Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tiền bạc chi phối rất lớn một cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Trong cuộc chơi tốn kém này, có một cách để các đại phú hào nhúng tay làm thay đổi kết quả: thông qua các Siêu Ủy ban Hành động Chính trị, hay các siêu PAC.
Trước khi tồn tại siêu PAC, từ năm 1944 Mỹ chỉ có các Ủy ban Hành động Chính trị (Political Action Committee – viết tắt là PAC). Đây là một loại tổ chức cho phép các thành viên góp tiền để gây ảnh hưởng chính trị, chủ yếu là để ủng hộ hay phản đối một ứng viên bầu cử. Tuy nhiên, các PAC có giới hạn như sau:
– Không được nhận tiền từ các tập đoàn, công đoàn lao động.
– Một PAC được đóng góp tối đa 5.000 USD cho một ứng viên, 15.000 USD cho một đảng phái trong một chu kỳ bầu cử. Kỳ bầu cử sơ bộ và bầu cử quốc gia tính làm hai chu kỳ.
– Một PAC không được góp tiền cho PAC khác trên 5.000 USD một năm.
– Mỗi cá nhân không thể đóng góp trên 5.000 USD cho một PAC một năm.
Vào năm 2010, các tòa án liên bang Mỹ trong hai vụ Citizens United v. Federal Election Commission và Speechnow.org v. Federal Election Commission đã thay đổi cuộc chơi. Tòa án quyết định rằng các tập đoàn và công đoàn cũng có quyền tự do ngôn luận như cá nhân, và phải được phép sử dụng tiền bạc để tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị quốc gia.
Từ đó, một định chế mới là Super PAC (hay siêu PAC) ra đời, cho phép quyên góp số tiền không giới hạn từ các cá nhân, công ty, tập đoàn, công đoàn hoặc bất kỳ tổ chức nào. Siêu PAC cũng có thể chi tiền không giới hạn để ủng hộ hoặc phản đối một ứng viên. Hạn chế duy nhất của siêu PAC là không được trực tiếp gửi tiền và cộng tác với các ứng viên trong cuộc bầu cử. Tất nhiên, các tổ chức liên quan đến bầu cử Mỹ không được nhận quyên góp từ nước ngoài.
Để so sánh, theo luật của Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC), mỗi cá nhân chỉ được quyên góp trực tiếp 2.800 USD cho một chiến dịch tranh cử. Việc siêu PAC được gỡ bỏ mọi rào cản về tài chính làm nảy sinh vô số chỉ trích rằng việc này đã tháo lồng cho tiền bạc thao túng bầu cử.
Theo Center for Responsive Politics (CRP), tổ chức theo dõi tài chính bầu cử, tính đến ngày 14/10/2020, có 2.152 tổ chức đăng ký với FEC làm siêu PAC. Tổng số tiền gây quỹ đã báo cáo là hơn 1,45 tỷ USD, và tổng số đã chi trong cuộc bầu cử năm nay là 1,17 tỷ USD.
Để so sánh, tính đến 20/9/2020, số tiền mà chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump và Đảng Cộng Hòa quyên được 1,33 tỷ USD, đã chi 1,13 tỷ USD. Chiến dịch của cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ quyên được 990 triệu USD, đã chi 737 triệu USD. Vậy số tiền mà các siêu PAC chi ra với mục đích gây ảnh hưởng bầu cử năm nay còn lớn hơn số tiền của cả hai ứng viên tổng thống.
Doanh nhân Richard Uihlein đứng đầu danh sách các nhà tài trợ cho siêu PAC khi đóng góp tới 56.250.000 USD cho các tổ chức bảo thủ trong kỳ bầu cử năm nay. Đứng số hai là Thomas Steyer với hơn 54 triệu USD cho các siêu PAC của phe cấp tiến. Các nhà tài trợ này có một thái độ chính trị rõ ràng khi gửi séc cho các siêu PAC, bởi tất cả đều chỉ chi tất tay cho các tổ chức có quan điểm bảo thủ hoặc cấp tiến, không ai chia tiền của mình ra để ủng hộ ứng viên của cả hai phe.
Top 100 nhà tài trợ của các siêu PAC đóng góp tới 70% tổng số ngân quỹ. Trong khi đó, top 1% các nhà tài trợ (gồm 4.219 cả cá nhân và tổ chức) đóng góp tới 96,3% ngân sách của toàn bộ các siêu PAC trên khắp nước Mỹ.
Kể từ năm 2012, số tiền các siêu PAC chi trong mỗi kỳ bầu cử lại tăng lên chóng mặt. Số tiền chi cho năm bầu cử 2016 của các siêu PAC là 1,1 tỷ, và chi cho năm 2020 tính đến ngày 14/10 đã lên tới xấp xỉ 1,2 tỷ USD.
Siêu PAC được xem là người anh em song sinh xấu tính của chiến dịch tranh cử trực tiếp, đứng ở sau cánh gà và sẵn sàng làm những trò không đẹp để người anh em của mình giành lấy vinh quang chiến thắng. Hoạt động chính của các siêu PAC bị cáo buộc là chi tiền quảng cáo, tổ chức sự kiện và phát tờ rơi để bêu xấu ứng viên khác.
Năm 2012, trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên sau khi siêu PAC ra đời, hàng triệu đô-la đã được đổ vào để đả phá hình ảnh của các chính trị gia đối nghịch.
Mark McKinnon, nhà tư vấn truyền thông cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống George W. Bush và Thượng nghị sĩ John McCain nhận xét: “Tôi nghĩ rằng các siêu PAC đã tạo ra một hệ thống đồng quy vu tận. Cho dù ai thắng thì họ đều bị nói xấu tơi tả đến mức khó mà lãnh đạo hiệu quả được”.
Ngay trong cuộc bầu cử năm nay, ngay cả khi ông Joe Biden cam kết sẽ ngừng phát các quảng cáo tiêu cực nhắm vào Tổng thống Trump sau khi ông Trump bị nhiễm COVID-19, thì các siêu PAC “độc lập” vẫn không im tiếng.
Priorities USA đăng video quảng cáo chỉ trích tổng thống Trump đã nói giảm nói tránh đại dịch và nói dối hơn 20.000 lần khi làm tổng thống. Mặc kệ việc ông Trump phải vào viện điều trị, American Bridge 21 Century và thậm chí cả Lincoln Project – một siêu PAC của những người Cộng hòa phản đối Trump – nói rằng họ còn lâu mới bỏ qua cơ hội này.
Thế nên chẳng lạ gì mà khá nhiều ứng viên chính trị lẫn các tập đoàn không muốn bị gắn với các hoạt động của siêu PAC.
Tuy luật quy định các siêu PAC phải tiết lộ nhà tài trợ, vẫn có “các chiêu” để giữ bí mật danh tính những người này trước công chúng. Các thủ thuật này bao gồm lập công ty vỏ bọc hoặc chuyển tiền vòng qua một tổ chức phi lợi nhuận. Theo luật thì tổ chức phi lợi nhuận không phải công bố thông tin về các nhà tài trợ cho mình. Ngoài ra, còn có cách tinh vi hơn là vay tiền ngân hàng để chi tiêu, sau đó đợi hết bầu cử thì một đại gia đã hứa hẹn trước sẽ tài trợ cho siêu PAC đó sẽ trả lại khoản tiền đã vay.
Những khoản tiền được bơm vào các chiến dịch chính trị mà không hoặc chưa được tiết lộ người tài trợ được gọi là tiền đen (dark money).
Đây cũng là lý do vì sao nhiều tập đoàn lớn tránh bị dính líu vào các siêu PAC. Họ sợ uy tín bị tổn hại khi cái tên gắn với các chiến dịch tiêu cực và bôi nhọ.
Một vấn đề khác là tính trung lập của các siêu PAC này với các ứng viên mà họ ủng hộ là rất khó đánh giá. Năm 2012, Tổng thống Barack Obama, đi ngược lại các tuyên bố chống siêu PAC của mình, đã đồng ý tham gia vào một sự kiện gây quỹ của Priorities USA Action, một siêu PAC “độc lập” ủng hộ ông tái cử. Vài ngày sau, Mitt Romney, người cũng từng gọi siêu PAC là “thảm họa”, cũng bắt chước Obama và phát biểu tại sự kiện gây quỹ của một siêu PAC khác là Restore Our Future.
Trong cuộc bầu cử năm 2012, siêu PAC đã đóng một vai trò lớn trong cuộc bầu cử tổng thống khi chi tiêu tổng cộng 610 triệu USD. Trong kỳ bầu cử sơ bộ năm đó, các siêu PAC này còn chi nhiều tiền hơn tất cả các chiến dịch tranh cử trực tiếp của các ứng viên Đảng Cộng hòa. Cụ thể, siêu PAC Restore Our Future – ủng hộ Mitt Romney, đã chi 40 triệu USD, còn Winning Our Future (siêu PAC ủng hộ Newt Gingrich) chi 16 triệu USD.
Nhìn chung, đa số người Mỹ không hài lòng khi chứng kiến một số ít những đại gia nhiều tiền có quyền lực chi phối một cuộc bầu cử dân chủ.
Trong cuộc khảo sát toàn quốc năm 2012 của Trung Tâm Công lý Brennan, một phần tư người Mỹ (26%) nói rằng họ cảm thấy ngại đi bỏ phiếu hơn bởi vì lo ngại các ứng viên sẽ phải chiều theo lợi ích của những nhà tài trợ siêu PAC hơn là vì lợi ích của công chúng. 69% nói rằng siêu PAC sẽ dẫn đến tham nhũng, 73% tin rằng chính phủ nên đặt giới hạn tài chính cho các siêu PAC.
Trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, CNN có bài viết: “Siêu PAC, thảm họa của nền dân chủ.”
Tác giả Fred Wertheimer lập luận rằng, “siêu PAC là một cuộc chơi của các triệu phú và tỷ phú. Đây là trò chơi lợi ích của các tập đoàn và những đại phú hào, trong khi thường dân bị đẩy ra bên lề để chứng kiến sự tha hóa của nền dân chủ của chúng ta.”
Tiêu chuẩn độc lập của các siêu PAC cũng thường xuyên bị “luồn lách”. Trong cuộc bầu cử năm 2012, tất cả các chiến dịch tranh cử lớn đều có một siêu PAC được tạo ra và quản lý bởi những người thân cận của ứng viên tranh cử.
Một cuộc khảo sát của Washington Post thực hiện cũng cho kết quả tương tự. 69% người được hỏi nói rằng cần cấm các siêu PAC. Chỉ có 25% nói các tổ chức này là hợp lệ. Tờ báo lên án cả những ứng viên của hai đảng, vì chỉ nói mồm đòi cải tổ hệ thống tài chính bầu cử, nhưng khi tiền đặt trên bàn thì ai cũng lấy.
…nói đi cũng phải nói lại.
Đúng là siêu PAC gây tranh cãi. Đúng là nó bị ghét vì mở cửa cho các ông lớn thao túng và mập mờ giữa tiền trắng tiền đen. Nhưng siêu PAC cũng là minh chứng rõ ràng cho việc nước Mỹ tôn trọng quyền được bày tỏ ý kiến và tham gia vào công việc chính trị quốc gia như thế nào.
Những người ủng hộ siêu PAC chỉ ra rằng các tổ chức này không hạn chế mà còn làm phong phú thêm các cuộc thảo luận quốc gia trong các kỳ bầu cử quan trọng. Siêu PAC làm tăng tính cạnh tranh của các cuộc đua tranh cử và làm cho nó công bằng hơn. Chẳng hạn năm 2010, các ứng viên và Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ chi nhiều hơn Đảng Cộng hòa khoảng 200 triệu USD cho bầu cử. Các siêu PAC đã giúp thu hẹp khoảng cách này tới gần 100 triệu USD.
Cạnh tranh trong chính trị là việc tốt, mặc dù những chính trị gia đang yên vị không thích. Các siêu PAC lại thường ủng hộ đối thủ của các chính trị gia này, giúp cân đối lại cán cân quyền lực của người đang tại nhiệm. Ví dụ, vào năm 2010, Hạ nghị sĩ Peter Defazio, đại diện cho bang Oregon, đã cật lực lên án những siêu PAC chi tới 500.000 USD tiền quảng cáo chống lại ông. Dù vậy, bản thân ông cũng chi tiền vận động lớn hơn nhiều đối thủ của mình và thắng cử. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm Defazio phải vất vả đi vận động để giành lại sự ủng hộ của cử tri trong khu vực bầu cử của mình. Cạnh tranh là tốt.
Các siêu PAC cũng làm tăng chi tiêu chính trị. Cho dù có người phàn nàn rằng đây là việc dùng tiền thao túng bầu cử, nó giúp cho cử tri hiểu biết nhiều hơn về đối tượng tranh cử lẫn các vấn đề của họ.
Và hơn thế, sự tồn tại của siêu PAC đánh dấu chiến thắng cuối cùng của tự do ngôn luận. Ai có thể cấm người Mỹ bỏ tiền bạc, thời gian, công sức ra để khẳng định và truyền bá niềm tin chính trị của mình?
Suy cho cùng, Mỹ vẫn là nước tự do và nếu không thích các super PAC thì các ông lớn vẫn có thể tự mở hầu bao để mua quảng cáo nhằm can thiệp bầu cử như ông Mike Bloomberg. Ông tỷ phú đã thất bại trong cuộc đua giành đề cử của Đảng Dân chủ năm nay, nhưng thề sẽ chi ít nhất 100 triệu USD ở bang chiến địa Florida để cản phá Donald Trump.