Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Nhân bầu cử Mỹ, tìm hiểu lịch sử ngành thăm dò dư luận tại xứ cờ hoa.
Mỗi khi đến các đợt bầu cử Hoa Kỳ, bạn đọc dường như lại “bội thực” trước những công bố thăm dò dư luận. Ứng cử viên nào đang dẫn trước, nhóm cử tri nào sẽ ủng hộ ứng cử viên A hay B, đảng nào có khả năng chiến thắng tại khu vực nào, thậm chí là cả biểu đồ thể hiện chênh lệch điểm ủng hộ của từng ứng cử viên theo dòng sự kiện…
Vì sao chính trường Hoa Kỳ lại cần thăm dò dư luận nhiều đến vậy?
Các cuộc thăm dò dư luận quan trọng vì chúng giúp nêu lên quan điểm của những người dân bình thường, những người mà truyền thông dễ bỏ qua. Nói như nhà khoa học chính trị nổi tiếng Sidney Verba, thì “các cuộc thăm dò tạo ra điều mà mọi nền dân chủ phải tạo ra – đó là sự hiện diện bình đẳng của mọi công dân.”
Hiện nay, có lẽ khó có quốc gia nào bì được với Hoa Kỳ về sự phổ biến, chiều sâu thông tin lẫn chiều sâu tổ chức của ngành thăm dò dư luận. Chỉ tính riêng các tổ chức có khả năng thu thập và xây dựng nguồn thông tin gốc (primary source) về quan điểm chính trị trên toàn thế giới, Hoa Kỳ đã có đến 15 tổ chức. Một số cái tên nổi tiếng trong giới nghiên cứu bao gồm:
American National Election Studies (ANES) xuất hiện từ năm 1948, và tiếp tục tồn tại đến ngày nay. Đây là nguồn tổng hợp đáng tin cậy nhất về mọi vấn đề liên quan đến bầu cử Hoa Kỳ, dù là bầu cử tổng thống, bầu cử Quốc hội hay bầu cử tiểu bang.
Gallup Poll là một tên tuổi lớn khác tham gia vào việc thăm dò trên khắp thế giới. Tại Mỹ, họ tập trung vào thu thập và nghiên cứu quan điểm của cử tri về các ứng viên tổng thống.
Và không thể không kể đến Pew Research Center. Đây là tổ chức để lại dấu chân của mình trên mọi mặt trận thăm dò dư luận (và cũng đã xuất hiện rất nhiều trên các bài viết của Luật Khoa), từ quan điểm của các cộng đồng dân cư về các chính trị gia, sắc tộc, kinh tế, trò chơi điện tử cho đến việc phá thai. Pew gần như có câu trả lời cho mọi vấn đề liên quan đến công luận, đặc biệt là tại Mỹ.
Ngành thống kê – thăm dò dư luận tại Hoa Kỳ chỉ bắt đầu được chú trọng sau khi các ngành khoa học ứng dụng liên quan bắt đầu thành hình. Năm 1937, tờ tạp chí Public Opinion Quarterly (Dư luận Quý san) ra đời, góp những tiếng nói đầu tiên vào thị trường thông tin non trẻ đầy tiềm năng.
Một trong những bài báo khoa học đầu tiên có tên “Straw poll in 1936”. “Straw poll” (nghĩa đen chỉ việc xác định hướng gió bằng rơm) là thuật ngữ chỉ việc khảo sát dựa trên mẫu ngẫu nhiên đơn giản, tức là bất kỳ ai cũng có thể tham gia bằng cách lựa chọn trong số những phương án có sẵn. Bài viết lập luận rằng “straw poll” sẽ không thể hiệu quả bằng các biện pháp khảo sát có kiểm soát ngạch (quota-controlled survey), tức là có phân biệt các nhóm nhân khẩu điển hình trong dân chúng khi chọn mẫu khảo sát.
Tác giả còn khẳng định, một khảo sát lấy mẫu ngẫu nhiên đơn giản, dù có mẫu lên đến hàng triệu cũng sẽ không cho kết quả chính xác bằng một khảo sát có kiểm soát ngạch với lượng mẫu được lựa chọn cẩn thận, dù chỉ vài nghìn. Archibald Maddock Crossley, tác giả của bài viết, là một trong những người tiên phong của ngành thăm dò dư luận với những thành tựu đáng nể sau này.
Khoa học về thống kê và khảo sát dư luận dần hoàn thiện theo thời gian, với cú hích quan trọng của Phong trào Dân quyền thập niên 1960. Thăm dò dư luận trở thành một công cụ buộc phải tham khảo để các nhà hoạt động, các chính trị gia thấu hiểu và tìm cách thực thi các chính sách hòa hợp sắc tộc. Từ đó, hoạt động thăm dò dư luận và các tổ chức có tiếng tăm trong lĩnh vực này bắt đầu xác lập vị thế của mình cả về mặt tổ chức lẫn năng lực khoa học.
Đến khi công nghệ tin học và mạng Internet xuất hiện, ngành thăm dò dư luận ghi nhận bước nhảy vọt đầu tiên tại Hoa Kỳ. Theo các nghiên cứu tổng hợp, số lượng các nghiên cứu thống kê và thăm dò dư luận tăng đến 900% chỉ trong giai đoạn từ 1984 đến 2000. Một phần lớn trong đó liên quan đến bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, nghiên cứu của Giáo sư Costas Panagopoulos, Đại học Northeastern thống kê được đến hơn 975 cuộc thăm dò về lựa chọn ứng viên tổng thống của cử tri Mỹ trước khi cuộc bầu cử diễn ra.
Thêm vào đó, đã có hơn một triệu cuộc phỏng vấn được thực hiện và hàng trăm ngàn khảo sát được phát tán khắp Hoa Kỳ thông qua Internet hay các tổ chức dân sự địa phương.
Ngay cả phong cách và phương pháp thăm dò cũng có nhiều biến đổi ấn tượng.
Trong suốt thế kỷ 20, một lượng rất lớn thông tin thăm dò được thu thập thông qua điện thoại, tức là thành viên nhóm nghiên cứu kết nối và đặt câu hỏi trực tiếp với người tham gia khảo sát. Hình thức này hiện nay vẫn còn được một số tổ chức truyền thông lớn như CNN và Fox News sử dụng.
Các hãng truyền thông khác như CBS News và Politico thì mời tình nguyện viên vào các nhóm thường trực để có một lực lượng sẵn có trả lời các khảo sát.
Đối với The Associated Press và Pew Research Center, họ chủ động tuyển người tham gia khảo sát dựa vào các yếu tố nhân khẩu đặc trưng, từ đó có thể chia lực lượng khảo sát ra thành các nhóm. Từ đó, các thành viên trong nhóm được mời tham gia vào các khảo sát trực tuyến tùy vào mục tiêu của bảng hỏi, sao cho phản ánh đúng nhất thực trạng dân cư hay bản chất chính trị của các cộng đồng.
Ví dụ, khi khảo sát về mức độ yêu thích dành cho một ứng viên tổng thống nhất định, họ không lấy mẫu ngẫu nhiên mà cố gắng xây dựng một mẫu đại diện gần giống với cơ cấu dân cư thực tế: tỷ lệ các sắc tộc (da trắng – da màu…), trình độ học vấn, nghề nghiệp, con cái…
Đây chính là kiểu kiểm soát ngạch của mẫu mà chúng ta đã nói đến ở trên, còn có tên gọi khác là lấy mẫu xác suất (probability sampling). Dù có phần phức tạp, nhưng đó mới là cách thăm dò dư luận có thể cho kết quả sát thực tế và đáng tin cậy nhất.
Ngành thăm dò dư luận tại Hoa Kỳ nhìn chung có một lịch sử thành tích khá chắc chắn trong chủ đề bầu cử tổng thống.
Giáo sư Michael Traugott, Đại học Michigan, chỉ ra rằng hầu hết khảo sát dư luận của những tổ chức có uy tín đều phản ánh khá chính xác kết quả bầu cử cuối cùng trong nhiều năm liền.
Tuy nhiên, cũng có thể kể đến hai lần thất bại muối mặt. Lần đầu là từ năm 1948, khi họ dự báo rằng ứng cử viên Đảng Cộng hòa Thomas Dewey sẽ chiến thắng đương kim tổng thống Đảng Dân chủ Harry Truman. Lần thứ hai là cuộc bầu cử 2016, khi hầu như mọi kết quả khảo sát chính thống đều nói rằng Hillary Clinton sẽ thắng Donald Trump. Trung tâm Pew đưa ra một lý giải khả dĩ là những người ủng hộ thầm lặng của Trump đã không tham gia, hoặc cố tình nói dối trong các cuộc thăm dò, vì họ biết rằng thái độ “pro-Trump” không được xã hội đánh giá tích cực.
Theo Pew, kết quả thăm dò về cảm tình của dân cư đối với một ứng cử viên thường đáng tin cậy, nhưng bàn về số phiếu thực tế là rất khó nếu xem xét hai ứng viên ngang ngửa nhau.
Tổ chức này cũng cảnh báo rằng với hàng loạt các yếu tố bất định trong đợt bầu cử sắp tới như dịch bệnh, phân cực chính trị và các tranh cãi về bỏ phiếu qua thư, việc dự báo đúng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sẽ là một thách thức vô cùng lớn.
Một thách thức khác của ngành thăm dò dư luận đến từ cơn sốt dữ liệu lớn (big data). Với sự phổ biến của dữ liệu trên mạng ngày nay, ai cũng có quyền năng tạo ra các diễn ngôn ấn tượng. Chẳng hạn:
“Đa số người dân Hoa Kỳ ủng hộ Tổng thống Trump.”
“Người dân Hoa Kỳ ngày càng có xu hướng theo Đảng Dân chủ.”
“Nhân dân tiến bộ thế giới đang dần có cảm tình với chủ nghĩa xã hội.”
Những diễn ngôn lợi dụng dữ liệu lớn và dư luận ngày càng được sử dụng nhiều hơn bởi tác dụng rõ rệt của mình. Chúng củng cố niềm tin chính trị của những người đã ủng hộ một quan điểm nhất định và làm lung lay những niềm tin khác.
Trong thời đại này, tạo ra một (hay một vài) câu hỏi cho sẵn rồi thu thập thông tin qua internet mà không kiểm soát mẫu là quá đơn giản. Trong đó, tiềm ẩn rủi ro người khảo sát thao túng và định khung kết quả cuối cùng.
Hàng loạt các nhóm độc lập, các chính trị gia và các đảng phái đang cố gắng cắn một phần của “miếng bánh” thăm dò dư luận. Không có các tổ chức học thuật đóng vai trò người giữ cổng cho chất lượng và độ chính trực của khảo sát, những kết quả thăm dò trên mạng có thể mang những mục tiêu tư lợi khác. Điều này càng khiến cho thông tin và kết quả thăm dò dư luận ngày càng bị bè phái hoá (partisanism).
Tại Hoa Kỳ, giới quan sát ngày nay luôn phải tự hỏi về cách chọn mẫu, động cơ cũng như phương pháp của việc thu thập thông tin từ cộng đồng.
Tuy vậy, một ngành thăm dò dư luận năng động, mạnh mẽ và chính xác là dấu hiệu của một xã hội tự do.
Nó là minh chứng không thể rõ ràng hơn về năng lực của các tổ chức bên ngoài nhà nước trong việc thu thập, xử lý và công bố thông tin liên quan đến hạnh phúc, quan điểm và ý kiến của công dân đối với những vấn đề công cộng quan trọng.
Ở Việt Nam, những con số về tỷ lệ người dân hài lòng với dịch vụ công (80%), cho rằng tham nhũng cơ sở giảm (60%), người dân ủng hộ quy hoạch – thu hồi đất (đa số) bao giờ cũng đẹp như mơ. Có điều, không ai (dám) kiểm chứng chúng.
Có lẽ không nhiều người tin vào những con số thống kê trong mơ đó. Nhưng một vài cái lắc đầu ngao ngán “không tin” là không đủ để giành lại quyền được nghĩ, được nói và được mô tả đúng trên các phương tiện truyền thông của các nhóm dân cư.
Thiếu đi một ngành thăm dò dư luận năng động, độc lập với nhà nước, có nền tảng khoa học và theo nguyên tắc chính trực, chúng ta không có cách nào biết được “lòng dân” thực sự nghĩ gì.