Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Kỳ vọng rằng quần chúng nhân dân sẽ tự tìm hiểu về những điều chưa biết thật ra là khá hão huyền, một nghiên cứu cho thấy.
Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Dương Nội… – các vụ tranh chấp đất đai phức tạp vẫn đang diễn ra trên khắp Việt Nam. Kèm theo đó, có thể là sự bất công riêng lẻ của từng vụ việc, có thể là sự bất công một cách hệ thống trong các định chế pháp luật và nền tảng chính trị quốc gia.
Khi đối mặt với những vấn đề phức tạp này, chúng ta thường giả định rằng một cá nhân sẽ tự mình tìm kiếm thông tin, chắt lọc, phân tích, và cuối cùng là hình thành góc nhìn riêng của mình về một vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, nhiều người có vẻ không quá tự tin vào giả định đó.
“Hạnh phúc vô minh” – “ignorance is bliss” – dịch trần trụi ra tiếng Việt là “ngu si hưởng thái bình”. Hiểu đơn giản, một người không biết hoặc không hiểu về một vấn đề sẽ không thể bị vấn đề đó làm phiền lòng. Các nhà nghiên cứu chính trị – xã hội cho rằng đó mới là cách ứng xử của phần lớn công chúng đối với những vấn đề phức tạp, cần sự tìm hiểu và những hành động thiết thực.
Trong một loạt nghiên cứu dài hơi thực hiện vào hai năm 2010 và 2011, giáo sư Aaron C. Kay (Đại học Duke) và tiến sĩ Steven Shepherd (Đại học Waterloo) mô tả một chuỗi phản ứng tâm lý xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về một vấn đề. Kết quả rút ra từ mẫu quan sát gồm 511 người thành niên tại Hoa Kỳ và Canada là sự không biết về một vấn đề sẽ dẫn đến tâm lý phụ thuộc và tin tưởng vào năng lực giải quyết vấn đề của chính phủ, và càng làm tăng động lực để né tránh việc tìm hiểu vấn đề đó.
Trong một thí nghiệm dành cho 197 người Mỹ ở độ tuổi khoảng 35, những người tham gia được tiếp nhận hàng loạt những thông tin phức tạp về tình trạng kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng, nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng và các vấn đề quản trị của chính phủ. Khảo sát cho thấy một kết quả bất ngờ: những cá nhân có cảm giác mình chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ các đợt khủng hoảng kinh tế lại chính là nhóm chủ động né tránh các thông tin phức tạp về năng lực của chính phủ và các khó khăn hiện tại. Ngược lại, họ khá cởi mở khi tiếp nhận các thông tin tích cực.
Không thỏa mãn với kết quả này, nhóm nghiên cứu chuyển sang đối tượng mẫu tại Canada để thử nghiệm khả năng khác biệt địa lý. Lần này, họ thử đánh giá lại xem cấu trúc thông tin có làm thay đổi quan điểm, mong muốn tìm tòi, và niềm tin của người dân vào chính phủ hay không.
Lần này kết quả lại như kỳ vọng của nhóm. Những người tham gia nhận thông tin càng phức tạp thì sự lệ thuộc và tin tưởng của họ dành cho chính phủ càng tăng, kèm theo đó là mong muốn tìm hiểu về vấn đề giảm mạnh.
Tác giả Aaron C. Kay bình luận: “Thực tế là mọi người đều có năng lực bình đẳng trong các vấn đề chính trị, và một cá nhân không nên lệ thuộc vào một cá nhân khác trong việc đối phó với các vấn đề phức tạp ảnh hưởng chung đến đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, thay vì làm vậy, người ta lại có một xu hướng phản ứng trước những vấn đề kinh tế – chính trị – xã hội phức tạp là ‘khoán trắng’ (outsource) chúng cho chính phủ xử lý.”
Theo giáo sư Kay, lựa chọn này sẽ khiến họ ngày càng lún sâu trong sự lệ thuộc vào chính quyền, lặp lại vòng xoáy lảng tránh thông tin vì e ngại thông tin mới có thể làm lay chuyển niềm tin sẵn có của họ.
Nghiên cứu nói trên giúp chúng ta xây dựng một cách nhìn công bằng hơn về thực trạng chính trị của Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, dân trí không có tác động gì đến sự thờ ơ hay vô cảm đối với các sự kiện chính trị ở nước ta.
Những tình nguyện viên tham gia các nghiên cứu nói trên đều có trình độ tốt, theo tiêu chuẩn của một quốc gia phát triển với phổ thu nhập đồng đều. Vậy nên, không thể kết luận rằng chỉ có dân trí thấp mới dẫn đến trạng thái “không muốn biết” của công dân về các vấn đề kinh tế -chính trị – xã hội, hay những bất công đang diễn ra.
Một thống kê năm 2004 của Viện Cato cho thấy một bộ phận lớn (60-70%) người dân Mỹ cũng không biết gì về chính trị và chính sách công. Họ không nhớ nổi tên các nghị sĩ mà họ đã bầu; không liệt kê được sự khác biệt cơ bản giữa chủ nghĩa thủ cựu (conservatism) và chủ nghĩa cấp tiến (liberalism) trong bối cảnh Hoa Kỳ; cũng không hiểu được những thông tin cơ bản về cấu trúc và chức năng của các cơ quan nhà nước.
Dù nghe có vẻ tuyệt vọng, đó là thực tế mà chúng ta buộc phải chấp nhận.
Điểm thứ hai cần lưu ý, là hiện tượng để cho “Đảng và Nhà nước lo” thật ra là phản ứng tâm lý theo chuỗi của công dân ở bất kỳ quốc gia nào. Do phe đối lập thường không có công cụ và cơ hội để phô diễn khả năng quản trị quốc gia của mình, các chính quyền luôn ở vị trí thuận lợi hơn để chứng minh năng lực và sự lãnh đạo “tài tình” của họ. Không chỉ vậy, trong các môi trường chính trị chỉ có một nhóm người hay một đảng phái nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối, việc buộc phải lệ thuộc vào nhóm có nguồn lực và có công cụ vĩ mô để giải quyết các vấn đề phức tạp là có thể hiểu được.
Thừa nhận thực trạng này giúp chúng ta nhìn đúng vị trí của các phong trào chính trị, sự thiên vị tự nhiên của công dân dành cho chính phủ, và xu hướng lệ thuộc của họ vào hệ thống khi các vấn đề xã hội được mô tả bằng các diễn ngôn chính trị phức tạp.
Hãy tưởng tượng bối cảnh của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đang diễn ra. Với số cử tri đi bầu là khoảng trên dưới 130 triệu (theo số liệu các cuộc bầu cử gần đây), nếu bạn là một cử tri có hiểu biết và ham muốn tìm hiểu các vấn đề chính trị – xã hội, tỷ lệ ảnh hưởng của phiếu bầu của bạn đến kết quả bầu cử cuối cùng chỉ là 1/130.000.000. Một cách lý tính, kết quả đó không tương xứng với cái giá (thời gian, công sức) mà một người phải đầu tư để tìm hiểu và đưa ra một quyết định chính trị đúng đắn.
Điều này còn hợp lý hơn trong bối cảnh Việt Nam, khi mà các phiếu bầu trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội gần như không có bất kỳ giá trị gì vì các vị trí đều đã được định đoạt trước qua trò chơi vương quyền kín. Vì thế, cử tri lại càng chẳng được lợi ích gì khi đánh đổi thời gian cho việc tìm hiểu các vấn đề chính trị.
Vậy, quyết định lý tính (rational decision) sẽ là: khỏi phải tìm hiểu làm gì. Các quyết định lý tính của từng cá nhân theo đó lại dẫn đến một hệ quả bất định cho tập thể: phần lớn các lá phiếu của cử tri đều được đưa ra trong tình trạng mù thông tin.
Như vậy, các nghiên cứu đã thấy sự tương đồng về phản ứng và tâm lý chính trị của cử tri các quốc gia. Bất kể trình độ học vấn, thu nhập hay không gian chính trị, xu hướng ưa chuộng sự “vô minh” và phụ thuộc vào chính quyền là rất phổ biến.
Tuy vậy, có một sự khác biệt căn bản trong môi trường chính trị giữa một nước tự do và một nước độc tài, đó là không gian hoạt động của khu vực xã hội dân sự và báo chí.
Trong một thể chế tự do, giới báo chí, các viện nghiên cứu, các cơ quan nhân quyền, và những nhà hoạt động (như Trịnh Bá Phương, Cấn Thị Thêu hay Đoan Trang) có thể hoá giải các diễn ngôn chính trị phức tạp, giúp người dân hiểu được tác động của các chính sách lên đời sống thường nhật và đưa ra quyết định cho riêng mình.
Một nhà nước dân chủ sẽ có những thiết chế chính thức để bảo vệ các nhân tố thuộc khu vực xã hội dân sự này. Nhà nước Việt Nam, ngược lại, lại ra sức đàn áp và dập tắt tiếng nói của họ. Việc đó không chỉ đơn giản là nhắm vào một vài cá nhân nhà hoạt động, mà theo lý thuyết đã bàn ở trên, đó còn là cách chính quyền triệt tiêu năng lực tự thân vận động chính trị của toàn bộ cộng đồng, từ đó khuyến khích lối tư duy “đã có Đảng và nhà nước lo”.