Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trước khi đi vào chi tiết, người viết phải thừa nhận rằng ban đầu đã có cảm giác hơi rối khi đọc nghiên cứu “English in Vietnam” (Anh ngữ tại Việt Nam). Tran Phuong Minh, tác giả chính của nghiên cứu, đã dành một thời lượng đáng kể ở phần mở đầu để giới thiệu Việt Nam và lịch sử ngàn năm chống Bắc thuộc của đất nước. Tác giả thậm chí còn đề cập cụ thể cả cuộc chiến giành độc lập đầu tiên của Việt Nam khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán. Đó đều là những thông tin có phần khá… xa lạ cho một nghiên cứu về Anh ngữ tại Việt Nam.
Song khi nhìn thấy tấm bản đồ trong đó ghi nhận đầy đủ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, người viết nhận ra mục tiêu lớn hơn (hay ở góc độ nào đó là cao cả hơn) của phần mở đầu. Tác giả có lẽ muốn dùng cơ hội đăng tải nghiên cứu của mình để phản kháng lại những bản đồ “đường lưỡi bò” được các học giả Trung Quốc tuyên truyền tràn lan rầm rộ. Chỉ tính riêng điểm này, chưa bàn đến nội dung của nghiên cứu, người viết đã vô cùng trân trọng tinh thần của tác giả Minh.
Tuy nhiên, không phải không có sự kết nối giữa các thảo luận trên với sự tồn tại của tiếng Anh ở Việt Nam đương đại. Tiếng Trung từng là thứ ngôn ngữ tinh hoa thống trị hệ thống học thuật, quản trị hành chính và văn thơ Việt Nam suốt một ngàn năm. Vậy vai trò của tiếng Anh là gì, và nó bắt rễ tại Việt Nam như thế nào hiện nay?
Nghiên cứu bắt đầu với việc hệ thống hóa các ngoại ngữ trong chiều dài lịch sử Việt Nam. Theo phân tích của Minh, các ngoại ngữ được sử dụng phổ biến tại Việt Nam từ trước đến nay đều không nằm ngoài ảnh hưởng của một thế lực ngoại bang thống trị hoàn toàn đất nước.
Tiếng Hán là kết quả của hàng ngàn năm người phương Bắc thống trị Việt Nam về mặt quân sự, tư tưởng và văn hóa. Nhưng nó cũng nhanh chóng bị thay thế ngay khi giới tinh hoa Việt Nam có thời gian phát triển riêng ngôn ngữ của mình (tiếng Nôm) và tiếp cận với các loại ngôn ngữ khác, giúp họ thoát được cái rễ văn hóa Trung Hoa không mong muốn.
Tiếng Pháp, giống như thế, tồn tại chủ yếu nhờ vào sự áp đặt của chính quyền thực dân, và luôn bị đặt vào tình thế phải cạnh tranh với thứ ngôn ngữ Latin mà chính các nhà truyền giáo của họ khởi dựng. Ngay sau năm 1954, tiếng Pháp nhanh chóng mất đi sự hấp dẫn của mình.
Tương tự, tại miền Bắc từ năm 1954 cho đến sau năm 1975, giáo dục tiếng Trung và tiếng Nga được ưu ái do hai quốc gia anh cả này viện trợ dồi dào cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong suốt và sau chiến tranh. Nhưng khi các khó khăn kinh tế giai đoạn Chiến tranh lạnh lộ rõ, các quốc gia xã hội chủ nghĩa buộc phải thân ai nấy lo, cả tiếng Nga lẫn tiếng Trung đều “rớt đài” khỏi đấu trường ngoại ngữ Việt Nam.
Tiếng Anh, với tư cách là ngôn ngữ kinh tế toàn cầu, là thứ ngôn ngữ bắt rễ tại quốc gia chúng ta tự nhiên hơn cả, theo cách tiếp cận của tác giả. Thú vị hơn, khác với các loại ngôn ngữ trước đó du nhập vào Việt Nam theo con đường “chính chủ”, tiếng Anh đi cùng các nhà đầu tư Đài Loan, Singapore, Hong Kong và Liên minh châu Âu vào Việt Nam, với tư cách là “lingua franca” (ngôn ngữ phổ thông thứ hai) của những nhóm này.
Các bậc phụ huynh Việt Nam, kỳ vọng rằng con em mình có chỗ đứng trong các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, là những người đầu tiên khởi động phong trào học tiếng Anh tại Việt Nam.
Tác giả ghi nhận, phải đến năm 1993, Hội đồng Anh (British Council), nhánh văn hóa của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam, mới bắt đầu chương trình English Language Training (Đào tạo tiếng Anh) cho các nhân viên công quyền tại Việt Nam. Và đến tận năm 2002, các chương trình đào tạo tiếng Anh chính thức, “chính chủ” của người Anh mới được ra mắt công chúng.
Tương tự, “nhà truyền bá” tiếng Anh quan trọng khác là Hoa Kỳ cũng rất chậm chân trong cuộc chơi. American Center (Trung tâm Hoa Kỳ) ở cả hai thành phố lớn Bắc và Nam của đất nước có vai trò khá quan trọng trong giao lưu và phổ biến văn hóa Mỹ, nhưng có vẻ không năng động lắm trong các hoạt động phổ biến ngôn ngữ Anh.
Phải đến tận năm 2016, Peace Corp (đã được Luật Khoa đề cập ở đây) mới được giới thiệu và hoạt động tại Việt Nam nhân sự kiện chuyến thăm chính thức của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, Peace Corp tập trung vào các hoạt động giao lưu văn hóa – khoa học – xã hội nhiều hơn là phổ biến ngôn ngữ và giới thiệu những biện pháp quy chuẩn hóa chúng, dù họ có các chương trình giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em.
Tiêu đề phụ là của người viết tự đặt và không chắc tác giả có đồng ý với kiểu giật tiêu đề này hay không. Tuy nhiên, với các thông tin được cung cấp trong nghiên cứu, có nhiều lý do để cảm thấy thất vọng về tình trạng đào tạo thứ ngôn ngữ toàn cầu này suốt 30 năm qua.
Trước tiên, dù nguồn gốc du nhập Anh ngữ của Việt Nam rất đa dạng với sự xuất hiện của Anh ngữ pha trộn phương ngữ Singapore, Hong Kong, Đài Loan hay châu Âu, chúng gần như không có biểu hiện hay ảnh hưởng gì đến việc đa dạng hóa phương pháp đào tạo, ngữ âm hay từ vựng tiếng Anh tại Việt Nam.
Mặc khác, cân nhắc mô hình đào tạo tiếng Anh của Việt Nam, hiệu quả có thể cho là gần như bằng không.
Các nghiên cứu của tác giả Minh vào bên trong hệ thống đào tạo cho thấy ngoại ngữ, mà đặc biệt là tiếng Anh, đã được giới thiệu và trở thành một môn học bắt buộc của chương trình đào tạo phổ thông từ năm lớp ba. Để tốt nghiệp cấp hai, các học sinh lớp chín đều phải trải qua kỳ thi quốc gia mà trong đó tiếng Anh (chiếm 90% lựa chọn ngoại ngữ của học sinh Việt Nam) là một môn thi bắt buộc. Tương tự, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cũng là nơi mà các học sinh buộc phải vượt qua môn tiếng Anh. Tuy nhiên, gần 12 năm đào tạo Anh ngữ dường như chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, không có bất kỳ tác động nào đáng kể lên năng lực tiếng Anh của học sinh sinh viên.
Tác giả Minh dẫn chứng, vào năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 1400/QD-TTg nhằm phê duyệt Chương trình Ngoại ngữ Quốc gia hướng tới mục tiêu 2020 (National Foreign Language Program – NFLP 2020). Trong đó, ngân sách lên đến 500 triệu USD được sử dụng nhằm hướng đến kết quả là tất cả học sinh rời hệ thống giáo dục phổ thông đều có một kiến thức tốt về Anh ngữ trong lý thuyết lẫn thực hành.
Tuy nhiên, hơn 85% nguồn tài chính trên được dùng để… “đào tạo lại” các giảng viên Anh ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông vốn bị cho là có năng lực dưới chuẩn trung bình. Trong khi đó, các nỗ lực xem xét lại chương trình đào tạo, quy chuẩn hóa và đa dạng hóa phương pháp giảng dạy ngoại ngữ, tăng cường kết hợp… lại nhận được rất ít sự chú ý.
Quan trọng hơn, việc áp đặt 400 giờ đào tạo nâng cao cho các giáo viên Anh ngữ, vốn vẫn phải song song hoàn thành các nghĩa vụ giảng dạy thông thường, càng khiến cho nỗ lực chấn chỉnh chương trình đào tạo ngoại ngữ tại Việt Nam không đạt được hiệu quả gì đáng kể. Như dự đoán, trong năm 2013, các bài kiểm tra năng lực cho thấy vẫn có tới 80.000 giáo viên Anh ngữ dưới chuẩn yêu cầu. Tình hình không hề thay đổi trong bài kiểm tra hai năm sau đó.
Đến năm 2018, theo các đánh giá khách quan từ những học giả Việt Nam, NFLP 2020 chính thức phá sản. Chính phủ Việt Nam hiện nay đã gia hạn mục tiêu từ năm 2020 sang năm 2025.
Một điểm trừ của nghiên cứu theo người viết, là tác giả chỉ dừng lại ở mức độ quan sát và cảm nhận, hơn là có một phương pháp nghiên cứu sáng tạo và hiệu quả hơn để đánh giá việc sử dụng Anh ngữ trong các hoạt động đời sống thường ngày tại Việt Nam. Tuy nhiên, những đánh giá – tổng hợp của Minh cũng đáng xem xét và cân nhắc về thực trạng áp dụng Anh ngữ tại Việt Nam.
Ví dụ, Minh cảm thấy rằng giới trẻ Việt Nam tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh đã đủ mức độ thông thạo để vượt qua các cuộc trò chuyện với du khách nước ngoài liên quan đến hoạt động mua bán lẻ và dịch vụ. Ngoài ra, tiếng Anh cũng được xem là mang lại cho người sử dụng địa vị xã hội cao hơn. Vì vậy, thanh thiếu niên Việt Nam thường chuyển đổi qua lại giữa việc sử dụng tiếng Anh và tiếng Việt trên mạng xã hội.
Liên quan đến vốn từ có gốc Anh ngữ, từ giai đoạn trước 1975, “mít-tinh” (meeting), “ti-vi” (TV) hay “top” (top) đều đã được sử dụng như một phần ngôn ngữ bản địa. Cho đến nay, nghiên cứu chỉ ra phải có đến gần 800 từ tiếng Anh xuất hiện thường xuyên trên báo chí địa phương.
“Internet”, “hot boy/girl”, “shop”, “fan”, “fast food”… phổ biến đến mức chúng hoàn toàn thay thế các từ tiếng Việt tương ứng.
Tuy nhiên, thực trạng hiện tại cho thấy mô hình đào tạo không hiệu quả, việc sử dụng Anh ngữ chưa rộng rãi (mà theo người viết có thể dùng cụm “chưa được bình dân hóa”). Ngoài ra, tư duy ưa thích sử dụng tiếng Anh “chính chủ”, “cao cấp” dẫn đến việc người Việt Nam (kể cả các giáo viên) rất khó tiếp cận tiếng Anh như ngôn ngữ đại chúng thứ hai (English as Lingua Franca – ELF). Rất nhiều người Việt chưa chấp nhận sự khác biệt về phương ngữ, ngữ âm, từ vựng hay văn hóa tiếng Anh nằm ngoài hai vùng “rốn” là Anh hay Hoa Kỳ.
Thay vào đó, các giáo viên gò học sinh vào việc phát âm đúng từng câu chữ theo chuẩn Anh hoặc chuẩn Mỹ, trong khi bản thân các học sinh cũng khinh thường các phiên bản tiếng Anh “không chuẩn”. Việc giới thiệu các phiên bản khác của tiếng Anh như Singlish (tiếng Anh của người Singapore) hay Indian-English (tiếng Anh của người Ấn Độ)… đều được xem là những việc không nên, có thể làm hỏng nền tảng ngôn ngữ và làm “ô nhiễm” môi trường đào tạo Anh ngữ.
Theo nhiều nhà ngôn ngữ học, định kiến này dẫn đến cách hiểu sai về tiếng Anh, không chấp nhận sự thật rằng nó là một ngôn ngữ toàn cầu với vô số biến thể khác nhau. Đây là một trong những rào cản của việc phổ biến Anh ngữ và gắn kết nó với văn hóa đại chúng Việt Nam.