Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Luật Khoa trân trọng giới thiệu một video phỏng vấn nhà hoạt động, nhà báo Phạm Đoan Trang, được Thịnh Nguyễn thực hiện cuối năm 2019 và The 88 Project đăng tải. Xin cảm ơn tác giả Thịnh Nguyễn và The 88 Project đã cho phép Luật Khoa sử dụng video này và cung cấp […]
Luật Khoa trân trọng giới thiệu một video phỏng vấn nhà hoạt động, nhà báo Phạm Đoan Trang, được Thịnh Nguyễn thực hiện cuối năm 2019 và The 88 Project đăng tải. Xin cảm ơn tác giả Thịnh Nguyễn và The 88 Project đã cho phép Luật Khoa sử dụng video này và cung cấp bản bóc băng cho chúng tôi. Xem bản phụ đề tiếng Anh trên kênh Youtube của The 88 Project tại đây.
Điều mong muốn lớn nhất của tôi là nâng con người lên.
Tôi hay nói đùa với chính mình, tôi là người dành cả tuổi thanh xuân để nâng người khác lên.
Nâng người khác lên được hiểu là gì? Trang bị kiến thức cho họ, trang bị kỹ năng cho họ, trao đổi thông tin với họ, tôn trọng họ, nâng họ lên để họ cảm thấy họ được tôn trọng, cảm thấy họ là con người, họ quý giá, họ xứng đáng sống một cuộc sống tốt đẹp.
Tôi muốn thay đổi Việt Nam theo hướng làm sao để cho con người được tôn trọng hơn, con người đối xử với nhau với tình yêu, thương yêu nhau nhiều hơn, thương nhau hơn, yêu nhau hơn, tin tưởng nhau hơn. Nhiều khi chỉ cần như thế thôi đã là dấu hiệu đầu tiên của phát triển rồi.
Muốn phát triển đất nước nói chung, chúng ta phải phát triển nhiều thứ chứ không chỉ riêng kinh tế. Mà ngay cả muốn phát triển kinh tế, chúng ta cũng đừng quên là phải phát triển một thứ quan trọng, đó là niềm tin của nhau. Đúng không ạ? Khi không có niềm tin thì người ta khó làm việc với nhau lắm. Khi không có niềm tin thì người ta khó làm ăn, khó hợp tác.
Dân không tin nhà nước, nhà nước không tin dân, dân không tin nhau. Chúng ta khó làm ăn lớn với nhau, không làm được gì.
Và như vậy chúng ta buộc lòng phải làm truyền thông; phát triển truyền thông, giáo dục, xuất bản.
Cho nên những điều tôi làm thì có rất nhiều những điều tỉ mỉ, tỉ mỉ, những điều không thể nói ra được, vì nó rất là nhỏ. Nhưng mà tựu chung lại tất cả nó chỉ có một sợi chỉ xuyên suốt là: Tôi luôn luôn mong muốn nâng người ta lên, nâng người đọc lên, mang lại kiến thức cho người ta, cho người đọc, mang lại cho họ hiểu biết, cho họ hiểu được rằng: tinh thần như thế này mới là sống dân chủ, thế này là văn hóa dân chủ, thế này là tinh thần cao thượng, đàng hoàng, trách nhiệm.
Tất cả những điều này tôi nghĩ tôi có thể truyền tải, truyền đạt được cho người đọc thông qua sách, báo, nhất là sách. Sách dưới mọi hình thức, sách nói, sách truyền hình, sách tiếng, sách in.
Từ lâu tôi đã để ý một đặc điểm của phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam: Đó là các nhà hoạt động cứ tham gia hoạt động một thời gian rồi bị bắt đi tù. Sau đó cộng đồng dư luận trong nước cũng như dư luận hải ngoại lên tiếng kêu gọi trả tự do cho người đó, Free X, Free Y, Free X, v.v. Một thời gian thì họ được trả tự do, họ đi nước ngoài, thế là hết. Khép lại vòng đời của một nhà hoạt động.
Tôi thấy cái việc đi hoạt động, hoạt động mạnh mẽ, dấn thân, sau đấy khi đi tù, ngồi tù một thời gian rồi đi nước ngoài, rồi chấm dứt, tôi thấy nó, nó có gì đó phí phạm, cảm thấy vòng đời hoạt động của một nhà hoạt động ngắn quá, không đủ để, mặc dù nó có ý nghĩa nhưng không đủ để tạo ra một sự thay đổi nào cả.
Và càng ngày tôi càng nhận ra một điều, thực tế khá là cay đắng trong cái việc đó. Tôi nhận ra một điều là chính quyền cộng sản Việt Nam lợi dụng chuyện đó. Thay vì tiến hành những cải cách lớn, cải cách pháp lý, cải cách mang tính toàn diện và cách mạng như là cải cách thể chế, sửa đổi pháp lý, thay đổi luật này, sửa đổi luật kia, tăng cường quyền tự do của người dân, v.v. Thay vì làm những điều đó thì họ chỉ đơn giản là bắt rồi thả mọi người, bắt một cá nhân nào đấy rồi thả. Thế là được tiếng tôn trọng nhân quyền, tôn trọng các cam kết quốc tế.
Nghĩa là bằng cái việc bắt rồi thả người một cách có tính toán như vậy, họ nghiễm nhiên lờ tịt đi những cải cách lớn, những vấn đề thật sự là sinh tử và mấu chốt cho sự sống còn và phát triển của đất nước. Chính quyền đang lợi dụng điều đó, bắt thì không bị làm sao cả, thả thì được tiếng là tôn trọng nhân quyền và tôn trọng các cam kết quốc tế. Và lại cũng lờ được những đòi hỏi cải cách kia.
Vậy có lợi như vậy thì tại sao không bắt? Tại sao không tiếp tục cái việc là cứ bắt rồi người ta kêu gọi thả thì lại thả, đổi lấy một số cái điều ước quốc tế, một số hiệp định thương mại, một số thỏa thuận, một số hợp đồng bán vũ khí nào đấy với nước ngoài, tất cả những cái đó.
Còn với bản thân nhà hoạt động thì đương nhiên sau một thời gian hoạt động dấn thân, rồi đi tù, trả giá bằng những bản án tù nhiều năm, chịu những khổ đau trong tù thì họ xứng đáng được nghỉ ngơi, họ cũng xứng đáng được ra nước ngoài. Mặc dù điều đó theo tôi nghĩ là chấm dứt cuộc đời hoạt động của họ. Tôi nghĩ rằng về phía những nhà hoạt động không có gì đáng trách, họ xứng đáng những điều đó.
Rồi cuối cùng chỉ còn lại mỗi người dân Việt Nam là thiệt, đất nước Việt Nam là thiệt, bởi vì là bao nhiêu năm qua cuộc đấu tranh vẫn vậy, tình hình vẫn vậy. Không thay đổi gì hết.
Vậy cho nên tôi rất rất mong việc đi tù của mình hay bất kỳ nhà hoạt động nào khác phải mang lại ý nghĩa nào đó. Nó phải có tác dụng thật sự là một sức ép ngược lại đối với chính quyền, để buộc chính quyền thay đổi, để buộc nhà nước cộng sản này phải thay đổi. Chứ nó không thể là cái để nhà nước cộng sản này lợi dụng.
Chúng tôi không phải là hàng hóa để nhà nước cộng sản đem mặc cả với nước ngoài để đổi lấy các hiệp định thương mại hay là các thỏa thuận này nọ, đổi lấy những lợi ích cho tập đoàn cầm quyền chứ không phải của người dân. Chúng tôi không chấp nhận cái địa vị hàng hóa đó.
Tôi muốn nếu mình đi tù thì cái sự đi tù của mình phải là sự hy sinh có ý nghĩa. Nó phải nhằm mục đích nào đấy và nó phải đạt được mục đích đấy. Mục đích đó có thể là gây sức ép để buộc nhà nước, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thay đổi.
Tôi mong muốn là nếu tôi có đi tù, tất cả những hoạt động bên ngoài, những hoạt động từ trước giờ tôi vẫn làm phải tiếp tục bình thường, thậm chí mạnh hơn.
Tôi rất không tán thành việc trong một một nhóm, một tổ chức có cá nhân đi tù, lập tức cả tổ chức kêu gọi nhau: “nằm yên! nằm yên! nằm yên để lắng xuống.” Trong khi đó lẽ ra việc cần làm là làm mạnh hơn.
Không có điều gì dở hơn bằng một tổ chức mà người lãnh đạo bị bắt mà tổ chức tan nát như ong vỡ tổ. Bởi vì khi điều đó diễn ra thì công an cộng sản thấy rằng họ làm đúng, họ làm việc quá hiệu quả, bắt một người mà trị được muôn người thì tại sao không bắt? Bắt được một người mà rắn dập cả đầu, tiêu diệt cả ổ thì tại sao không bắt? Nói chung là bắt nữa chứ không có chuyện nó dừng lại.
Cho nên tôi nghĩ rằng là phải cố gắng hết sức để mình tổ chức, chuẩn bị các công việc, chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị kỹ năng cho anh chị em mình. Để đến khi mình có bị bắt thì các anh chị em tiếp tục hoạt động thay mình.
Nếu anh chị em không tiếp tục được thì đó là lỗi của mình. Lỗi của mình là không chuẩn bị được, đã không giúp cho anh em mạnh lên, đủ mạnh để tự đứng được sau khi mình bị bắt.
Không thể nói là do bị đàn áp quá. Bao giờ mà chả bị đàn áp? Còn chính quyền cộng sản là còn đàn áp người đối lập, không bao giờ hết.