải công bố tình trạng khẩn cấp?
Theo người viết, việc công bố tình trạng khẩn cấp vẫn là điều nên, cần và phải làm.
Nó sẽ là cơ sở pháp lý chính thức, huy động tất cả những nguồn lực có thể để hỗ trợ các nạn nhân thiên tai, cắt giảm hoặc bãi bỏ tất cả những khoản chi của ngân sách dành cho mọi hoạt động không cấp thiết, đặc biệt là những đại hội đảng đang diễn ra khắp nơi trên cả nước, mà theo một ước đoán khiêm tốn, đang tiêu mất hàng nghìn tỷ đồng.
Làm sao có thể yêu cầu người dân trong và ngoài nước đóng góp từng đồng mồ hôi nước mắt để đùm bọc nhau qua cơn hoạn nạn, trong khi tiếp tục tiêu pha hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế cho đủ thứ đại hội lớn nhỏ?!
Lý do khác cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp là để thừa nhận và nhìn thẳng vào vấn đề: thiệt hại do bão lũ gây ra ở Việt Nam mỗi năm một nghiêm trọng nhưng lại chưa có giải pháp nào để đối phó.
Đây không phải là chuyện của trời (thiên tai). Nó là hậu quả của rất nhiều năm quản lý yếu kém từ phía chính quyền (nhân tai) – từ xây dựng thủy điện bừa bãi, phá rừng tràn lan đến quy hoạch kiểu ăn xổi ở thì và nạn tham nhũng nhung nhúc từ trên xuống dưới.
Câu chuyện của nhà văn Nguyên Ngọc kể lại mười năm trước vẫn còn nguyên tính thời sự.
Tại miền quê Nam Trung Bộ của ông, cho đến cách đây vài chục năm, người dân vẫn còn có thể xây dựng một nền nông nghiệp trù phú nhờ vào nguồn “nước mội” – là thứ nước “rỉ ra từ các chân đồi cát, trong veo, mát lạnh, tinh sạch đến mức có thể bụm vào lòng bàn tay, ngửa cổ uống ngay ngon lành.” Người dân nơi đây vỡ ruộng ngay trên cát, và ở các góc ruộng luôn có những chiếc ao nhỏ, tuy nông nhưng “quanh năm lúc nào cũng đầy ắp nước, tát đi lại đầy ngay, cả trong những mùa nắng hạn gay gắt nhất.”
Nhưng khi rừng ở Tây Nguyên bị phá cạn kiệt, nguồn nước mội đó ở quê ông cũng biến mất.
Vào năm 2009, khi cả thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu ở Phú Yên chìm trong nước sâu vì trận lũ lịch sử, hàng trăm người chết, quan chức chính quyền giải thích hậu quả này là “do biến đổi khí hậu toàn cầu” và “vì nhân dân mất cảnh giác”.
Nhưng như nhà văn Nguyên Ngọc chỉ ra, vào năm 2009, áp thấp nhiệt đới gây ra lượng mưa 330 mm tại Phú Yên, chỉ bằng một phần bốn so với trận lũ lịch sử 20 năm trước đó. Vào thời điểm năm 1991, cũng tại chính Phú Yên, lượng mưa đạt tới 1.300 mm, nhưng khi ấy lại không gây thiệt hại bao nhiêu.
Các con số không biết nói dối, và những lời cảnh báo trên đã là chuyện mười năm trước.
Mười năm sau, mọi chuyện tồi tệ hơn.
Không thừa nhận đây là việc khẩn cấp, tiếp tục bịt mắt mình và che mắt người, những đứa trẻ lớn lên ở đất nước này sẽ còn lại thứ gì?
Khi nào chúng ta mới chịu thay đổi, chịu nhìn thẳng vào sự thật, dám thừa nhận vấn đề, và thật sự tập trung giải quyết nó?
Và nếu chính quyền không thể, không đủ năng lực và không có dũng khí để đi đầu trong việc thay đổi đó, người dân có thể trông chờ gì ở họ?