‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Những người thổi còi thường không chốn dung thân, nhất là khi ai nấy đồng lòng nhắm mắt trước thực tế.
Hiếm ai có thể ngồi yên khi bị người khác tố cáo. Người tố cáo cũng đứng ngồi không yên, đặc biệt là khi nhân vật mình tố là một người có chức có quyền. Minh chứng nóng hổi là trường hợp vừa qua của Tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng, bị công an Đắk Lắk kéo quân xuống thành phố Hồ Chí Minh “mời làm việc” sau khi ông tố cáo Bí thư tỉnh Đắk Lắk Bùi Văn Cường đã đạo văn.
Bằng một cách thần kỳ nào đó, hai chữ “tố cáo” chiếm một vị trí rất nghiêm trọng trong ngôn ngữ và xã hội Việt Nam.
Vậy “tố cáo” là gì?
Từ Hán – Việt này xuất phát từ chữ “cáo tố” (告訴) của tiếng Hoa. Nghĩa hiện đại của nó đơn giản là “nói chuyện”, hiền lành theo kiểu khi ai đó nói “tôi cáo tố anh”, nó chỉ có nghĩa là “nói cho nghe nè”.
Nguồn gốc của chữ “cáo” (告) có nhiều tranh cãi. Có người cho rằng nó có gốc chung với chữ “thiệt” (舌), nghĩa là cái lưỡi, và “ngôn” (言), chỉ lời nói. Có người thì giải nghĩa rằng chữ này được ghép lại từ “ngưu” (牛), tức là con bò, với hình thù cái máng đựng thức ăn phía dưới. Người khác thì phân tích cái hình vuông phía dưới thực chất ban đầu là hình tròn, vốn là cái vòng xỏ mũi trâu bò mà nhà nông dùng để thuần hóa các con vật này. Tùy vào cách giải thích mà “cáo” sẽ có nghĩa là nói chuyện hoặc cảnh báo (qua hành động buộc thanh gỗ ngang vào sừng trâu để nó không đụng phải người khác), hay chỉ giới hạn (từ nghĩa kiểm soát, thuần hóa động vật).
Còn chữ “tố” (訴) được ghép từ chữ “ngôn” (言), lời nói, và “xích” (斥). “Xích” ban đầu là tạo hình lộn ngược bên trong nhà, với chữ “nghịch” (屰) nằm trong chữ “yểm” (广), mang nghĩa cửa mở hướng ra ngoài. Về sau “xích” được viết lại từ chữ “cân” (斤), vốn là cái rìu. Có lẽ vì có cái rìu gia nhập đội nên ngoài ý mở rộng, phát triển, “xích” còn có nghĩa chỉ trích, như trong “bài xích”. Chữ “tố” vì thế vừa có nghĩa truyền đạt thông tin ra ngoài, vừa có ý chê trách.
Trong tiếng Hán hiện đại, “cáo tố” đi chung với nhau rất vô hại, chỉ khi tách riêng thì mới có thể mang nghĩa nguy hiểm – như trong “cảnh cáo” hoặc “khởi tố”. Trong khi đó với tiếng Việt, “tố cáo” ở chung một nhà hay đánh lẻ một mình thì đều nghiêm trọng như nhau.
***
Trong tiếng Anh, từ tương đương với tố cáo là “accuse”, có gốc chung với chữ “cause” (nguyên nhân). Khi bạn “accuse” ai, tức là bạn cho rằng người đó là “cause” cho một chuyện tiêu cực nào đó.
Danh từ “accuser” có nghĩa là người tố cáo, nhưng tiếng Anh có một từ khác nổi tiếng không kém: whistleblower.
“Whistleblower” (nghĩa đen “người thổi còi”) có nguồn gốc từ cái còi của cảnh sát vào thế kỷ 19. Khi ai đó thổi còi cảnh báo, các đồng nghiệp cảnh sát và người dân xung quanh biết rằng có chuyện không hay xảy ra.
Ngày nay, “người thổi còi” được hiểu là những người chuyên đưa ra ánh sáng các việc làm xấu, thường là trong nội bộ nơi họ làm việc, có thể là một doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước. Rất nhiều những vụ án lớn chấn động đều khởi phát từ thông tin do những người thổi còi cung cấp.
Làm việc tốt như vậy, nhưng trên thực tế, người thổi còi gần như luôn bị ghét bỏ. Nếu lên tiếng trong doanh nghiệp, họ thường là bị đuổi việc, hoặc bị ép phải ra đi. Còn dám tuýt còi các cơ quan chính quyền, họ có thể bị dán nhãn “phản quốc”, bị bỏ tù hoặc phải chạy trốn ra nước ngoài, như trường hợp của Chelsea Manning và Edward Snowden.
Theo các nhà tâm lý học, có ít nhất hai cơ chế khiến chúng ta chống lại những người thổi còi.
Thứ nhất là “tâm lý theo bầy” (group mentality). Quy luật bất thành văn của những người ở trong cùng một nhóm là phải bảo vệ lẫn nhau, và với nhiều người, nó bao gồm cả việc bao che cho nhau.
Cơ chế này hình thành từ rất sớm. Ngay từ khi còn bé, chúng ta đã không ưa những đứa “mách lẻo”, kể chuyện xấu của mình cho cha mẹ hay thầy cô. Lớn lên, khi ở trong cùng một công ty, một cộng đồng, hay một đất nước, quyền và lợi ích gắn chặt trong nhóm, tâm lý “bảo vệ lẫn nhau” càng mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là khi ta gắn giá trị, lý tưởng sống của mình với nhóm đó, mọi hành động làm tổn hại đến hình ảnh lung linh của nhóm đều có nguy cơ khiến thế giới quan của ta sụp đổ. Chống lại mọi nỗ lực “bôi xấu” nhóm vì vậy là một phản ứng bản năng.
Ngay cả khi nhận ra những cái xấu của nhóm, rằng những người thổi còi đã đúng khi chỉ ra nó, thì một cơ chế tâm lý khác lại nhảy vào: “căn tính phản chiếu” (projective identification). Hiểu một cách đơn giản, đó là việc ta nhìn thấy cái xấu của mình trong gương, và thay vì ghét bản thân, ta quay sang nổi giận với chính chiếc gương.
Mọi cơ chế cuối cùng đều có một mục đích là bảo vệ bản thân. Nhà phân tâm học David Morgan cho rằng những người thổi còi phơi ra những mảng tối của hiện thực mà chúng ta không muốn biết tới. “Hầu hết chúng ta đều lựa chọn mắt nhắm mắt mở. Nó là một cách sinh tồn hiệu quả. Công ăn việc làm của bạn được đảm bảo. Bạn có thể thấy tội lỗi, nhưng rồi bạn có thể tìm cách quên đi điều đó”, Morgan nhận xét.
Nhắm mắt trước thực tế cũng là lựa chọn của rất nhiều người ở vị trí lãnh đạo.
Họ cho rằng trong một doanh nghiệp, một tổ chức, một chính quyền, nếu xuất hiện nhiều lời tố cáo thì điều đó có nghĩa rằng nơi này có vấn đề. Ngược lại, nơi nào càng ít lời tố cáo sai phạm, nơi đó càng hoàn hảo.
Không ít người chia sẻ quan điểm trên, và đó là niềm tin của những ai rúc đầu trong cát.
Trên thực tế, vấn đề và sai phạm luôn luôn xuất hiện ở bất kỳ đâu. Tổ chức càng lớn, sai phạm và vấn đề càng nhiều.
Một nghiên cứu của Harvard Business Review (HBR) vào năm 2018 đã chỉ ra rằng, tổ chức nào càng tạo điều kiện và càng có nhiều người của mình tuýt còi các vấn đề, tố cáo các hành vi sai phạm, tổ chức đó càng ít có nguy cơ phải đối mặt với những vụ kiện tụng xuất phát từ các sai phạm đó. Số tiền bồi thường từ hậu quả của các vấn đề phát sinh cũng thấp hơn nhiều so với những nơi ít ghi nhận trường hợp người thổi còi.
Nói cách khác, trong những tổ chức mà lãnh đạo có mối quan hệ lành mạnh với hiện thực, những người thổi còi được xem như các bạch cầu trong cơ thể, có tác dụng phát hiện và tấn công những mầm bệnh phá hoại. Các nhân tố gây hại càng được phát hiện và xử lý sớm, cơ thể càng khỏe mạnh.
Ngược lại, khi lãnh đạo không những có mối quan hệ bệnh hoạn với thực tế mà còn mắc chứng cận thị nặng, tầm nhìn xa không quá cái ngai vàng của mình, sức khỏe của một tổ chức sẽ ngày càng suy kiệt.
Ở những nơi đó, trong khi các thứ bệnh hoạn được dung túng, tha hồ tồn tại và phá hoại, thì những bạch cầu bảo vệ cơ thể bị xem là “nhân tố gây rối”, bất kỳ ai tố cáo đều bị xem là có tội, phải “trừng trị làm gương”.
Những tổ chức như vậy, dù bên ngoài có được khoác cho những lý tưởng đẹp đẽ kiểu gì, bên trong vẫn chỉ là những quả bom thối chực chờ bùng nổ.