Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Sẽ rất khó cho các nước nhỏ cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Dịch từ bài viết “South-East Asian countries are trapped between two superpowers” của tác giả Dominic Ziegler, đăng trên tờ The Economist ngày 17/11/2020.
***
Không khu vực nào trên thế giới hiện nay có nguy cơ hứng chịu các đòn cạnh tranh kinh tế, chiến lược và quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhiều như 11 quốc gia Đông Nam Á. Và sự cạnh tranh đó sẽ càng sâu sắc thêm vào năm 2021.
Một mặt, nhiều người trong khu vực đang dè chừng với sứ mệnh mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra, đó là giành lại vị trí trung tâm ở khu vực Đông Á vốn đã bị phương Tây và Nhật Bản phế truất vào thế kỷ 19 và 20. Tham vọng này không chỉ thể hiện ở việc Trung Quốc đang hung hăng thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải và lãnh thổ của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam ở Biển Đông, nơi phần lớn các chuyến vận chuyển thương mại đường biển của Trung Quốc đều đi qua. Tham vọng đó còn thể hiện qua lời kêu gọi của ông Tập về khẩu hiệu “người châu Á lo việc nội bộ của châu Á” (Asian people to run the affairs of Asia), nghe giống như một điều lệ cho phép Trung Quốc điều hành châu Á. Như một bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã từng phát biểu trong cuộc họp với 10 nước thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): “Trung Quốc là một nước lớn còn các bạn là các nước nhỏ, và đó là điều hiển nhiên”.
Mặt khác, trong khi các thành viên ASEAN hoan nghênh Mỹ với tư cách là cường quốc quân sự thống trị trong khu vực để đối trọng lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, tất cả đều hiểu rằng xung đột sẽ là thảm họa đối với họ. Các nhà ngoại giao Đông Nam Á đã không lớn tiếng cổ vũ luận điệu chống Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Donald Trump, và luận điệu này khó có thể dịu đi nhiều dưới thời Joe Biden. Điều này không có gì lạ. Nhiều chính phủ trong khu vực thù địch với dân chủ và ít có chính phủ nào coi mô hình chính trị của Mỹ là đáng để noi theo.
Trên hết, Trung Quốc ở quá gần và đã quá hùng mạnh để các nước trong khu vực có thể đối đầu. Quốc gia này là đối tác thương mại lớn nhất của Đông Nam Á và là nhà đầu tư lớn thứ hai, sau Nhật Bản. Sự thịnh vượng của ASEAN gắn liền với Trung Quốc cũng như các chuỗi cung ứng của nước này. Và như Sebastian Strangio, một nhà quan sát nhạy bén về khu vực, đã chỉ ra trong một cuốn sách mới, “In the Dragon’s Shadow” (Dưới bóng con rồng), Đông Nam Á có một mối liên hệ cực kỳ quan trọng trong sự tăng trưởng và ổn định của Trung Quốc: trong lịch sử, khi Trung Quốc hỗn loạn, sự bất ổn cũng lan rộng xuống các nước phía Nam.
Vì vậy, làm thế nào để không bị mắc kẹt giữa hai người khổng lồ? Các chiến lược gia của khu vực tự nhắc nhở bản thân rằng, khi để các cường quốc đối đầu với nhau, mọi thứ còn tồi tệ hơn. Vào đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, các cuộc xung đột đẫm máu ở Đông Dương cùng với các cuộc nổi dậy của cộng sản ở những nơi khác đã đe dọa khiến cho quyền tự chủ của Đông Nam Á xuống đến mức bằng không. Những lo ngại như vậy và nhu cầu về một cơ chế dung hòa sự ngờ vực lẫn nhau là chất xúc tác để Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore lập nên ASEAN hơn 50 năm trước. Ngày nay thì sao? Ít nhất, các chiến lược gia cho rằng, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã không thỏa thuận chia phần khu vực ảnh hưởng với nhau.
Đối với năm 2021, kinh nghiệm của khu vực trong việc đối phó với sự cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ trở nên nổi bật. Đông Nam Á đã sống dưới sự thống trị của Trung Quốc trong nhiều thiên niên kỷ, còn các nước thành viên ASEAN đã phải thích ứng với sự hiện diện của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Thế giới II. Bilahari Kausikan, từng là nhà ngoại giao hàng đầu của Singapore, cho biết cách tiếp cận sẽ là “đu dây, tập hợp lực lượng để cân bằng với mối đe dọa và nương theo chiều gió (hedge, balance and bandwagon).”
Sinh viên quan hệ quốc tế thường được dạy rằng chỉ có thể thực hiện một trong ba phương pháp này tại một thời điểm. Tuy nhiên, những người Đông Nam Á thực dụng, ông Kausikan lập luận, có sở trường làm cả ba cách cùng một lúc. Một ví dụ vào năm 2021: Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ tiếp tục ve vãn ông Tập trong lĩnh vực đầu tư từ Trung Quốc và mong đợi một sự nồng ấm nhanh chóng trong quan hệ quân sự đã từng căng thẳng với Mỹ. Đông Nam Á vào năm 2021 cũng sẽ phải làm nhiều điều hơn nữa để mời chào các cường quốc khác, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ, để chia sẻ sự thịnh vượng và gánh vác an ninh trong khu vực.
Phải thừa nhận rằng các lựa chọn đu dây, cân bằng sức mạnh với mối đe dọa và nương theo chiều gió dựa trên một giả định lớn: cả Mỹ và Trung Quốc đều không thực sự có ý định chia tách hoàn toàn hai nền kinh tế của họ. Tính toán đó có lẽ là đúng. Ngay cả khi hai cường quốc cạnh tranh gay gắt và đàm phán để định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu, người Đông Nam Á vẫn có ý định kiếm lợi từ việc đó.
Mặc dù vậy, đó là một canh bạc, và các rủi ro khác luôn rình rập. Trong số chúng, không kém phần quan trọng là việc duy trì sự đoàn kết của ASEAN. Trung Quốc đã cố gắng phá hoại tình đoàn kết của tổ chức này bằng cách biến Campuchia và Lào thành các quốc gia phụ thuộc (client state). Việc ông Tập ngày càng mạnh miệng lên tiếng cho tất cả người gốc Hoa ở nước ngoài, bao gồm cả 30 triệu người Đông Nam Á có tổ tiên là Trung Quốc, đã làm tăng nguy cơ những kẻ mị dân theo chủ nghĩa bản địa bài ngoại (nativism) sử dụng định kiến chống Trung Quốc để gây thù hận sắc tộc.
Có lẽ rủi ro đáng sợ nhất là một vài cuộc đụng độ ngoài ý muốn giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông. Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, các chiến lược đu dây, cân bằng sức mạnh và nương theo chiều gió sẽ không đưa các nước đi quá xa.