Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Sau năm 1975, có những tổ chức tôn giáo bỗng trở thành “thành phần chống phá”.
Một số người nhận xét rằng tôn giáo ở Việt Nam là hoàn toàn tự do. Tuy nhiên, tự do tôn giáo có phải chỉ bao gồm việc đến nhà thờ, đi chùa, thờ cúng hay nghe thuyết pháp?
Những hoạt động tôn giáo mà bạn dễ dàng nhìn thấy hiện nay chỉ là những gì nằm bên dưới chiếc phễu thanh lọc của chính quyền.
Sau năm 1975, có những tổ chức tôn giáo không lọt qua được chiếc phễu này. Họ trở thành “thành phần chống phá”.
Bài viết này nhằm giới thiệu về các tổ chức không may mắn đó. Trong phần đầu tiên, chúng tôi muốn kể câu chuyện của bốn trong số bảy tổ chức tôn giáo không lọt qua được chiếc phễu thanh lọc của chính quyền.
1/7
Lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại có đêm dài hơn ngày. Ba năm sau ngày thành lập của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức đầu tiên thống nhất các hội phái Phật giáo trên toàn quốc, đất nước bị chia cắt.
Sau khi di cư vào miền Nam, các nhà sư trải qua một cuộc xung đột kéo dài với chính quyền Ngô Đình Diệm. Cuộc nổi dậy năm 1963 đã đánh đổi nhiều sinh mạng của giới tăng ni và phật tử. Sau cuộc nổi dậy, Phật giáo Việt Nam một lần nữa được thống nhất dưới tên gọi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào năm 1964.
Nhưng cuộc nổi dậy đó chưa phải là tăm tối nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Sau 30/4/1975, Phật giáo tự do miền Nam đã bị chế độ mới đè bẹp. Năm 1981, một nhà sư quen thuộc với sinh viên miền Nam đã nói với báo chí quốc tế rằng không có nhà sư mới nào sau ngày Sài Gòn sụp đổ.
Nhiều nhà sư đã bị chuyển chỗ ở từ nhà chùa sang nhà giam hay trại cải tạo, kể cả nhà sư chống chế độ miền Nam lừng lẫy nhất – Thích Trí Quang.
Cũng trong năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được chính quyền mới công nhận nữa. Một số thành viên của giáo hội này đã tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Sau năm 1981, các nhà sư kiên trì theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã phải hành đạo trong muôn vàn khó khăn. Các ngôi chùa trước kia thuộc giáo hội cũ nay đã thuộc về giáo hội mới.
Chức sắc thuộc giáo hội cũ kiên quyết không liên kết giáo hội mới. Những vị chức sắc cao cấp của giáo hội cũ bị đày ra khỏi miền Nam, chẳng hạn như Hòa thượng Thích Quảng Độ. Ông bị lưu đày suốt 10 năm ở tỉnh Thái Bình, sau đó bị cầm tù 5 năm và bị giam lỏng cho đến lúc cuối đời.
Đến những năm 1990, các nhà sư của Giáo hội Phật giáo Thống nhất vẫn tiếp tục đấu tranh với chính quyền. Số đông công chúng thì đương nhiên không biết đến việc này chính quyền kiểm soát báo chí trong nước. Kết quả của các cuộc nổi dậy này đi liền với các bản án tù, như cuộc nổi dậy ở Huế vào năm 1993; hay ở Vũng Tàu, Sài Gòn, Vĩnh Long trong cùng năm 1994.
Mặc dù bị đàn áp nặng nề, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn duy trì hoạt động của mình dưới sự lãnh đạo của các hòa thượng kỳ cựu, trong đó Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ – từng bị tuyên án tử hình rồi được giảm án – đang giữ chức vụ tăng thống của giáo hội.
Trang web của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ở địa chỉ https://ghpgvntn.net cũng đã bị chặn từ Việt Nam. (Độc giả có thể truy cập bằng cách vượt tường lửa qua ứng dụng miễn phí 1.1.1.1).
2/7
Năm 1947, Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ mất tích bí ẩn sau một cuộc họp với Việt Minh. Mối thù này đã biến vùng đất An Giang – nơi hầu hết người dân theo Phật giáo Hòa Hảo – thành một nơi không có bóng dáng quân cộng sản.
Và cũng chính điều đó khiến Phật giáo Hòa Hảo sau ngày 30/4/1975 phải gánh lấy tai họa chưa từng có.
Từ năm 1975 cho đến khi báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo và tín ngưỡng thăm Việt Nam vào năm 1998, Phật giáo Hòa Hảo vẫn bị cấm hoạt động. Vị báo cáo viên lúc đó đã không gặp được bất kỳ tín đồ Phật giáo Hòa Hảo nào.
Theo Việt Báo, nhiều chức sắc cao cấp của Phật giáo Hòa Hảo đã chịu cảnh tù đày, chết trong nhà giam, và bị xử tử hình.
Năm 1999, nhà nước bắt đầu công nhận Phật giáo Hòa Hảo bằng việc lập ra Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, lấy An Hòa Tự làm trụ sở. Lúc bấy giờ, một số tín đồ Phật giáo cũng tự thành lập một phái đối lập.
Giáo hội Phật giáo đến nay vẫn không kỷ niệm ngày ông Huỳnh Phú Sổ mất tích, vốn là một ngày lễ truyền thống của tôn giáo này. Các tín đồ thuộc Giáo hội Phật giáo Thuần Túy thì phải cử hành lễ này và các ngày lễ khác tại gia vì họ không còn quyền sử dụng An Hòa Tự.
Dưới thời Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa, Phật giáo Hòa Hảo dù chia phe phái khác nhau nhưng vẫn được tự do hoạt động.
Hiện nay, chính quyền không những không công nhận Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy mà còn giám sát chặt chẽ hoạt động của giáo hội này.
Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy hiện nay do ông Nguyễn Văn Điền lãnh đạo.
3/7
Ở xã Long Điền 2, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, có một ngôi chùa mà người dân nào trong vùng cũng biết. Ngôi chùa đó là của một người đàn ông 80 tuổi đã dành cả đời tu theo Phật giáo Hòa Hảo. Ông đã đi tù ba lần với tổng cộng 13,5 năm tù giam.
Chùa Quang Minh được ông Võ Văn Thanh Liêm dựng lên từ năm 1958. Từ đó đến nay, ngôi chùa nhỏ bé này vẫn là một trong những địa điểm hiếm có mà các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập có thể tụ tập. Tuy nhiên, lực lượng an ninh đã cố “bảo vệ” ngôi chùa này trong hầu hết các ngày lễ, không cho người ở trong chùa ra và không cho người khác bước vào.
Ở tuổi 80, ông Liêm vẫn kiên quyết giữ ngôi chùa của ông khỏi bàn tay của chính quyền, và đã ít nhất một lần phải dùng dao đâm vào bụng mình để phản đối. Năm 2019, ông đã bị hành hung khi trên đường đến An Hòa Tự để ngăn cản việc tháo dỡ mái ngói của ngôi tổ đình này.
4/7
Đạo Cao Đài có một truyền thống về việc tách nhóm do bất đồng về cách tu tập. Từ khi chính thức thành lập vào năm 1926 đến nay, đạo này đã tách ra thành nhiều các chi phái, thánh thất độc lập. Chính quyền Việt Nam đã công nhận các chi phái và thánh thất độc lập này, nhưng điều đó không xảy ra với Thánh thất Phú Lâm và các thánh thất khác.
Nhiều năm qua, dưới sự hậu thuẫn của chính quyền, các hội thánh được công nhận đã buộc các thánh thất độc lập phải tái quy phục.
Tháng 6/2020, Thánh thất Phú Lâm bị người của Hội thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh đi cùng cán bộ chính quyền tỉnh Phú Yên đến đòi tiếp quản thánh thất đang hoạt động độc lập này.
Sau khi tín đồ ở Thánh thất Phú Lâm phản đối lệnh tiếp quản, công an thành phố Tuy Hòa, công an tỉnh Phú Yên cùng các ban ngành khác đã mời đại diện của thánh thất lên để đe dọa, ép phải chấp nhận lệnh tiếp quản.
Thánh thất Phú Lâm tọa lạc tại khóm 5, thị trấn Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Thánh thất này tách khỏi Hội thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh từ năm 1997, khi chính quyền lập ra một tổ chức gọi là Hội đồng Chưởng Quản để kiểm soát các tín đồ Cao Đài.
Vụ việc đang diễn ra ở Thánh thất Phú Lâm cho thấy chính quyền vẫn chưa ngừng việc thanh lọc các tổ chức tôn giáo.
Trong phần tiếp theo, Luật Khoa sẽ tiếp tục giới thiệu ba tổ chức tôn giáo khác cũng không được chính quyền công nhận. Mời quý độc giả đón đọc vào cuối tuần này. Chúng tôi hoan nghênh bạn đọc chia sẻ câu chuyện tôn giáo qua email tongiao@luatkhoa.org.