Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nước Mỹ sẽ mất một thời gian để khôi phục danh dự, nhưng thế giới đang nóng lòng chờ đợi.
Dịch từ bài viết “Making America Decent Again: Biden and the Future of U.S. Human Rights Policy” được đăng vào ngày 23/11/2020 của tác giả Stewart M. Patrick. Ông là nghiên cứu viên cao cấp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), một trong những think tank có ảnh hưởng lớn tới chính sách đối ngoại của Mỹ.
***
Không phải ngẫu nhiên mà trong khi lãnh đạo các nền dân chủ phương Tây nhanh chóng gửi lời chúc mừng cho chiến thắng của Joe Biden trong cuộc tranh cử tổng thống, thì lãnh đạo của nhiều chế độ độc tài vẫn giữ im lặng. Những kẻ chuyên quyền từng hồ hởi với sự thờ ơ của Donald Trump đối với các giá trị tự do, nay có lý do để cảnh giác với Biden. Tổng thống tân cử Joe Biden đã thể hiện ý định sẽ làm cho nước Mỹ trở nên tử tế trở lại, không chỉ ở trong chính nước Mỹ mà còn ở bên ngoài, bằng cách khôi phục lại quá trình thúc đẩy tự do và bảo vệ nền dân chủ như là những trụ cột trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nước Mỹ sẽ mất một khoảng thời gian mới gây dựng lại được uy tín về vấn đề nhân quyền.
Mối quan hệ gần gũi của Trump với những lãnh đạo chuyên quyền đã được ghi chép đầy đủ. “Mắc cười lắm,” Donald Trump cảm thấy thú vị khi trao đổi với phóng viên Bob Woodward của tờ Washington Post. “Các mối quan hệ mà tôi có, họ càng ngoan cố và xấu xa, tôi càng hòa hợp với họ hơn. Anh biết chứ? Hãy giải thích điều đó cho tôi vào một ngày nào đó, được không?” Dù bạn có thấy thú vị hay không, ít nhất Trump cũng tự nhận thức được về mình. Những tổng thống tiền nhiệm đã sử dụng bục giảng quyền uy của họ để bảo vệ các quyền tự do phổ quát được khắc ghi trong các văn kiện lập quốc của nước Mỹ. Trump trong khi đó chỉ là một người đi bắt nạt, và bị cuốn vào những kẻ hay đi bắt nạt khác.
Sự ngưỡng mộ đặc biệt của Trump đối với những nhà độc tài và những lãnh đạo mạnh bạo là điều chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông đã tán dương lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên, Vladimir Putin của Nga, Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, Tập Cận Bình của Trung Quốc, Abdel Fattah el-Sisi của Ai Cập, Jair Bolsonaro của Brazil, Rodrigo Duterte của Philippines, và Mohammed bin Salman của Ả Rập Saudi, cùng những gương mặt khác. Khi chúc mừng ông Tập vì đã củng cố quyền lực trong vai trò lãnh đạo trọn đời, Trump gợi ý rằng, “có lẽ chúng ta sẽ thử làm giống vậy”. Ông cũng đã công khai đùa cợt với Putin về việc “tống khứ” các nhà báo. Trong khi đó, ông chê bai những nhà lãnh đạo dân cử, như Thủ tướng Justin Trudeau của Canada và Angela Merkel của Đức, là “yếu đuối” và là “những kẻ thất bại”.
Ảnh hưởng của Trump đang ngấm ngầm lây lan, khi ông bỏ rơi giá trị tự do toàn cầu, khiến nó lẻ loi không có người lãnh đạo. Vào tháng trước, phóng viên Jay Nordlinger trong một bài luận đã mổ banh chành những việc làm của Trump vốn “đi ngược lại giá trị nước Mỹ”. Điều này còn “kinh thiên động địa” hơn khi nó xuất hiện trên một tờ báo được coi là thánh kinh của chủ nghĩa bảo thủ Hoa Kỳ – tờ National Review.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Trump, không phải đến bất kỳ một nơi nào khác, mà là Ả Rập Saudi, một nước có thành tích tồi tệ về nhân quyền. Ở đó, Trump đã xòe hết bài. “Chúng ta không ở đây để giảng đạo,” ông tuyên bố. “Chúng ta không ở đây để dạy người khác về cách họ sống, làm việc gì, trở thành ai, hay tôn thờ điều gì”. Thông điệp ở đây rất rõ ràng: Các nhà cầm quyền Ả Rập Saudi có thể đàn áp công dân của nước mình mà không sợ bị trừng phạt. Lời phát biểu trên như mật ngọt rót vào tai của lãnh đạo nước chủ nhà. Chính quyền Trump thậm chí đã không có động thái gì, dù chỉ một lời bình luận, sau khi Thái tử Mohammed bin Salman chủ mưu vụ giết hại và phân xác nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post bên trong lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul. “Tôi đã cứu bồ hắn,” Trump nói với Woodward về vị thái tử quyền lực. “Tôi đã yêu cầu Quốc hội để yên cho hắn”.
Một mặt, các nhân viên của Bộ Ngoại giao vẫn tiếp tục soạn thảo Báo cáo Quốc gia Thường niên về Thực thi Nhân quyền (Country Reports on Human Rights Practices), theo yêu cầu của Quốc hội. Mặt khác, Tổng thống Trump hiếm khi nêu lên những lo ngại về nhân quyền trong các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo nước ngoài, và để dành những lời chỉ trích hiếm hoi của mình cho một số kẻ thù chọn lọc của Hoa Kỳ như Cuba, Iran và Venezuela. Vào tháng 6/2018, chính quyền Trump đã chỉ trích Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc “thiên vị”, rút khỏi tổ chức này với lý do nó đã bị thao túng tuyệt đối – bởi chính những kẻ xấu mà Trump đang bận rộn để làm vui lòng.
Ngoại trưởng Mike Pompeo thì cố gắng trong vô vọng nhét chủ nghĩa “Nước Mỹ trên hết” của Trump vào chung một chỗ với những lo ngại về nhân quyền. Pompeo đã tìm cách “quốc hữu hóa” (“nationalize”) hoạt động thúc đẩy nhân quyền của Mỹ bằng cách chỉ tập trung vào các quyền tự do dân sự và chính trị, mà ông cho là nằm ở vị trí cốt lõi trong kinh nghiệm lịch sử của nước Mỹ; đồng thời đánh giá thấp các khía cạnh kinh tế và xã hội rộng hơn của giá trị nhân phẩm. Để cung cấp một nền tảng học thuật cho chiến lược này, Pompeo đã chỉ định một Ủy ban về những Quyền Bất khả xâm phạm (Commission on Unalienable Rights), với thành viên phần lớn là các học giả pháp lý bảo thủ. Nhưng bản báo cáo dự thảo của ủy ban này, được công bố vào tháng 7/2020, đã mắc phải hai sai sót. Việc báo cáo khẳng định nước Mỹ có đặc quyền diễn giải và đánh giá những nghĩa vụ nhân quyền quốc tế theo cách mà họ muốn đồng thời đã mở ra cánh cửa cho các chế độ chuyên quyền làm điều tương tự. Nó góp phần làm suy yếu nguyên tắc phổ quát của nhân quyền. Quan trọng hơn, bản báo cáo này không có mối liên hệ nào với các chính sách hiện tại của Nhà Trắng, vốn cũng chẳng theo đuổi bất kỳ hoạt động thúc đẩy nhân quyền nào.
Biden sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn để xây dựng lại uy tín của Hoa Kỳ trong việc đi tiên phong về quyền con người. Bảng xếp hạng về chất lượng của các nền dân chủ do tổ chức Freedom House thực hiện gần đây đã xếp Hoa Kỳ đứng thứ 33 trong số tất cả các quốc gia, nằm giữa Slovakia và Argentina – một vị trí còn lâu mới tới đỉnh.
Việc khôi phục lại uy thế đạo đức của nước Mỹ để bảo vệ quyền tự do, dân chủ và pháp quyền cần phải được bắt đầu tại chính đất Mỹ. Điều này đòi hỏi những bước đi cụ thể để bảo vệ các quyền dân sự và chính trị, bao gồm quyền tự do ngôn luận và hội họp, một nền truyền thông độc lập và cơ quan thực thi pháp luật có trách nhiệm; cũng như những nỗ lực kiên quyết để làm giảm nạn phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống. Hoa Kỳ chỉ có thể rao giảng về vấn đề nhân quyền ở nước ngoài nếu họ chịu bắt đầu từ một vị thế khiêm tốn, bằng việc thừa nhận rằng con đường biến nước Mỹ trở thành một liên bang hoàn hảo hơn vẫn còn ở phía trước.
Tuy nhiên, thừa nhận những thiếu sót trong vấn đề đối nội của nước Mỹ không được đồng nghĩa với việc từ bỏ vai trò dẫn đầu trong vấn đề bảo vệ tự do và dân chủ, giống như chính xác những gì Trump đã làm. Vào tháng 2/2017, khi người dẫn truyền hình Bill O’Reilly của kênh Fox News gọi Putin là “tên sát nhân” (“killer”), vị tổng thống mới tuyên thệ Trump đã đáp trả bốp chát, “Chà, anh nghĩ đất nước chúng ta vô tội lắm hả?” Những kiểu so sánh lệch lạc suy đồi về đạo đức như vậy chỉ làm hại đến phong trào đấu tranh cho tự do toàn cầu. Nước Mỹ phải khẳng định và bảo vệ các nguyên tắc nhân quyền phổ quát dưới sự công kích từ những cường quyền độc tài, đặc biệt là Trung Quốc và Nga. Những nỗ lực này sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết nếu chúng mang tính đa phương, thay vì chỉ được xúc tiến hoàn toàn tại Mỹ.
Tất nhiên nó cũng không có nghĩa là đặt tất cả các mục tiêu khác trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ nằm dưới các quyết sách về nhân quyền. Chính quyền Biden sẽ cần đặt những mối quan tâm này cạnh một danh sách các lợi ích mang tính chiến lược, ngoại giao và kinh tế. Đôi khi, nước Mỹ sẽ cần phải tạm “chịu đựng” để thương lượng với những chế độ bất hảo. Nhưng nước Mỹ không bao giờ nên giữ im lặng. Vào thời khắc cao trào của Chiến tranh Lạnh, như Nordlinger đã chỉ ra, Tổng thống Ronald Reagan đã nhiều lần trao cho Thủ tướng Liên Xô là Mikhail Gorbachev danh sách những nhân vật bất đồng chính kiến mà Mỹ muốn phải được trả tự do. Không quốc gia nào nên được trao cho “kim bài miễn tử” để vô tư vi phạm nhân quyền.
Biden được trông chờ sẽ khôi phục lại truyền thống cao quý trên. “Khi tôi là tổng thống,” ông nói với tờ New York Times trong suốt chiến dịch tranh cử, “nhân quyền sẽ ở vị trí cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”. Với tư cách là một ứng cử viên, ông đã phát tín hiệu hạ cấp mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Ả Rập Saudi, và có khả năng cũng sẽ để mắt đến những chế độ độc tài khác. Ở cấp độ đa phương, Biden đã cam kết việc “tổ chức và đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ Toàn cầu (Summit for Democracy) để đổi mới tinh thần và mục đích chung của các quốc gia thuộc Thế giới Tự do”. Biden cũng được kỳ vọng bày tỏ ý định mong muốn gia nhập lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (U.N Human Rights Council) vào năm 2022, khi Hoa Kỳ đủ điều kiện được bầu lại; cũng như quyết tâm của ông trong việc cải tổ lại cơ quan trên, nhằm buộc những kẻ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất thế giới phải chịu trách nhiệm.
Sẽ phải mất một thời gian để khôi phục danh dự của nước Mỹ trên thế giới. Tuy vậy, những tiếng nói ủng hộ nhân quyền ở khắp mọi nơi đang nóng lòng chờ đợi Biden bắt đầu một nhiệm vụ khó khăn, trong việc làm cho nước Mỹ – và thế giới – trở nên tử tế trở lại.