Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Các nhà hoạt động tôn giáo ở Việt Nam đang phải trả giá đắt, đôi khi có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng.
Linh mục từng là bề trên của Đan Viện Thiên An bị cấm hồi hương sau khi sang châu Âu trị bệnh mà ông nghi là do bị đầu độc. Đọc mục [Bàn tay chính quyền] để biết chi tiết cách chính quyền trừng phạt những nhà hoạt động tôn giáo. Trong mục [Tôn giáo 360 độ], lần đầu tiên có thông tin về số lượng học viên Pháp Luân Công ở Việt Nam. Mục [Ngày này năm xưa] nhắc lại việc chính quyền đặt camera giám sát nhiều ngôi chùa, và vụ việc sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị hành hung sau một năm vẫn chưa được điều tra.
Hoan nghênh độc giả góp ý và tham gia viết báo cáo cùng chúng tôi qua email: tongiao@luatkhoa.org.
Tôn giáo Tháng 10/2020:
Linh mục từng là bề trên của Đan viện Thiên An – Anthony Nguyễn Huyền Đức – vẫn đang đợi ngày chính quyền Việt Nam cho phép ông được hồi hương.
Sau một thời gian lãnh đạo Đan viện Thiên An chống lại các vụ cưỡng chế đất đai của chính quyền, linh mục Đức đã sang châu Âu chữa bệnh sau khi nghi mình bị đầu độc.
Sau lần chữa bệnh thứ hai tại Đức, ông quay về Việt Nam vào tháng 9/2019 thì bị công an yêu cầu trở lại châu Âu.
“Vừa về đến Hà Nội, con phải làm việc với Bộ Công an. Các công an viên cấp cao của bộ yêu cầu con quay trở lại châu Âu, vì họ sẽ không bảo đảm an toàn tính mạng của con khi ở Việt Nam, và sẽ hết sức bất lợi cho cộng đoàn Thiên An nếu như con ở lại đan viện”, tổ chức BPSOS trích thư của linh mục Đức gửi cho lãnh đạo Dòng Biển Đức.
Ngày 16/10/2020, Uỷ ban Công Lý và Hoà Bình thuộc Hội Đồng Giám Mục Đức đã gửi thư cho Ủy ban Tư Pháp Việt Nam đề nghị để linh mục Đức trở về Việt Nam.
Uỷ ban này đề nghị chính quyền Việt Nam trả lại tài sản, ngừng các vụ bạo hành ở đan viện, bảo vệ và không xúc phạm các biểu tượng tôn giáo thiêng liêng, và tôn trọng quyền tự do tôn giáo.
Tổ chức BPSOS dẫn lời của linh mục Đức, nói rằng các bác sĩ ở châu Âu cũng nghi là ông đã bị đầu độc.
Ông Đức nghi mình đã bị đầu độc vào dịp tết năm 2016 tại Đan viện Thiên An, lúc đó có người mời ông uống trà và cà phê của họ.
“Ngay sau khi họ ra về, con lập tức cảm thấy rát buốt vùng cổ và đầu, nhức nhối trong xương tủy, cả hàm răng đau buốt và có hiện tượng bị mục, không thể đi lại được… trên đầu của con lại xảy ra hiện tượng tóc bị rụng một mảng lớn (đường kính 3cm)… Sau đó, con đã xin phép Cha Chủ Tịch Bruno đương nhiệm được qua Châu Âu”, tổ chức BPSOS dẫn lại một lá thư của linh mục Đức vào tháng 8/2020.
Linh mục Nguyễn Huyền Đức là bề trên của Đan viện Thiên An từ năm 2014 đến năm 2017. Đan viện này được biết đến qua cuộc tranh chấp đất đai căng thẳng và dai dẳng với chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Trong những năm qua, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế không chấp nhận sự hiện diện của linh mục Đức tại Đan viện Thiên An.
Vào tháng 12/2017, chính quyền tỉnh này đã yêu cầu lãnh đạo dòng Biển Đức không bổ nhiệm ông làm bề trên của Đan viện Thiên An.
Chính quyền cho rằng linh mục Đức đã cho xây nhiều công trình trái phép lên phần đất đang tranh chấp, tổ chức phong linh mục trái phép và cản trở công vụ của chính quyền.
Sau bức thư này, linh mục Đức đã dành thời gian chữa bệnh ở châu Âu. Vị trí bề trên của đan viện được giao cho người khác.
Đến tháng 5/2019, khi linh mục Đức chuẩn bị được bổ nhiệm làm bề trên của Đan viện Thiên An, chính quyền tỉnh tiếp tục yêu cầu không được bổ nhiệm linh mục Đức vào vị trí này.
Trong một văn bản vào tháng 5/2019, chính quyền tỉnh này đã kết tội linh mục Đức là “hoạt động xuyên tạc tình hình, kích động tư tưởng hận thù dân tộc, kêu gọi chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong thời gian ông chữa bệnh ở nước ngoài.
Những nhà hoạt động tôn giáo như linh mục Đức luôn phải chịu đựng nhiều hình thức sách nhiễu, trấn áp
Dưới đây là những cách thức trấn áp có hệ thống đối với các nhà hoạt động tôn giáo, đôi khi do công an công khai thực hiện, đôi khi do những người ẩn danh.
Tháng 2/2018, nhiều trang tin ẩn danh ủng hộ nhà nước đăng tin linh mục Đức vào khách sạn với một người phụ nữ.
Theo trang tin Công giáo Tin Mừng Cho Người Nghèo, vụ việc ở khách sạn của linh mục Đức xảy ra vào tháng 9/2017.
Theo đó, linh mục Đức đã hẹn gặp một nhóm Việt kiều Canada tại khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc gặp này được một người phụ nữ quen biết cả hai bên sắp xếp.
Khi linh mục Đức nhận phòng ở khách sạn thì khoảng 100 người mặc thường phục và công an đã ập vào khách sạn để kiểm tra mua bán dâm. Linh mục Đức bị thẩm vấn trong một phòng. Cuối cùng công an buộc người phụ nữ kia ngồi chung với linh mục Đức để họ chụp hình.
Những tin đồn với mục đích bôi nhọ thường được các trang tin ẩn danh ủng hộ chính quyền tung ra công chúng. Nguồn gốc của những thông tin này là một dấu hỏi lớn.
Có lý do để nghi ngờ sự tham gia trực tiếp của công an Việt Nam vào việc này. Năm 2008, sau bức thư số 31 của thiền sư Thích Nhất Hạnh nói về tự do tôn giáo và chính trị ở Việt Nam, các tu sinh đầu tiên của Làng Mai ở Việt Nam đã gặp rắc rối.
Từ tháng 8/2008, các tu sinh của Làng Mai đã bị trục xuất khỏi tu viện Bát Nhã. Họ liên tục bị sách nhiễu với nhiều hình thức khác nhau.
Trong thời gian xảy ra vụ việc tu viện Bát Nhã, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an là báo Công an Nhân dân đã cho đăng bài viết dẫn nhiều nguồn tin ẩn danh về mối quan hệ nam nữ giữa thiền sư Nhất Hạnh và sư cô Chân Không, và sự độc quyền kiểm soát của sư cô Chân Không đối với các hoạt động của Làng Mai.
Bài báo của báo Công an Nhân dân đăng đúng vào lúc Làng Mai đang được công chúng ủng hộ trong vụ việc tại tu viện Bát Nhã.
Theo trang Tin Mừng Cho Người Nghèo, vào tháng 9/2017, xe chở phái đoàn của linh mục Đức đã bị một ô tô bán tải cố tình đâm mạnh sau khi đoàn thăm linh mục Đặng Hữu Nam – người vận động giáo dân kiện công ty Formosa gây ô nhiễm biển ở miền Trung. Linh mục Nam cũng cho rằng chiếc xe bán tải này đã nhiều lần cố đâm vào xe của ông.
Tháng 10/2019, sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập đã bị một nhóm người mai phục và tập kích trên đường đến tổ đình An Hòa Tự. Sáu tín đồ này dự định sẽ ngăn cản việc sửa chữa mái ngói của ngôi tổ đình nhưng đã bị tấn công khi chưa đến được tổ đình. Một tín đồ đã dự định cắt cổ và châm lửa tự thiêu khi bị nhóm người lạ tấn công.
Những người hành hung các nhà hoạt động tôn giáo thường là người lạ mặt mặc thường phục. Công an thường không tiến hành điều tra các vụ việc khi được thông báo.
Tháng 12/2015, linh mục Đặng Hữu Nam nói với trang Tin Mừng Cho Người Nghèo rằng ông đã bị chặn xe giữa đường và ép xuống xe để khoảng 20 người xúm lại đánh ông.
“Khi đám côn đồ đánh tôi, công an trưởng xã An Hòa đứng ở bên vệ đường nhìn và không làm gì cả”, linh mục Nam nói với Tin Mừng Cho Người Nghèo.
Tháng 6/2018, theo báo Cali Today, ông Hứa Phi, một chức sắc của đạo Cao Đài độc lập ở Lâm Đồng, đã bị đánh đập và cắt râu. Ông cho biết, một người xưng là công an đã đưa theo hàng chục người khác xông vào nhà riêng và “trùm đầu đánh” ông tới tấp. Sự việc xảy ra chỉ ba ngày trước khi ông Hứa Phi có buổi đối thoại với Đại sứ quán Úc về vấn đề nhân quyền.
Những nhà hoạt động tôn giáo tại Việt Nam phải rất cẩn trọng trong các vụ xung đột với chính quyền.
Năm trong sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo vẫn còn đang chịu án tù trong vụ xung đột với cảnh sát giao thông vào tháng 4/2017.
Sáu tín đồ này, trong đó có bốn người trong cùng một gia đình, đã phản đối cảnh sát giao thông dàn cảnh bắt xe những người đến dự đám giỗ tại nhà họ. Vụ giằng co giữa hai bên nhanh chóng bị biến thành vụ án gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ.
Trong những năm qua, nhiều nhà hoạt động xã hội cũng bị buộc tội gây rối trật tự công cộng khi xung đột với công an.
Vụ việc bị cấm hồi hương của linh mục Đan Viện Thiên An đã nhắc ở đầu bài là hiếm có. Thông thường, các nhà hoạt động tôn giáo thường bị cấm xuất cảnh, phổ biến nhất là bị tịch thu hộ chiếu hoặc không cấp hộ chiếu.
Vào tháng 5/2020, linh mục Nguyễn Văn Toản bị chính quyền từ chối cấp hộ chiếu. Ông là người thường xuyên chỉ trích công khai chính quyền.
Tháng 2/2020, một nhà sư người Khmer tên Seun Ty bị tịch thu hộ chiếu trong hai tuần. Ông Seun Ty bị công an cho rằng ông đã vi phạm Luật An ninh mạng.
Năm 2017 và 2019, chính quyền từ chối cho linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ của giáo xứ Song Ngọc, xuất cảnh đi nước ngoài.
Việc các nhà hoạt động tôn giáo và xã hội bị cấm xuất cảnh là vấn đề không có cách giải quyết trong những năm qua.
Giai đoạn cuối tháng 9 – đầu tháng 10/2020, nhiều tờ báo nhà nước đưa tin về đạo Giê-sùa và Bà Cô Dợ “tiếp tục hoành hành ở tỉnh Điện Biên”.
Báo VOV dẫn thông tin từ chính quyền cho biết trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn khoảng 112 người theo đạo Giê-sùa trở lại sau khi bị bỏ đạo, 294 người khác đang theo đạo Bà Cô Dợ tại huyện Mường Nhé của tỉnh này.
Bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên cho biết chính quyền sẽ vận động những người theo các tôn giáo chưa được công nhận phải bỏ đạo.
“Một số bản làng có hương ước, quy ước trong đó quy định nếu ai tham gia vào các đạo này [Giê-xùa, Bà Cô Dợ,…] thì sẽ không được nhận các chế độ, chính sách”, bà Huyền nói với báo VOV.
Chính quyền tỉnh Điện Biên cho biết hai đạo Giê-sùa và Bà Cô Dợ có cách thức hoạt động khác nhau nhưng đều có chung mục đích là thành lập nhà nước Mông tự trị.
Trưởng Công an huyện Mường Nhé Thiếu tá Vũ Văn Hưng còn cho biết chính quyền sử dụng các chức sắc Tin Lành để vận động người dân từ các “tà đạo” này.
“Chúng tôi cũng thành lập các tổ trực tiếp vào các hộ gia đình theo đạo này, tranh thủ các trưởng điểm nhóm, chức sắc Tin lành vận động tại các vùng ảnh hưởng để họ từ bỏ. Nhưng biện pháp căn cơ là chúng tôi cần các cơ quan chức năng ngăn chặn việc tuyên truyền trái phép trên mạng thì mới hiệu quả”, thiếu tá Hưng nói với báo VOV.
Công an Việt Nam vẫn tiếp tục bắt giữ các học viên Pháp Luân Công vì phổ biến bộ môn này.
Báo Cà Mau cho biết công an thành phố Cà Mau đã ra quyết định phát hành chính vào ngày 1/10/2020 đối với hai người phát tờ rơi chưa được cấp phép về Pháp Luân Công.
Hai người có tên được ký hiệu là N.T.G và N.T.H bị bắt vào ngày 21/9/2020 sau khi phát khoảng 65 tờ rơi cho phụ huynh và học sinh trước cổng một trường học. Công an đã thu giữ của hai người này 177 tờ rơi và 30 quyển sách Pháp Luân Công.
Theo thống kê của Luật Khoa, ít nhất 66 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và phạt hành chính vì phổ biến Pháp Luân Công từ đầu năm 2020.
Ngày 22/10/2020, Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng phát một phóng sự cho biết hiện nay trên cả nước có hơn 8.300 học viên Pháp Luân Công. Riêng tỉnh Lâm Đồng có khoảng 110 học viên.
Đây là thông tin đáng chú ý, vì hiện nay không ai nắm rõ hiện có bao nhiêu học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam. Tuy nhiên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lâm Đồng không nêu rõ nguồn của số liệu này.
Theo phóng sự của Đài Lâm Đồng, tỉnh này có một số các đảng viên, cựu chiến binh, giáo viên tham gia tập luyện và phổ biến Pháp Luân Công. Trong đó có người giữ chức phó chủ tịch xã.
Phóng sự này cho rằng việc lôi kéo nhiều người tập luyện Pháp Luân Công tại tỉnh Lâm Đồng là bất hợp pháp và làm hại người dân.
“Pháp Luân Công là bộ môn phản khoa học, khuyên mọi người chữa bệnh mà không cần đi bệnh viện, không tập trung làm việc kiếm sống”, các phóng viên Đài Lâm Đồng nhận định.
Đài phát thanh và truyền hình tỉnh này cho biết nhiều người đang phổ biến Pháp Luân Công tại tỉnh Lâm Đồng bằng các tài liệu được gửi từ các tỉnh khác đến.
Ngày 27/10/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ thừa nhận rằng có “các tổ chức Cao Đài hoạt động độc lập, chống đối ly khai” trong một hội nghị về quản lý tôn giáo tại tỉnh Bến Tre.
Tuy nhiên, bài báo tường thuật hội nghị này không nêu thông tin chi tiết về việc ly khai, hoạt động độc lập của các tổ chức Cao Đài.
Như trong báo cáo Tôn giáo tháng 9/2020 của Luật Khoa, một số thánh thất Cao Đài độc lập đang bị ép gia nhập các hội thánh được chính quyền công nhận.
Những năm qua, chính quyền đang hỗ trợ các hội thánh “tiếp quản” các thánh thất Cao Đài độc lập.
Mặc dù hầu hết các thánh thất Cao Đài độc lập hoạt động thuần túy về tôn giáo nhưng chính quyền dường như xem sự độc lập của các thánh thất này là nguy cơ đe dọa về an ninh.
Từ cuối tháng 9 cho đến hết tháng 10/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức hội nghị về “phổ biến pháp luật cho người hoạt động tôn giáo” ở nhiều địa phương: Hải Phòng, Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, và Bắc Giang.
Những hội nghị này nhằm phổ biến các quy định quản lý tôn giáo khắt khe cho người hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Ngoài ra, hội nghị ở một số tỉnh thành còn trao đổi về việc giảng dạy hai môn học lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam trong các cơ sở tôn giáo.
Đây là một hình thức truyền đạt quan điểm kiểm soát của nhà nước đối với các tôn giáo tại Việt Nam. Các nhà hoạt động tôn giáo từ lâu đã phải lưu ý đến không chỉ quy định pháp luật, mà còn cách hành xử của cơ quan nhà nước.
Những hội nghị tương tự dự kiến tiếp tục diễn ra ở nhiều tỉnh, thành khác.
Tháng 10/2019, nhiều nhà sư đã lên tiếng về việc chính quyền cố tình đặt camera chĩa thẳng vào cổng các ngôi chùa của họ.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thượng tọa Thích Vĩnh Phước cho biết chính quyền đã cho lắp camera trước ngôi chùa Phước Bửu của ông. Chiếc camera này được lắp trước khi ông sang Hoa Kỳ vận động về quyền tự do tôn giáo.
“Không chỉ chùa Phước Bửu mà từ hơn một năm nay họ đặt rất nhiều camera ở huyện Xuyên Mộc cũng như ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu”, Thượng tọa Vĩnh Phước nói với đài RFA.
Một ngôi chùa khác ở Tp. Hồ Chí Minh cũng bị chính quyền lắp camera để giám sát.
“Từ năm 2000 đến nay thì lúc nào cũng gặp khó khăn, vì chùa Thiên Quang không sinh hoạt theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nên họ quản lý rất khó chịu, ngột ngạt”, Thượng tọa Thích Thiên Thuận nói với đài RFA về lý do chính quyền lắp camera giám sát chùa.
Cũng tại thành phố Hồ Chí Minh, Hòa thượng Thích Không Tánh tạm trú ở chùa Giác Hoa cũng bị chính quyền đặt camera giám sát.
“Tôi hỏi thì họ nói họ chỉ đi theo giám sát vì họ có bổn phận phải giám sát mình. Lắp camera là để theo dõi nên nhiều anh em dân chủ và bạn bè muốn đến thì cũng ngại hoặc không dám đến”, Hòa thượng Không Tánh nói với đài RFA.
Không chỉ đối với các nhà hoạt động tôn giáo, những năm qua, chính quyền đã lắp camera giám sát mà còn đối với các nhà hoạt động khác.
Các nhà hoạt động cho biết chính quyền muốn giám sát để biết ai ra vào ngôi nhà của họ, họ ra khỏi nhà khi nào. Vào những dịp đặc biệt như các chuyến thăm của các phái đoàn nước ngoài, lực lượng an ninh sẽ canh giữ để không cho họ ra khỏi nhà.
Tháng 10 năm nay đánh dấu một năm An Hòa Tự của Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) được thay ngói mới. Cũng là tròn một năm ngày sáu tín đồ độc lập của đạo này bị đánh đập trên đường đi ngăn cản việc này.
Vụ xô xát xảy ra vào ngày 7/10/2019 tại bến phà Thuận Giang, cách An Hòa Tự khoảng 1,7 km.
Các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập ngay từ đầu đã phản đối dự định thay ngói ngôi tổ đình An Hòa Tự. Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo được nhà nước công nhận vẫn tiến hành như dự định.
Sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập liên quan đến vụ xô xát này bao gồm Võ Văn Thanh Liêm, Lê Thanh Thực, Nguyễn Thanh Tùng, Võ Thị Thu Ba, Tô Văn Mạnh, và Lê Thanh Trúc.
Ông Thanh Liêm nói với đài RFA: “Khi chúng tôi lên đến phà Thuận Giang thì có 40 đến 50 người chặn lại, đánh ông Tô Văn Mạnh, ông Lê Thanh Thực, Nguyễn Thị Mỹ Triều, và cháu tôi là Võ Thị Thu Ba bị nó đập điện thoại. Tôi thấy vậy thì nó tính đánh tôi nữa mà tôi chế xăng dầu lên mình tôi tử thủ, tôi cắt cổ tôi, rồi nó đuổi về. Nó dùng cây dài thước mấy đánh người đến nát cái cây”.
Đến nay, sau một năm xảy ra vụ xô xát, công an vẫn không tiến hành điều tra vụ việc.