Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Suốt hàng triệu năm, con người đã được rừng nuôi sống. Thế hệ tương lai có còn được như vậy?
“Tắm rừng” (forest-bathing) có lẽ là một khái niệm còn lạ lẫm với nhiều người.
Vào đầu những năm 1980, Cơ quan phụ trách rừng (Forest Agency) của Nhật Bản khuyến khích người dân dành nhiều thời gian đi dạo trong rừng để cải thiện sức khỏe. Hoạt động này trong tiếng Nhật gọi là shinrin-yoku (森林浴).
Nhiều thập niên sau, giống như cách người Nhật “nghệ thuật hóa” gần như mọi thứ, từ uống trà đến xếp giấy, tắm rừng cũng trở thành một loại nghệ thuật, và đang rất thịnh hành ở các nước phương Tây.
Những nghiên cứu khoa học chứng minh lợi ích thực tế của hoạt động này xuất hiện ngày một nhiều. Từ việc giảm hormone cortisol, từ đó giúp giảm stress, cho đến cải thiện tình trạng cao huyết áp, căng thẳng và trầm cảm, thậm chí tăng cường sức mạnh của các loại tế bào kháng ung thư.
Ngay cả nếu không có điều kiện vào rừng để tắm (nghĩa bóng), việc đặt một vài chậu cây xanh trong phòng cũng có tác dụng giải tỏa căng thẳng.
Hiệu ứng này có thể là kết quả của hàng triệu năm tiến hóa, như giải thích của tác giả Richard Wiseman trong quyển sách “59 Seconds”. Khi nhìn thấy cây, thấy rừng, hay thậm chí chỉ cần thấy màu xanh lá, người ta sẽ có cảm giác an tâm, tương tự như tổ tiên của mình hàng triệu năm trước, vì rừng cây là dấu hiệu của thức ăn, chỗ trú ngụ, và an toàn.
Không cần phải là nhà khoa học, bất kỳ ai cũng có thể tự kiểm chứng điều này bằng một chuyến đi dạo trong công viên, hoặc tốt nhất, một chuyến đi rừng.
Điều trớ trêu ở chỗ, “tắm rừng” lẽ ra không phải là một môn nghệ thuật.
Mới vài trăm năm trước đây, con người vẫn còn sống chung với rừng.
Đến thời của Cách mạng công nghiệp, cùng với chiếc hộp Pandora thần thánh có tên “nhiên liệu hóa thạch” (dầu mỏ, than đá, khí đốt …), nhân loại mới bắt đầu rời xa nguồn sống nguyên thủy của mình.
Các cánh rừng lần lượt bị đốn trụi. Ban đầu là phục vụ cho nông nghiệp. Sau là công nghiệp. Và giờ thậm chí là triệt phá rừng chỉ để xây dựng các căn biệt thự đẳng cấp, những khu nghỉ dưỡng khổng lồ, hay đơn giản là phục vụ cho thú vui quý tộc được xài đồ gỗ sang trọng.
Từ phá rừng vì cần, chúng ta đã tiến hóa đến cấp độ phá rừng vì thích.
Các nhà khoa học ước tính, kể từ khi những nền văn minh đầu tiên được ghi nhận trên trái đất (khoảng 5.000 năm trước), gần một nửa diện tích rừng trên thế giới (46%) đã bị con người đốn hạ.
Tính đến năm 2019, tốc độ phá rừng đã tới mức 26 triệu hecta mỗi năm.
Các cánh rừng là những ngôi nhà chung lớn nhất trên hành tinh dành cho mọi loài sinh vật.
Một km vuông rừng có thể có đến 1.000 loài sinh vật cùng sinh sống.
Để so sánh, theo số liệu thống kê mới nhất, mật độ dân số của Việt Nam là gần 300 người/ km2. Với mỗi km vuông mà con người sinh sống, số lượng loài chúng ta chấp nhận sống chung chỉ đếm trên đầu ngón tay (chó, mèo, gà, vịt, trâu, bò …).
Một so sánh khác, tốc độ phá rừng như hiện tại tương đương với việc mỗi năm toàn bộ diện tích nước Việt Nam, ngoại trừ khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, bị xóa sổ.
Mỗi năm trôi qua, nhờ vào các hoạt động phá rừng của con người, biết bao nhiêu sinh vật, và loài sinh vật, bị đẩy đến chỗ chết?
Một điều an ủi cho nhân loại, và cho các sinh vật khác, rằng con người là động vật duy nhất trên trái đất biết nghĩ về tương lai.
Đó là nhận xét của nhà tâm lý học Daniel Gilbert đưa ra ở đầu quyển sách “Stumbling on happiness” (tạm dịch “Vơ trúng hạnh phúc”). Gilbert cho rằng khác với những loài động vật khác, chỉ có con người mới chủ động nghĩ về tương lai, lo lắng vu vơ về nó, chuẩn bị tâm thế đón chờ nó, và thậm chí khi cần, tìm mọi cách để thay đổi đó.
Có lẽ Gilbert không sai. Nhân loại đã bắt đầu thay đổi.
Họ nhìn thấy được vực thẳm trước mặt mà chiếc xe văn minh một chiều chạy boong boong sẽ lao xuống, và tìm cách bẻ lái qua một hướng khác.
Điều không may cho các loài sinh vật khác, và cho thế hệ tương lai của con người, con số chịu thay đổi vẫn còn quá ít.
Điều tệ hơn là, nhiều người còn giả vờ thay đổi.
Năm 1993, Hội đồng Quản lý Rừng (FSC – Forest Stewardship Council) được thành lập. Chỉ sau một thời gian ngắn, FSC phát triển trở thành tổ chức đứng đầu thế giới về quản lý khai thác rừng.
Với các tiêu chuẩn đặt ra như khai thác có chọn lọc, bảo vệ quyền lợi của người bản địa (indigenous), đảm bảo sự phát triển bền vững của rừng trong tương lai, FSC nhận được nhiều cái gật đầu từ phía người tiêu dùng, doanh nghiệp, các tổ chức bảo vệ môi trường lẫn chính phủ.
Các doanh nghiệp hào hứng đăng ký tham gia để được sát hạch cấp chứng nhận. Người tiêu dùng khi mua các sản phẩm làm từ gỗ như giấy, bao bì, đồ nội thất … nhìn thấy chứng nhận FSC và yên tâm là mình đang góp phần bảo vệ sự phát triển bền vững của rừng. Rừng vừa được bảo vệ, chúng ta vẫn tiếp tục thoải mái khai thác, các sản phẩm tiện lợi tiếp tục được làm ra.
Trên giấy trắng mực đen, đó là giải pháp vẹn toàn, win-win-win. Ai cũng được lợi, không ai, hay sinh vật nào, thiệt hại.
Trên thực tế, đen và trắng nhập nhằng hơn nhiều.
Vào tháng 7/2019, kênh truyền hình DW của Đức đăng tải bộ phim tài liệu do hai nhà làm phim Thomas Reutter và Manfred Ladwig sản xuất. Bộ phim là kết quả nhiều tháng trời theo dõi các hoạt động khai thác gỗ của những doanh nghiệp lớn được FSC chứng nhận.
Khi các nhà làm phim đi theo đại diện của Bozovich, một công ty đồ gỗ được FSC cấp chứng nhận, đến một cánh rừng nguyên sinh của Peru nơi công ty lấy nguyên liệu, họ được chứng kiến việc khai thác rất bài bản.
Theo quy chuẩn của FSC đưa ra, với mỗi khu vực diện tích tương đương một sân bóng đá, công ty chỉ được chặt hạ một cây. Và phải hai mươi năm sau họ mới được chặt hạ cây tiếp theo trong cùng khu vực. Các cây gỗ này được đánh dấu theo mã số, được gắn mã vạch, và khi về đến xưởng chế biến của công ty thì được đánh dấu theo màu.
Vấn đề ở chỗ, công ty không phải chỉ lấy gỗ từ một nguồn.
Tại xưởng chế biến, họ thu mua gỗ nguyên liệu từ nhiều nhà cung ứng khác, những người không có chứng nhận FSC, và trên thực tế, không ít trong số đó đều là khai thác gỗ lậu.
Dù những loại gỗ phi-FSC này được đánh dấu khác màu, nhưng ngay trong quá trình đoàn làm phim đi kiểm tra, họ đã phát hiện việc để lẫn lộn giữa “gỗ bền vững” và gỗ lậu.
Chuyện nghiêm trọng hơn khi những doanh nghiệp như Bozovich bị các tổ chức bảo vệ môi trường tố cáo việc làm giả giấy tờ xuất xứ, tức là họ nhập nhằng đóng dấu FSC lên gỗ lậu.
Theo báo cáo của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA – Environmental Investigation Agency), một tổ chức phi chính phủ tại Peru, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại nước này trong nhiều năm qua đã liên tục làm giả giấy tờ xuất xứ các nguyên liệu gỗ của họ.
FSC không có cách nào, và có vẻ cũng không có ý muốn kiểm soát việc này.
Ngay cả thực tế việc kiểm soát khai thác tại nguồn cũng không phải màu hồng như trên chứng nhận.
Một chuyên gia làm việc lâu năm cho FSC, chịu trách nhiệm đánh giá và cấp chứng nhận cho các doanh nghiệp khai thác gỗ tại Congo, đã tiết lộ chuyện hậu trường cơm nước với nhà làm phim.
Ông kể lại việc khi muốn rút chứng nhận của một doanh nghiệp vì phát hiện họ không đạt chuẩn, chủ doanh nghiệp đó đã nổi sùng đe dọa, khiến ông phải bỏ về, thậm chí lo sợ cho tính mạng của mình.
Doanh nghiệp này sau đó trả tiền để tiếp tục giữ chứng nhận. Việc đánh giá thanh gia hoạt động khai thác của họ chỉ được tiến hành chủ yếu… từ xa. Công ty chỉ cần đối phó những lúc thanh tra viên xuống hiện trường kiểm tra. Khi thanh tra rời đi, họ lại tiếp tục chặt lậu gỗ.
Simon Counsell từng đồng sáng lập nên FSC, sau đó đã rời bỏ tổ chức này vì bất đồng với cách thức điều hành quản lý của nó. Theo Counsell, FSC được lập ra để kiểm soát hoạt động khai thác gỗ của doanh nghiệp, vậy nhưng sau đó tổ chức này lại trao quá nhiều quyền hạn cho họ. Các doanh nghiệp có quyền quyết định cả chính sách của tổ chức. Vấn đề nhập nhằng nhất mà Counsell chỉ ra nằm ở nội dung của chứng nhận FSC.
Người tiêu dùng có lẽ không mấy ai biết, rằng FSC có nhiều loại chứng chỉ.
Chứng chỉ “bền vững” nhất của họ là “FSC 100%”: sản phẩm này được khai thác từ nguồn nguyên liệu 100% do FSC chịu trách nhiệm thanh tra quản lý. Nhưng có rất ít doanh nghiệp gắn “chứng chỉ xịn” này lên sản phẩm của họ. Tuyệt đại đa số các chứng nhận FSC xuất hiện trên các sản phẩm là “FSC mix” (trộn lẫn).
Counsell cho biết loại “mix” này được gắn lên những sản phẩm từ các nguồn nguyên liệu mà FSC không thể đảm bảo 100% đúng quy chuẩn khai thác của họ, và việc thanh tra đánh giá đều được tiến hành qua bàn giấy.
Có nghĩa là trên thực tế, sản phẩm đó hoàn toàn có thể đến từ nguồn gỗ lậu, nơi mà các cánh rừng bị đốn trụi không thương tiếc.
Người tiêu dùng chọn một sản phẩm, nhìn vào nhãn FSC, không để ý hoặc không biết gì về ý nghĩa của chữ “mix” đi kèm, hài lòng nghĩ rằng doanh nghiệp này có trách nhiệm với môi trường, và vui vẻ bỏ tiền mua.
Đây là một trong những minh họa ngày một phổ biến của “greenwashing” (tẩy trắng thay xanh): khi ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng ngày một tăng lên, các doanh nghiệp thay vì thật sự chung tay thay đổi, lại đi tìm đủ mọi cách để lập lờ đánh lừa khiến người dùng tin rằng sản phẩm của họ hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Lần sau khi vào siêu thị, bạn có thể dành thử thời gian để xem kỹ nhãn tất cả những sản phẩm có hộp giấy (như sữa, nước trái cây …).
Xác suất cao là bạn sẽ bắt gặp chiếc nhãn “FSC” với chữ “mix” nho nhỏ nằm bên cạnh.
Bạn có thể phản bác, rằng có chứng nhận, có kiểm tra đã là tốt lắm rồi, lẫn hay không lẫn, trộn hay không trộn có sao đâu!
Bạn không sai, vì bạn không sao.
Bạn không sống trong rừng, cuộc sống của bạn không phụ thuộc vào rừng, và có lẽ bạn cũng không mấy quan tâm tương lai con cháu của bạn có còn rừng hay không.
Hàng triệu thổ dân, người bản địa sinh sống trong các cánh rừng trên khắp thế giới thì đang phải dùng máu của mình bảo vệ lấy mảnh đất mà tổ tiên họ đã ở từ vài ngàn năm qua. Họ bị đẩy ra khỏi nhà của mình, mất hết nguồn sống từ bao lâu nay. Nhà của họ, các cánh rừng, thì bị đốn hạ. Các cây gỗ được chuyển thành nguyên liệu làm ra những sản phẩm tiện nghi cho những người văn minh trên khắp trái đất, từ cái giường cái tủ đến hộp sữa hay cuộn giấy vệ sinh, nhiều thứ trong đó chỉ được dùng một lần là vứt bỏ.
Để có cái tiện nghi cho chúng ta, người khác phải mất nhà, mất thức ăn, mất cả mạng sống.
Đó là chưa kể, như lúc đầu đã đề cập, rừng là ngôi nhà lớn nhất của các loài sinh vật trên trái đất. Biết bao nhiêu sinh vật đã, đang và sẽ bị hủy diệt chỉ vì cái tiện nghi này của con người?
Vào thời điểm hiện tại, khi càng nhiều người sáng mắt vì hậu quả của biến đổi khí hậu đến từ việc không ngừng thải ra CO2 lên khí quyển, rừng lại đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.
Nhưng thay vì bảo vệ nó, chúng ta lại tiếp tục triệt hạ.
Ở nhiều nơi, người ta chống chế rằng họ không phá rừng, chỉ “trồng lại rừng” mà thôi. Thứ rừng trồng lại đó là “rừng độc canh” (monoculture forest), chỉ độc một loại cây có “giá trị kinh tế”, như bạch đàn, cọ dầu, đậu nành …
Đây lại là một điểm khác khiến nhiều người lên tiếng phản đối FSC: họ gật đầu chứng nhận cả những cánh rừng độc canh, bất chấp tôn chỉ ban đầu của tổ chức là “bảo vệ rừng nguyên sinh”.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng rừng độc canh, với mức độ đa dạng sinh học (biodiversity) kém xa, chỉ hấp thụ được một nửa lượng CO2 so với rừng nguyên sinh.
Và tất nhiên môi trường sống của rừng độc canh cũng kém xa môi trường đa dạng của rừng nguyên sinh.
Tự nhiên đã cho thấy, thứ gì “chỉ có mình tao” đều có hại.
Nhưng rừng độc canh vẫn tiếp tục được ra đời, xây trên xác của những cánh rừng nguyên sinh. Chúng dễ quản lý, dễ khai thác, dễ thu lợi.
Có lẽ cũng cùng lý do đó mà nhiều người vẫn ưa thích “độc tài”. Hại gì hay hại ai mặc kệ, miễn là họ có lợi ngay lúc này, và cái lợi đó lại quá dễ dàng.
Rừng mỗi năm “gánh team” giùm khoảng 30% số CO2 mà con người thải ra.
Nhưng ngay cả rừng có lẽ cũng bắt đầu bị kiệt sức, khi con người không có dấu hiệu gì ngừng lại, còn liên tục tăng cấp độ ăn dần ăn mòn tài nguyên thiên nhiên.
Các báo cáo về hiện tượng “rừng ma” (ghost forests) xuất hiện ngày một nhiều. Cây già chết đi, cây mới không mọc lên nổi. Khu vực rừng cây dần dần biến thành đầm lầy.
Trong khi có những nơi người ta đang quay trở lại với “tắm rừng”, nhiều nơi khác, con người vẫn còn mặc nhiên “tắm máu rừng”.
Ta sẽ lựa chọn gì? Tiếp tục hưởng thụ những thứ tiện nghi phù du, hay bớt bớt lại, trả rừng cho nhân loại và các sinh vật khác, để tất cả cùng được tắm, cùng được bảo vệ, cùng được tiếp tục chia sẻ hành tinh xanh này?
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.