‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Lời biên tập viên:
Lý tưởng lớn mà Luật Khoa tạp chí theo đuổi có lẽ đã được truyền đạt nhiều, nhưng những câu chuyện nhỏ về việc xây dựng tờ báo thì lâu nay hiếm. Nhân dịp sinh nhật sáu tuổi, chúng tôi đề nghị tổng biên tập đăng đàn kể chuyện cho những độc giả đã luôn dõi theo và ủng hộ Luật Khoa.
Bài viết này được trích từ cuộc trò chuyện giữa Y Chan và Trịnh Hữu Long, sáng lập viên – tổng biên tập duy nhất của Luật Khoa tạp chí trong sáu năm qua. Các ý nội dung đã được sắp xếp lại cho liền mạch. Lời văn và cách xưng hô của nhân vật được giữ nguyên gốc.
Ý tưởng thành lập Luật Khoa có từ năm 2012, khi mình còn làm báo ở Hà Nội. Hồi đó mình làm việc rất gần gũi với nhà báo Phạm Đoan Trang. Khi đó cả mình và chị Trang đều vừa là nhà báo, vừa là nhà hoạt động.
Khoảng mùa đông năm 2012, mình và chị Trang có ý tưởng lập ra một tờ báo. Hồi đầu lấy tên là “Vietnam Law Times”, muốn nó là một tờ báo chuyên về luật, đăng ký tên miền, lập website rồi. Nhưng sau nhận thấy kiến thức của cả hai chị em đều không đủ, cộng thêm công việc của tòa soạn cũng cuốn mình đi, không đủ thời gian, công sức và kiến thức để có thể mở ra tờ báo này. Ngày ấy cũng chỉ định làm thành một cái blog chỉn chu thôi, chưa thật sự định làm thành một tờ báo như sau này. Ý tưởng ban đầu đó sau này phải bỏ.
Năm 2014, tụi mình có hiểu biết tốt hơn về nhân quyền, về pháp luật, có điều kiện thời gian hơn để có thể xây dựng được một tạp chí, đồng thời cũng có một khoản kinh phí nho nhỏ để khởi động được dự án. Một dự án rất nhỏ. Khi đó mình có bàn việc này với nhà báo Đoan Trang, luật sư Trần Quỳnh Vi và luật gia Trương Tự Minh. Tụi mình đều là những người bạn tương đối gần gũi với nhau. Các bạn đều rất ủng hộ.
Ý tưởng ban đầu về tờ báo cũng khác hơi xa so với tờ Luật Khoa sau này. Khoảng tháng 5/2014, mình chuẩn bị sang Thái Lan thực tập tại Ủy ban Luật gia Quốc tế, một tổ chức rất lớn của giới luật sư làm việc về các vấn đề nhân quyền. Chị Trang và Vi thì đang bên Mỹ. Trương Tự Minh cũng đang ở một nước Đông Nam Á khác.
Khi bàn với nhau, ban đầu tụi mình tính làm một cơ sở dữ liệu về luật cho cộng đồng sinh viên luật và luật gia tham khảo, bao gồm án lệ nước ngoài và sách. Sau đó tụi mình chuyển sang ý tưởng làm một tờ bán nguyệt san, hình thức tương tự như các tạp chí luật chuyên ngành, một dạng tạp chí thiên về học thuật hơn là một tạp chí phổ thông. Cảm hứng ngày đó lấy từ tạp chí Harvard Law Review. Tụi mình muốn làm mô hình tương tự, dĩ nhiên chất lượng, tiêu chuẩn sẽ không thể sánh được với các tạp chí luật chuyên ngành, nhưng thiên về các bài viết hàn lâm thay vì các bài báo phổ thông. Sau một thời gian bàn bạc nghiên cứu, tụi mình không muốn theo đuổi mô hình đó nữa mà quay trở về với ý tưởng làm một tạp chí phổ thông, phục vụ công chúng phổ thông.
Khoảng đầu tháng 10/2014, tụi mình chốt lại ý tưởng về việc ra một tờ báo phổ thông online và bắt tay vào việc chuẩn bị nội dung.
Ngày 5/11/2014 tờ báo chính thức ra mắt.
Tụi mình nhìn thấy rất rõ nhu cầu cần phải có nhiều thông tin tư vấn pháp luật cho người dân hơn, giúp cho người dân hiểu biết về các quyền căn bản của mình hơn. Khi tiếp xúc với các bạn đấu tranh, bị bắt bớ, bị đánh đập, và sau này là bị kết án, tụi mình nhận thấy rằng có rất nhiều câu hỏi căn bản về nhân quyền, về những quyền công dân được ghi rõ trong các đạo luật mà các bạn ấy lại không nắm được.
Đối với công chúng, hiểu biết pháp luật về các quyền con người ngày ấy vẫn chưa cao. Hồi đó “quyền con người” là một cái gì đó rất nhạy cảm, rất xa vời với người dân. Tụi mình cảm thấy Việt Nam đang thiếu vắng những tờ báo có khả năng truyền tải những kiến thức pháp luật, những kiến thức chính trị cho người dân, để người ta có thể có hiểu biết về các quyền của mình.
Ngay từ năm 2012, khi có ý tưởng sơ khởi, tụi mình đã muốn làm một tờ báo độc lập. Thời điểm đó, chị Trang đang làm việc cho tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, mình đang làm việc cho tờ Tia Sáng, sau đó chuyển sang Tuổi Trẻ. Tụi mình đều không hài lòng với môi trường báo chí Việt Nam. Đất để diễn là rất hạn hẹp, hơn nữa còn bị kiểm duyệt rất gắt gao. Các đề tài có thể được nói trên báo chí chính thống Việt Nam không nhiều. Cái bức xúc đó là động lực khiến tụi mình muốn lập ra một tờ tạp chí riêng và tự vận hành, không phụ thuộc bất kỳ ai cả.
Từ khi mới thành lập, tụi mình đã rất tự tin về sự thành công và tương lai của Luật Khoa tạp chí lúc đó.
Vào khoảng cuối năm 2014, bản thân mình đã tích lũy được một khối lượng kiến thức kha khá về luật, nhân quyền, và chính trị, có khả năng truyền tải cho người khác.
Tính đến thời điểm đó, chị Trang và mình đều đã làm báo khá lâu rồi.
Chị Trang làm báo được 14 năm, còn mình được ba năm. Mình khá tự tin vào khả năng của nhóm. Các bạn đều có trình độ tiếng Anh từ khá trở lên, có khả năng đọc hiểu tài liệu nước ngoài và chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Bọn mình có sự bổ sung rất đáng quý từ bạn Trần Quỳnh Vi, khi đó đang làm luật sư ở California. Lý do tụi mình mời bạn Vi tham gia không chỉ vì quen biết cá nhân, mà còn vì Vi bổ sung cho nhóm một thứ mọi người không có: hiểu biết về luật Mỹ. Ý tưởng của tụi mình là không chỉ nói về luật Việt Nam, mà còn phải so sánh Việt Nam với nước ngoài. Vi là một sự bổ sung hoàn hảo cho sự thiếu hụt của tụi mình khi đó.
Với một nhóm có năng lực như vậy, tụi mình hoàn toàn tự tin có thể duy trì tờ báo lâu dài và phát triển nó thành một tờ báo lớn. Khi lập ra Luật Khoa tạp chí, tụi mình không có ý định chỉ vận hành nó như một dự án ngắn hạn, làm một thời gian rồi thôi. Tụi mình hoàn toàn nghiêm túc trong việc biến nó thành một tờ báo lớn trong tương lai và xem nó là dự án cuộc đời.
Ban đầu, mọi người đều có công việc riêng. Chị Trang đang học bên Mỹ. Bạn Vi đang vận hành một hãng luật riêng bên Mỹ. Trương Tự Minh cũng có việc riêng. Mình thì đang thực tập ở Ủy ban Luật gia Quốc tế, và dự kiến xong thực tập thì quay lại Philippines làm việc cho tổ chức VOICE như cam kết.
Từ năm 2014 đến cuối năm 2016, nhóm không có nhân sự nào làm việc toàn thời gian. Vào giữa năm 2015 tụi mình có tuyển được nhân viên chính thức toàn thời gian đầu tiên để quản lý tòa soạn. Với cơ cấu nhân sự như vậy, rất khó để đảm bảo số lượng lẫn chất lượng của tờ báo. Tụi mình phải trầy trật rất nhiều, làm việc ngoài giờ, cố gắng tối đa để đảm bảo tờ báo có thể ra được ít nhất 15 đến 30 bài mỗi tháng.
Nguồn tài chính lại cực kỳ hạn hẹp. Ngân sách ngày đó chỉ đủ trả 400 USD/ tháng cho nhân viên chính thức.
Khó khăn khác là việc mọi người làm việc tản mác khắp nơi. Sau này, làm việc phối hợp từ xa trở thành một văn hóa tổ chức của Luật Khoa, nhưng ở thời kỳ đầu, nhất là khi tổ chức vừa ra đời, nó là một bất lợi. Với một tổ chức mới ra đời, mọi người làm việc tập trung với nhau, trao đổi thảo luận kỹ, gần gũi thì sẽ tốt hơn.
Một điểm khó khăn khác là dù tự tin, nhưng nhóm cũng nhận ra năng lực của tụi mình chưa tốt lắm. Dĩ nhiên con người không bao giờ hài lòng với mình cả.
Mình không đồng ý với nhận định rằng người Việt Nam lười đọc, không có văn hóa đọc. Khi nhận định như vậy, phải đặt nó trong bối cảnh người Việt Nam có cái gì để đọc.
Báo chí bị kiểm duyệt, sách bị kiểm duyệt, môi trường internet cũng bị kiểm duyệt. Nghĩa rằng có vô vàn thứ có thể đọc nhưng người ta không có cơ hội được biết đến chứ chưa nói đến có cơ hội tiếp cận và đọc. Chỉ có một kết luận mình nghĩ là đúng trong hoàn cảnh hiện nay là người Việt Nam “lười đọc những thứ được cho đọc”, nghĩa là người ta đang lười đọc những thứ trong môi trường bị kiểm duyệt. Đó có thể là nhận định gần với sự thật nhất.
Mình có đủ kinh nghiệm để biết rằng độc giả mong muốn đọc những kiến thức mới, lập luận mới, nội dung hay, cuốn sách hay. Người ta có đọc hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là đầu vào, môi trường có bị kiểm duyệt hay không. Thứ hai là anh viết có hay hay không, sản phẩm đó có đáng để người ta đọc hay không.
Một lý do nữa thuộc về bối cảnh xã hội hiện tại: nó có phải là một xã hội trọng tri thức hay không, hay là trọng quan hệ, trọng quyền lực, trọng những mánh lới làm ăn. Động lực kinh tế của xã hội sẽ quyết định việc người ta có đọc hay không và nếu có thì đọc những thứ gì. Với một xã hội vận hành dựa trên các mối quan hệ, theo kiểu chỉ cần có quan hệ là có tiền, có thể sống được, dựa trên sự cảnh giác đề phòng với người khác, dựa rất nhiều vào sự láu lỉnh, khôn vặt, thủ đoạn, người ta sẽ phải đầu tư vào những kỹ năng đó, giúp cho họ sinh tồn và phát triển, thay vì bỏ thời gian đọc sách.
Khi chỉ trích người dân (về việc đọc sách), ta phải đặt họ vào trong bối cảnh xã hội như vậy thì may ra mới hiểu được câu chuyện một cách công bằng. Nếu bây giờ mở cửa thị trường báo chí và thị trường sách báo, mình đảm bảo là số người đọc sách lẫn số sách được tiêu thụ sẽ tăng lên rất cao. Tỷ lệ đọc sách trên đầu người sẽ tăng mạnh.
Lý do vì sao? Đơn giản vì người ta đã có sẵn sự tò mò với rất nhiều chủ đề bị cấm đoán. Khi thị trường được mở cửa, chúng ta cần có niềm tin rằng thị trường sẽ tìm ra được cách thỏa mãn khách hàng của nó. Với các nội dung liên quan đến chính trị, pháp luật, các vấn đề xã hội cũng vậy. Bản thân thị trường cũng sẽ tìm ra cách thức khác nhau để thu hút độc giả.
Nếu chúng ta thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào việc viết sách viết báo, khi đó sẽ có sản phẩm tốt, sẽ có người mua, người ta sẽ hứng thú và sẵn sàng bỏ tiền ra đọc hơn. Vấn đề hiện nay là với môi trường kìm kẹp và truy bức gắt gao như Việt Nam, những người có năng lực mấy ai tham gia vào việc viết lách sản phẩm tử tế, sản phẩm có tính phê phán xã hội cao? Đó là một môi trường đẩy những người có năng lực ra khỏi thị trường. Môi trường như vậy làm sao có sản phẩm tốt?
Dĩ nhiên, việc đọc hay không có một phần do chính bản thân người đọc, ở việc họ có chịu tìm hiểu kiến thức hay không. Chúng ta không thể can thiệp vào lựa chọn cá nhân. Nhưng từ phía xã hội, chúng ta phải thừa nhận hiện đang có rất nhiều thứ ngăn cản người dân tiếp cận các sản phẩm chất lượng, tử tế, sản phẩm người ta cần. Vậy nên chúng ta phải giải quyết những vấn đề xã hội trước khi chỉ trích người dân.
Khái niệm báo độc lập với rất nhiều người là “báo phản động”. Rất nhiều, nếu không muốn nói là một bộ phận rất lớn bạn đọc Việt Nam đều nghĩ những trang làm việc bên ngoài hệ thống quản lý của nhà nước là trang phản động.
Tuy nhiên, mình nghĩ một bộ phận cũng không nhỏ tìm thấy được những giá trị mới ở những tờ báo độc lập. Họ thấy rằng những tờ như Luật Khoa hay Việt Nam Thời Báo có những bản tin phân tích tình hình, truyền tải kiến thức đến cho người dân. Họ thấy được những giá trị mà các tờ báo đó mang lại, vốn không thể tìm thấy được trên báo chí chính thống. Cùng với nỗ lực tự thân của các tờ báo, dần dần nó tạo thành một ấn tượng mới của người đọc về báo chí độc lập.
Cho đến bây giờ, mình nghĩ báo chí độc lập đang dần trở thành một giá trị mới trong xã hội. Việc người ta tẩy chay báo chí kiểm duyệt, báo chí chính thống là một chuyện. Người ta có trân trọng báo chí độc lập hay không là một chuyện khác.
Để khẳng định được giá trị của mình trong công chúng, đối với báo chí độc lập là một hành trình gian nan. Làm thế nào để mình có thể mang lại giá trị, kiến thức mà họ trân trọng, thông tin mà họ không tìm thấy ở nơi khác, cách tiếp cận mới mẻ…
Báo chí độc lập không tự kiểm duyệt, không có vùng cấm. Báo chí chính thống luôn vạch ra những lằn ranh tương đối rõ ràng. Những đề tài của báo chí độc lập rộng hơn rất nhiều. Bạn đọc có thể dễ dàng nhận thấy điều đó. Nếu được tiếp cận với báo chí độc lập, rất nhanh chóng độc giả sẽ nhận ra những giá trị khác biệt mà nó mang lại.
Có không ít độc giả nghi ngờ sự độc lập của Luật Khoa, như việc họ thường chỉ trích tờ báo “thiên tả”.
Mình nghĩ rằng khái niệm “độc lập” không liên quan đến chuyện “thiên kiến”. Cá nhân nào hay tờ báo nào cũng có thiên kiến. Kể cả tờ báo độc lập nhất, thỏa mãn tiêu chí độc lập về tài chính, về tổ chức, về nhân sự, nó vẫn sẽ có thiên kiến. Nó là giới hạn của con người. Chắc chỉ có thánh thần mới không có thiên kiến.
Nhưng một tờ báo chỉ có thể hạn chế thiên kiến, chỉ có thể công bằng nếu có tiền đề là độc lập. Không độc lập thì sẽ phải làm nội dung theo chỉ đạo của người khác.
Khái niệm độc lập gắn với việc tờ báo có bị kiểm duyệt, có tự kiểm duyệt, có bị thế lực nào chi phối hay không. Người ta đặt ra khái niệm độc lập vì họ muốn nghe sự thật và toàn bộ sự thật.
Một tờ báo sẽ cần phải có quy trình tổ chức và quản lý như thế nào đó để giảm thiểu thiên kiến cá nhân, tăng tính khách quan, trung dung và công bằng trong cách làm báo của mình. Nó có thể là tuyển dụng vào tờ báo nhiều người có xu hướng quan điểm khác nhau, sao cho trong nội bộ tòa soạn có thể phản biện lẫn nhau. Một tòa soạn có những phóng viên, biên tập viên đến từ những vùng miền khác nhau, tôn giáo, giới tính, ngành nghề, có suy nghĩ khác nhau, sự đa dạng đó là cơ sở để một tờ báo giảm thiểu thiên kiến một cách tự nhiên. Quy trình sản xuất, thẩm định nội dung cũng giúp giảm thiên kiến. Một tờ báo có nhiều phóng viên có các luồng quan điểm khác nhau, và khi những quan điểm trái chiều này được đăng tải cũng sẽ giúp độc giả nhận ra tờ báo là một không gian, diễn đàn trung dung công bằng hơn, có khả năng dung nạp nhiều quan điểm khác biệt.
Chỉ khi tờ báo đạt được một mức độ độc lập về tài chính; về quy cách quản lý tòa soạn, sản xuất nội dung; về cách quyết định đề tài, cách biên tập, đưa tin, khi đó người ta mới có thể thoát ra khỏi cái vòng kiểm duyệt và tự kiểm duyệt.
Sự chi phối của nhà tài trợ, nhà đầu tư đối với tờ báo là nỗi lo đối với bất kỳ ai muốn làm báo độc lập. Luật Khoa rất may mắn là chưa từng có bất kỳ nhà tài trợ nào tìm cách chi phối, thao túng và kiểm duyệt nội dung của tờ báo. Trong quá trình điều hành tòa soạn, ban biên tập cũng ý thức rất rõ về việc không tự kiểm duyệt bản thân, không để nỗi sợ hãi chi phối cách mình quyết định đề tài, cách viết bài, cách sử dụng ngôn ngữ. Đó là điều làm nên sự độc lập.
Để trở thành một tổ chức báo chí chuyên nghiệp thì cần phải tách bạch khâu gây quỹ và khâu sản xuất nội dung. Hiện nay ở Luật Khoa vấn đề này còn hơi nhập nhằng khi những người gây quỹ cũng đồng thời tham gia sản xuất nội dung. Tuy nhiên, tụi mình có thể cân bằng hai việc này với nhau.
Ngay từ đầu, Luật Khoa là một nhóm nhà hoạt động theo đuổi các giá trị “tự do, bình đẳng, khoan dung”. Nó là một tinh thần sẵn có của nhóm sáng lập. Khi làm việc, những giá trị này cũng tự nhiên trở thành giá trị cốt lõi của Luật Khoa.
Trong quá trình làm việc, một số nét văn hóa được bổ sung dần. Thứ nhất là xem trọng chất lượng, đặt chất lượng lên trên hết. Tụi mình sẽ không đăng một bài viết vì tính thúc bách của tình hình thời sự, của tác giả hay bất kỳ ai, nếu bài viết chưa trải qua quy trình thẩm định chất lượng đầy đủ.
Chất lượng là chiến lược xây dựng thương hiệu của tờ báo. Về lâu dài, chỉ có những tờ báo coi trọng chất lượng mới gây dựng được lòng tin trong độc giả. Độc giả có thể cần thông tin nhanh, cần những bài báo hợp như ý mình, nhưng sau cùng chỉ có những tờ báo giúp cho độc giả tư duy đa chiều, giúp cho độc giả tiếp cận được với thông tin đa chiều, với một quy trình kiểm định chất lượng nghiêm ngặt mới gây dựng được lòng tin trong đa số.
Mình tin chiến lược xây dựng lòng tin dựa trên chất lượng là thứ về lâu về dài có thể giúp Luật Khoa tạo được một khoản doanh thu. Người ta chỉ bỏ tiền cho những gì xứng đáng. Việc phát triển lâu dài của Luật Khoa khó có thể theo con đường nào khác ngoài việc bán báo. Ngày xưa người ta in báo giấy ra bán. Ngày nay Luật Khoa theo đuổi mô hình tạp chí điện tử, nhưng độc giả chưa có thói quen trả tiền cho các sản phẩm này. Khi không còn cầm được tờ báo trên tay, người ta phải biết mình mua được cái gì. Nếu Luật Khoa theo đuổi số lượng, bỏ qua chất lượng thì mình tin sẽ không ai bỏ tiền ra mua.
Chất lượng định hình văn hóa làm việc của Luật Khoa, liên quan đến việc lựa chọn và thẩm định nguồn dữ liệu, tuân thủ các quy tắc đạo đức báo chí, quy trình tác nghiệp, kể cả các yêu cầu về ngôn ngữ. Một trong những nét mình nghĩ là đáng quý ở Luật Khoa là việc rất khắt khe với ngôn ngữ. Tụi mình khắt khe trong việc lựa chọn từ, ngữ, các cấu trúc ngữ pháp; khắt khe trong việc biên tập các lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp. Dù chưa thể đảm bảo hoàn toàn sạch lỗi hoặc luôn lựa chọn được cấu trúc hay, tinh thần của những người làm việc cho Luật Khoa đều rất ý thức trong việc sử dụng ngôn ngữ, trong việc lựa chọn từng dấu phẩy. Dần dần nó thành một nét văn hóa rất rõ trong tổ chức.
Một điểm khác về văn hóa ở Luật Khoa là quy tắc chỉ viết những gì người khác chưa viết, còn nếu đó là những gì người khác đã viết rồi thì phải viết tốt hơn.
Tụi mình không thỏa mãn với việc làm lại những gì người khác đã làm, luôn muốn mình là người tiên phong khai thác mảng đề tài nào đó, nhảy vào những nơi người khác không dám nhảy. Đó là vai trò của những người làm báo: những người đi khai hoang. Nhưng rất thường xuyên Luật Khoa sẽ phải khai thác những cánh đồng mà người khác cũng đang canh tác, vậy nên yêu cầu là phải làm sao để làm tốt hơn những báo khác. Đó không phải là ganh đua, mà là tinh thần cạnh tranh lành mạnh trong một thị trường báo chí. Ai cũng mong muốn làm tốt hơn người khác.
Riêng với tụi mình, vấn đề còn ở chỗ nếu chỉ làm được như người khác thì có đáng làm không? Vì công việc này có rủi ro về mặt chính trị, về mặt an toàn rất cao, có đáng để nhảy vào làm một việc không mang lại ý nghĩa gì hơn cho xã hội để chuốc lấy các rủi ro đó hay không? Nguồn lực của Luật Khoa cũng rất hạn chế. Ban biên tập luôn đứng trước câu hỏi có đáng để chi tiền đóng góp của độc giả cho đề tài này hay không, có đáng để chi tiền cho một bài viết mà nó không có giá trị gì hơn những bài viết đã có trên thị trường hay không…
Mạng xã hội tạo cơ hội cho nhiều người viết về các vấn đề chính trị xã hội hơn. Người ta có công cụ để xuất bản. Nhưng nếu không cẩn thận, mạng xã hội có thể khiến cho người ta dễ dãi hơn với chính mình.
Đó là khi người ta viết những thứ chưa được kiểm chứng, chưa tự thẩm tra, có thể viết ra những thứ chất lượng rất thấp, thậm chí sai hoàn toàn so với thực tế, nhưng vẫn được công chúng hưởng ứng. Khi đó động lực viết sẽ không còn là tạo ra những sản phẩm chất lượng phục vụ cho công chúng, mà họ sẽ viết những thứ mang lại cho họ sự chú ý. Họ sẽ bỏ qua sự tôn trọng mà chỉ tìm kiếm sự chú ý.
Những người viết khắt khe, ngược lại, luôn tìm kiếm sự tôn trọng thay vì sự chú ý. Môi trường mạng xã hội có xu hướng khuyến khích người ta dễ dãi hơn với bản thân. Cơ chế của mạng xã hội khuyến khích người ta sản xuất càng nhiều nội dung, càng nhanh và càng được chú ý càng tốt, thay vì chú trọng vào chất lượng. Đó là một vấn nạn của mạng xã hội. Nó tạo ra những động lực không lành mạnh cho những người viết chuyên nghiệp lẫn những người muốn tập viết.
Mình nghĩ nếu muốn thành cây viết chuyên nghiệp thì nên học tập bài bản về các kỹ năng viết, về đạo đức báo chí, đạo đức nghề nghiệp nói chung, và tìm đến những tờ báo chuyên nghiệp để học. Đó là một cách tốt hơn nhiều so với việc mài phím trên mạng xã hội.
Mình không phủ nhận mạng xã hội có thể giúp người ta tập viết. Nhưng mình tin không có ai muốn trở thành cây viết chuyên nghiệp lại mài ngòi viết, bàn phím của mình trên mạng xã hội. Người ta phải tìm đến những công việc phức tạp hơn nhiều, ít được chú ý hơn nhiều, mất thời gian và tốn công sức hơn rất nhiều. Những người viết chuyên nghiệp, trong rất nhiều trường hợp, cần tách mình ra khỏi độc giả, tách mình ra khỏi môi trường thông tin rất ồn ào, náo nhiệt, tách mình ra khỏi đại lộ chính, đến với một vùng quê, ngồi ven đường để có không gian yên tĩnh cần thiết, tạo điều kiện cho những ý tưởng nghiêm túc nảy sinh, giúp tạo ra những sản phẩm tử tế hơn.
Mình đã luôn hạnh phúc trên con đường hoạt động xã hội, và đặc biệt hạnh phúc kể từ khi làm Luật Khoa. Vấn đề này liên quan đến quan điểm sống, triết lý sống của mình.
Chúng ta không thể chỉ hô hào các giá trị tự do báo chí, báo chí độc lập nếu chúng ta không trực tiếp tự tay mình thực hành những giá trị đó. Chúng ta không thể yêu cầu Việt Nam có tự do ngôn luận nếu như bản thân không thực hành quyền tự do ngôn luận đó. Chúng ta không thể yêu cầu Việt Nam phải có báo chí tư nhân nếu không tự mình lập ra các tờ báo tư nhân, tự mình chứng minh rằng thị trường có nhu cầu đọc những tờ báo đó. Xã hội không tiến lên đáng kể dựa trên những lời hô hào.
Xã hội tiến lên vì có những người ép nó phải thay đổi, biến những cái mới mẻ trở thành điều bình thường, bình thường hóa những thứ lạ lẫm.
Mình muốn trong tương lai, xã hội Việt Nam không ai phải đặt ra câu hỏi có được lập báo chí tư nhân không, có được làm báo độc lập không, có được chỉ trích chính quyền hay không. Bản thân những người như chúng ta sẽ phải tìm cách bình thường hóa hoạt động báo chí độc lập, báo chí tư nhân bằng cách thực hiện nó.
Sự tồn tại của Luật Khoa đã là một niềm hạnh phúc lớn lao khi tụi mình đang tự tay thực hành được những giá trị tụi mình hô hào.
Một điều hạnh phúc nữa là ở những nhân sự làm việc chung. Khi Luật Khoa đưa ra đường lối hoạt động như vậy, thu hút được những bạn vừa tài năng, vừa có lý tưởng phụng sự xã hội, vừa có những triết lý sống rất đáng học hỏi. Đây là điều mình không kỳ vọng khi mới mở ra Luật Khoa. Mình kỳ vọng những người có năng lực sẽ tìm đến, nhưng năng lực đến mức này và triết lý sống thú vị đến vậy thì quả là một điều ngoài mong đợi. Nó giúp cho cuộc sống của mình thêm được những nguồn cảm hứng mới. Đó là hạnh phúc mà mình nghĩ không có bao nhiêu người có được. Bản thân mình luôn muốn tìm đến với những người giỏi, những người có triết lý sống khác biệt để học từ họ. Được sống và làm việc trong một môi trường như thế này là niềm hạnh phúc rất lớn lao.
Trong quá trình hoạt động, khi mình cảm thấy Luật Khoa đang đóng góp được vào xã hội theo hai tiêu chí đã đặt ra, mình cảm thấy sự tồn tại của bản thân nó đang có ý nghĩa. Thông qua đánh giá, phản hồi của độc giả, mình tin rằng Luật Khoa đang làm tốt những công việc đó và đang trở thành một tổ chức có ý nghĩa đối với xã hội Việt Nam, cũng như có tiềm năng tạo ra những thay đổi lớn hơn trong tương lai.
Việc Luật Khoa tồn tại được và thành công chứng tỏ rằng có những cách khả thi để xây dựng được nhiều tờ báo giống Luật Khoa. Luật Khoa hoàn toàn không có điều kiện gì quá đặc biệt so với người khác. Cách làm của Luật Khoa là thứ có thể sao chép được. Nếu Luật Khoa thành công được, Việt Nam cũng có thể có rất nhiều Luật Khoa khác. Đó là lý do khiến cho mình rất kỳ vọng, trong tương lai, sẽ có một nền báo chí vừa độc lập vừa chất lượng ra đời. Sự thành công của Luật Khoa là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy tương lai báo chí của Việt Nam là có cửa sáng.