Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Lời của người thua trong cuộc đua vào Nhà Trắng đôi khi còn quan trọng hơn lời của người thắng. Đó là sự nhượng bộ để nền dân chủ tiến lên.
Đêm Bầu cử (Election Night) ở Mỹ luôn là một (hoặc nhiều) đêm đầy cảm xúc.
Khác với việc tụ tập để xem chung kết giải bóng bầu dục Super Bowl, người dân Mỹ trong Đêm Bầu cử không chỉ là khán giả, mà họ còn là diễn viên chính. Họ là người dành tâm tư và công sức nhiều năm để ủng hộ, quảng bá và đấu tranh vì một lý tưởng và cho chính trị gia đại diện cho lý tưởng đó. Họ là người bỏ những lá phiếu quyết định vận mệnh đất nước.
Nếu ứng cử viên mà họ ủng hộ thất bại, điều gì giúp cho hàng chục triệu người dân Mỹ đêm đó trở về nhà, bình tâm nghỉ ngơi, sáng hôm sau tiếp tục làm việc, và trở lại với nhịp sống thường nhật?
Điều gì giúp cho họ thất vọng, nhưng không giận dữ?
Điều gì giúp cho họ buồn rầu, nhưng không quay lưng với nền dân trị Mỹ?
Điều gì giúp cho những cử tri “bên thua cuộc” không phủ nhận hoàn toàn kết quả bầu cử, hay tệ hơn, kêu gọi sử dụng vũ lực để thay đổi kết quả bầu cử?
Diễn văn của ứng cử viên thắng cuộc chắc chắn không thể làm điều đó, vì nó có thể là can dầu đổ vào ngọn lửa đang bùng cháy. Thứ giúp hóa giải phần nào những tranh cãi, những khác biệt, những chia rẽ, những lời xúc phạm lẫn nhau, hay thậm chí là bạo lực… lại chính là những lời phát biểu của người thua cuộc.
Trong văn hóa chính trị Mỹ, những lời phát biểu của ứng viên thua cuộc sau khi có kết quả bầu cử được gọi là “concession speech”, tạm dịch sang tiếng Việt là “diễn văn nhượng bộ”. Tuy không có quy định trong luật, nhưng diễn văn nhượng bộ đã trở thành một phần tất yếu mỗi dịp bầu cử tại xứ cờ hoa.
John Adams, trong bức thư gửi cho vợ khi ông chính thức trở thành Tổng thống thứ hai của Liên bang Hoa Kỳ vào năm 1797, gọi quá trình chuyển giao quyền lực chính trị là “thứ tinh túy nhất từng tồn tại ở Hoa Kỳ”.
Trong suốt nhiều thập niên, việc một ứng cử viên thua cuộc thông báo chấp nhận kết quả bầu cử thường chỉ mang tính chất cá nhân, như là đối thoại giữa hai ứng cử viên với nhau.
Khi các bước tiến vượt bậc về công nghệ giúp cho việc theo dõi các cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ trở nên dễ dàng hơn, cử tri mong muốn có thêm nhiều thông tin hơn, đặc biệt là từ người mà họ bỏ phiếu ủng hộ. Vì thế, dù thua cuộc, ứng viên tổng thống cũng được kỳ vọng là sẽ công khai nói vài lời tâm huyết với cử tri của mình.
Theo tác giả Scott Farris trong quyển Almost President (Suýt nữa là Tổng thống), diễn văn nhượng bộ được công bố công khai lần đầu tiên là điện tín chúc mừng của ứng cử viên William Jennings Bryan gửi cho Tổng thống tân cử William McKinley vào năm 1896. Bức điện này chỉ gồm có hai dòng ngắn gọn.
Lincoln, bang Nebraska, 5/11.
Gửi Ngài Wm. Mckinley ở Canton, Ohio: Thượng nghị sĩ Jones vừa cho tôi biết kết quả ngài đắc cử, tôi vội vàng gửi lời chúc mừng. Chúng ta đã bày tỏ nguyện vọng với người dân Mỹ, và ý chí của họ là luật.
W.J.Bryan.
Người đầu tiên công bố diễn văn nhượng bộ trên sóng phát thanh là ứng viên đảng Dân chủ Al Smith năm 1928. Còn ứng cử viên đầu tiên thông báo diễn văn nhượng bộ đến quốc dân Hoa Kỳ thông qua truyền hình trực tiếp là Adlai Stevenson, năm 1952. Ông nói:
“Nhân dân đã đưa ra quyết định cuối cùng của họ, và tôi chân thành chấp nhận nó”.
“Truyền thống của người Mỹ là tranh đấu hết mình trước cuộc bầu cử. Nhưng việc bỏ qua khác biệt và cùng hợp tác cũng là truyền thống của chúng ta ngay khi nhân dân cất lên tiếng nói”.
Theo nhà sử học tổng thống Hoa Kỳ Kearns Goodwin, tư tưởng, cấu trúc và giọng điệu của diễn văn nhượng bộ chính thức được hình thành sau bài phát biểu của Stevenson: chúng ta đã cố gắng hết sức, chúng ta đã đi đến chặng đường cuối cùng, chúng ta cần chấp nhận kết quả này và cần hợp tác với nhau.
Đã từng có tất cả 32 bài diễn văn thất cử khác nhau ở nước Mỹ trong 120 năm qua.
Đa dạng như vậy, nhưng người ta vẫn thấy một khuôn mẫu của “thể loại” diễn văn này. Đó là những nội dung không thể thiếu, nhằm đảm bảo rằng thông điệp của ứng cử viên thua cuộc đủ sức xoa dịu sự tức giận của các cử tri ủng hộ mình, hàn gắn những tổn thương nếu có, và khuyến khích toàn dân cùng hướng tới tương lai.
Theo phân tích của tác giả Hannah Yi trên Quartz, có sáu thành tố căn bản tạo nên một bài diễn văn nhượng bộ:
Trong lịch sử, có hai bài diễn văn nhượng bộ không được thực hiện vào lúc kết thúc Đêm Bầu cử. Đó là trường hợp của ứng viên Al Gore vào năm 2000 và ứng viên Hillary Clinton vào năm 2016.
Đối với Al Gore, ông gọi điện cho Bush (con) để chúc mừng và công nhận kết quả bầu cử vào Đêm Bầu cử, nhưng ba mươi phút sau đã liên lạc lần nữa để rút lại sự công nhận của mình.
Theo tính toán, Gore vượt Bush đến 500.000 phiếu bầu cử phổ thông, song chênh lệch chỉ… 600 phiếu ở Florida đã giúp cho Bush giành chiến thắng sát sao: 271 phiếu đại cử tri so với 266 mà Gore có được. Tình huống này dẫn đến một cuộc chiến pháp lý dài hơi giữa hai bên, trong đó Gore yêu cầu thực hiện quy trình kiểm đếm phiếu bắt buộc tại tiểu bang này.
Tranh chấp được đưa đến Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ với phần thắng nghiêng về Bush. Gore không đồng tình với quyết định này, nhưng ông tôn trọng kết quả mà Pháp viện đưa ra. Sau hàng tuần tranh cãi pháp lý, Gore đọc bài diễn văn nhượng bộ của mình trước toàn bộ quốc dân trên sóng truyền hình quốc gia.
“Đã đến lúc chủ nghĩa đảng phái phải bị gác sang một bên… Tôi chính thức công nhận kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử. Đêm nay, vì sự thống nhất của nhân dân Hoa Kỳ và vì sức mạnh tập thể của nền dân chủ của chúng ta, tôi chấp nhận thất bại của mình trong cuộc bầu cử.”
Gore xúc động, nhưng cũng rất chuyên nghiệp, chấm dứt những tranh cãi dai dẳng không dứt về cuộc bầu cử năm 2000, mở đường cho chính quyền mới của Bush tiếp nhận nhiệm sở một cách chính danh.
Đối với Hillary, trong một tình thế khá tương tự, bà cũng vượt Trump đến gần ba triệu phiếu phổ thông, nhưng không thể giành chiến thắng với cơ chế đại cử tri. Song không có tranh cãi pháp lý nào diễn ra.
Sau một kỳ tranh cử căng thẳng, Hillary cần thời gian để có một bài diễn văn nhượng bộ chủ động, theo phong cách riêng và phản ánh đúng tình hình phân cực chính trị trầm trọng của Hoa Kỳ tại thời điểm đó. Vì vậy, Hillary và đội ngũ tư vấn quyết định công bố diễn văn nhượng bộ của mình vào sáng ngày hôm sau.
Việc có thêm thời gian chuẩn bị giúp diễn văn nhượng bộ của bà Clinton tạo được khác biệt rõ nét.
Hillary mở đầu bài phát biểu như thông lệ, bằng việc thông báo mình đã gọi điện cho Donald Trump và chúc mừng ông này. Nhưng trong phần nội dung chính, bà không chỉ đơn giản là chấp nhận kết quả cuộc bầu cử và yêu cầu các cử tri của bà đồng lòng ủng hộ Trump.
Thay vào đó, bà truyền đi thông điệp rất rõ ràng: “công việc vẫn chưa hoàn thành, và chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu cho những gì mình tin tưởng, cho dù tổng thống tân cử có tin vào điều đó hay không.”
Bà Clinton kêu gọi công dân Hoa Kỳ chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị. Trong đó, mục tiêu rõ ràng nhất là nhằm đối trọng và kiểm soát một cách dân chủ những gì chính quyền Tổng thống Trump có thể mang đến cho Nhà Trắng. Bà nói:
“Nền dân chủ lập hiến Hoa Kỳ yêu cầu sự tham gia của chúng ta, không đơn giản chỉ bốn năm một lần, mà là mọi lúc, mọi nơi. Hãy làm tất cả những gì chúng ta có thể để thúc đẩy những mục tiêu và giá trị mà chúng ta hằng tin tưởng. Hãy biến nền kinh tế Hoa Kỳ là nền kinh tế của mọi công dân, bảo vệ quốc gia chúng ta và bảo vệ hành tinh của chúng ta.”
“Vì những công dân của mọi sắc tộc, mọi tôn giáo, vì đàn ông cũng như đàn bà, vì những người nhập cư, vì cộng đồng LGBT, vì những công dân khuyết tật… Vì tất cả. Tôi thật hạnh phúc khi được đứng cùng các bạn…
Và tôi mong muốn rằng các cử tri hãy tiến bước và đảm bảo tiếng nói của các bạn từ giờ trở đi sẽ luôn được lắng nghe.”
Diễn văn nhượng bộ thể hiện rất nhiều điều về sức khỏe của một nền dân chủ. Đó là một truyền thống mà không phải nền dân chủ nào cũng có được. Nó là đầu mối để hòa giải những khác biệt, và là nền tảng cho một quốc gia tiến bước.