Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, mỗi ngày, người dân vẫn kiên cường sống.
12 tháng trước, không ai có thể mường tượng được rằng 2020 lại khó sống đến vậy.
Cơn đại dịch ập đến và ở lại không hẹn ngày đi, khiến cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới trở nên bất định. Ở Việt Nam, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, người dân như đi trên một chiếc tàu lượn siêu tốc: tình hình cứ tốt lên rồi lại xấu đi, người ta cứ hy vọng rồi lại thất vọng, vừa vui được chốc lát đã lại chìm vào giận dữ. Chung quanh bàn ăn mỗi sáng, nhà nhà đều bàn luận về cuộc chiến chống lại COVID-19, sức khỏe của nền kinh tế, và những nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch.
Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Bất chấp đại dịch có viếng thăm hay không, người dân vẫn tiếp tục sống, mỗi ngày, theo những cách bình thường hoặc bất thường. Bộ ảnh này khắc họa cuộc sống thường ngày của người dân trên khắp Việt Nam trong năm 2020, trải dài từ vùng núi Tây Bắc cho đến vùng cực Nam đất nước.
Các nhân vật trong ảnh có thể là người lao động nhập cư tại các thành phố lớn, hay những người dân tộc thiểu số ở các vùng nông thôn. Họ hiếm khi hiện diện trong câu chuyện đầy náo động của năm vừa qua.
Bộ ảnh này không có các nhân viên y tế, không có chính trị gia, cũng không có tin nóng. Những bức ảnh kể một câu chuyện khác. Câu chuyện về sự nhẫn nại đời thường.
Luật Khoa giới thiệu những bức ảnh đáng nhớ của Giang Phạm, một phóng viên ảnh tự do, trong suốt một năm quan sát đất nước.
Nông dân ở làng hoa Cái Mơn, huyện Chợ Lách thu hoạch hoa để chuẩn bị chuyển lên TP. Hồ Chí Minh bán trong dịp Tết. Bến Tre, tháng 01/2020.
Một người đi lễ chùa trong Tết Nguyên Tiêu, một dịp quan trọng của người Hoa ở Việt Nam, tổ chức vào rằm tháng Giêng. Những người tham dự đều đeo khẩu trang vì đó là lúc đại dịch vừa bùng phát. TP. Hồ Chí Minh, tháng 02/2020.
Một người đàn ông dùng xô thả từ trên cao xuống để nhận cà phê từ một quán nước trong xóm. Ảnh chụp tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 4/2020, khi quy định giãn cách xã hội đang vào lúc nghiêm ngặt.
Trong một quán cà phê võng ở ngoại ô TP. Hồ Chí Minh. Đây là nơi mà những người làm thuê ngả lưng mỗi tối, với giá 20.000 đồng một lượt. Ảnh chụp tháng 8/2020.
Chú rể đi bộ rước cô dâu cùng xóm về nhà, quận Đông Anh. Hà Nội, tháng 3/2020.
Những người bán hàng rong trong cơn mưa nặng hạt ở Bình Quới. Khu vực này là điểm ngập nghiêm trọng của TP. Hồ Chí Minh. Ảnh chụp tháng 6/2020.
Một bé gái giúp gia đình làm thịt chuột ở xã Bình Long, huyện Châu Phú, nơi có chợ chuột đồng lớn nhất cả nước. An Giang, tháng 9/2020.
Hai bạn nhỏ băng qua một chiếc cầu treo để mang quà Trung thu về nhà. Bắc Kạn, tháng 9/2020.
Một phụ nữ người Dao đỏ vận chuyển các túi su su lên xe cho thương lái. Lào Cai, tháng 9/2020.
Trong căn bếp của một gia đình M’nông, những người đàn ông đang nấu ăn. Không giống như người Kinh, người M’nông duy trì một chế độ xã hội mẫu hệ. Đắk Lắk, tháng 10/2020.
Những người công nhân đi phà qua sông Tam Giang để đến chỗ làm. Cà Mau, tháng 12/2020.
Một tộc trưởng người Bana trong nhà sinh hoạt cộng đồng, nơi cũng được dùng như nhà thờ để tổ chức thánh lễ của người Công giáo. Kon Tum, tháng 12/2020.
Một người Chăm thực hiện điệu nhảy trong nghi lễ Rija Dayep ở làng Bàu Trúc. Ninh Thuận, tháng 12/2020.
Một học sinh người Bana vừa tan lớp tại một điểm trường của trường Tiểu học KơPaKơLơng. Trường tiểu học ở nông thôn Việt Nam xây dựng các điểm trường ở nhiều nơi để tránh cho học sinh phải đi học quá xa. Kon Tum, tháng 12/2020.