‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, bị bắt giữ “khẩn cấp” vào ngày 23/9/2020. Quyết định khởi tố được công bố ngay sau đó liên quan đến việc ông này tố cáo Bí thư tỉnh Đắk Lắk Bùi Văn Cường đã đạo văn trong luận án tiến sĩ.
Vụ việc gây chấn động trong dư luận, với nhiều luận điểm xác đáng để bảo vệ tiến sĩ Quý, từ tính tương thích của một tố cáo mang tính dân sự với sự sốt sắng của cơ quan điều tra hình sự cấp tỉnh, cho đến các vấn đề như thẩm quyền địa giới hành chính và thủ tục bắt giữ. Nhưng có một thứ chúng ta ít nói đến, có lẽ vì nó hơi xa: tự do học thuật. Trong bối cảnh của Việt Nam, vấn đề được gọi đúng hơn là độc quyền học thuật.
Ông Quý bị bắt là vì ông dám tố cáo việc đạo văn của ông Bùi Văn Cường, lãnh đạo đảng của một tỉnh thành, tức là một trong số vài trăm con người tinh hoa trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tố cáo ông Cường, vì vậy, không đơn giản chỉ là sự thách thức cá nhân với năng lực khoa học và khả năng nghiên cứu của một người. Đó là một lời tuyên chiến với thứ “quyền lực tri thức” đã thống trị Việt Nam suốt 45 năm qua.
Một trong những môn học đầu tiên tôi trải nghiệm trên giảng đường Việt Nam là Triết học Mác – Lênin.
Tôi không thể là một thiên tài triết học, cũng không phải là một người yêu triết, nhưng tôi thấy chúng ta cần triết học. Theo nghĩa đơn giản nhất, triết học là những cân nhắc lý tính, trừu tượng và có phương pháp luận về thực tại, về sự tồn tại của loài người, sự phát triển của các thể chế của loài người.
Giả sử, khi Hegel nói về lịch sử và trả lời câu hỏi “Lịch sử có định hướng hay không?” (Does history possess directionality?), ông cho rằng lịch sử có định hướng, nhưng cái định hướng cuối cùng mà nó nhắm đến không thể đo theo chiều không gian, thời gian, hay chính trị. Định hướng của lịch sử có đích đến là tự do của loài người (realisation of human freedom). Sẽ có bước tiến, sẽ có thụt lùi, nhưng bản chất của lịch sử là quá trình tinh thần (spirit) của các cá thể trong cộng đồng tự nhận thức và tự phát hiện các khái niệm vây quanh, từ đó đi đến điểm lý tưởng của nhân loại, khi tâm hồn loài người hoàn toàn tự do.
Ngược lại, Marx dùng duy vật biện chứng lịch sử (historical materialism) để chứng minh đấu tranh giai cấp như là trung tâm của mọi vận động lịch sử. Một trong những luận đề quan trọng nhất của Marx về lịch sử là sự chấm dứt tồn tại của nhà nước. Nơi đó, cộng đồng và xã hội vận hành trên nền tảng công xã, nơi giai cấp và pháp luật không còn chỗ đứng.
Hai nhân sinh quan triết học về lịch sử khác nhau sẽ dẫn đến tư duy khác nhau, lương tri khác nhau, và lựa chọn hoàn toàn khác nhau.
Vậy nên trong bài thi cuối kỳ, tôi cho rằng cách tiếp cận của Marx về lịch sử có phần cứng nhắc, và ông đã tự tin thái quá khi khẳng định năng lực khoa học của phương pháp duy vật biện chứng lịch sử là tương đồng với “sự thật” của khoa học tự nhiên.
Theo tôi, Marx dường như sa lầy vào chủ nghĩa kinh tế tối giản (economic reductionism) – vốn là một trường phái cho rằng mọi hiện trạng xã hội lịch sử đều có thể giải thích bằng khía cạnh kinh tế. Ông cũng xem thường các biến số ngẫu nhiên (randomness) trong khoa học lịch sử.
Đó là những thông tin tôi chật vật tự dịch và tự hiểu thông qua mạng băng thông ADSL chập chờn đầu những năm 2000, với vốn Anh ngữ không đổ đầy lá môn. Và đó là những kiến thức tôi rất tự hào góp nhặt được trong những năm tháng trên giảng đường.
Đáng tiếc là bài viết của tôi chỉ nhận được điểm bốn trên mười. Đánh giá của giảng viên: “Hiểu bài nhưng đi sai định hướng”.
Tại thời điểm đó, tôi mù mờ nhận ra bản chất của “định hướng” – một trong những hiện thân và tác hại tiềm ẩn của một nền học thuật độc quyền.
Tự do học thuật hiểu theo cách hiểu trực diện nhất là quyền của các học giả, các nhà nghiên cứu, các học viên trong việc nêu lên và bảo vệ những học thuyết, giả định và vị trí của riêng mình trong thế giới khoa học, mà không phải lo sợ áp lực đòn thù từ bên ngoài. Chúng có thể được biểu hiện thông qua việc công bố nghiên cứu, giảng dạy trên lớp cũng như tuyển dụng các vị trí học thuật trong các định chế giáo dục.
Đối nghịch của tự do học thuật là độc quyền học thuật. Khi có một thứ quyền lực định hình và thao túng cách chúng ta hiểu và tiếp nhận “năng lực”, “nhân tài”, hay “anh tài chế” (meritocracy – 英才制), quy chuẩn học thuật sẽ bị lợi dụng để phục vụ cho sự sinh tồn của một chính thể. Năng lực bị bẻ cong để phục vụ chính trị, còn nhân tài được cân đo đong đếm tùy ý phụ thuộc vào lòng trung thành chính trị của các cá nhân được đánh giá. Khi đó, “năng lực” hay “nhân tài” không còn là mang đúng ý nghĩa của nó.
Với quá nhiều ngưỡng giới hạn và lằn ranh dành cho việc học và nghiên cứu, người cả ở trong lẫn ngoài hệ thống dần nhận ra hành trình tìm tòi tri thức bị gói gọn lại thành vài con chữ trong sơ yếu lý lịch, những dấu tick “học hàm, học vị”, những điều kiện cần và đủ trên con đường hoạn lộ. Sự học khi ấy không còn là một quá trình mở mang tri thức hay phát triển lương tri nhận thức con người.
Tiến sĩ Quý bị bắt và bị khởi tố là một điều đáng lên án, một chuyện đáng buồn. Tuy nhiên, đó chỉ mới là bề nổi của tảng băng. Điều đáng buồn hơn là khi chúng ta nhận ra rằng việc một tiến sĩ – quan chức đạo văn dường như chẳng quan trọng. Thứ quan trọng, cuối cùng, không phải là sự chính trực trong học thuật, mà là sự trung thành chính trị với một chính đảng.
Sự học, tri thức và cả cái tiêu chuẩn để đánh giá nó khi đó trở thành dụng cụ chính trị. Đó là một biểu hiện cho thấy tiêu chuẩn của xã hội về năng lực, học vấn và trình độ bị biến dạng.
Quyền lực/tri thức (power/knowledge) là khái niệm được triết gia hậu hiện đại người Pháp Michel Foucault sử dụng để tranh luận và phản biện các vấn đề liên quan đến bản chất quyền lực, cấu trúc chính trị và trật tự xã hội loài người. Đây không phải là một thuật ngữ “đọc sao hiểu vậy” hàm ý “có tri thức là có quyền lực”. Theo Foucault, quyền lực/tri thức là khối định chế thống nhất giữa triển khai áp dụng vũ lực và xác lập sự thật (“the deployment of force and the establishment of truth”).
Theo lý thuyết này, bằng các công cụ có vẻ như đã hết sức bình thường trong đời sống con người, có thể trích xuất sự thật về một con người để từ đó kiểm soát và điều chỉnh hành vi của họ. Đó là cách một chế độ chính trị có thể kiến tạo tri thức, đồng thời thi hành quyền lực.
Thử lấy một ví dụ đơn giản để minh họa cho luận điểm trên là các bài kiểm tra. Từ các bài kiểm tra trí lực ở trường học, có thể lấy thông tin về kiến thức mà ai đó đã biết/chưa biết để bắt buộc họ phải học một khóa học hay điều chỉnh một kiến thức họ có trước đó. Từ các bài kiểm tra về mặt thể chất ở bệnh viện, có thể có thông tin về tình hình sức khỏe của ai đó, từ đó yêu cầu họ phải đi theo một liệu trình điều trị nhất định.
Quyền lực, theo đó, vượt xa cái giới hạn quyền lực liên quan đến chủ quyền – trật tự – pháp lý – bạo lực (juridical power) mà người ta thường nghĩ. Sự kiểm soát của một chính quyền bao gồm cả công đoạn quan sát thứ bậc (hierarchical observation) đối với những đối tượng bị trị để nắm bắt, thấu hiểu và từ đó chuẩn hóa cách một xã hội nhìn nhận – phán xét các thành viên của chính nó.
Các tiêu chuẩn để đánh giá thế nào là người tốt hay kẻ xấu, có ích hay phá hoại, lành mạnh hay vô đạo đức, thuần phong mỹ tục hay phản giáo dục… đều là những phó phẩm của khái niệm quyền lực/tri thức của Foucault.
Hiển nhiên, Foucault đang nói về quyền lực của các định chế chính trị của loài người nói chung. Nhưng trong cái chính thể nơi mà các đối thoại học thuật bị nắm giữ độc quyền, quyền lực/tri thức lại có một thẩm quyền to lớn và tác động dài lâu hơn.
Theo cách đó, sự thống trị của một ý thức hệ chính trị độc quyền không chỉ mang bản chất áp đặt từ bên ngoài, mà còn có thể mang bản chất đối thoại tự nguyện từ chính các thành viên, chuyển hóa nó thành một dạng quyền lực mềm ăn sâu vào nếp nghĩ và văn hóa của các chủ thể phụ thuộc.
Sự thật (truth) trong bối cảnh này cũng không còn là thứ sự thật tuyệt đối mà ai cũng có thể tìm kiếm và chấp nhận. Sự thật trở thành một nhóm các nguyên tắc nơi quyền lực được dùng để phân định giữa thứ chấp nhận được và thứ không chấp nhận được. Các kiến thức và khái niệm xã hội như thông tin khoa học (scientific information), thuốc men (medicine), sư phạm (pedagogy), kinh tế (economics)… trở thành những công cụ quyền lực và sử dụng cho mục tiêu quyền lực có định hướng, ngay cả khi không ai “cầm trịch”, theo Foucault.
Vì lý do này, trong các cộng đồng chính trị nơi một quyền lực độc tài có đủ thời gian để nảy mầm và bắt rễ, tri thức dù được trưng bày như thể một định chế xã hội độc lập, lại tự mình vận hành trong guồng quay ủng hộ và củng cố chính thể chế độc tài đó.
Để dễ hiểu, hãy thử nghĩ về kem đánh răng và các loại sản phẩm vệ sinh răng miệng.
Nhiều nghiên cứu khoa học uy tín từ trước nay đều chỉ ra rằng các loại vi khuẩn gây sâu răng (bacteria causing cavities) vốn không chịu tác động gì trước các sản phẩm vệ sinh răng miệng thông thường.
Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ 20, bằng cách thao túng khoa học kết hợp với những kỹ thuật tiếp thị, Claude Hopkins – một trong những marketer tiên phong trên thế giới – đã thành công trong việc tạo nên một “kiến thức phổ cập” ngày nay cho rằng: “Các sản phẩm vệ sinh răng miệng hàng ngày là lá chắn đầu tiên giúp bảo vệ răng, chống sâu răng cũng như rất nhiều các dịch bệnh nguy hiểm khác”.
Cả một nền công nghiệp, cả một hệ thống tri thức và cả một ngành đào tạo bảo vệ răng nhờ đó hình thành – tồn tại. Ngành này tiếp tục kiếm lời và củng cố “nỗi sợ sâu răng” cũng như các bệnh lý răng miệng của hàng tỷ người trên toàn cầu, mặc cho các khuyến cáo từ những cơ quan khoa học cho rằng các sản phẩm vệ sinh răng miệng chỉ có giá trị thẩm mỹ mà thôi.
Tương tự, có quá nhiều hạt giống “tri thức” mà một chính quyền toàn trị có thể ươm mầm để thu hoạch “sự thật”, “nỗi sợ” và “kiến thức thường thức” có lợi cho sự thống lĩnh của họ.
“Nền kinh tế chỉ phát triển nhờ vào sự quản lý tập trung của nhà nước”.
“Các nhà kỹ trị là mấu chốt thành công của chiến dịch phòng chống virus Vũ Hán”.
“Hộ khẩu là cần thiết để quản lý xã hội”.
“Chúng ta không thể có ngày nay nếu không có các nhân vật lịch sử A, B, C”.
“Bảo hiểm xã hội bắt buộc là con đường duy nhất để đảm bảo an sinh xã hội”.
Kể ra đây một ít để thấy cách một hệ thống chính trị có thể duy trì sự thống lĩnh bằng con đường quyền lực/tri thức đa dạng và phổ biến như thế nào.
***
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bộ đôi quyền lực – tri thức đáng lẽ nên mất đi hiệu quả của mình một phần nào đó.
Khả năng này nghe có vẻ hợp lý. Tri thức không còn độc quyền, các thông tin khoa học trái chiều được lưu hành ở một mức độ nhất định, rõ ràng công chúng càng có nhiều cơ hội để thách thức và xét lại thứ quyền lực tạo nên bởi tri thức mà họ bị áp đặt trong suốt nhiều năm qua.
Tuy vậy, hiện thực cho thấy sự kết hợp trong ngoài dường như chỉ làm công chúng thêm lưỡng lự mà thôi.
Người dân xem thường hệ thống giáo dục đại học – cao học với hàng chục ngàn danh xưng giáo sư, tiến sĩ hay thạc sĩ mà họ cho là vô dụng; nhưng cũng chính họ vui mừng khi thấy con mừng mình đậu vào một đại học được chính những vị này giảng dạy.
Các trí thức trẻ dùng hết thực lực của mình để gửi đăng nghiên cứu khoa học trên các tạp chí quốc tế vì tin rằng năng lực của họ sẽ được xem trọng chứ không phải quan hệ hay tiền bạc như các tạp chí trong nước; song cũng chính họ dùng thứ năng lực được chứng minh này để trèo lên các nấc thang khoa học trong nước.
Nếu suy luận theo khái niệm quyền lực/tri thức của Foucault, bản thân hệ thống đánh giá và hệ thống tri thức đang vận hành xã hội Việt Nam mới là vấn đề cốt lõi. Đạo văn hay không, không còn quan trọng nữa.