Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Những ngày miền Trung oằn mình trong mùa mưa lũ, người dân cả nước lại thắt ruột.
Không ai hẹn trước, khắp nơi các cá nhân tổ chức tự nguyện vận động quyên góp và trực tiếp đến tận nơi để hỗ trợ cho đồng bào bị thiệt hại.
Bên cạnh những lời kêu gọi và ủng hộ cứu trợ dường như đã thành một kiểu thông lệ đến hẹn lại lên, đợt thiên tai lần này đã xuất hiện nhiều hơn những ý kiến khác từ những người muốn chấm dứt cái vòng lặp oan nghiệt này.
Họ muốn chính quyền phải chịu trách nhiệm thay vì đổ hết cho dân. Họ chỉ ra những nguyên nhân khiến cho tình trạng mưa lũ ngày càng tồi tệ, mà phần nhiều trong đó đều có trách nhiệm rất lớn, hay nói chính xác hơn là hoàn toàn thiếu vắng bóng dáng trách nhiệm của chính quyền.
Đó là tình trạng chặt phá rừng bừa bãi năm này qua năm khác không hề có dấu hiệu dừng lại. Đó là cuộc đua cuồng loạn nhà nhà xây thủy điện, tàn phá những cánh rừng bảo hộ, thay đổi dòng chảy tự nhiên, và không có cách nào kiểm soát, cũng không có bất kỳ ai chịu hậu quả của việc xả lũ. Đó là quy hoạch với tầm nhìn xa không quá những tờ đô-la, chỉ biết hăm hở bán đất cho tư nhân tùy tiện lấn rừng lấn biển xây những khu nghỉ dưỡng dựng các khu vui chơi. Và không thể không nhắc đến tình trạng tham nhũng đặc trưng của thể chế độc tôn, khi quan to gom biệt phủ, quan nhỏ xây biệt thự, tranh nhau giành giật những cây to gỗ quý để trang trí cho cái nhân cách dị hợm của mình.
Những ý kiến này không phải chỉ bây giờ mới xuất hiện. Những ai có tâm huyết đã lên tiếng suốt hàng chục năm qua. Một điều lạ là bình thường, số đông đều không có phản ứng gì đặc biệt, hoặc ậm ừ cho qua, hoặc cùng lắm là một chút “drama” ôi-thế-à! Nhưng vào những thời điểm như hiện tại, khi tang thương ở khắp nơi, vẫn cùng là những ý kiến đó lại nhận được nhiều phản ứng dữ dội: từ những chiếc mũ quen thuộc như “phản động chống phá” cho tới những lời đả kích kiểu “vô cảm”, “không có tinh thần xây dựng”, hay chỉ đơn giản “giờ không phải lúc nói chuyện đó”.
Câu hỏi đặt ra là: thời điểm nào là tốt để nói về những chuyện xấu?
***
Hãy hình dung một người thích nhậu nhẹt, thường xuyên lái xe trong tình trạng say xỉn. Đâu sẽ là lúc thích hợp để cảnh báo người đó về hậu quả của việc lái xe sau khi uống bia rượu? Chắc chắn không phải những lúc anh ta tỉnh táo, vì bạn sẽ nghe đủ những lý do lý trấu về việc vì sao anh “phải uống”. Cũng không phải lúc anh ấy say, vì nói chuyện nghiêm túc với người say là chuyện vô nghĩa. Sự thật là chỉ khi nào anh ta gặp tai nạn do say xỉn, khi đó mới có cơ may thay đổi.
Thời điểm tốt nhất để nói về chuyện xấu, trên thực tế, là khi mà hậu quả của nó xuất hiện. Nếu không thì người xưa đã chẳng để lại lời đúc kết tài tình “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”.
Điều tích cực là nhân loại có một thứ năng lực tiến hóa cao hơn các động vật khác: trí tưởng tượng. Chúng ta không cần phải trực tiếp thấy, thậm chí là chui vào nằm trong quan tài mới biết sợ. Chỉ cần tưởng tượng ra hình ảnh đó cũng đủ để nhiều người thay đổi hành vi.
Nhưng khả năng tưởng tượng giống như một chiếc lò nướng bánh. Nếu không biết sử dụng thì cái lò cũng vô dụng. Và có biết sử dụng mà không có nguyên liệu thì cũng không ra được thứ gì. Nguyên liệu ở đây chính là những “chuyện xấu” mà bình thường chúng ta không muốn nghe nhắc đến.
***
Có ít nhất ba lý do mà “chuyện xấu” cần được nhắc đến thường xuyên.
Thứ nhất là vì đa số chúng ta đều bị “cận thị”.
Một người say lái xe tông thẳng vào cột điện sẽ có khả năng nhìn ra mối liên hệ nhân quả: uống rượu -> say xỉn -> lạc tay lái -> tông cột điện (đấy là tất nhiên, nếu anh ta chưa chết). Đa số chúng ta, rất tiếc, lại chỉ có khả năng nhận biết những quan hệ nhân quả đơn giản như vậy. Chỉ cần cơ chế phức tạp hơn một chút, như hút thuốc lá gây ung thư, nhiều người sẽ để chứng cận thị dẫn dắt, chỉ nhìn thấy khói thuốc hấp dẫn mà không thấy được cái hố ung thư chờ sẵn phía trước.
Mối liên hệ giữa việc phá rừng, xây thủy điện, quy hoạch bừa bãi, tham nhũng tràn lan, thể chế yếu kém, chính quyền vô trách nhiệm… đối với tình trạng thiên tai ngày một nghiêm trọng là cơ chế nhân quả phức tạp mà nếu không thường xuyên được nhắc đến, giải thích phân tích cặn kẽ, rất nhiều người sẽ không bao giờ chấp nhận rằng những hậu quả tang thương đang có thực chất là “nhân tai” chứ không phải “thiên tai”.
Lý do thứ hai “chuyện xấu” cần được đề cập thường xuyên là vì chúng ta đều có chứng hay quên.
Bước vào căn phòng có mùi mắm ruốc, bạn sẽ ngay lập tức nhăn mặt bịt mũi (nếu dị ứng với nó), hoặc thèm thuồng chép miệng (nếu đó là món khoái khẩu). Nhưng chỉ cần ở trong căn phòng đó hơn chục phút, bạn sẽ quên ngay sự tồn tại của cái mùi đặc trưng này. Não người được thiết kế để quên đi phần lớn những dữ liệu thu được từ các giác quan. Đó là cách con người không bị ngợp trước vô số tín hiệu thu nhận được mỗi ngày. Chỉ những dữ liệu kích thích cảm xúc nhất, tạo cảm giác sợ hãi, buồn bã, giận dữ hay sung sướng… mới được ưu tiên giữ lại thường trực trong đầu để đưa ra phản ứng.
Các thông tin phức tạp như kiểu “nhân quả xa xôi” ở trên vì vậy đều khó được lưu giữ lâu trong đầu nếu một người không thường xuyên tiếp nhận và xử lý những kiến thức đó.
Lý do thứ ba mà “chuyện xấu” cần được nhắc đến liên tục lại khá đặc trưng cho một thể chế độc tài kiểu Việt Nam: rất nhiều người muốn bạn quên đi những chuyện xấu này.
Và những người đó đều đang chiếm giữ rất nhiều quyền lực.
Họ không muốn ai soi mói những ngôi nhà “đơn sơ” chất đầy gỗ xịn gỗ quý của mình. Họ không muốn ai săm soi việc chia chác đất rừng đất biển cho các loại thủy điện, các công trình nghỉ dưỡng, muôn kiểu biệt thự biệt phủ. Họ không muốn ai chỉ ra mối liên hệ từ những việc xấu họ làm (và những việc tốt mà họ không bao giờ chịu làm) đến các hậu quả tang thương mà những người dân thấp cổ bé họng phải gánh chịu.
Họ muốn tất cả vẫn tin rằng mọi chuyện vẫn luôn là “thiên tai” chứ không có bàn tay nhớp nhúa nào của “nhân tai” nhúng vào.
***
Sẽ vẫn có rất nhiều người nghĩ rằng thời điểm hiện tại chỉ nên phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” chứ không phải là lúc thích hợp để “vạch lá tìm sâu”, đòi truy trách nhiệm.
Suy nghĩ này không sai nếu như tất cả năng lượng bạn đang có đều đang được dành để “đùm lá rách”, và không còn dư chút năng lượng nào để nghĩ về chuyện khác.
Nhưng hãy một lần thành thật với bản thân, bạn có phải đang dành toàn bộ tâm trí cho các “lá rách” và không còn giây phút nào nghĩ tới chuyện gì khác?!
Không có lý do gì mà chúng ta không thể vừa chung tay hỗ trợ những người cần giúp đỡ, vừa chỉ thẳng mặt gọi thẳng tên những ai đã góp phần tạo ra tình trạng thống khổ này.
818 dự án thủy điện đã, đang và sẽ vận hành trên mảnh đất nhỏ bé hình chữ S này là một con số mà bất kỳ ai cũng phải đập đầu vào tường vài lần để rồi tìm cách chất vấn chính quyền thay vì chép miệng cho qua.
Hàng ngàn hecta rừng bị phá bỏ mỗi năm, trong đó có rất nhiều là rừng nguyên sinh, cũng không thể chỉ là những con số vô hồn trong các báo cáo mỗi năm.
Và với những ai vẫn thích đề cao việc tập trung cho chuyện cấp thiết trước mắt, họ sẽ cần phải hít thở sâu lấy can đảm, để ít nhất một lần dám nhìn vào những đại hội đảng hoành tráng xa hoa vẫn đang được tổ chức ở khắp các địa phương, hoang phí hàng ngàn tỷ đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân trong khi đồng bào cả nước chắt chiu từng đồng một để cưu mang nhau.
Đừng tự hào trước hình ảnh những chiến sĩ phải liều mình đi cứu người. Cũng đừng chỉ biết cầu nguyện hay an ủi những ai không may gặp nạn. Và nhất là đừng tiếp tục tự bịt mắt bịt tai để kẻ khác xoa đầu “thiên tai mà, không làm gì khác được đâu”.
Đây là “nhân tai”, và nó không được phép tiếp tục tồn tại.
Nếu chỉ biết “đùm lá rách” mà không chịu “tìm bắt sâu”, thứ họa này sẽ chỉ ngày một khủng khiếp hơn.
Và nếu cứ để đám sâu mọt tự do bò lúc nhúc gặm khắp cơ thể, chúng ta chứ không ai khác sẽ biến thành “nhân tai” hại con cháu của chính mình.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.