Karl Marx sẽ nói gì về các vấn đề môi trường của thế kỷ 21

Marx tin rằng sự bóc lột người lao động và bóc lột tự nhiên song hành với nhau.

Karl Marx sẽ nói gì về các vấn đề môi trường của thế kỷ 21
Một chủ nghĩa Marx sinh thái mới đang hình thành. Ảnh: Ecosocialist Image Archive.

Dịch từ bài viết “What Karl Marx has to say about today’s environmental problems” của Ted Benton, giáo sư danh dự ngành Xã hội học, Đại học Essex (Anh quốc). Bản gốc được đăng trên The Conversation tháng 6/2018.


“.… Mọi tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp dựa trên tích luỹ tư bản đều là tiến bộ của “nghệ thuật” bóc lột lao động và bóc lột đất đai; tất cả những tiến bộ nhằm tăng độ phì nhiêu của đất trong một thời gian nhất định, đều nằm trong tiến trình hủy hoại căn bản và lâu dài sự phì nhiêu đó.– Karl Marx, Tư bản, Quyển 1

Chủ nghĩa tư bản dường như chiếm vị trí độc tôn sau khi Liên Xô sụp đổ và nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Ý tưởng của Karl Marx có thể bị xếp vào thùng rác của lịch sử một cách an toàn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và hệ quả của nó khiến nhiều người quay trở lại lục lọi thùng rác.

Dù tốt hay xấu, những ý tưởng của triết gia Đức đã ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta sâu sắc hơn bất kỳ nhà tư tưởng chính trị hoặc xã hội hiện đại nào. Tuy nhiên, những thảo luận về sự phù hợp của tư tưởng Marx trong thế kỷ 21 nhân dịp kỷ niệm ngày sinh thứ 200 của ông (năm 2018) vẫn bị chi phối bởi cách hiểu “truyền thống” về chủ nghĩa Marx. Các nhà bình luận, dù phản bác hay đồng tình, đều tập trung vào những phê phán của ông đối với sự bóc lột và bất bình đẳng của chủ nghĩa tư bản và phong kiến, và cuộc đấu tranh để chuyển đổi xã hội theo hướng xã hội chủ nghĩa.

Đáng buồn thay, có quá ít thảo luận xung quanh tư duy của Marx về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Xét cho cùng, sự tàn phá đều đặn và gia tăng của chủ nghĩa tư bản hiện đại đối với chính những điều kiện duy trì sự sống, bao gồm sự sống của con người, được cho là thách thức cơ bản nhất mà nhân loại ngày nay phải đối mặt. Điều này được công nhận rộng rãi vì sự hiện diện của một hiện tượng tàn khốc: biến đổi khí hậu. Ngoài ra, chúng ta còn phải đối mặt với nhiều nan đề khác: ô nhiễm đại dương, phá rừng, suy thoái đất và nghiêm trọng nhất là mất đa dạng sinh học trên quy mô toàn cầu.

Lịch sử thiên nhiên và lịch sử loài người phụ thuộc lẫn nhau cho đến khi con người còn tồn tại – Karl Marx. Ảnh: Reuters.

Một số người sẽ nói rằng đây là những vấn đề của thế kỷ 21, vậy tại sao chúng ta phải đọc lại tác phẩm của Marx – được viết cách đây hơn một thế kỷ – để tìm kiếm điều gì đó có ích? Trên thực tế, các công trình học thuật gần đây đã chứng minh rằng mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa con người và thiên nhiên là chủ đề trung tâm mà Marx suy nghĩ trong suốt cuộc đời ông. Những ý tưởng của ông về vấn đề này vẫn có giá trị lớn – thậm chí là thiết yếu. Tuy vậy, di sản của ông cũng có nhiều vấn đề và chúng ta cần có cách nghĩ mới trong việc diễn giải tư duy của Marx.

Xa lánh thiên nhiên

Các bản thảo triết học đầu tiên của Marx năm 1844 được biết đến nhiều nhất vì đã phát triển khái niệm “lao động xa lánh” (alienated labour) trong chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, các nhà bình luận hầu như không để ý rằng nguồn gốc cơ bản của sự xa lánh mà Marx nhắc tới là sự xa lánh thiên nhiên. Điều này bắt đầu với việc tập trung hoá đất đai cho sản xuất quy mô lớn, khiến nhiều nông dân mất phương tiện đáp ứng nhu cầu của họ. Họ chỉ còn lựa chọn bán sức lao động cho giai cấp tư bản công nghiệp mới. Marx cũng nói về nhu cầu tinh thần, và sự mất mát của loại hình lao động gắn bó với thiên nhiên mà qua đó con người tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong mối quan hệ với thiên nhiên.

land
Sự xa lánh thiên nhiên bắt đầu với việc tập trung hoá đất đai cho sản xuất quy mô lớn, khiến nhiều nông dân mất phương tiện đáp ứng nhu cầu của họ. Ảnh: Cristian Teichner/Shutterstock.

Chủ đề xuyên suốt các bản thảo đầu tiên của ông là quan điểm về lịch sử, trong đó việc bóc lột người lao động và thiên nhiên đi đôi với nhau. Đối với Marx, xã hội cộng sản trong tương lai sẽ giải quyết những mâu thuẫn giữa con người, và giữa con người với thiên nhiên để con người có thể đáp ứng nhu cầu của mình hài hòa với nhau và với thiên nhiên.

“Con người sống dựa vào thiên nhiên – có nghĩa thiên nhiên nằm trong cơ thể của con người. Cơ thể con người sẽ chết nếu nó không duy trì sự trao đổi chất liên tục với thiên nhiên. Đời sống vật chất và tinh thần của con người gắn liền với thiên nhiên đồng nghĩa với việc thiên nhiên được liên kết với chính nó, vì con người là một phần của thiên nhiên.

Trong những tác phẩm này, Marx đã đóng góp quan trọng vào sự hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Ông vượt qua một truyền thống triết học lâu đời coi con người là tách biệt và cao hơn phần còn lại của thiên nhiên. Ông khẳng định sự cần thiết cho cả sự tồn tại và hạnh phúc tinh thần của con người là duy trì một mối quan hệ thích hợp, tích cực với thiên nhiên. Đồng thời, ông nhận ra mối quan hệ này đã bị sai lệch trong thời đại tư bản chủ nghĩa.

Vấn đề là chủ nghĩa tư bản – không phải con người

Trong các bài viết sau này, Marx đã phát triển khái niệm chính của ông về “phương thức sản xuất”. Đối với Marx, mỗi hình thức xã hội loài người khác nhau đã tồn tại trong lịch sử và trên toàn cầu đều có cách thức riêng để tổ chức lao động nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu của con người thông qua lao động trong thiên nhiên và với thiên nhiên; cũng như cách thức riêng để phân phối kết quả của lao động. Ví dụ, các xã hội săn bắn hái lượm thường là xã hội bình đẳng và bền vững. Các xã hội phong kiến ​​hoặc chiếm hữu nô lệ, tuy được xây dựng trên những quan hệ xã hội bất bình đẳng và bóc lột sâu sắc, nhưng thiếu động lực được mở rộng và tính hủy diệt vô hạn của chủ nghĩa tư bản công nghiệp.

Marx nói về xã hội “cộng sản nguyên thuỷ” thời tiền sử. Ảnh: Anton_Ivanov /Shutterstock.

Khái niệm “phương thức sản xuất” này ngay lập tức hạn chế mọi nỗ lực giải thích tình trạng khủng hoảng hệ sinh thái của chúng ta bằng những thuật ngữ trừu tượng như “dân số”, “lòng tham” hay “bản chất con người”. Mỗi hình thái xã hội đều có hệ sinh thái riêng. Các vấn đề sinh thái mà chúng ta phải đối mặt là vấn đề của chủ nghĩa tư bản – không phải hành vi của con người – và chúng ta cần hiểu cách chủ nghĩa tư bản tương tác với thiên nhiên nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề.

Chính Marx là triết gia tiên phong trong việc đưa ra cách nhìn này. Vào những năm 1860, ông viết về sự thoái hóa đất, một mối quan tâm lớn vào thời điểm đó. Công trình của ông cho thấy quy hoạch theo cách phân chia giữa thành phố và nông thôn đã làm mất đi độ phì nhiêu của đất, đồng thời gây ra gánh nặng ô nhiễm và dịch bệnh ở các trung tâm đô thị.

Các nhà nghiên cứu đương đại ở Mỹ, bao gồm cố giáo sư về kinh tế chính trị và xã hội học James O’Connor và nhà xã hội học John Bellamy Foster, đã phát triển xa hơn ý tưởng của Marx. Họ chỉ ra xu hướng có hại của chủ nghĩa tư bản là tạo ra “rạn nứt sinh thái” với tự nhiên. Một nhóm nhà nghiên cứu ở Anh cũng lập ra Nhóm nghiên cứu Xanh-Đỏ (Red-Green Study Group). Họ tụ họp hai tháng một lần để thảo luận các vấn đề chính trị từ quan điểm chủ nghĩa xã hội-sinh thái (eco-socialist/xanh-đỏ).

Tôi cho rằng các ý tưởng của Marx là không thể thay thế. Nhưng chúng cũng có những hạn chế nhất định. Có những chỗ ông ca ngợi các tiến bộ to lớn về năng suất lao động và khả năng kiểm soát sức mạnh của thiên nhiên mà chủ nghĩa tư bản đạt được. Ông coi chủ nghĩa xã hội là cần thiết chỉ để chia sẻ lợi ích của điều này cho tất cả mọi người. Các nghiên cứu học thuật gần đây đã thách thức cách giải thích này của Marx. Tuy nhiên, ảnh hưởng về mặt lịch sử của nó là quá lớn. Phần lớn các nghiên cứu đồng tình rằng chính quan điểm này đã tạo động lực cho những người như Stalin thúc đẩy công nghiệp hóa nhanh chóng ở Nga và gây ra những hậu quả tai hại.

Nhưng chúng ta cũng phải để ý một điểm khác. Những người theo chủ nghĩa Marxist sinh thái mới (new ecological Marxists) lập luận, một cách đúng đắn, rằng chủ nghĩa tư bản là không bền vững về mặt sinh thái, và chủ nghĩa xã hội là cần thiết để thiết lập mối quan hệ hợp lý với thiên nhiên. Tuy vậy, để xây dựng được một phong trào có khả năng biến đổi xã hội theo cách này, chúng ta cần nhớ lại ý tưởng nguyên thuỷ của Marx rằng các nhu cầu cả về vật chất lẫn tinh thần chỉ có thể được đáp ứng bằng một mối quan hệ vừa tưởng thưởng lao động của con người vừa tôn trọng thiên nhiên. Nói ngắn gọn, chúng ta cần một chủ nghĩa Marx xanh và sinh thái.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.