Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Quý độc giả thân mến,
Tôi viết thư này khi báo chí Mỹ đã đồng loạt xướng tên Joe Biden là tổng thống tân cử của đệ nhất siêu cường. Theo truyền thống ở Mỹ, người ta biết kết quả bầu cử qua tuyên bố của các cơ quan báo chí uy tín, chứ không phải chờ kiểm phiếu hết, cũng không phải chờ cho đến khi các đại cử tri bỏ phiếu vào tháng 12.
Tôi viết thư này khi môi trường truyền thông Việt Nam đang ngập trong tin vịt. Tin vịt về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ do cả bộ máy tuyên truyền của chính quyền lẫn các nhà máy tin vịt ngoài chính quyền sản xuất ra.
Và tôi viết thư này khi một trong những nhà báo tốt nhất của báo chí Việt Nam sau năm 1975, đồng sáng lập viên và biên tập viên của Luật Khoa, đang bị cầm tù đến ngày thứ 34: Phạm Đoan Trang. Cô bị chính quyền Việt Nam bắt giữ khi Luật Khoa sửa soạn tròn 6 tuổi.
Như vậy, nước Việt Nam đang làm cùng lúc mấy việc rất trái khoáy: Bịt miệng những nhà báo tốt nhất, thả cửa cho những kẻ gieo rắc tin vịt thả sức lộng hành, để rồi mãi mãi nhìn sang báo chí Mỹ để kêu trời than đất.
Dĩ nhiên, đó là thực tế xã hội do cả một hệ thống tạo ra, không ai có lỗi hoàn toàn, cũng không ai vô tội hoàn toàn. Rất nhiều người trong chúng ta ở trong trạng thái lơ lửng đâu đó, như câu thơ trong bài “Tôi đã gặp” của Thái Thanh mà chúng tôi mới đăng:
“Tôi gặp tôi trong ám ảnh tột cùng,
không làm gì sai nhưng chẳng làm gì đúng.”
Vậy tôi mạnh dạn đề xuất quý độc giả của Luật Khoa mấy việc đúng sau đây để chúng ta không chỉ là những kẻ than vãn mà còn là những người kiến tạo thay đổi tích cực cho xã hội.
Chúng ta đang mất quyền tự do tiếp cận thông tin trên Internet vì chính quyền Việt Nam chặn hàng loạt website như Luật Khoa, Việt Nam Thời báo, BBC, VOA, RFA, RFI, Talawas… Đó là những nguồn thông tin chí ít là nghiêm túc và có trách nhiệm trong việc đưa tin. Còn về chất lượng, xin để độc giả tự phán xét.
Đừng để ai quyết định việc bạn được đọc cái gì trên Internet. Hãy giành lấy quyền quyết định đó cho mình bằng cách cài các phần mềm VPN để vượt tường lửa.
Chúng tôi giới thiệu một phần mềm rất ổn định là 1.1.1.1 của hãng công nghệ lừng danh Cloudflare, nay đã có mặt trên cả điện thoại lẫn máy tính.
Nếu bạn đã cài thành công rồi, hãy hướng dẫn cho người khác. Nếu một người hướng dẫn cho hai người thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ có hàng triệu người truy cập thông tin trên Internet một cách tự do.
Chúng ta sẽ không bao giờ có một nền báo chí tử tế khi độc giả quay lưng với những bài báo tử tế và ôm ấp những bản tin vịt đầy ma mị và hấp dẫn. Tin vịt được chế ra để thỏa mãn những dục vọng và định kiến của chúng ta, để thao túng cảm xúc lẫn suy nghĩ của chúng ta. Nó không giúp ích gì cho sự thật và tư duy logic cả.
Hãy giúp bản thân và giúp những nhà báo tử tế bằng cách trang bị cho mình những kỹ năng đọc báo và nhận biết tin vịt căn bản.
Chúng tôi đã đăng một số bài viết ngắn để bạn tham khảo:
Sống sao với tin vịt?
5 kỹ năng tiếp nhận thông tin mùa dịch
Vì sao ta dễ nhiễm “virus tin giả”
Và một cẩm nang rất đầy đủ của UNESCO: Báo chí, tin giả & tin xuyên tạc.
Báo chí độc lập cần được ủng hộ về tài chính thì mới sống sót và phát triển được. Khác với báo chí truyền thống, vốn có thể sống được bằng cách bán báo và bán quảng cáo, báo điện tử độc lập không có được may mắn đó. Họ phải dựa vào đóng góp của độc giả lẫn các nhà tài trợ để hoạt động.
Hãy ủng hộ những tờ báo này mỗi tháng một khoản tiền trị giá một ly cafe, một tô phở, một cuốn sách. Nếu mỗi tờ báo có hàng ngàn độc giả đóng góp mỗi tháng như vậy thì không có lý do gì báo chí độc lập và chất lượng không thể nảy mầm và phát triển.
Chúng tôi kêu gọi bạn đọc bắt đầu suy nghĩ về việc đóng góp những khoản nhỏ mỗi tháng cho những tờ như Luật Khoa, và nếu quyết định đóng góp, xin bấm vào trang đóng góp của chúng tôi. Tìm hiểu thêm về Luật Khoa tại đây.
Xin cảm ơn các bạn.
Trịnh Hữu Long – Tổng biên tập