Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Thông tin Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Liên bang Hoa Kỳ tuyên bố đang có gian lận bầu cử bắt đầu xuất hiện từ một bài đăng trên mạng xã hội tiếng Việt từ một người dùng Facebook mang tên Hoàng Hải Vân.
Dẫn lại nguồn tin từ một kênh truyền hình của Mỹ là Newsmax, ông Vân viết rằng:
“Chủ tịch Ủy ban bầu cử liên bang Trey Trainor xuất hiện trên chương trình ‘National Report’ của Newsmax TV hôm thứ sáu (6-11) nói, ổng tin có gian lận đang diễn ra ở các bang đang kiểm phiếu. Theo ổng thì các địa điểm không cho phép quan sát viên tiếp cận có thể liên quan đến gian lận, ổng tin là có gian lận, nếu không gian lận thì họ đã cho phép các quan sát viên đi vào.
Ổng cho rằng, mặc dù tòa án cho phép chiến dịch của ông Trump cử quan sát viên đến xem việc kiểm phiếu ở Pennsylvania từ khoảng cách 6 feet, nhưng các quan sát viên đã không được phép vào các địa điểm kiểm phiếu một cách thực chất, vì khi khi các quan sát viên đến thì người ta đã bê những cái bàn kia ra xa hơn, cho nên họ chẳng được quan sát một cách có ý nghĩa. Điều này thể hiện sự không minh bạch của cuộc bầu cử. Ổng cho rằng Pennsylvania và nhiều bang khác đã không thực hiện kiểm đếm phiếu một cách minh bạch.
Ổng còn nói, nếu luật pháp không được tuân thủ thì cuộc bầu cử này là bất hợp pháp. Ổng khẳng định, các đơn kiện mà chiến dịch của ông Trump trình ra là “những cáo buộc rất hợp lệ” và cho rằng những thách thức pháp lý có thể sẽ đến Tối cao pháp viện Hoa Kỳ…”
Ông Vân bình luận thêm rằng các tờ báo lớn của Mỹ đang tập trung chống ông Trump và lờ đi những thông tin như nói trên. Ông cũng khẳng định kênh truyền hình Newsmax không hề là một kênh truyền hình nhỏ.
Cách đưa tin của kênh truyền hình Newsmax và cách dẫn tin lại của ông Hoàng Hải Vân thoạt tiên có thể khiến độc giả hiểu rằng ông Trey Trainor đang đưa ra các kết luận về gian lận bầu cử tại Mỹ trong chức vị chính thức của ông là Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Liên bang Hoa Kỳ (Federal Election Commission – FEC).
Theo đó, các kết luận này có thể xem là kết luận chính thức của FEC về gian lận bầu cử ở Mỹ năm 2020.
Đây có thể là một cách đưa tin không thật sự rõ ràng. Kiểm chứng các thông tin nói trên, chúng tôi nhận thấy một số điểm như sau:
Thực sự nhiều nước trên thế giới có các ủy ban về bầu cử giám sát nói chung về hoạt động bầu cử trong nước. Các cơ quan này có thể có phạm vi nhiệm vụ rất rộng, họ có thể vừa giám sát việc vận động tranh cử (campaign), vừa giám sát hoạt động bỏ phiếu bầu cử (voting).
Mỹ cũng có Ủy ban Bầu cử Liên bang Hoa Kỳ (FEC). Tuy nhiên, cơ quan này có một phạm vi chức năng nhiệm vụ hẹp hơn nhiều và không bao gồm việc điều tra các gian lận trong công tác kiểm phiếu bầu cử.
Theo lịch sử chính thức của cơ quan này, FEC được Quốc hội Mỹ thành lập năm 1974.
Cơ sở pháp lý cho việc thành lập cơ quan này đến từ việc Quốc hội Mỹ sửa đổi bổ sung một số điều trong Đạo luật về tài chính trong vận động tranh cử năm 1971 (The Federal Election Campaign Act of 1971).
Đạo luật nói trên được Quốc hội Mỹ ban hành năm 1971 với mục đích quy định việc kiểm tra giám sát các hoạt động gây quỹ và chi tiêu trong tranh cử chính trị, chủ yếu đưa ra giới hạn lên các mức đóng góp tài chính vào các chiến dịch tranh cử chính trị của tất cả các đảng phái ở Mỹ.
Tài chính trong vận động tranh cử (campaign finance) là một chủ đề nóng bỏng trong chính trị Mỹ. Trước năm 1971, Hoa Kỳ không có luật nào quy định về các nguồn tiền được sử dụng trong vận động tranh cử.
Trong lần sửa đổi bổ sung năm 1974, đạo luật 1971 này đưa vào các điều khoản cho phép việc thành lập Ủy ban Bầu cử Liên bang Hoa Kỳ (Federal Election Commission – FEC).
FEC có nhiệm vụ quản trị giám sát (administering) và thực hiện điều tra, cưỡng chế thi hành (enforcing) các điều khoản của đạo luật 1971.
Như vậy, phạm vi nhiệm vụ của FEC không bao gồm việc điều tra các gian lận bầu cử hay các vi phạm luật bầu cử nằm ngoài phạm vi của Đạo luật về tài chính trong tranh cử năm 1971.
Trong nội dung đạo luật này không có các quy định về gian lận trong công tác kiểm phiếu.
Đạo luật về tài chính trong vận động tranh cử năm 1971 quy định rằng cơ quan đầu não của FEC phải có 6 ủy viên (bao gồm vị trí chủ tịch – chair) vốn là những người do Tổng thống Mỹ bổ nhiệm với sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện Mỹ (bao gồm 100 thượng nghị sĩ).
Luật không cho phép một đảng phái chính trị có nhiều hơn 3 ủy viên trong FEC.
Luật cũng quy định rằng các quyết định của FEC chỉ có hiệu lực nếu được 4 trên 6 ủy viên bỏ phiếu tán thành. Mức 4/6 này hay được gọi là quorum. Các quyết định được đưa ra mà không đạt quorum này có thể coi là các quyết định không hợp pháp.
Theo đó, cá nhân vị trí chủ tịch không có vai trò quyết định tiếng nói cuối cùng của FEC.
Ông Trey Trainor – người được đề cập trong bản tin của Newsmax – có tên họ đầy đủ là James E. Trainor III. Ông thật sự là người đang giữ chức vụ Chủ tịch của FEC.
Ông Trey Trainor được Tổng thống Trump bổ nhiệm vào FEC và được Thượng nghị viện Mỹ bỏ phiếu tán thành với tỷ lệ 49 phiếu thuận và 43 phiếu chống vào ngày 19/05/2020.
Hiện nay, FEC chỉ đang có 3 thành viên bao gồm ông Trey Trainor (thuộc đảng Cộng hòa), bà Ellen Weintraub (thuộc đảng Dân chủ) và ông Steven Walther (thành viên độc lập). Lý do FEC hiện không có đủ 6 ủy viên (hay ít nhất là 4 thành viên để đạt mức có thể bỏ phiếu đưa ra quyết định cho tổ chức) là vì trước đó có hai ủy viên từ nhiệm.
Trong bài báo của họ, kênh truyền hình Newsmax phỏng vấn và dẫn lại các bình luận của ông Chủ tịch FEC về các biểu hiện gian lận trong công tác đếm, kiểm phiếu bầu tại bang Pennsylvania.
Newsmax không giải thích là các bình luận đó được ông Trainor đưa ra thay mặt FEC hay không.
Khi kiểm tra trang web chính thức của FEC, chúng tôi không tìm được thông báo nào dẫn lại hay công nhận các bình luận đó của ông Trainor.
Như đã giải thích ở trên, FEC không có nhiệm vụ điều tra gian lận trong công tác kiểm phiếu.
Dĩ nhiên không có luật nào cấm ông Trainor phát biểu trong vai trò một chuyên gia về luật bầu cử và không có liên quan đến nhiệm vụ chính thức của ông tại FEC.