Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Làm sao để đảng mình thắng thế trong khi đa số phiếu thuộc về đảng bên kia? Có một cách: vẽ lại bản đồ.
Gerrymandering là việc vẽ lại bản đồ các khu vực bầu cử, sao cho đảng cầm quyền giành lợi thế trong bầu cử địa phương và bầu dân biểu liên bang. Đây là một khái niệm khó hiểu thậm chí với cả người Mỹ.
Để đơn giản hóa thuật vẽ bản đồ này, ta mượn giải thích và ví dụ của tờ Washington Post.
Tưởng tượng Mỹ có một bang siêu nhỏ, trong đó chỉ có 50 cử tri. 30 người (60%) theo Đảng Dân chủ, 20 người còn lại (40%) theo Đảng Cộng hòa. Tất cả những người theo Đảng Dân chủ sống ở bên phải bang, và những người theo Đảng Cộng hòa sống ở bên trái.
Cách chia khu vực bầu cử mang tính đại diện hoàn hảo nhất là phương án số một: chia bang theo chiều dọc thành năm quận, mỗi quận bao gồm 100% dân cư bầu cho Đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa. Ta thấy ở đây Đảng Dân chủ sẽ thắng với ba ghế dân biểu, Đảng Cộng hòa được hai ghế, đúng theo tỷ lệ nhân khẩu học.
Giả sử Đảng Dân chủ đang nắm quyền tại bang và muốn chia lại bản đồ để giành nhiều ghế hơn nữa. Họ có thể chia lại bang thành năm quận như phương án hai. Theo cách này, toàn bộ các quận đều có đa số cử tri theo Đảng Dân chủ. Nhờ vậy, họ giành toàn bộ năm ghế dân biểu.
Tuy nhiên, nếu Đảng Cộng hòa nắm quyền, và họ muốn chiếm lợi thế, cách vẽ bản đồ lòng vòng như phương án ba sẽ giúp họ làm điều đó. Số quận vẫn là năm, nhưng kết quả họ lại giành tới ba ghế hạ viện.
Điều này quả thực đã xảy ra trong vô số các cuộc bầu cử ở Mỹ. Chẳng hạn trong cuộc bầu cử tại bang Pennsylvania năm 2012. Đảng Dân chủ giành được tới 51% tổng số phiếu bầu toàn bang, nhưng lại chỉ giành được 5/18 ghế dân biểu liên bang, tức chưa đầy 30%.
Gerrymandering ra đời lần đầu tiên vào năm 1812, khi thống đốc Elbridge Gerry của bang Massachusetts thông qua dự luật vẽ lại ranh giới các quận để được lợi thế bầu cử dành cho đảng của mình, đảng Dân chủ – Cộng hòa (là một trong hai chính đảng lớn của Mỹ vào thời kỳ đó, đảng còn lại là đảng Liên bang).
Hình thù các quận bầu cử được vẽ lại nhìn kỳ quái đến mức nó trông giống như một con rồng lửa (salamander). Tờ báo Boston Gazette ghép tên Gerry vào chữ Salamander để tạo thành chữ “gerrymander” như chúng ta thấy hiện nay.
Gerrymandering đã tồn tại trong suốt 200 năm lịch sử nước Mỹ. Nhưng mới gần đây, người ta phát hiện ra một “bậc thầy” của thủ thuật này. Đó là Thomas Hofeller.
Ông Hofeller có một câu nói nổi tiếng tóm tắt cho sự nghiệp cắt ghép bản đồ chính trị của mình: “Việc chia lại quận (redistricting) giống như một cuộc bầu cử đảo ngược. Thông thường thì cử tri được quyền chọn chính trị gia. Trong khi phân chia lại quận, chính trị gia được quyền chọn cử tri”.
Người đàn ông này qua đời năm 2018. Mãi cho đến lúc ấy, nhờ con gái ông phát hiện và công bố hàng ngàn file bản đồ và email trong máy tính của Hofeller, người ta mới biết những dấu tay mà ông để lại trên khắp các bản đồ chính trị Hoa Kỳ hiện đại.
Một cuộc tranh chấp pháp lý cũng đã diễn ra liên quan đến quyền tiếp cận các hình ảnh này. Sau cùng, tòa án đưa ra phán quyết cho phép công khai tất cả.
Cả nước Mỹ đã ngỡ ngàng.
Nói theo tờ New York Times, “chiến lược vẽ lại quận bầu cử xuất chúng của Hoffeller đã giúp nhấc bổng Đảng Cộng hòa từ vị thế kẻ dưới cơ (underdog) thành lực lượng thống trị tại các nghị viện bang và Hạ viện Mỹ”.
Câu chuyện bắt đầu năm 2010, khi Đảng Cộng hòa thắng lớn trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cả ở Hạ viện lẫn nghị viện cấp bang. Cùng năm đó, cuộc thống kê dân số diễn ra, cho phép các quan chức Đảng Cộng hòa quyền vẽ lại bản đồ các quận bầu cử. Họ thuê Thomas Hofeller làm việc này.
Có hai cách để chiếm lợi thế bầu cử bằng gerrymandering, đó là “khắc xuất” (cracking) và “khắc nhập” (packing). Khắc xuất là bẻ gãy một quận bầu cử thành nhiều mảnh, còn khắc nhập là gom các địa khu nhất định lại vào một quận.
Hai thủ thuật này đã được Hofeller vận dụng lão luyện. Trong đó, kiệt tác của ông phải kể đến là các màn ảo thuật tại bang North Carolina.
Tại Mỹ, đại đa số người da đen bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ. Hofeller đã dựa vào thống kê nhân khẩu học của người da đen để “nhập” và “xuất” các cụm dân cư này vào trong các quận có hình thù kỳ quái. Cụ thể là trường hợp quận 12, ông nhập tất cả những người da đen vào một chỗ; còn với trường hợp của Winston-Salem và Greensboro, ông lại chia nhóm ủng hộ ở đây làm đôi. Tất cả những việc này nhằm vô hiệu hóa các nhóm ủng hộ Đảng Dân chủ, tạo lợi thế cho Đảng Cộng hòa trong các phán quyết.
Kết quả là trong cuộc bầu cử nghị viện bang North Carolina năm 2012 và 2014, Đảng Dân chủ đều thất bại, bất chấp có lúc đã giành nhiều phiếu phổ thông hơn.
Cụ thể trong năm 2012, Đảng Dân chủ giành tới gần 51% số phiếu bầu nhưng lại chỉ giành được 30% (4/13) số ghế dân biểu. Đảng Cộng hòa chỉ nắm được gần 49% phiếu, nhưng lại chiếm tới 70% (9/13) số ghế.
Không chấp nhận bất công, phe Dân chủ kiện ra tòa, và sau nhiều lần kháng cáo, Tối cao Pháp viện đã phải can thiệp. Vào năm 2016 và 2017, Tối cao Pháp viện ra hai phán quyết rằng các bản đồ mà Hofeller đã vẽ là vi hiến, vì nó xâm phạm quyền bầu cử của người da đen. Quan chức Đảng Cộng hòa lại tìm đến Hofeller để nhờ ông vẽ một bản đồ khác.
Lần này, không được sử dụng thống kê về sắc tộc làm căn cứ, ông đã sử dụng thống kê về xu hướng bầu cử của các khu vực dân cư năm 2014. Sử dụng thủ thuật tương tự, ông chia các khu vực ủng hộ Đảng Dân chủ thành hai quận để khiến cả hai nhóm này đều trở thành thiểu số khi tính phiếu bầu.
Bản đồ mới này một lần nữa chứng minh tài năng bậc thầy của Hofeller.
Kết quả bầu cử năm 2018 như sau: ở Hạ viện bang, Đảng dân chủ chiếm 51% tổng số phiếu, nhưng chỉ chiếm 46% số ghế; ở Thượng viện bang, Đảng Dân chủ chiếm 50% phiếu, nhưng chỉ chiếm 42% số ghế. Còn ở Hạ viện Liên bang, Đảng Dân chủ giành được 48% phiếu phổ thông nhưng lại chỉ đoạt được 3/13 – tương đương 23% ghế dân biểu của bang North Carolina.
Từ khi ra đời, gerrymandering đã gây tranh cãi và kiện tụng. Gần đây, nhờ công nghệ số, vệ tinh và các cuộc khảo sát dày đặc, các chính trị gia nắm rõ đặc điểm nhân khẩu học trong từng bang và có thể “hô biến” kết quả bầu cử bằng cách luồn lách từng nét vẽ trên bản đồ. Công nghệ đã biến gerrymandering đã trở thành một môn khoa học có độ chính xác cực cao.
Kiện tụng vì thế cũng leo thang.
Vào năm 1986, một vụ kiện được kéo lên đến Tối cao Pháp viện. Tòa tuyên bố việc vẽ lại bản đồ quận dựa trên sắc tộc là vi hiến. Tòa tối cao tái khẳng định phán quyết này vào năm 1993 và 2017.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao lại không khẳng định việc vẽ lại bản đồ vì mục đích chính trị là vi hiến.
Năm 2019, liên quan đến trường hợp của Thomas Hofeller, Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng việc vẽ lại bản đồ quận bầu cử ở bang Maryland và North Carolina là vấn đề chính trị chứ không phải vấn đề pháp lý, và vì thế, nó nằm ngoài phạm vi can thiệp của tòa.
Người ta lo ngại rằng nếu cứ như vậy thì vị thế thống trị của Đảng Cộng hòa sẽ không bao giờ thay đổi được. Rất may là phán quyết của Tối cao Pháp viện lại cho phép các tòa án cấp bang có thể can thiệp.
Dựa vào những bằng chứng của con gái Hofeller đưa ra, Tòa án bang North Carolina (NC) sau đó đã tuyên bố bản đồ quận nghị viện bang do Đảng Cộng hòa vẽ là vi hiến. Đảng Cộng hòa, tuy có thể kháng cáo lên Tòa Tối cao nhưng đã lựa chọn không làm vậy.
“Phán quyết này mâu thuẫn với Hiến pháp và các án lệ ràng buộc, nhưng chúng tôi sẽ tôn trọng quyết định của tòa và đặt dấu chấm hết cuối cùng cho cuộc chiến đầy chia rẽ này”, Phil Berger, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện bang NC nói. Sau đó, Đảng Cộng hòa đã chấp nhận vẽ lại một bản đồ quận cấp nghị viện bang hợp lý hơn.
Hiện nay, có hàng loạt các phong trào kêu gọi xóa bỏ gerrymandering, trong đó có giải pháp của Trung Tâm Brennan. Theo đó, họ đề nghị lập các hội đồng phân chia quận độc lập ở tất cả các bang và đưa ra luật bảo vệ, chống lại các hành vi gerrymandering cực đoan”.
Cho đến khi có một bộ luật mới ra đời để điều chỉnh hành vi này, có lẽ nước Mỹ sẽ còn chứng kiến nhiều vụ kiện tụng liên quan đến mong muốn đẽo gọt bản đồ để “lựa chọn cử tri” của giới chính trị Mỹ.