Tôi viết bài bình luận chống Donald Trump đầu tiên của Luật Khoa. Sau bốn năm tôi học được gì?

Tôi của năm 2016 là một điển hình của tư duy kiểu cử tri một-vấn-đề (single-issue voter).

Tôi viết bài bình luận chống Donald Trump đầu tiên của Luật Khoa. Sau bốn năm tôi học được gì?
Minh hoạ: LK. Nguồn ảnh: Reuters, AFP/Getty.

Sáng sớm ngày 09/11/2016, cũng như nhiều người khác trên thế giới, tôi bàng hoàng với kết quả bầu cử Mỹ. Donald Trump thắng.

Chỉ trong hai, ba tiếng đồng hồ, tôi viết một bài viết chống ông Trump, gửi cho Luật Khoa tạp chí. Bài viết mang tên “Ngày tàn của chủ nghĩa pháp quyền toàn thế giới đã điểm?”.

Đó là bài viết đầu tiên xây dựng danh tiếng, hay tai tiếng chống Trump cho Luật Khoa tạp chí. Dù muốn dù không thì tờ này cho đến nay cũng đã khá nổi tiếng trong cộng đồng mạng Việt Nam, trong vai trò một tiếng nói chống Tổng thống Donald Trump.

Khi viết bài bình luận đó, tôi thực tâm đã chỉ muốn nói vài điều để động viên tinh thần những người mà tôi cho là cùng chí hướng với tôi: những người cho rằng thế giới chỉ có thể tốt đẹp hơn khi mọi người đều tin vào pháp quyền (rule of law) và sẵn sàng bảo vệ pháp quyền khi nó bị đe dọa, dù là bởi bất kỳ phe phái chính trị nào trên thế giới.

Bài viết sau khi được đăng đã có một sức lan tỏa khá lớn. Nhưng đến ngay sau làn sóng bình luận tích cực và chia sẻ bài viết là một làn sóng bình luận tiêu cực của những người ủng hộ ông Trump và có khuynh hướng chính trị thiên hữu. Làn sóng thứ ba, cũng tiêu cực, là bình luận của nhóm cho rằng tôi quá “ngây thơ” và “cảm tính” trong việc đánh giá chính trị Mỹ và thế giới.

Bài viết đăng trên Luật Khoa năm 2016 nhận được hơn 11 nghìn lượt chia sẻ.

Khi đó, tôi nhớ mình đã cảm thấy rất tức giận và tự ái khi phải đọc những lời thóa mạ cá nhân từ nhóm thiên hữu và những bình phẩm sâu cay của những người đầy hiểu biết thuộc làn sóng thứ ba.

Nhưng bốn năm cũng đã qua rồi. Đầu ngày càng ít tóc, và người yêu cũ bây giờ cũng đã có nhiều con. Thời gian tàn nhẫn tước đi nhưng cũng hào phóng trao tặng.

Với ít nhiều kiến thức và kinh nghiệm sống gom góp được trong bốn năm qua, tôi đã dần vượt qua cái tự ái của năm 2016 để nhìn một cách rõ ràng hơn sự “ngây thơ” và “cảm tính” của mình. Dưới đây là hai bài học mà tôi muốn chia sẻ.

Bài học thứ nhất: Tôi quả thật đã cảm tính

Trong bài viết nói trên, ngoài các bình luận lan man về tình hình chính trị thế giới và một số bình phẩm ngoài lề về tư cách cá nhân ông Trump, tôi đã đưa ra hai cáo buộc chính về tác động của ông Trump đến pháp quyền:

  • Donald Trump, người đã thể hiện sự sẵn sàng chà đạp lên ngành tư pháp độc lập lâu đời của nước Mỹ”;
  • Đã đến rồi, thời của những nhà chuyên chế sẵn sàng một tay che trời, sẵn sàng quyết án bỏ túi hay đe nẹt các tòa án phải làm theo ý mình, giống như cách Putin, Tập Cận Bình, Duterte vẫn hay cư xử và Trump, rất có thể, sẽ cư xử?

Sau đó, tôi viết thêm hai bài cho Luật Khoa để phân tích kỹ càng hơn và đưa ra các dẫn chứng cho các cáo buộc của tôi.

Nhìn chung, những người phản đối luận điểm về Trump và pháp quyền của tôi đều có chung một quan điểm, rằng sẽ là cảm tính và võ đoán khi đánh giá ảnh hưởng tiêu cực (nếu có) của ông Trump lên pháp quyền nếu chỉ dựa vào phát ngôn của ông Trump.

Sau bốn năm, tôi giờ hoàn toàn đồng ý với quan điểm chất vấn đó.

“Chà đạp” là một động từ mạnh, và từ các phát ngôn mang tính công kích cho đến “chà đạp” hẳn là có những khoảng cách sắc thái nên được minh định.

Tôn chỉ của việc đánh giá chuẩn xác về tác động của ông Trump có vẻ là “đừng nghe những gì ông Trump nói, hãy nhìn những gì ông Trump làm”. Lúc đó, vừa thấy ông Trump nói, tôi đã la làng lên như thể ông Trump làm rồi. Thế thì đúng là tôi đã quá “cảm tính” vào năm 2016.

Trong bốn năm qua, ông Trump vẫn thường xuyên công kích các thẩm phán và các phán quyết từ tất cả các cấp của hệ thống tư pháp độc lập Mỹ.

Mức độ của các công kích này không nhỏ khi một trong các công kích đó đã buộc Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ John Roberts (một thẩm phán có khuynh hướng bảo thủ) phải đăng đàn để đáp trả các cáo buộc vô căn cứ của ông Trump.

Suy cho cùng, các công kích nói trên của ông Trump vẫn chưa đạt đến tiêu chuẩn đe dọa pháp quyền do những người ủng hộ ông xác lập năm 2016 (vẫn chưa hề có thẩm phán nào bị ông Trump tước quyền xử án, dọa giết hay bỏ tù).

Tôi không nghiễm nhiên mà công nhận tiêu chuẩn này là chính xác và đúng đắn nhất để đánh giá mức độ đe dọa pháp quyền của một tổng thống. Tuy nhiên, tôi xin tạm chấp nhận để khép lại một cuộc tranh luận mà tôi đã mở ra cách đây bốn năm. Ưu tiên của tôi lần này là mở ra các cuộc thảo luận mới và hợp thời cuộc hơn.

Bài học thứ hai: Tôi quả là đã ngây thơ, theo kiểu của cử tri một-vấn-đề (single-issue voter)

Tôi thì không phải một cử tri (voter) ở Mỹ, tuy nhiên, tôi đã quyết định có ủng hộ ông Trump hay không chỉ bằng một vấn đề (single-issue): tiêu chuẩn về tôn trọng pháp quyền. Như thế quả là khá “ngây thơ”.

Khi bị những công kích và phê bình trái chiều bủa vây sau bài viết năm xưa, cái thằng tôi non xanh hồi đó mới nhận ra một sự thật phũ phàng rằng những người ủng hộ pháp quyền như tôi không chỉ là thiểu số, mà còn là một thiểu số rất nhỏ trong cộng đồng ủng hộ dân chủ đa nguyên ở Việt Nam (tạm gọi là “cộng đồng dân chủ”).

Phải nhờ có những tranh luận chính trị trong cộng đồng dân chủ bốn năm qua, tôi mới nhìn nhận rõ hơn rằng chính trong nội bộ cộng đồng này cũng có khác biệt sâu sắc về tư tưởng. Tư tưởng khác biệt dẫn đến quan điểm khác biệt về cách thức xây dựng dân chủ ở Việt Nam. Khác biệt quan điểm đó lại làm nảy sinh các tiêu chuẩn đánh giá tổng thống Mỹ rất khác nhau.

Trong tương quan so sánh các tiêu chuẩn đó thì “tôn trọng và bảo vệ pháp quyền” dường như là một tiêu chuẩn rất ít được đặt nặng, nếu không muốn nói là hoàn toàn “chả liên quan” trong mắt nhiều người ủng hộ dân chủ.

Dường như, mối quan tâm lớn nhất của những người ủng hộ dân chủ vẫn là câu hỏi lớn về quyền lực chính trị: không thể có dân chủ đa nguyên khi quyền lực chính trị còn nằm gọn trong tay một chính quyền cộng sản Việt Nam mạnh mẽ.

Theo đó, để làm suy yếu chính quyền cộng sản Việt Nam thì phải làm suy yếu nhóm được xem là đang “chống lưng” cho chính quyền đó: chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Không có trong tay một công cụ đo đạc “lòng dân” trong cộng đồng dân chủ, tôi chỉ có thể võ đoán mà phán rằng nhóm đông đảo và lớn tiếng nhất trong cộng đồng này chính là những người cho rằng: Trung Quốc phải suy yếu thì Việt Nam mới có cơ hội đa nguyên.

Nếu xét đoán dựa vào nội dung tranh luận và diễn ngôn chính trị trong cộng đồng này suốt bốn năm qua thì phần đông những người thuộc nhóm này cũng giống như tôi năm 2016. Họ tư duy như những cử tri một-vấn-đề.

Cũng giống như tôi, các thành viên của nhóm này đang đánh giá ông Trump trong vai trò tổng thống chỉ với một tiêu chuẩn. Có điều, tiêu chuẩn của họ không liên quan đến pháp quyền mà liên quan đến một-vấn-đề khác: Trung Quốc. Họ chỉ quan tâm đến việc liệu ông Trump có giúp cho Trung Quốc suy yếu để Việt Nam đạt được dân chủ hay không.

Giống như cách tôi đã được chất vấn về “one issue” của mình năm 2016 để rồi nhờ đó tự nhận ra sự “cảm tính” và “ngây thơ”, giờ tôi cũng muốn chất vấn những người thuộc nhóm một-vấn-đề nói trên, rằng:

  • Ông Trump đang thực sự làm những gì để dẫn đến sự suy yếu của Trung Quốc?
  • Việc Trung Quốc suy yếu sẽ dẫn đến việc Việt Nam đạt được dân chủ đa nguyên như thế nào?
  • Nếu có, thì có gì bảo đảm ông Trump sẽ tiếp tục làm những điều đó cho đến khi Trung Quốc suy yếu đến mức đủ cho Việt Nam đạt được dân chủ?

Tôi không có ý hỏi thách. Tôi tin rằng có những luận điểm hợp lý, già dặn chứ không hề “ngây thơ”, với dẫn chứng cụ thể vững vàng có thể được đưa ra để trả lời các câu hỏi trên.

Dù kết quả bầu cử bây giờ đã rõ, cả hai bên ủng hộ ông Trump và chống ông Trump đều nên tranh luận một cách chi tiết, bài bản, và sòng phẳng các câu hỏi trên.

Bởi vì nếu làm được việc đó thì cộng đồng những người ủng hộ dân chủ ở Việt Nam sẽ được hưởng ba cái lợi:

Thứ nhất, đảm bảo rằng nhóm những người ủng hộ ông Trump chống Trung Quốc trong cộng đồng dân chủ đang có một quyết định chính trị xác đáng và có cơ sở chứ không hề “cảm tính” hay “ngây thơ” (đúng sai thì chưa bàn);

Thứ hai, nâng tầm các cuộc tranh luận chính trị giữa các phe nhóm nội bộ để giải tỏa bất đồng. Thay vì để cho các tranh luận lẻ tẻ, tản mác, và đa phần nhuốm màu cảm xúc cá nhân như hiện nay, có thể bắt đầu đặt câu hỏi chất vấn cụ thể và trả lời chúng một cách cụ thể trong một khuôn viên mà cả hai bên đều trọng chứng hơn trọng like và tôn trọng lẫn nhau. Bằng cách này, nhiều bất đồng đang có giữa các nhóm ủng hộ Trump và các nhóm chống Trump có thể được tháo gỡ;

Thứ ba, bên cạnh việc tháo gỡ bất đồng, việc nâng tầm các cuộc tranh luận chính trị cũng sẽ giúp cả hai bên xác định và đồng thuận về một số tiêu chuẩn và “luật chơi” về lâu dài. Trong tương lai, người Việt cũng sẽ có thể bầu chọn lãnh đạo qua lá phiếu của mình. Khi đó, giả sử có một “chuẩn Trump” về chống Trung Quốc (một chính trị gia chỉ được xem là chống Trung Quốc hiệu quả nếu người đó làm được như ông Trump hoặc hơn), thì biết đâu tiêu chuẩn đó có thể được dùng làm “khuôn vàng thước ngọc” để đánh giá ứng cử viên một cách bài bản và công tâm nhất.

Chưa bàn đến chuyện cử tri một-vấn-đề tốt xấu thế nào về lâu dài, tôi nghĩ bất kỳ ai đang tư duy theo kiểu này cần trả lời cặn kẽ các câu hỏi chất vấn ở trên. Vì đã chịu “chơi” một-vấn-đề thì phải chắc ăn về vấn đề đó và chắc ăn một cách bài bản, thuyết phục, chứ không phải theo kiểu “nói lấy được”.

Có như vậy thì những người ủng hộ ông Trump chống Trung Quốc trong cộng đồng dân chủ ở Việt Nam mới không đi vào vết xe đổ “cảm tính” và “ngây thơ” mà tôi đã lỡ đi năm xưa.


Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một luật sư từ Vương quốc Anh. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.