Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hệ thống nhân quyền toàn cầu – Kỳ 3 và hết

Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hệ thống nhân quyền toàn cầu – Kỳ 3 và hết
Người dân sống tại Trung Quốc là những nạn nhân đầu tiên của thể chế độc tài vi phạm nhân quyền. Ảnh: Human Rights Watch.

Chúng ta đã tìm hiểu về cách thức Trung Quốc thay đổi luật chơi, vừa để gạt đi các chỉ trích vi phạm nhân quyền nhắm vào mình, vừa phá hoại hệ thống bảo vệ nhân quyền quốc tế (Kỳ 1), đồng thời xem cách họ xuất khẩu những tiêu chuẩn “nhân quyền và phát triển kiểu Trung Quốc” ra thế giới (Kỳ 2).

Kỳ 3 là câu hỏi mà tất cả phải trả lời: Nếu Bắc Kinh tiếp tục được như ý muốn, thế giới sẽ ra sao, và chúng ta nên làm gì.

Bài viết là phần còn lại của báo cáo do Sophie Richardson, giám đốc phụ trách mảng Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) thực hiện, được công bố vào tháng 9/2020. Luật Khoa dịch và giới thiệu đến độc giả.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các chính sách của Trung Quốc không bị đảo ngược? Và chúng ta nên làm gì?

Việc Trung Quốc tấn công vào hệ thống nhân quyền quốc tế, xâm phạm luật pháp và các nỗ lực thúc đẩy sự phát triển tôn trọng nhân quyền và tự do ngôn luận, một khi không bị ngăn chặn, sẽ để lại hậu quả ai cũng có thể trông thấy.

Nếu những xu hướng này tiếp tục gia tăng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ ngày càng khó có khả năng triển khai các hành động áp chế để đối phó với những cuộc khủng hoảng nhân quyền nghiêm trọng; các nền tảng cốt lõi của hệ thống nhân quyền toàn cầu với không gian cho các tổ chức độc lập sẽ tiếp tục bị xói mòn; và chính quyền Trung Quốc (cùng các đồng minh của nước này) sẽ ngày càng dễ dàng chối bỏ trách nhiệm cho mọi hành vi xâm phạm nhân quyền của họ.

Chính quyền các quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng sẽ biết rằng họ có thể dựa vào Bắc Kinh, tìm kiếm các khoản vay và đầu tư mà không kèm theo điều kiện nào. Người dân trên khắp thế giới sẽ ngày càng thận trọng hơn trước khi chỉ trích chính quyền Trung Quốc, ngay cả khi họ là công dân của các nước dân chủ coi trọng nhân quyền, hay làm việc trong những môi trường như học thuật, vốn dĩ là nơi mà các cuộc tranh luận cần được khuyến khích.

Các hành vi của chính quyền Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 – như việc ngăn chặn các cuộc điều tra độc lập về đại dịch COVID-19, gạt bỏ luật pháp quốc tế để áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hong Kong, thậm chí thao túng các buổi tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn tại Hoa Kỳ – dường như đã tạo ra một hợp lực để nhiều người bắt đầu đẩy lùi các ảnh hưởng từ Bắc Kinh.

Đại biểu quốc hội từ nhiều nước đang kêu gọi bổ nhiệm một đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về vấn đề Hong Kong, chính quyền một số nước đang gây sức ép với Bắc Kinh trong việc bưng bít thông tin của đại dịch COVID-19, báo chí cũng thường xuyên đưa tin về việc các doanh nghiệp phải nhượng bộ trước sức ép kiểm duyệt của Trung Quốc. Thế nhưng, những nỗ lực này vẫn còn xa mới tạo ra một đối trọng cần thiết để chống lại các ý đồ của Bắc Kinh, khi giờ đây các mối đe dọa từ những hành vi của họ đã ngày càng hiện rõ trước mắt.

Muốn bảo vệ hệ thống nhân quyền của Liên Hợp Quốc khỏi bị Trung Quốc làm xói mòn, các quốc gia tôn trọng nhân quyền cần khẩn trương thành lập một liên minh hợp tác lâu dài, để không chỉ đảm bảo rằng họ đang theo dõi sát sao, mà còn chuẩn bị sẵn sàng và tận dụng mọi cơ hội để đẩy lùi các mối đe dọa.

Điều này bao gồm việc đề cử ứng cử viên cho các vị trí chuyên gia của Liên Hợp Quốc và chỉ ra những vấn đề gây cản trở, dễ bị thao túng trong hệ thống đánh giá năng lực ứng viên. Nó cũng bao gồm việc vận động phản đối các nghị quyết phá hoại những chuẩn mực cơ bản, đồng thời huy động các đồng minh tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (HRC) hoặc những tổ chức khác theo quyết định của các khối trong khu vực.

Trung Quốc có lợi thế ở túi tiền khổng lồ, đồng thời không phải đối mặt với những thay đổi định kỳ trong bộ máy nhà nước, vốn có thể cản trở khả năng lên kế hoạch lâu dài của nước này; trong khi các thể chế dân chủ gặp nhiều khó khăn với cả hai vấn đề trên. Nhưng bất chấp các trở ngại đó, đây là cuộc đấu tranh bắt buộc phải thắng, không chỉ vì 1,4 tỷ người ở Trung Quốc, mà còn vì toàn bộ nhân loại khắp hành tinh.

Chính quyền tại các nước, đặc biệt là những nước đã tham gia ngân hàng AIIB, nên sử dụng đòn bẩy hợp tác của mình để xây dựng một thể chế áp dụng các nguyên tắc cũng như phương pháp thực thi nhân quyền và môi trường đã được thiết lập, nhằm đảm bảo một sự phát triển không dựa trên bất kỳ hành vi xâm phạm quyền con người nào.

Bên cạnh đó, các nước tham gia vào dự án BRI cũng nên xem xét cẩn thận các hệ quả, và đảm bảo rằng họ sẽ luôn thực hiện các quy chuẩn mà Trung Quốc sẽ bỏ qua như: tham vấn ý kiến đầy đủ từ cộng đồng, minh bạch hoàn toàn về những ảnh hưởng tài chính đối với đất nước, và đảm bảo rằng những người dân bị các dự án ảnh hưởng có quyền từ chối các dự án phát triển này.

Chính quyền các quốc gia cần khẩn trương xem xét các mối đe dọa của Bắc Kinh đối với quyền tự do ngôn luận ở nước mình. Họ nên theo sát những mối đe dọa đối với công dân trong nước, và truy trách nhiệm ở mức tối đa thông qua các biện pháp cấm vận có chọn lọc.

Các cơ sở giáo dục không nên chỉ dừng lại ở những chính sách minh bạch hơn trong các tương tác với cơ quan chính quyền Trung Quốc. Họ cần khẩn trương đảm bảo rằng tất cả mọi cá nhân đều có quyền tiếp cận tự do ngôn luận một cách bình đẳng. Nếu không làm được vậy, những tổ chức này đang rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm của mình.

Các công ty có vai trò trong việc chống lại sự kiểm duyệt. Họ nên nhận ra rằng mình không thể thắng trong ván bài của Bắc Kinh, đặc biệt là khi các công ty này phải có trách nhiệm tôn trọng nhân quyền theo Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Kinh doanh và Nhân quyền (United Nations Guiding Principles on Business and Human Rights).

Các doanh nghiệp nên soạn thảo và thúc đẩy các quy tắc ứng xử để đối phó với Trung Quốc, trong đó quy định việc cấm các thành viên tham gia hoặc hỗ trợ cho các hành vi xâm phạm quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, quyền riêng tư, hội họp hoặc các quyền con người khác được quốc tế công nhận. Các tiêu chuẩn chung vững chắc sẽ làm khó Bắc Kinh hơn trong việc trừng phạt riêng lẻ những người dám đứng lên ủng hộ các quyền tự do cơ bản. Sự liên kết này cũng giúp người tiêu dùng và các cổ đông có vị thế tốt hơn trong việc yêu cầu các doanh nghiệp không khuất phục trước đòi hỏi kiểm duyệt để đánh đổi lấy cơ hội làm ăn ở Trung Quốc, đồng thời không bao giờ nên hưởng lợi từ hoặc góp phần vào các hành vi xâm phạm.

Cuối cùng, cần lưu ý đảm bảo những biện pháp đưa ra để hạn chế các mối đe dọa từ chính quyền Trung Quốc đối với quyền con người sẽ không gây hậu quả tiêu cực đối với người dân trên khắp Trung Quốc, hoặc người gốc Hoa trên thế giới.

Đại dịch COVID-19 đã làm rộ lên một làn sóng quấy rối và tấn công mang màu sắc phân biệt chủng tộc đối với người gốc Á. Đáng báo động là một số chính quyền, chính trị gia cùng với các chính sách được ban hành đang rơi vào cái bẫy của Bắc Kinh: nhập nhằng đánh đồng giữa nhà nước Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc và người dân Trung Quốc.[46] Những thành tố này không hề giống nhau, và quyền con người của người dân Trung Quốc nên được đặt tại vị trí trọng tâm của các chính sách trong tương lai.

***

Tham khảo:

[46] “Covid-19 Fueling Anti-Asian Racism and Xenophobia Worldwide,” Human Rights Watch, May 12, 2020.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.