‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Giới thiệu chuyên đề: Hiến pháp và Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ
Kỳ 1: Quyền tài phán tư pháp và quyết định của Chánh án Marshall
Suốt gần nửa thế kỷ sau phán quyết Marbury, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ từng bước xây dựng cho mình hình ảnh là người phán xử cuối cùng cho các cuộc tranh chấp pháp lý ở Mỹ. Sau khi giành được quyền giải thích Hiến pháp tối cao sau vụ McCulloch v. Maryland (1819), nhiều người đã hy vọng rằng Tối cao Pháp viện sẽ đóng một vai trò nào đó trong việc giải quyết dứt điểm một vấn đề xã hội nhức nhối nhất nước Mỹ thời bấy giờ – chế độ nô lệ.
Thời điểm đó đã đến khi một vụ kiện nhỏ của hai vợ chồng Dred Scott ở tiểu bang Missouri đến với Tối cao Pháp viện vào năm 1856. Dred và vợ mình là Harriet là hai người da đen, sinh ra với thân phận nô lệ (do có bố mẹ là nô lệ) ở Virginia. Họ khởi kiện lên tòa án tiểu bang Missouri và sau đó là các tòa án liên bang trong suốt gần bảy năm trời để tìm kiếm một điều duy nhất – tự do.
Nhưng đây lại là một trang sử buồn cho lịch sử của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Bằng một phán quyết 7-2, họ từ chối quyền tự do của Dred và Harriet, suốt đời gắn họ với thân phận nô lệ, và trên hết, tuyên bố rằng người da đen không phải là công dân Hoa Kỳ và chính quyền liên bang không được phép tước đoạt quyền tài sản của công dân, bao gồm cả quyền sở hữu nô lệ.
Chuyện gì đã xảy ra với Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ? Chẳng phải vốn Tối cao Pháp viện được xem là hiện thân của công lý sao? Vậy công lý ở đâu trong vụ án Dred Scott?
Để hiểu rõ, chúng ta cần phải tìm hiểu về bối cảnh của xã hội Hoa Kỳ vào thời điểm phán quyết Dred Scott và sự ảnh hưởng của vấn đề nô lệ lên thỏa thuận Hiến pháp Hoa Kỳ vào năm 1789. Để làm điều đó một cách khách quan nhất, tác giả – một người sống ở thế kỷ thứ 21 – luôn tâm niệm rằng phán xét giá trị của một thế hệ đã qua là điều nên tránh vì chúng ta hơn họ ở một điều là ta biết được dòng chảy lịch sử sẽ xảy ra như thế nào. Tác giả hy vọng độc giả cũng chia sẻ lòng tin đó.
Nhìn lại lịch sử lập hiến Mỹ, không vấn đề nào nhức nhối hơn vấn đề nô lệ. Bất chấp một điều rằng Hiến pháp Hoa Kỳ mở đầu bằng lời nói “We The People Of The United States” (Chúng tôi, nhân dân Hợp chúng quốc Hoa Kỳ), khái niệm “nhân dân” (và sau này là công dân – citizen), đã được hiểu một các rất hẹp để chỉ bao gồm đàn ông tự do có tiền, còn phụ nữ và người da đen (Negro) thì lại không được đưa vào khái niệm đó.
Điều này rất dễ hiểu vì sở hữu nô lệ được coi là xương sống của nền kinh tế trọng nông nghiệp của nước Mỹ năm 1789. Không khó để kể ra những Quốc tổ (Founding Fathers) Hoa Kỳ là những người sở hữu nô lệ. George Washington, tổng thống đầu tiên và là anh hùng của cuộc cách mạng, sở hữu nô lệ từ nhỏ cho đến khi ông qua đời. Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba và tác giả của Tuyên ngôn Độc lập, dõng dạc tuyên bố “tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” nhưng chắc chắn ông không nghĩ quyền bình đẳng đó được dành cho 600 người nô lệ ông sở hữu trong suốt cuộc đời. Tất nhiên, cần phải hiểu rằng, hình ảnh nô lệ không nhất thiết phải thống khổ như chúng ta tưởng tượng về họ trên những con tàu xuyên Đại Tây Dương, nhưng chắc chắn sự tự do và số phận của họ hoàn toàn thuộc vào một con người khác.
Nhưng không phải ở đâu của nước Mỹ vào thời điểm đó cũng xem chế độ nô lệ là bình thường. Thời điểm năm 1789, trong 13 bang khai sinh ra nước Mỹ thì có đến năm bang là các bang “tự do”, tức là các bang không chấp nhận chế độ nô lệ. Những bang này có đặc điểm là trọng thương nghiệp và có sự ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các trào lưu tôn giáo Quaker và Methodist vốn coi trọng sự bình đẳng giữa con người với nhau. Alexander Hamilton, một trong những cha đẻ của Hiến pháp Mỹ, cũng là một người chống chế độ nô lệ khi từ rất sớm, năm 1774, ông đã cho rằng thân phận của những người nô lệ không khác gì thân phận của người Mỹ dưới chế độ áp bức của thực dân Anh. Năm 1779, trong cao trào của cuộc chiến giành độc lập, Hamilton – cùng với bạn mình là John Laurens – còn cho rằng nên trao cho nô lệ quyền tự do để đổi lấy sự phục vụ trong quân đội của họ. Kế hoạch này thất bại vì sự phản đối mạnh mẽ của Quốc hội, và của tướng George Washington.
Nhưng quay trở lại thời điểm 1789, Hiến pháp được các bang Hoa Kỳ xem là một dự án lập quốc, cùng nhau liên kết, thống nhất. Và vì thế những vấn đề về giá trị con người cần được chia sẻ chung ở một khía cạnh nào đó. Tất nhiên, năm tiểu bang tự do đã rất cố gắng để Hiến pháp Hoa Kỳ xác lập rằng chế độ nô lệ không có chỗ trên đất của 13 tiểu bang. Nhưng các bang nô lệ lại không đồng ý như vậy vì họ cho rằng sự xoá bỏ đó không chỉ đánh vào động lực kinh tế của mình (tức là đánh vào chủ quyền) mà còn ảnh hưởng đến đức tin (tức văn hoá) của họ. Bằng cặp mắt ngày hôm nay, có thể chúng ta sẽ lên án lối suy nghĩ này – nhưng thời điểm năm 1789, xoá bỏ chế độ nô lệ là một quan điểm cấp tiến và không nhất thiết được coi là đạo đức chung.
Vậy thì, khi vấn đề nô lệ có thể khiến cho dự án lập hiến thất bại, các bang tự do và kể cả Alexander Hamilton đã quyết định thỏa hiệp. Cuộc Đại Thoả hiệp (The Great Compromise) này nói về hai điều. Thứ nhất, Hiến pháp sẽ im lặng về vấn đề nô lệ, không cấm cũng không công nhận. Thứ hai, những người nô lệ sẽ không được đi bỏ phiếu nhưng họ sẽ được tính vào dân số của bang để quyết định số đại diện tại Hạ viện liên bang.
Thể chế hoá hai thoả hiệp là hai điều khoản nức tiếng trong Hiến pháp Mỹ. Thứ nhất, điều khoản Nô lệ Trốn chạy (Fugitive Slave Clause) (Điều 4, Mục 2, Khoản 3), trong đó quy định nếu một bang bắt giữ được một “lao động nghĩa vụ” chạy trốn từ bang khác sang, họ phải trao trả người “lao động nghĩa vụ” đó về lại chủ lao động tại bang quê nhà. Điều khoản Nô lệ Trốn chạy này chưa bao giờ bị bãi bỏ, nhưng Tu chính án thứ 13 đã vô hiệu hoá hoàn toàn nó.
Thứ hai, Hiến pháp Hoa Kỳ ban đầu đã thống nhất rằng, trong quá trình đếm dân số một tiểu bang để xác định đại diện tại Hạ viện, một người nô lệ sẽ được tính bằng ba phần năm một người tự do. Có lẽ đây là lần duy nhất trong lịch sử Hiến pháp phương Tây mà một con người được quy ra con số như vậy. Điều khoản này đã biến mất sau Nội Chiến Mỹ, nhưng không có nghĩa là quyền bầu cử của những người da đen xuất hiện ngay sau đó. Nhưng đó là một câu chuyện khác.
Bản Đại Thoả hiệp này giúp thỏa mãn những mục tiêu ngắn hạn của cả phe chống chế độ nô lệ và phe ủng hộ nô lệ. Đối với phe ủng hộ nô lệ, bản Đại Thoả hiệp là một chiến thắng vì chế độ nô lệ xem như vẫn tồn tại ở Mỹ (phải 20 năm sau ngày Hiến pháp thông qua thì Quốc hội Mỹ mới có thể cấm được việc nhập khẩu nô lệ – nhưng không thể cấm được thị trường nội địa vốn dĩ đã có thể tự cung tự cấp). Còn đối với phe chống chế độ nô lệ, họ cho rằng nền tảng của bản Hiến pháp và một chính quyền liên bang sẽ dần dần “cảm hoá” được quần chúng Hoa Kỳ và chế độ nô lệ sẽ từ từ biến mất bằng con đường dân chủ nhất.
Hy vọng của những người chống chế độ nô lệ không phải là không có cơ sở. Vào năm 1819, số bang tự do đã ngang ngửa số bang nô lệ (11-10). Nhưng những người chống chế độ nô lệ lại tin rằng với sự mở rộng của biên giới Hoa Kỳ và việc càng có thêm các tiểu bang tự do được thành lập qua kết quả của việc mở mang bờ cõi, không sớm thì muộn, số bang tự do sẽ áp đảo số bang nô lệ và mục tiêu xóa bỏ chế độ nô lệ bằng con đường dân chủ sẽ đạt được. Hiến pháp sẽ được tu chính để xóa bỏ nô lệ nếu 2/3 các tiểu bang đồng ý. Vậy thì chỉ cần đạt được 2/3 tổng số bang tự do là mục tiêu hoàn tất.
Tất nhiên, các tiểu bang nô lệ không ngồi yên. Rốt cuộc, đây là vấn đề chính trị và kinh tế vì nô lệ chưa phải là một vấn đề đạo đức có tính phổ quát. Những người chống chế độ nô lệ có lẽ đã quá nóng vội với chiến lược của mình.
Vào năm 1820, những bang nô lệ đã quyết định “phản công”. Lúc bấy giờ, nước Mỹ có một vùng đất rộng lớn ở phía Tây (miền Trung hiện nay) có tên là Louisiana (khác với bang Louisiana hiện nay). Tổng thống Jefferson đã mua lại vùng đất này từ người Pháp và qua quá trình phát triển, một phần của vùng đất này đủ điều kiện để trở thành một tiểu bang của Hợp Chúng quốc, với tên gọi là Missouri. Tuy nhiên, chế độ nô lệ vốn dĩ cũng đã ăn sâu vào lãnh thổ Missouri.
Với tham vọng biến Missouri thành một bang tự do, các nghĩ sĩ chống chế độ nô lệ đã đặt điều kiện bãi bỏ nô lệ gắn liền với việc trở thành tiểu bang cho Missouri. Tất nhiên, các nghị sĩ ủng hộ nô lệ kịch liệt phản đối đề xuất này. Họ dựa vào lập luận rằng làm như vậy nghĩa là chính quyền liên bang đã can thiệp không thỏa đáng vào vấn đề nô lệ, vốn được coi là vấn đề của từng tiểu bang. Lập luận này dựa trên niềm tin rằng nếu để cho Missouri tự quyết định, bang này sẽ vẫn là một bang nô lệ. Tất nhiên, các nghị sĩ chống chế độ nô lệ không đồng ý vì làm như vậy thì sự cân bằng bang tự do – bang nô lệ sẽ bị xô lệch theo hướng không có lợi cho họ.
Cuối cùng, một thỏa hiệp (Missouri Compromise) gồm hai phần được đưa ra, theo đó (1) cứ một bang nô lệ được tiếp nhận vào liên bang, thì một bang tự do sẽ được tiếp nhận – và ngược lại, và (2) một ranh giới sẽ được vẽ ra chia đôi vùng Louisiana – theo đó ở phía Bắc ranh giới này sẽ hoàn toàn không có chế độ nô lệ, còn ở phía Nam thì vẫn duy trì. Thỏa thuận trở thành luật và được Tổng thống James Monroe ký ban hành vào năm 1820.
Bằng thỏa hiệp này, một lần nữa các nghị sĩ chống chế độ nô lệ hy vọng sẽ kéo dài cuộc đấu tranh thêm một thời gian nữa và tin rằng tiềm lực kinh tế của phía Bắc chống chế độ nô lệ sẽ thay màu được miền Nam chậm tiến. Ngoài ra, với việc mở rộng hơn các vùng “tự do”, những nghị sĩ miền Bắc cũng hy vọng nó tạo thêm cơ sở và vùng trú lánh an toàn cho các nô lệ da đen chạy thoát khỏi vùng “nô lệ”. Và tính toàn này không sai khi sau đó là hàng loạt những phong trào của những người da đen tự do tại các bang tự do tìm cách giúp đỡ nô lệ miền Nam trốn thoát đến các vùng đất ở phía Bắc của vùng Louisiana.
Nhưng thỏa hiệp này cũng không phải là không tiềm ẩn các vấn đề pháp lý. Và đó là khởi đầu của câu chuyện Dred Scott.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đang là nô lệ ở một bang nô lệ, được chủ của bạn dẫn sang một bang tự do? Khi đó, bạn có trở thành một người tự do không? Và nếu sau khi ở bang tự do, bạn lại quay trở về bang nô lệ, bạn có còn là nô lệ không?
Đó chính là vấn đề của vụ án Dred Scott.
Cần lưu ý, khái niệm bang nô lệ không có nghĩa là tất cả những người da đen ở bang đó đều là nô lệ. Ở các bang nô lệ, đơn giản sẽ có những con người tự do (do được trả tự do, hoặc sinh ra là người tự do) bất chấp màu da, và sẽ có những con người nô lệ (do bị bán lại, hoặc sinh ra là nô lệ). Bang Missouri cũng vậy. Vì thế bang Missouri có một đạo luật đó là nếu anh đang là nô lệ mà được dẫn sang một vùng đất tự do, thì khi quay lại Missouri, anh có quyền khởi kiện chủ của anh để đòi mình là một người tự do (once free, always free – một ngày tự do, cả đời tự do) (xem Winny v. Whitesides (1824)).
Dred Scott và vợ mình là Harriet cũng nghĩ như vậy.
Anh vốn là một nô lệ được bán sang tay nhiều đời chủ nô. Đến khi một người chủ của anh là bác sĩ quân y Emerson dẫn anh đến hai đồn tiền tiêu của quân đội Mỹ ở bang Illinois và bang Wisconsin, Dred Scott về lý thuyết đã trở thành người tự do vì cả hai bang này không công nhận chế độ nô lệ. Nhưng cả Dred và vợ đều chọn tiếp tục phục vụ cho bác sĩ Emerson suốt thời gian ở Illinois và Wisconsin. Sau đó, Dred và vợ theo bác sĩ Emerson về lại bang Missouri thì không may bác sĩ Emerson qua đời. Vợ của Emerson là Irene Sanford đã giành quyền “thừa kế” tài sản của chồng quá cố của mình, bao gồm cả hai vợ chồng Dred và Harriet. Lúc này, với sự hỗ trợ của nhà thờ và các tổ chức đòi bãi bỏ chế độ nô lệ, hai vợ chồng đâm đơn kiện Irene Sanford tại toà Missouri để đòi quyền làm người tự do.
Tất nhiên, mọi chuyện đã có thể dễ dàng hơn nếu Dred và Harriet tranh thủ thời gian ở Illinois và Wisconsin để đòi quyền tự do. Khi về lại Missouri, mọi thứ đã không thuận lợi như vậy. Toà sơ thẩm Missouri phán quyết Dred và Harriet là người tự do. Nhưng tòa phúc thẩm thì lại cho rằng trường hợp của Dred khác với các án lệ trước đây vì hai điểm. Thứ nhất, chủ nô của Dred và Harriet là bác sĩ Emerson đã không “tự nguyện” dẫn nô lệ mình đến bang tự do mà là đi theo sự điều động của chính phủ – do đó sẽ không công bằng nếu tước đi quyền tài sản của Emerson như trong trường hợp tự nguyện. Thứ hai, Dred và vợ đã tự nguyện đi về vùng Missouri theo bác sĩ Emerson và xem như đã từ bỏ quyền trở thành người tự do của mình.
Dred và Harriet kiện lên tòa án Tối cao Missouri để đòi quyền phân giải. Trong một phán quyết 2-1, tòa này đã tuyên bố Dred Scott không có quyền tự do, và theo lời của một thẩm phán thì “nô lệ là ý Chúa” (xem Scott v. Emerson, 15 Mo. 576, 586 (Mo. 1852)).
Không dừng ở đó, Dred và vợ tiếp tục kiện lên tòa án liên bang vì cho rằng tòa án bang Missouri đã vi phạm luật liên bang, mà ở đây là thỏa thuận Missouri. Vụ án của Dred mau chóng trở thành một điểm nóng vì những người chống chế độ nô lệ tin rằng đây là một cơ hội để giải quyết dứt điểm câu chuyện nô lệ mà không cần phải chờ cho quy trình dân chủ vốn mất thời gian.
Năm 1856, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ dưới thời Chánh án Roger B. Taney quyết định thụ lý vụ kiện.
Taney là một luật gia rất có uy tín vào thời đại của ông (nhưng sẽ rất nhanh, ông sẽ trở thành chánh án bị xem là tệ nhất lịch sử Hoa Kỳ). Khi vụ kiện đến tay Taney, người ta tin rằng ông sẽ phán quyết theo đúng với logic rằng thoả thuận Missouri sẽ áp dụng, vì vốn dĩ nó đã tồn tại hơn 30 năm trời và không tiểu bang nào phản đối nó.
Nhưng một số bất trắc đã xảy ra, nằm ngoài tính toán của những người chống chế độ nô lệ.
Hai năm trước khi vụ kiện đến Tối cao Pháp viện, Thoả thuận Missouri đã được thay thế bằng Đạo luật Kansas – Nebraska, trong đó nói rằng với những vùng đất chưa trở thành tiểu bang của Louisiana thì thoả thuận Missouri sẽ không áp dụng nữa mà việc có chế độ nô lệ hay không sẽ do người dân của từng bang quyết định. Đây là một nỗ lực của Tổng thống Buchanan để chấm dứt tranh cãi về chế độ nô lệ, đó là thay vì để cho các bang tự quyết định, ông muốn cho người dân từng tiểu bang quyết định xem vùng đất của mình có nên còn chế độ nô lệ hay không.
Tất nhiên, cả hai phe chống và ủng hộ chế độ nô lệ thì lại không vui với đạo luật này. Với phe chống, họ cho rằng người dân của bang hay là tiểu bang thì cũng là một và tình trạng hiện nay không khác gì trước thời điểm của Thỏa hiệp Missouri. Còn với phe ủng hộ nô lệ, họ cho rằng làm như vậy cũng là một sự can thiệp quá đáng của chính quyền liên bang vào quyền của tiểu bang. Vì vậy, cả hai phe đều có động lực theo đuổi vụ kiện Dred Scott với hy vọng Tối cao Pháp viện sẽ tuyên một điều gì đó củng cố cho lập trường chống chế độ nô lệ của mình.[1]
Và gánh nặng đặt lên vai của Chánh án Taney.
Giới luật học hiện đại cho rằng Taney đã có thể tránh khỏi rắc rối đó bằng cách tuyên một bản án rất chung chung, né tránh trả lời câu hỏi cốt lõi như cách Marshall đã làm. Rốt cuộc thì với đạo luật Kansas – Nebraska và việc Thỏa hiệp Missouri bị vô hiệu hoá, Taney hoàn toàn có thể nói vấn đề của Taney là vấn đề của bang Missouri và Tối cao Pháp viện không cần phải trả lời. Làm như thế tuy sẽ khiến phe chống chế độ nô lệ không vui nhưng sẽ không bắt bẻ được Taney.
Nhưng Taney có một ý nghĩ khác. Vốn dĩ là một người ủng hộ chế độ nô lệ, Taney cho rằng Tối cao Pháp viện phải có tiếng nói rõ ràng để chấm dứt vấn đề nô lệ trên toàn cõi liên bang. Vì vậy, việc né tránh là không đủ. Tối cao Pháp viện phải làm sao để Dred Scott vừa thua, nhưng không phải thua bằng cách trả hồ sơ vụ án về cho tiểu bang như biện pháp an toàn vừa nêu trên.
Và thế là, trong một phán quyết sẽ đi vào lịch sử như là phán quyết tồi tệ nhất nước Mỹ, Taney đã viết rằng (1) Dred Scott là một người da đen (negro), (2) khái niệm “công dân” trong Hiến pháp Hoa Kỳ chưa bao giờ hàm chứa giống dân da đen cả, (3) các tiểu bang (ám chỉ Illinois và Wisconsin) không có quyền “nhập tịch” bất kỳ ai – đây là việc của liên bang, do đó Dred Scott không được phép trở thành công dân tự do theo luật hai bang này, và (4) vì không phải là “công dân” nên Dred Scott không có quyền khởi kiện ra tòa án liên bang – vốn là đặc quyền của công dân Hoa Kỳ. Bằng cách này, Taney không phủ nhận Dred Scott là một “con người”, nhưng anh mãi mãi không phải là một “công dân” Hoa Kỳ. Lý do đó là vì chủng tộc da đen (negro) của anh. Phán quyết làm phẫn nộ hai thẩm phán Tối cao Pháp viện khác là Curtis và McLean vì họ không thể hiểu nổi logic của phe đa số. Curtis trở thành thẩm phán duy nhất của Tối cao Pháp viện từ chức vì không đồng ý với một phán quyết, điều mà David Souter gần như đã theo gương sau vụ án Bush v. Gore năm 2000.
Nhưng bản án 200 trang của Taney và ý kiến của các thẩm phán phe đa số không dừng ở đó. Taney còn muốn dứt điểm câu chuyện nô lệ theo đề nghị của tổng thống sắp nhận nhiệm sở là Buchanan. Theo đó, Taney còn tuyên bố rằng vì nô lệ là một tài sản và vì quyền tài sản phải được tôn trọng triệt để, cho nên việc chính quyền liên bang ra đạo luật (ý chỉ Thỏa hiệp Missouri) nghiêm cấm chế độ nô lệ ở một số vùng (bắc Louisiana) là vi phạm quyền tài sản của công dân. Do đó, Thỏa hiệp Missouri là vi phạm quyền tư hữu được Hiến pháp bảo vệ và vi hiến.
Đây là một hành động đi quá xa của Taney khi nó không chỉ bắn một phát đạn vô cớ vào một đạo luật vốn dĩ đã chết, nó còn trực tiếp thách thức đến các nỗ lực vận động liên bang cấm hoàn toàn chế độ nô lệ của các bang miền Bắc. Lúc này, đến lượt những người phản đối chế độ nô lệ phẫn nộ. Ai cũng biết vấn đề nô lệ là vấn đề chưa có sự thống nhất, vậy tại sao một tòa án không do dân bầu ra lại cấm tuyệt đối việc vận động dân chủ ở cấp độ liên bang cho vấn đề này? Vốn dĩ phe chống chế độ nô lệ đã định nhờ Tối cao Pháp viện để áp đặt ý chí chống chế độ nô lệ của mình lên toàn cõi liên bang, nhưng chính phán quyết này đã áp đặt ý chí của phe ủng hộ nô lệ.
Vậy là gậy ông đập lưng ông.
Không ai có thể biết Taney nghĩ gì trong đầu. Chỉ biết rằng nếu như việc chấm dứt các tranh cãi về nô lệ trên toàn cõi liên bang là mục tiêu của Taney trong vụ án này, thì Taney đã thất bại hoàn toàn. Những tranh cãi không chấm dứt mà còn trở nên căng thẳng hơn rất nhiều, để rồi xung đột không được phép giải quyết bằng con đường dân chủ đó đã châm ngòi cho một cuộc nội chiến chỉ sau đó bốn năm. Các sử gia đương đại đều nhất trí rằng phán quyết Dred Scott đã góp phần không nhỏ vào cuộc chiến đẫm máu trong lịch sử nước Mỹ.
Đối với Taney, ông tiếp tục làm chánh án cho đến khi qua đời vào năm 1864. Ông đi vào lịch sử như vị chánh án tệ nhất của Hoa Kỳ, là kẻ phân biệt chủng tộc vĩ đại. Nhưng trớ trêu thay, chính ông vào năm 1861 đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức cho Abraham Lincoln – “Người giải phóng nô lệ vĩ đại”. Taney cũng dành ba năm cuối đời để chống lại hầu hết các đạo luật thời chiến của Lincoln, để đến khi qua đời, không còn ai nhớ đến sự nghiệp và di sản của Taney ngoài phán quyết Dred Scott và xung đột với Lincoln.
Với vợ chồng Dred Scott, họ thất bại tại tòa nhưng lại tìm được tự do không lâu sau đó. Irene Sanford trước đó vài năm đã tái hôn với Calvin C. Chaffee, một nghị sĩ chống chế độ nô lệ. Chaffee không hề biết rằng vợ mình đang sở hữu vợ chồng Dred Scott cho đến khi bản án được công bố. Ông ngay lập tức nổi giận và làm giấy nhượng vợ chồng Dred Scott cho một nghị sĩ chống chế độ nô lệ khác Taylor Blow. Blow chỉ mất vài ngày để trả tự do cho vợ chồng Dred Scott. Dred Scott sống đời tự do được một năm thì qua đời vì bệnh lao phổi.
Nhiều người sẽ tự hỏi, nếu như Chaffee biết chuyện sớm hơn và Dred Scott được giải phóng sớm hơn, Tối cao Pháp viện sẽ phải tuyên vụ án của Dred Scott là không còn tồn tại (moot) và những phán quyết của Taney sẽ không được đưa ra. Khi đó, có lẽ Lincoln đã nhậm chức tổng thống trong một không khí bớt thù địch hơn. Và có thể nội chiến sẽ không xảy ra.
Nhưng “nếu” là một từ quá vô dụng trong lịch sử. Chỉ biết rằng bản án Dred Scott không chỉ châm ngòi cho một cuộc chiến, mà còn đẩy Tối cao Pháp viện vào một giai đoạn bị xem là thù địch với những thay đổi cấp tiến. Giai đoạn đó sẽ kéo dài đến tận những năm 1930, thời điểm mà lịch sử gọi là Thời đại Lochner của Tối cao Pháp viện. Nhưng đó là một câu chuyện khác.