Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ngay cả khi có sự chuyển giao chính quyền vào tháng Một năm sau ở Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với một mối quan hệ không mấy suôn sẻ với cường quốc số một thế giới.
Dịch từ bài phân tích của tác giả Jacob M. Schlesinger. Ông là phóng viên cấp cao của tờ Wall Street Journal, và hiện đang phụ trách mảng kinh tế trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
***
Dù ứng cử viên nào giành chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống sắp tới, thì điều có thể dễ dàng nhận thấy là: Hoa Kỳ đã rẽ sang một hướng đi mới trong quan hệ với Trung Quốc, và có thể sẽ duy trì một đường lối cứng rắn hơn.
Trong bốn năm qua, Tổng thống Donald Trump – một “diều hâu” hiếu chiến lâu năm trong lĩnh vực thương mại, đã phá vỡ chính sách kéo dài hàng thập kỷ nhằm thúc đẩy một mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai siêu cường. Bằng việc xem Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh ngày càng đáng gờm và không mấy trung thực, chính quyền Trump đã áp thuế đối với 2/3 hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, hạn chế đầu tư của nước này vào Hoa Kỳ, cũng như gây áp lực buộc các đồng minh phải tẩy chay công nghệ của Trung Quốc.
Các cố vấn của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden nói rằng, họ đồng quan điểm với chính quyền Trump trong việc đánh giá Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh không lành mạnh. Điều này cho thấy ngay cả khi quyền lực được chuyển giao vào tháng Giêng [năm sau], mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ vẫn duy trì ở mức cao.
Căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là dấu hiệu cho những thay đổi lớn của các doanh nghiệp toàn cầu, khi họ cân nhắc lại về các chuỗi cung ứng và hệ thống công nghệ trong một thế giới ngày càng bị chia rẽ. Điều này cũng sẽ thúc đẩy các đồng minh [mỗi nước] phải lựa chọn một trong hai bên.
Kurt Campbell, cựu quan chức hàng đầu về châu Á trong Bộ Ngoại giao thời TT Barack Obama và hiện là cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của Biden, cho rằng: “Tôi nghĩ có một sự công nhận rộng rãi trong nội bộ Đảng Dân chủ, rằng Trump đã đúng trong phần lớn những nhận định về các hành vi săn mồi cơ hội của Trung Quốc”.
Các trợ lý của Biden cho biết họ sẽ mở rộng một chiến dịch do chính phủ Mỹ hậu thuẫn, để cạnh tranh [với Trung Quốc] trong các lĩnh vực công nghệ cao mang tính chiến lược như: trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, và nền tảng không dây 5G thế hệ mới. Những chính sách này nhằm hạn chế sức mạnh và tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc lẫn nhau [giữa hai quốc gia].
Thuế [áp trên hàng hóa Trung Quốc] của Trump cũng có thể được duy trì dưới thời Tổng thống Biden. Dù Biden cho rằng cuộc chiến thương mại của Trump là tự bắn vào chân mình, thì chiến dịch tranh cử của ông đã từ chối cam kết loại bỏ các khoản thuế và chỉ nói rằng chúng sẽ được xem xét lại. Các thành viên Đảng Dân chủ tại Quốc hội cũng cho rằng sẽ gây áp lực buộc ông [Biden] phải giữ nguyên một số loại thuế để bảo vệ người lao động Mỹ.
Thế nhưng, hai ứng cử viên lại đang phát đi những tín hiệu về chiến thuật và thông điệp khác nhau. Các cố vấn của Biden bác bỏ nghi vấn của những người ủng hộ Trump về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới – giống như sự bế tắc giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây, đồng thời nhấn mạnh rằng hơn 500 tỷ USD hàng hóa đã vượt qua Thái Bình Dương để cập cảng hai nước vào năm ngoái, ngay cả trong suốt chiến tranh thương mại. Một ví dụ cũng cho thấy, tập đoàn Apple vẫn phụ thuộc nhiều vào các nhà sản xuất Trung Quốc cho các linh kiện chính của iPhone.
Cố vấn của Biden cũng chỉ trích cách Tổng thống Trump đã làm khi đối đầu với Trung Quốc. Như ông Campbell nói: “Việc áp dụng chiến lược của ông ấy để đàm phán và cạnh tranh với họ [Trung Quốc] chỉ là một mớ hỗn độn”.
Đội ngũ của Trump lại lập luận rằng ông Biden đại diện cho một thiết chế lâu năm mà ngay từ đầu đã khuyến khích cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, bao gồm việc thúc đẩy một hệ thống thương mại tự do toàn cầu, mà theo nhiều người Mỹ là đã lấy đi các công việc gia công của nước này. Năm 2000, với tư cách là một trong những nhà lập pháp có ảnh hưởng nhất về chính sách đối ngoại, ông Biden đã sử dụng uy tín của mình để ủng hộ thỏa thuận của Bill Clinton để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Donald Trump đã không sợ hãi trong việc… dọn dẹp mớ hỗn độn do các chính trị gia như Biden gây ra,” Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa của bang Michigan, ông Jack Bergman cho biết trong một cuộc vận động tranh cử của Donald Trump về sự leo thang của Trung Quốc. Bergman cho rằng, Biden mặc dù có khẩu hiệu tranh cử mới, nhưng vẫn không thể phá vỡ tư duy cố hữu.
Một chính sách Trung Quốc cứng rắn hơn cũng sẽ cho thấy bước ngoặt đáng chú ý của Biden và đội ngũ chính sách đối ngoại của ông – hầu hết trong số đó làm việc dưới thời Obama. Tuy nhiên, khi nhìn lại, một số người cho biết [đội ngũ trên] đã quá mềm mỏng với Trung Quốc và chậm chạp trong việc nhận ra đường lối dân tộc chủ nghĩa độc đoán của Tập Cận Bình.
Biden nói rằng, so với Trump, ông sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh trong một chiến dịch phối hợp toàn cầu để gây sức ép lên Bắc Kinh. Biden cũng cho biết thêm, những nỗ lực của Trump sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu ông hợp tác với các quốc gia khác, thay vì tham gia vào các cuộc chiến thương mại với châu Âu, Canada, Mexico, Hàn Quốc và Nhật Bản.
“Chúng ta [Hoa Kỳ] chiếm tới 25% nền kinh tế thế giới nhưng lại gây hấn với tất cả đồng minh ngoài kia”, Biden cho biết. “Trung Quốc sẽ đáp trả khi chúng ta tập hợp được phần còn lại của thế giới”.
Biden cũng nói rằng mình sẽ chú trọng vào việc hợp tác với Trung Quốc hơn Trump trong những thách thức toàn cầu. Đây là điều mà ông cho là cũng quan trọng đối với lợi ích của Hoa Kỳ như việc đối đầu với Bắc Kinh.
Năm nay, Donald Trump đã cố gắng cô lập Trung Quốc vì đại dịch COVID-19 và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì mối quan hệ với Trung Quốc; thì trong khi đó, Joe Biden có thể sẽ có một cách tiếp cận rộng hơn để ngăn chặn đại dịch này. Khi Trump phớt lờ vấn đề biến đổi khí hậu, Biden gọi đó là “một mối đe dọa hiện hữu”, khi Biden cũng không thể tự giải quyết chương trình nghị sự về [biến đổi] khí hậu của mình nếu không có sự trợ giúp từ Trung Quốc – quốc gia phát thải khí carbon lớn nhất thế giới.
Chính sách mềm mỏng trên có thể làm phức tạp thêm bất kỳ nỗ lực nào nhằm tiến hành một đường lối cứng rắn hơn chống lại Bắc Kinh. “Có nên làm dịu sự cạnh tranh nếu có triển vọng hợp tác không? Và điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc liên kết hai điều đó?” Thomas Wright, một thành viên chính sách đối ngoại tại Viện nghiên cứu Brookings từng hỏi.
Hướng tiếp cận ngoại giao đối lập giữa hai ứng cử viên cũng phản ánh hai triết lý quản trị khác nhau của họ.
Trong khi Biden đã dành phần lớn thời gian trong bốn thập kỷ trên chính trường để hợp tác với các nhà lãnh đạo thế giới, nhằm giúp hình thành một trật tự toàn cầu hiện đại do Mỹ lãnh đạo; thì việc tham gia vào chính trường muộn màng của Trump là sự phản đối của ông với trật tự đó. Donald Trump đôi khi đặt câu hỏi về giá trị của các mối quan hệ quân sự và thương mại lâu năm với Nhật Bản và Hàn Quốc, là hai đồng minh của Mỹ nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc.
Trong hơn bốn thập kỷ, các tổng thống của cả hai đảng cùng với sự tham gia của các giám đốc những tập đoàn đa quốc gia đã tìm cách khuyến khích sự hội nhập của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ và thế giới. Họ cho rằng điều đó sẽ có lợi cho nước Mỹ và dẫn đến một thế giới cởi mở hơn khi Bắc Kinh tuân theo các luật chơi toàn cầu.
TT Obama bắt đầu nhiệm kỳ bằng việc tìm kiếm một mối giao thiệp chặt chẽ hơn với Bắc Kinh và yêu cầu Phó TT của mình phải thúc đẩy mối quan hệ với ông Tập. Biden tự hào rằng ông đã dành nhiều thời gian với lãnh đạo Trung Quốc [Tập Cận Bình] hơn bất cứ viên chức ngoại giao nào khác, khi cho rằng cả hai đã có 25 giờ dùng bữa riêng cùng nhau, và cùng chia sẻ 24.000 dặm (hơn 30.000 km) bay.
“Sự phát triển thịnh vượng của Trung Quốc cũng là lợi ích của chúng ta [Hoa Kỳ],” Biden nói trong chuyến thăm tới nước này vào năm 2011 – một câu nói thường được sử dụng [nhằm hạ bệ đối phương] trong chiến dịch của Donald Trump. Tuy vậy, những người ủng hộ Biden cho rằng Trump cũng đã đưa ra những bình luận tương tự khi là tổng thống.
Quan điểm ban đầu của chính quyền Obama-Biden về Trung Quốc dựa trên những giả định rằng ông Tập sẽ tiếp tục các chính sách tự do hóa thị trường của những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, khi Chủ tịch Trung Quốc bắt đầu củng cố quyền lực và đảo ngược nhiều chính sách, các nhà chức trách cho biết quan điểm của họ về Trung Quốc đã thay đổi.
Các trợ lý của ông chia sẻ, Biden đã tận mắt chứng kiến xu hướng chuyên quyền ngày càng tăng của ông Tập và một số nhà lãnh đạo Trung Quốc khác. Trong một cuộc họp năm 2013, Biden nói với ông Tập rằng Hoa Kỳ sẽ phủ nhận nỗ lực của Bắc Kinh trong việc mở rộng vùng nhận dạng phòng không, và sẽ hỗ trợ các đồng minh của mình làm điều tương tự. Một số nhà phê bình vào thời điểm đó cho rằng Biden nên công khai yêu cầu Trung Quốc xóa bỏ vùng nhận dạng này, là điều ông đã không thực hiện trong chuyến đi đó.
Vào gần cuối nhiệm kỳ của Obama, Hoa Kỳ bắt đầu trấn áp tội phạm mạng, thách thức những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, và thắt chặt việc giám sát đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ của nước này. Lúc đó, Biden đã đi đầu trong việc chỉ trích các hoạt động thương mại của Trung Quốc, mặc dù các hành động khi đó của chính quyền [Obama] chủ yếu là gửi đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva.
Tổng thống Trump sau đó đã tăng tốc trong đường hướng chống lại Trung Quốc của mình. Ông cho rằng WTO đã quá chậm chạp và yếu kém, đồng thời phát động cuộc chiến thương mại và áp thuế lên 370 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trump cũng đã hạn chế các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm tập đoàn công nghệ Huawei và công ty ByteDance (chủ sở hữu ứng dụng TikTok).
Chiến dịch gây áp lực càng được mở rộng khi Trump đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch COVID-19. Hoa Kỳ sau đó cũng đã đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vì cáo buộc gián điệp kinh tế, tăng cường các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông, và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Trong vòng sáu tháng kể từ khi Biden hoàn toàn giành được đề cử của Đảng Dân chủ, TT đương nhiệm [Donald Trump] và đối thủ [Joe Biden] đã lời qua tiếng lại về vấn đề Trung Quốc. Mỗi bên đã cho sản xuất các video tranh cử có cảnh quay ứng cử viên đối lập gặp mặt với ông Tập. Video của phía Trump cho rằng “Biden ủng hộ Trung Quốc”. Ngược lại, phía Biden đáp trả “Trump đã bị Trung Quốc đánh bại.”
Sự đồng thuận mới trong đường lối của Washington không còn xem rằng Trung Quốc đang trên con đường áp dụng các hệ thống kinh tế và chính trị của phương Tây, mà là một đối thủ độc tài. Sự kình địch không chỉ xoay quanh vấn đề thương mại, mà còn về sự kiện đàn áp ở Hong Kong và sự trấn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
“Bất kể ai thắng, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn trong vòng năm năm tới so với năm năm trước,” Richard Haass, một quan chức Bộ Ngoại giao trong chính quyền George W. Bush, hiện là chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations) cho biết, “Trung Quốc đã thay đổi, và suy nghĩ của Hoa Kỳ về Trung Quốc cũng đã thay đổi”.
Các nhà lập pháp đã đưa ra hơn 200 dự luật đối phó với Trung Quốc trong kỳ họp Quốc hội hiện tại, gấp đôi con số trước đó. Trong một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào mùa hè cho thấy: 73% người Mỹ cho biết họ có quan điểm không mấy tích cực về Trung Quốc, và số người được hỏi có quan điểm tích cực chỉ là 22%. Năm 2011, các con số khảo sát lần lượt là 51% và 36%.
“Người dân Trung Quốc… cảm thấy rất thất vọng về những gì đang xảy ra ở đất nước này đối với Trung Quốc, công chúng Trung Quốc ngày càng nổi giận”, Cui Tiankai, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen (Aspen Security Forum) thường niên vào tháng trước. Ông nói thêm rằng, các nhà lãnh đạo “không được phép để bất kỳ tính toán hay nhận thức sai lầm nào làm tổn hại mối quan hệ [giữa hai nước].”
Biden chỉ trích chính sách của Trump đối với Trung Quốc là đã gây thiệt hại cho nền kinh tế của Hoa Kỳ mà không hề thúc đẩy Trung Quốc thực hiện các cải cách kinh tế mà Trump đã yêu cầu. Hậu quả mà Hoa Kỳ phải gánh chịu bao gồm sự sụt giảm trong xuất khẩu nông sản, cũng như sự gia tăng chi phí và gián đoạn nguồn cung đối với các công ty Mỹ đang phụ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.
Một nghiên cứu của Moody’s Analytics vào cuối năm ngoái ước tính, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 300.000 việc làm, và làm giảm 0,3% tổng sản phẩm quốc nội.
Các quan chức của [chính quyền] Trump cho biết, phần lớn thiệt hại sẽ được bù đắp từ những cam kết mua hàng của Trung Quốc được đưa ra trong thỏa thuận thương mại vào tháng Một năm nay.
Trong khi đó, các cố vấn của Biden lại coi đối sách với Trung Quốc là bao gồm cả việc tái thiết nền kinh tế Hoa Kỳ và kiềm chế Trung Quốc. Ely Ratner, phụ tá an ninh quốc gia của Biden dưới chính quyền Obama, và hiện đang làm việc tại Trung tâm Tân An ninh Hoa Kỳ (Center for a New American Security) cho biết: “Cuộc tranh luận nên xoay quanh việc ai sẽ làm cho nước Mỹ trở nên cạnh tranh hơn”.
Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ từ lâu đã cố gắng thuyết phục Bắc Kinh tiến tới mô hình chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ. Tuy nhiên, nếu đắc cử, các chính sách của Biden cũng bao gồm việc áp dụng mô hình quản lý nhà nước can thiệp kiểu Trung Quốc [ở Hoa Kỳ] nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng. Ông có một đề xuất “Mua hàng Mỹ” (“Buy American”) đầy tham vọng, hứa hẹn sẽ dành nhiều nguồn quỹ liên bang hơn cho các công ty của Mỹ.
Joe Biden nói rằng, chính sách Trung Quốc của ông sẽ tập trung nhiều vào việc thúc đẩy các giá trị dân chủ và nhân quyền. Ông coi đây là nền tảng cho phép Hoa Kỳ cạnh tranh với Bắc Kinh trên toàn cầu về các giá trị, không chỉ về thương mại. Đây là khuôn khổ chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ mà Donald Trump đã đánh giá thấp.
Điều này cũng sẽ hé lộ một số chính sách về công nghệ của Biden. Antony Blinken, cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao trong chiến dịch tranh cử [của Biden], cho biết: “Như phó tổng thống [Biden] nhận thấy, trên thế giới có sự phân chia công nghệ giữa các nền dân chủ và các nền chuyên chế,” và “trong khi các nền dân chủ coi công nghệ là công cụ để thúc đẩy cho một thế giới tự do hơn, thì các nền chuyên chế cung ứng những công cụ giám sát và kiểm duyệt gắt gao hơn cho các nhà độc tài”.
Nếu trở thành tổng thống, Joe Biden sẽ phải giải quyết sự chia rẽ giữa các thành viên trong nội bộ Đảng Dân chủ về chính sách đối với Trung Quốc. Bất đồng đầu tiên là về quân sự. Một bên muốn cắt giảm nhiều hơn ngân sách của Lầu Năm Góc, và bên kia muốn dành nhiều hỗ trợ quân sự hơn cho các đồng minh châu Á.
Một bất đồng khác đang nhen nhóm là về vấn đề thương mại. Nhiều thành viên Đảng Dân chủ phản đối các hiệp định thương mại tự do mới. Một số khác lại cho rằng, những hiệp ước đó là quan trọng để củng cố các liên minh nhằm chống lại Trung Quốc.
Vào cuối nhiệm kỳ của mình, TT Obama đã đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia với cùng mục tiêu trên. Vào thời điểm trên, Joe Biden đã ủng hộ hiệp định này. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử của mình, Donald Trump đã đi ngược lại tiến trình và rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP. Giờ đây, Biden cho rằng việc gia nhập lại TPP không phải là một ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch tranh cử của ông.