Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Luôn có hơn một cách hiểu về mọi điều. Miễn là ta đọc nhiều hơn một chút.
Những tháng năm dài ngồi trên mái, à không, trên ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa và nghe ra rả về chủ nghĩa xã hội khoa học rồi kinh tế chính trị Marx-Lenin khiến tôi thấy những từ ngữ ấy dường như không có nghĩa. Chính Phạm Đoan Trang, người hay bị coi là “trùm” chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa, một hôm đẹp trời lại nhẹ nhàng nhắc tôi một chuyện không nên quên: luôn có nhiều hơn một cách hiểu về mọi điều.
Trong cuốn Chính trị bình dân, tác giả Đoan Trang dành ra một phần (IV) để nói về các chủ nghĩa. Một chương trong đó được trang trọng dành cho Chủ nghĩa xã hội và Dân chủ xã hội.
Để làm rõ khái niệm, chữ “chủ nghĩa” mà ta dùng trong tiếng Việt để mô tả các hệ thống tư tưởng là dịch từ cách thêm hậu tố -ism trong việc tạo từ tiếng Anh. Một cách nghĩ, khi thêm đuôi -ism vào thì sẽ thành “chủ nghĩa”. Từ được dùng thường xuyên hơn và rõ nghĩa hơn trong tiếng Anh là “ideology” – ý thức hệ, hiểu nôm na là một hệ thống suy nghĩ, quan điểm, giá trị.
Chẳng hạn, chủ nghĩa tự do: liberalism, chủ nghĩa bảo thủ: conservatism (Đoan Trang dịch là “bảo tồn”, vì theo cô, chữ “bảo thủ” trong tiếng Việt có hàm ý tiêu cực), chủ nghĩa phát xít: fascism, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, racism, chủ nghĩa phân biệt giới tính: sexism, chủ nghĩa xét lại: revisionism, chủ nghĩa vô chính phủ: anarchism, chủ nghĩa thực dụng: pragmatism, chủ nghĩa môi trường: environmentalism.
Các bạn thấy mệt mỏi với các loại -ism chưa? Nhiều người cũng mệt lắm, có người phán luôn là “All ism are evil” (Mọi thứ chủ nghĩa đều xấu xa). Phán thế chưa hẳn đã đúng, nhưng cuối bài tôi sẽ quay lại. Bây giờ không nên lạc đề, thứ chúng ta đang nói là chủ nghĩa xã hội (socialism) và những khái niệm xoay quanh nó.
Tư tưởng về chủ nghĩa xã hội phát triển trong thế kỷ 19 với xuất phát điểm chống lại chủ nghĩa tư bản. Những người nghĩ theo cách này cho là chủ nghĩa tư bản, “dựa trên thiết chế sở hữu tư nhân và người bóc lột người, là nguồn gốc của nghèo đói và bất công” (Chính trị bình dân, trang 139). Họ muốn xây dựng một thiết chế khác dựa trên nền tảng sở hữu chung của xã hội, mà nhà nước là đại diện quản lý.
Nghe thật là có vấn đề, đặc biệt là nếu bạn cũng như tôi, đã và đang bị một nhà nước độc tài quản lý. Nhưng không phải nhà nước nào cũng tệ như nơi ta đang sống.
Chủ nghĩa xã hội không chỉ có một hình hài là chủ nghĩa Marx, dù ông là người nổi bật nhất; càng không phải chỉ có một đại diện là chủ nghĩa Marx-Lenin, dù đó là thứ duy nhất được dạy trong trường chính quy ở Việt Nam.
Ngay từ cuối thế kỷ 19, một nhánh khác của chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện với một gương mặt đại diện là Eduard Bernstein (1850-1932). Trường phái này chủ trương đưa công nhân hội nhập dần vào xã hội tư bản thông qua việc cải thiện điều kiện lao động, ủng hộ chuyển đổi từ từ, ôn hòa sang chủ nghĩa xã hội, ủng hộ đấu tranh nghị trường hơn là bạo lực cách mạng.
Ông Bernstein này cũng là người Đức, sinh sau Marx 32 năm, được gọi là “ông tổ” của chủ nghĩa Xét lại (Revisionism). Đúng vậy, tư tưởng xét lại của Bernstein chính là xét lại bản thân chủ nghĩa Marx, chỉ ra những hạn chế trong cách tiếp cận theo hướng bạo lực cách mạng mà những người cộng sản như Engels nhất mực theo đuổi.
Chữ “xét lại” có thể khiến bạn liên tưởng đến từ mà Stalin dùng những năm 1940 ở Liên Xô, Mao Trạch Đông dùng những năm 1960 ở Trung Quốc, và Lê Duẩn dùng sau đó không lâu trong “Vụ án Xét lại chống Đảng” năm 1967. Trong vụ thanh trừng này, nhiều nhân vật cấp cao trong Đảng Lao động Việt Nam đã bị bỏ tù không qua xét xử, với cáo buộc là có tư tưởng lệch lạc từ chủ nghĩa Xét lại, cộng thêm tội làm gián điệp cho nước ngoài. Sự đàn áp thẳng tay đó đã dập tắt một hạt mầm tư duy mới trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, mà rất có thể đã đưa lịch sử Việt Nam sang một lối khác.
Lối khác đó gần hơn với chủ nghĩa Marx thời kỳ trưởng thành (mature Marxism), và gần với Cộng hòa Liên bang Đức và Bắc Âu ngày nay. Chủ nghĩa Xét lại mà Bernstein khơi nguồn vào thế kỷ 19 sau này hình thành nên khối dân chủ xã hội (social democratic), đối trọng với khối cách mạng (tức là cộng sản), dẫn đầu là Lenin.
Dân chủ xã hội phát triển mạnh mẽ ở Đức và các nước Bắc Âu. Một trong hai chính đảng tại Đức thời điểm hiện tại là Đảng Dân chủ Xã hội – SPD. Đây là đảng theo tư tưởng Marxist lâu đời nhất ở châu Âu. Trào lưu tư tưởng này cũng đang bắt đầu lan ra trong giới trẻ ở Mỹ.
“Trái với tính máy móc cuồng nhiệt ý thức hệ của chủ nghĩa Marx nguyên thủy và chủ nghĩa cộng sản chính thống”, tác giả Đoan Trang viết, những người theo trường phái dân chủ xã hội “nhân văn hơn hẳn”. Họ đề cao cộng đồng và tinh thần bác ái, nhưng cũng đề cao dân chủ. Họ tin rằng có con đường đạt tới chế độ xã hội chủ nghĩa thông qua con đường dân chủ và hòa bình. Cụ thể là thành lập nhiều đảng xã hội, các đảng xã hội cạnh tranh với nhau thông qua bầu cử và thi hành các chính sách xã hội ôn hòa.
Chính sách xã hội ôn hòa bao gồm nhiều nghĩa, nhưng quan trọng nhất là ôn hòa cả trong tư duy về sở hữu. Công hữu hay tư hữu? Câu trả lời của trường phái này nằm ở giữa. Mặc dù coi chủ nghĩa tư bản là phương thức duy nhất để tạo ra của cải và sự thịnh vượng, nhưng họ chủ trương phân phối của cải theo các nguyên tắc đạo đức hơn là nguyên tắc thị trường. Tác giả Đoan Trang gọi đây là “nhân văn hóa” chế độ tư bản thông qua sự can thiệp của nhà nước. Biểu hiện rõ rệt nhất của việc này là đánh thuế để lập quỹ phúc lợi. Khẩu hiệu của một nhà nước phúc lợi theo kiểu này chính xác nhất có lẽ là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tóm lại, chủ nghĩa xã hội có nhiều hình thái. Nếu chỉ hiểu về chủ nghĩa xã hội theo cách chúng ta được dạy dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, hoặc là chỉ hiểu theo cách trái ngược với thứ chúng ta được dạy trong đó, thì khả năng lớn là ta chưa hiểu được gì nhiều. Tôi muốn nhắc lại ở đây lời nhắn nhủ mà cuốn Chính trị bình dân của Phạm Đoan Trang gửi đến tôi: luôn có nhiều hơn một cách hiểu về mọi điều.
À, quay lại chuyện “-ism” với “evil” – các loại chủ nghĩa và sự xấu xa, ở nước ngoài người ta mệt mỏi vì có nhiều chủ nghĩa quá, chả biết nghĩ theo cách nào. Ở nước mình thì khác, người mình mệt vì được dạy có mỗi một chủ nghĩa thôi, và đến tận bây giờ vẫn có người bảo là thứ chủ nghĩa duy nhất ấy không thể lỗi thời (cứ như là sẽ có ai tin cho vậy). Những chủ nghĩa chỉ xấu khi nó trở thành cực đoan và được dùng như vũ khí tư tưởng. Với những công dân tự do, đừng mơ bắt họ phải gật gù nghe theo một thứ chủ nghĩa duy nhất nào.
Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.