Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Trump xem việc rút khỏi hiệp định là một chiến thắng. Biden hứa sẽ tái gia nhập.
Sau ba năm chờ đợi, vào ngày 4/11/2020, Mỹ đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tổng thống (TT) Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định này từ tháng 6/2017, nhưng những điều khoản ràng buộc đã giữ chân họ ba năm.
Ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden lập tức thông báo trên Twitter, rằng ông sẽ đưa nước Mỹ quay lại thỏa thuận này vào ngày đầu nhậm chức nếu thắng cử.
Hiệp định Paris được thông qua năm 2015 nhằm tăng cường và phối hợp nỗ lực phản ứng của tất cả các nước trên thế giới, chống lại mối đe dọa biến đổi khí hậu. Mục tiêu cụ thể của nó là giữ nhiệt độ trung bình trong thế kỷ 21 tăng không quá 2 độ C so với nền nhiệt của thời kỳ tiền công nghiệp vào giữa thế kỷ 18, và cố gắng giới hạn mức tăng ở ngưỡng 1,5 độ C.
Bài viết giải đáp một số câu hỏi liên quan đến vấn đề này, lược dịch và có bổ sung từ BBC.
Hiệp định Paris được biên soạn với nhiều ràng buộc phức tạp để đề phòng một tổng thống Mỹ đơn phương muốn rời khỏi thỏa thuận này.
Trước thời tổng thống Obama của Mỹ, các cố gắng để thiết lập một hiệp ước toàn cầu về biến đổi khí hậu đều tan rã. Chính quyền Bill Clinton đã không thể thuyết phục được Thượng viện ủng hộ Nghị định thư Kyoto năm 1997. Và đến cả Obama cũng phải dùng đến sắc lệnh hành pháp để đưa Mỹ vào Hiệp định Paris, khi Quốc hội (do Đảng Cộng hòa nắm quyền) nhất quyết không chịu phê chuẩn.
Trong quá trình đàm phán hiệp định, đội ngũ của Obama muốn đảm bảo có một bước đệm dài, ngay cả trong trường hợp một tổng thống Mỹ muốn đơn phương rời đi. Thỏa thuận Paris vì vậy có quy định không nước nào được phép gửi thông báo rời bỏ trong vòng ba năm sau ngày phê duyệt.
Thậm chí sau khi thông báo chính thức cho Liên hợp quốc, quốc gia thành viên vẫn sẽ phải đợi thêm 12 tháng nữa để hoàn tất thủ tục.
Vì thế, mặc dù tổng thống Trump tuyên bố rời khỏi thỏa ước Paris vào tháng 6/2017, chính quyền của ông chỉ có thể chính thức đệ đơn rút khỏi thỏa thuận này lên Liên hợp quốc vào tháng 11/2019. Tới nay, thời gian 12 tháng chờ đợi đã hết và Mỹ chính thức rút chân khỏi hiệp ước.
Quan điểm của ông Trump về biến đổi khí hậu thay đổi rất nhanh. Ông từng gọi nó là “trò lừa đảo” (a hoax) của Trung Quốc nhằm làm kiệt quệ kinh tế Mỹ. Gần đây, ông nói rằng biến đổi khí hậu không còn là trò lừa đảo nữa, mà là “một vấn đề rất nghiêm túc” (a serious subject).
Tuy vậy, ông vẫn lái các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu thành “tôi muốn có bầu không khí sạch nhất, nước sạch nhất”. Điều này khiến các nhà quan sát nhận định Trump hoặc là không hiểu, hoặc là hoàn toàn phủ nhận các nghiên cứu và kết luận khoa học về biến đổi khí hậu.
Tổng thống Trump chỉ trích Hiệp định Paris là một thỏa thuận tồi tệ, sẽ “tàn phá” việc làm và nền kinh tế Mỹ. Ông coi việc rời khỏi thỏa thuận Paris là một chiến thắng và một cam kết trọng tâm với cử tri của mình.
Tuy nhiên nhiều phân tích chỉ ra rằng động cơ của Trump trong việc rút lui khỏi Hiệp định Paris mang tính chính trị nhiều hơn. Ông muốn tranh thủ sự ủng hộ của cử tri từ các bang chuyên khai thác dầu mỏ như Louisiana, Texas, Pennsylvania, West Virginia và Ohio.
Tờ Foreign Affair nhận định việc Trump rút khỏi Hiệp định Paris không có cơ sở khoa học lẫn kinh tế, mà là để ghi điểm tức thời với khối cử tri quan trọng của mình.
Xét cho cùng, Hiệp định Paris được tiến hành trên cơ sở tự nguyện và không có cơ chế xử phạt nếu một nước không đạt mục tiêu.
Tuy vậy, có một số học giả bảo thủ ủng hộ hành động của Trump.
“Tôi không chắc hiệp định Paris sẽ thực sự đạt được gì”, Katie Tubb, nhà phân tích chính sách cấp cao tại Heritage Foundation, một viện nghiên cứu (think tank) có thiên hướng bảo thủ, nói.
“Đến cuối thế kỷ này, nếu mục tiêu là giảm nhiệt độ toàn cầu, nó đơn giản là không thể thực hiện được với cái thế giới công nghiệp hóa này”.
“Cho dù bạn nghĩ thế nào về sự ấm lên toàn cầu, về bản chất của nó, về tốc độ của nó, bạn cũng phải nghiêm túc đưa việc phát triển kinh tế vào trong chương trình hành động. Về mặt này, tôi không thấy Hiệp định Paris có hiệu quả hay đóng góp mang tính xây dựng nào.”
Hiện Mỹ chiếm 15% phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhưng lại là siêu cường lớn nhất thế giới về kinh tế, quân sự cũng như địa vị chính trị. Việc Mỹ chính thức rút lui khỏi thỏa thuận khí hậu, vốn bao gồm hầu hết các quốc gia trên thế giới, sẽ làm dấy lên câu hỏi về lòng tin của các nước khác đối với Mỹ.
“Việc chính thức rút lui chắc chắn gây tổn hại cho uy tín của Mỹ”, Andrew Light, cựu quan chức phụ trách biến đổi khí hậu trong chính quyền Obama nói.
“Đây là lần thứ hai mà Mỹ là lực lượng tiên phong trong việc thương thảo ra một thỏa thuận khí hậu mới. Nhưng với nghị định thư Kyoto thì chúng ta chưa bao giờ phê chuẩn, còn với Hiệp định Paris, chúng ta lại bỏ rơi nó”.
Mặc dù việc Mỹ rời bỏ Hiệp định Paris tới giờ không còn là tin sốc, nhiều người vẫn có cảm giác tiếc nuối. Họ tin rằng biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu lớn nhất và Mỹ nên đi đầu trong cuộc chiến chống lại nó chứ không phải thoái thác trách nhiệm.
“Quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris là sai lầm khi nó được công bố và đến hôm nay nó vẫn sai lầm”, Helen Mountford, đến từ Viện Nguồn lực Thế giới, nói.
“Nói đơn giản là Mỹ nên ở lại cùng với 189 đối tác khác của thỏa thuận, không nên bỏ đi một mình”.
Việc Mỹ chính thức rời đi cũng mở lại vết thương cũ của những nhà đàm phán về khí hậu.
“Nó rõ ràng là một cú đánh mạnh vào thỏa thuận Paris”, Carlos Fuller, nhà đàm phán từ Belize, đại diện cho Liên minh Các tiểu quốc đảo tại Liên hợp quốc, nói.
“Chúng tôi thực sự đã làm việc rất vất vả để đảm bảo mỗi quốc gia trên thế giới có thể bằng lòng với thỏa thuận này. Và vì thế, khi mất đi một nước, căn bản là chúng tôi cảm thấy mình đã thất bại”.
Các nước khác nói rằng việc ông Trump rút Mỹ khỏi hiệp định một phần là do chính quyền Obama đã không thể thuyết phục Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
“Điều ông Obama làm ở cuối nhiệm kỳ thứ hai của mình đúng là phi dân chủ. Ông đã ký thỏa thuận Paris mà không đi qua Quốc hội, thay vào đó lại dùng sắc lệnh hành pháp”, cựu giám đốc phụ trách khí hậu của Liên hợp quốc Yvo De Boer nói.
“Và như thế, chính ông ta đã đào một cái hố tương lai cho ngày hôm nay”.
Có. Ngay trong ngày quyết định rút lui khỏi hiệp ước Paris có hiệu lực, ứng viên Joe Biden của đảng Dân chủ đã tuyên bố rằng “chính xác 77 ngày sau, chính quyền Biden sẽ tái gia nhập”.
Theo các quy định của hiệp ước, để tái gia nhập, Mỹ chỉ cần gửi thông báo trước một tháng. Ứng viên tổng thống đang thắng thế Joe Biden cam kết sẽ làm điều này ngay khi ông nhậm chức vào tháng Một sang năm.
Sau khi ông Trump công bố quyết định thoát khỏi thỏa thuận này năm 2017, một số bang và nhiều doanh nghiệp Mỹ tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục cắt giảm khí thải carbon và cam kết bù đắp cho quyết định sai lầm của chính quyền liên bang.
Trong số này có tổ chức America’s Pledge (Cam kết của nước Mỹ), do cựu thống đốc California Jerry Brown và cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg thành lập.
Họ nói rằng nhiều thành phố và bang sẽ giúp cắt giảm khí nhà kính 19% trong năm 2025 so với mức năm 2005. Tuy mục tiêu này không đủ so với cam kết của thỏa thuận Paris, nó là thứ “nằm trong tầm với”.
Tỷ phú Bloomberg tuyên bố: “Dù Nhà Trắng ra sức kéo chúng ta tụt hậu, họ không thể ngăn các bước tiến về khí hậu của chúng ta trong vòng bốn năm qua”.
Những nỗ lực liên kết cùng chống lại biến đổi khí hậu tại Mỹ nói riêng và ở nhiều nước trên thế giới là sự cộng hưởng với ý thức ngày càng tăng của thế hệ trẻ với vấn đề này. Các phong trào tuần hành vì khí hậu diễn ra mỗi tuần ngày càng được thanh thiếu niên ở khắp nơi ủng hộ.
Gương mặt tiêu biểu cho giới trẻ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu là nhà hoạt động Thụy Điển, cô gái mới 17 tuổi Greta Thunberg. Những người trẻ tuổi như Greta trở thành cái gai trong mắt và là đối tượng bị chỉ trích châm chọc liên tục từ Trump cũng như những người ủng hộ ông. Ở phía ngược lại, thế hệ trẻ là lực lượng phản đối mạnh mẽ nhất những người muốn kéo lùi các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào đầu năm 2020, Greta Thunberg đã không ngần ngại nhắm đến những nhà lãnh đạo như Trump khi tuyên bố, “không giống như các ông, thế hệ của chúng tôi sẽ không buông tay xin hàng”.
“Tôi không nghĩ sẽ có ai đi theo ông Trump rời khỏi thỏa thuận khí hậu Paris”, Peter Betts, người từng dẫn đầu đoàn đàm phán cho Anh và EU trong thỏa thuận khí hậu toàn cầu, nói.
“Không ai làm vậy trong bốn năm qua, và tôi không nghĩ họ sẽ làm vậy trong tương lai.”
Một số người đang lo lắng rằng việc Mỹ rút đi khiến các nước khác mất động lực hành động về khí hậu trong khi các nhà khoa học cảnh báo chúng ta phải đẩy nhanh các nỗ lực trước khi quá muộn.
Một số nước như Ả Rập Saudi, Kuwait và Nga đã tỏ thái độ sẵn sàng về phe chính quyền Trump, phản đối các nhà khoa học về vấn đề ấm dần toàn cầu.
“Họ đang chờ đợi, và nói rằng nếu Mỹ không còn ở trong hiệp ước nữa thì chúng ta không cần phải vội làm gì”, Carlos Fuller, nhà đàm phán của Liên minh các Đảo quốc nhỏ nói.
Tuy vậy, các chuyên gia nói xu hướng chuyển dịch khỏi năng lượng hóa thạch là không tránh được.
“Thỏa thuận xanh của EU và cam kết trung hòa carbon từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy việc chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch là không tránh được”, Laurence Tubiana, một kiến trúc sư của thỏa thuận Paris, nay là giám đốc điều hành Tổ chức Khí hậu Châu Âu, nói.
“Sẽ luôn có những đoạn gồ ghề khi nền kinh tế toàn cầu dần chuyển mình thoát khỏi dầu khí, than đá – nhưng đó rõ ràng là con đường của tương lai. Trong khi các chính phủ chuẩn bị các gói kích thích cứu nguy kinh tế trong đại dịch COVID-19, điều tối quan trọng là họ đầu tư vào công nghệ của tương lai, chứ không phải của quá khứ.”