Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã nhận hàng tỷ USD viện trợ từ nước ngoài. Mỗi năm trung bình cũng có hàng chục tỷ USD tiền đầu tư từ bên ngoài đổ vào các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Các quan chức đứng đầu chính quyền thì thường xuyên kêu gọi kiều bào nước ngoài đóng góp tiền bạc cho tổ quốc, đặc biệt là mỗi dịp thiên tai. Không ai đặt ra câu hỏi gì về những việc trên. Hiển nhiên, nó đều có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Thế nhưng khi các cá nhân hoặc những tổ chức dân sự, không chịu sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền, nhận được tài trợ từ nước ngoài, bỗng chốc nó trở thành một câu chuyện hoàn toàn khác. Các chiếc mũ “phản động”, “phá hoại”, “thế lực thù địch”… được tung bay rợp trời.
Thậm chí chưa cần có yếu tố nước ngoài, chỉ cần cá nhân tổ chức đó tự huy động tiền bạc từ người dân trong nước mà không thông qua chính quyền, nó cũng đã là chuyện “bất thường” trong mắt các nhà cầm quyền – kể cả khi đó là sự ủng hộ cho đồng bào gặp nạn trong thiên tai.
Câu chuyện lùm xùm những ngày qua về việc ca sĩ Thủy Tiên đứng ra quyên góp được hàng trăm tỷ đồng từ người dân khắp nơi cho hoạt động thiện nguyện của mình là một ví dụ.
Vì sao chuyện cá nhân, tổ chức dân sự huy động nguồn lực trong dân chúng lại phức tạp, rắc rối và “nhạy cảm” như vậy?
Một phần lớn lý do nằm ở chỗ vai trò của xã hội dân sự chưa được công nhận tại những nước như Việt Nam.
Trong quyển sách “Chính trị bình dân”, tác giả Đoan Trang đã dành ra một chương (VI) để bàn về vấn đề này.
Theo đó, “xã hội dân sự” (civil society) đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử nhân loại. Khá nhiều định nghĩa đã được đưa ra, từ việc xem nó là “trạng thái xã hội khi con người đã bắt đầu sống quần tụ với nhau, khác với trạng thái thiên nhiên” cho đến các khái niệm hiện đại hơn, định ra “sự hiện hữu của một lãnh vực công nằm giữa nhà nước, thị trường, và cá nhân”, trong đó các công dân hoạt động “nhằm biểu tỏ các mối quan tâm, tư tưởng, trao đổi thông tin, thực hiện các mục tiêu chung có tính chất hỗ tương, kiến nghị với nhà nước và buộc các viên chức nhà nước phải chịu trách nhiệm trong công vụ.”
Hiểu một cách đơn giản, xã hội dân sự là hình thức liên kết giữa người với người trên “cơ sở tự nguyện và phi lợi nhuận, nhằm chia sẻ và thúc đẩy những lợi ích chung”.
Các cộng đồng làng xã, những hội nghề nghiệp, các nhóm hành động, những tập hợp công dân có chung một mối quan tâm… tất cả tự nguyện làm những việc họ cho là đem lại lợi ích chung cho xã hội – đó là xã hội dân sự.
Đấy là định nghĩa trong sách. Trên thực tế, tại Việt Nam, xã hội dân sự chỉ được công khai xuất đầu lộ diện khi có thiên tai. Khi đó các cá nhân, hội nhóm tự nguyện góp tiền bạc và công sức để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại.
Nhưng ở những nơi khác, xã hội dân sự không chỉ có chuyện quyên tiền ủng hộ, phát mì gói hay nấu bánh chưng.
Trong những thể chế tiến bộ, mọi công dân đều có lựa chọn tham gia vào tất cả các vấn đề của xã hội. Họ có thể giúp đỡ người khác khi có thiên tai, có thể đấu tranh cho quyền lợi của những người thiểu số, có thể bảo vệ quyền lợi của những người trong cùng ngành nghề, có thể chống tham nhũng, có thể phát động phong trào bảo vệ môi trường, có thể giám sát chính quyền, có thể viết sách làm báo, có thể mở trường dạy học, có thể tiếp cận thông tin, có thể đòi hỏi minh bạch thu chi ngân sách, có thể yêu cầu các quan chức phải giải trình… Họ có thể làm việc đó với tư cách cá nhân, hoặc để đạt hiệu quả cao hơn, họ có thể thành lập, tham gia vào các hội nhóm khác nhau, và huy động nguồn lực hỗ trợ từ bất kỳ ai, trong hay ngoài nước.
Xã hội dân sự không làm thay việc của chính quyền. Nó cũng không phải thứ đối trọng với chính quyền.
Nếu xem đất nước là một ngôi nhà, thì chính quyền là những công dân được thuê để đại diện quản lý, điều hành và bảo vệ căn nhà đó. Quản lý, điều hành và bảo vệ ra sao thì do chính các chủ nhân đã bỏ tiền ra thuê chính quyền quyết định. Xã hội dân sự là một hình thức công dân tham gia quyết định những việc đó.
Điều đáng buồn là có những chính quyền ngộ nhận rằng mình có quyền quyết định thay cho những chủ nhân đã bỏ tiền nuôi họ. Hệ quả là họ không chấp nhận sự tồn tại của xã hội dân sự, tìm mọi cách để kiềm chế, thậm chí loại bỏ, xem đó là đối thủ tranh giành quyền lực độc tôn của mình.
Chỉ khi nhà bị phá hỏng (gặp thiên tai hay chiến tranh), chính quyền mới lại kêu gọi các chủ nhân cùng góp sức để dựng lại tường lợp lại mái.
Nhưng ngay cả trong thiên tai, các hoạt động xã hội dân sự cũng không được để yên, đặc biệt khi nó có vẻ lấn át vai trò của chính quyền.
Việc cá nhân Thủy Tiên vận động được một số tiền lớn (so với nhiều tổ chức đoàn hội khác của chính quyền) lập tức dẫn đến dư luận về “tính hợp pháp” của hoạt động quyên góp đó khi có người moi ra một Nghị định từ hơn 10 năm trước để cảnh cáo.
Quan chức của Mặt trận Tổ quốc cũng lên tiếng khuyên nhủ “mỗi cá nhân nên chia sẻ nguồn lực đã vận động được ấy với các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ… để điều tiết hiệu quả, thiết thực, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh hoài nghi của dư luận.”
Một câu hỏi đặt ra, rằng các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… có phải là xã hội dân sự không?
Tác giả Đoan Trang đã chỉ ra, rằng những hội nhóm nêu trên, với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao trùm lên tất cả, là “xã hội dân sự giả”. Chúng là những cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản, lãnh đạo là người của đảng, nhận lương từ ngân sách nhà nước, kinh phí hoạt động cũng từ ngân sách, và có chức năng “tuyên truyền, giải thích đường lối chính sách của “Đảng và Nhà nước” đến người dân thay vì bảo vệ quyền lợi của các thành viên hay thúc đẩy lợi ích chung.”
Chính quyền lập ra các tổ chức “xã hội dân sự giả” này để đảm bảo các hoạt động xã hội dân sự đúng nghĩa không có không gian tồn tại. Ngay cả trong thiên tai, khi chính quyền bất lực, rất nhiều người trong bộ máy nhà nước vẫn không thoát khỏi ám ảnh phải độc chiếm mọi không gian sinh hoạt trong ngôi nhà chung.
Đó là việc không tưởng. Bất kể chính quyền có cố gắng đến đâu, người dân vẫn sẽ luôn tìm mọi cách để lên tiếng và đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình.
Chính phủ, trước áp lực của xã hội, cho biết sẽ xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 64 vốn bị nhiều phản ứng. Đó là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của xã hội dân sự bất chấp nhiều thập niên bị đè nén.
Trong “Chính trị bình dân”, tác giả đã ghi lại các khuyến nghị để “Xây dựng không gian cho xã hội dân sự”, trích từ báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc ra ngày 11/4/2016.
Trong đó, khuyến nghị đầu tiên trong phần “tạo sự hỗ trợ và nguồn lực dài hạn cho các tổ chức xã hội dân sự” đã ghi:
“(a) Thừa nhận rằng hạn chế một cách vô lý việc tài trợ là một sự vi phạm quyền tự do hiệp hội, đảm bảo rằng những người làm xã hội dân sự có thể tìm kiếm, tiếp nhận và sử dụng tiền tài trợ và các nguồn lực khác, dù là trong nước hay nước ngoài, mà không cần được sự cho phép trước và không có các cản trở vô lý khác; nếu không có những hạn chế đối với việc tiếp nhận tài trợ nước ngoài ở các cơ quan nhà nước hay cơ sở kinh doanh, thì cũng không được có hạn chế ở các tổ chức xã hội dân sự;”
Việc chính quyền, trước áp lực dư luận, đánh tiếng xem xét thay đổi yêu cầu về vận động tiền cho công tác thiện nguyện chỉ là một phần rất nhỏ trong số những thay đổi đã, đang và sẽ phải diễn ra.
Xã hội dân sự sẽ không chấp nhận bị dìm đầu trấn nước từ ngày này qua tháng khác, chỉ được ngoi lên thở khi chính quyền cần miếng thịt tép mỡ.