Nước Mỹ thời lập quốc của những người da trắng tự do

Tranh mô tả cảnh mừng ngày Độc lập của người Mỹ đầu thế kỷ 19 của John Lewis Krimme. Nguồn: Wikimedia.
Tranh mô tả cảnh mừng ngày Độc lập của người Mỹ đầu thế kỷ 19 của John Lewis Krimme. Nguồn: Wikimedia.

Khi nói về nước Mỹ, tôi hay nghe nhiều người nói về giấc mơ Mỹ, về tự do, dân chủ, bình đẳng, về sự đa sắc tộc/đa văn hóa, và cơ hội cho những ai biết cố gắng vươn lên. Tất cả những điều này tạo nên một hình ảnh nước Mỹ đặc biệt ngoại lệ (exceptional).

Đối với tôi, nước Mỹ không phải đặc biệt ngoại lệ. Cũng như nhiều nước phát triển khác, nước Mỹ chứa đựng nhiều mâu thuẫn, bất công và đầy khoảng cách khác biệt giữa các tầng lớp xã hội, giữa những người có quyền lực và những người không có quyền lực.

Trong loạt ba bài viết này, tôi muốn chỉ ra đằng sau những điều được cho là “đặc biệt” là một nước Mỹ được định hình trên quyền lợi chính trị và kinh tế của người da trắng. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là nước Mỹ không có tiềm năng. Tôi tin rằng tiềm năng của nước Mỹ nằm ở việc đấu tranh để biến lý tưởng thành hiện thực.


Kỳ 1: Nước Mỹ thời lập quốc của những người da trắng tự do

Nước Mỹ hay được ví là đất nước của những người nhập cư đi tìm tự do.

Câu chuyện quen thuộc kể về nước Mỹ là hình ảnh những người Pilgrims hay Puritans đi tìm tự do về tôn giáo. Thomas Paine, trong quyển “Common Sense” viết năm 1776 đã nói rằng “Thế giới mới này [nước Mỹ] là vùng đất tị nạn của những người yêu chuộng quyền tự do dân sự và tự do tôn giáo đã bị bắt bớ ở khắp châu Âu.”[1] Và có lẽ minh chứng hùng hồn nhất cho sự tự do, dân chủ và bình đẳng của nước Mỹ là Đạo luật Nhân quyền (Bill of Rights) ban hành năm 1791. Gọi là đạo luật nhưng thực ra nó là tập hợp của 10 tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Mỹ, quy định về nhân quyền.

Đạo luật Nhân quyền đúng là một lý tưởng về quyền công dân của nước Mỹ. Câu hỏi là ai được xem là công dân.

Theo luật nhập tịch đầu tiên của Mỹ năm 1790 (Naturalization Act 1790) thì chỉ có những người da trắng tự do, ở Mỹ hai năm mới được nhập tịch Mỹ [2]. Như vậy, theo luật này, những người da trắng đến Mỹ theo dạng lao động có thời hạn (indentured servants), những người nô lệ da đen, ngay cả những người da đen tự do, và dĩ nhiên là cả người đến từ châu Á đều không thể trở thành người Mỹ. Như vậy, khi Đạo luật Nhân quyền được ban hành thì nó không dành cho số đông đang sống tại Mỹ.

Nói vậy là vì vào thời điểm đó không phải ai cũng giàu có để có thể tự bỏ tiền đến Mỹ với tư cách là người tự do. Chưa kể trong thời kỳ của 13 thuộc địa ban đầu, lực lượng lao động bị thiếu trầm trọng nên việc nhập khẩu lao động là rất cần thiết. Ví dụ như ở Virginia có một hệ thống cấp đất theo đầu người (Headright system). Ai trả chi phí đem người lao động nhập cư đến Virginia thì sẽ được cấp cho 50 acre đất trên một đầu người.

Cảnh nô lệ trồng thuốc lá tại Jamestown, Virginia trong một cuốn sách giáo khoa năm 1878. Ảnh: Wikimedia.

Như vậy, ngoài một bộ phận dân di cư tìm tự do tôn giáo, thì có một bộ phận không nhỏ (từ 1/2 đến 2/3 tổng số người di dân da trắng) [3] sang Mỹ bằng con đường lao động theo thời hạn (indentured servitude).  Những người này dù không bị xem là nô lệ nhưng họ cũng không phải là người tự do cho đến khi hoàn tất hợp đồng (thường là từ 4-7 năm). Trong khoảng thời gian đó, họ mất đi quyền tự do cơ bản và điều kiện làm việc cũng rất khắc khổ [4]. Thêm nữa thời hạn lao động của họ có thể bị kéo dài nếu họ vi phạm luật [5]. Do đó, đối với những người nghèo nhập cư từ châu Âu, con đường đến Mỹ trước hết không phải là con đường đến tự do [6].

Có thể đến đây bạn sẽ nghĩ rằng sau 4-7 năm thì những người lao động này sẽ thành người da trắng tự do và công dân Mỹ. Thế nhưng, ước tính chỉ có 40% những người lao động này sống sót để có thể hưởng được thành quả “tự do” này. Chưa kể sau khi được tự do thì thủ tục để lãnh đất cũng không đơn giản và thường kéo dài, làm cho số người hoàn thành được thời hạn lao động, vốn đã rất ít ỏi, từ bỏ quyền lấy đất [7].

Có thể nói ngay từ thời điểm ban đầu, việc khuyến khích nhập cư là vì ước muốn phát triển kinh tế và mở rộng lãnh thổ của những người cầm quyền lúc đó. Tuy nhiên, ước muốn này lại hay được ngụy biện dưới ngôn từ của tự do. Bản thân Thomas Jefferson cũng cho rằng những người nhập cư từ châu Âu được hưởng thụ lợi ích của tự do và phủ nhận vai trò của họ trong việc “mở mang lãnh thổ” (và dĩ nhiên góp phần trong việc lấy dần đất của người Mỹ Bản Địa) [8].

Jefferson mơ về một nền dân chủ nông nghiệp (agrarian democracy) dựa trên chế độ lao động theo thời hạn này (indentured servitude), khi người lao động có thể tự tồn tại dựa vào đất được phân sau khi họ được tự do. Tuy nhiên, điều này đã không thể xảy ra vì chế độ lao động có thời hạn cũng có một bất cập lớn: đó là khi người lao động kết thúc thời hạn lao động và được phân đất (tức là bắt đầu có quyền lợi chính trị) thì xung đột giữa những người này và những người chủ đất mà trước đó là chủ của họ bắt đầu (điển hình là cuộc nổi loạn Bacon’s Rebellion).

Do đó, lao động nô lệ được ưa chuộng hơn vì hai lý do: thứ nhất, tầng lớp thống trị khỏi phải lo lắng về sự nổi dậy của một tầng lớp mới được tự do và thứ hai, tạo nên một xã hội mà màu da trắng đồng nghĩa tự do [9].

Đến đây đã có thể thấy, trước khi chế độ nô lệ trở nên phổ biến ở Mỹ, người lao động nhập cư da trắng cũng không dễ gì trở thành công dân Mỹ để hưởng thụ được những gì mà bản Đạo luật Nhân quyền nêu ra. Có thể thấy cái cốt lõi của tự do của nước Mỹ không dành cho người da trắng ở giai cấp thấp. Đó là chưa nói đến việc tư tưởng “tự do” của nước Mỹ được đặt trên nền móng của sự mất tự do của người nô lệ da đen.

Bài diễn văn nổi tiếng của một người đã từng làm nô lệ, Frederick Douglass, nói lên rất rõ sự mâu thuẫn này. Trong bài diễn văn “What to the Slave is the Fourth of July?” (Ngày Quốc khánh Mỹ có ý nghĩa gì đối với người nô lệ?), Douglass lên tiếng nói về tính “đạo đức giả” của nước Mỹ (“hypocrisy of the nation”).

Ông nói, người Mỹ luôn nói về độc lập và tự do, trong khi sự tự do chính trị và sự công bằng được nói đến trong Tuyên ngôn Độc lập không hề dành cho người da đen. [10] Có thể thấy, cái cốt lõi của nước Mỹ khi lập quốc là tự do và bình đẳng cho một số người thuộc tầng lớp trên của xã hội mà thôi.

Kỳ tới: Nền dân chủ của người da trắng


Chú thích:

[1] Câu nguyên văn: “This new world has been the asylum for the persecuted lovers of civil and religious liberty from every part of Europe.” Xem quyển Common Sense tại đây.

[2] Xem nguyên văn luật trong Thư Viện Quốc Hội tại đây.

[3] David W Galenson, “The Rise and Fall of Indentured Servitude in the Americas: An Economic Analysis,” Journal of Economic History  (1984): 1.

[4] Ibid., 4.

[5] Xem thêm Book IV trong quyển American Slavery, American Freedom: The Ordeal of Colonial Virginiacủa Edmund S. Morgan.

[6] Ali Behdad, A Forgetful Nation: On Immigration and Cultural Identity in the United States (Duke University Press, 2005), 26-27.

[7] Elodie Peyrol-Kleiber, “Starting Afresh: Freedom Dues Vs Reality in 17th Century Chesapeake,” Mémoire (s), identité (s), marginalité (s) dans le monde occidental contemporain. Cahiers du MIMMOC, no. 19 (2018). https://journals.openedition.org/mimmoc/2777, đoạn 18.

[8] Ali Behdad, A Forgetful Nation: On Immigration and Cultural Identity in the United States (Duke University Press, 2005), 26-27.

[9] Xem thêm bài viết về lao động nhập cư cúa The Atlantic: “American Cannot Bear to Bring Back Indentured Servitude”, March 28, 2018.

[10] Bản tiếng Anh Douglass viết là: “Are the great principles of political freedom and of natural justice, embodied in that Declaration of Independence, extended to us [enslaved people]?”.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.