Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Chính quyền Ba Lan vẫn chưa thể dừng ham muốn kiểm soát quyền tự quyết sinh sản của phụ nữ.
Hàng trăm nghìn người đang đeo khẩu trang xuống đường ở Ba Lan để phản đối một phán quyết của tòa án khiến cho việc phá thai trở thành phạm pháp.
Người biểu tình, đa số là phụ nữ trẻ, bày tỏ rằng họ không thể chịu nổi sự xâm phạm của chính quyền thêm nữa. “Tôi chỉ muốn sống trong một đất nước văn minh, nơi quyền của mình được tôn trọng. Đó là lý do tôi ở đây”, một người biểu tình chia sẻ trong video của Vox.
Là một quốc gia với đa số dân chúng theo đạo Công giáo, Ba Lan có luật phá thai hà khắc nhất trong các quốc gia của Liên minh châu Âu.
Ở nước này, phụ nữ chỉ được phép phá thai trong ba trường hợp. Thứ nhất, việc mang thai ảnh hưởng tới tính mạng của người mẹ; thứ hai, việc thụ thai là hậu quả của một vụ cưỡng bức hoặc loạn luân, và thứ ba là thai nhi có các bất thường nghiêm trọng. Mọi lý do phá thai khác đều không được chấp nhận.
Tuy nhiên, các chính trị gia ở Ba Lan vẫn chưa muốn dừng lại ở đó.
Năm 2015, Đảng Luật Pháp và Công Lý thắng cử và trở thành đảng cầm quyền ở Ba Lan. Đây là đảng chính trị cổ xúy đường lối chính trị cánh hữu bảo thủ.
Kể từ khi lên nắm quyền, đảng này đã ngay lập tức bắt tay vào việc xây dựng luật nhằm xóa bỏ hoàn toàn khả năng phá thai của phụ nữ.
Chủ tịch của đảng, ông Jarosław Kaczyński, thậm chí còn tuyên bố rằng “ngay cả đối với các trường hợp mang thai trong đó bào thai được xác định là chắc chắn sẽ tử vong, thì người mẹ vẫn phải sinh đứa bé đó ra, để đứa bé đó được rửa tội, chôn cất, và đặt tên”.
Năm 2016, chỉ một năm sau khi lên nắm quyền, đảng Luật pháp và Công lý đệ trình dự luật mới trong đó tiến tới cấm hoàn toàn mọi hình thức phá thai. Luật này thậm chí quy định người phụ nữ thực hiện phá thai và cả bác sĩ tiến hành sẽ bị kết án lên đến 5 năm tù giam. Cực đoan hơn, luật còn yêu cầu điều tra các vụ sảy thai xem liệu có hay không sự cố tình của người mẹ.
Ngay sau khi dự luật mới được đệ trình, hàng ngàn phụ nữ Ba Lan khi đó đã xuống đường biểu tình và tạo ra phong trào nữ quyền lan rộng trên khắp cả nước. Người biểu tình đặt tên cho phong trào này là “The Black Protests” (Cuộc biểu tình đen), trong đó người tham gia biểu tình sẽ mặc trang phục màu đen, ám chỉ rằng họ đang than khóc cho quyền sinh sản của mình.
Ngoài biểu tình, phụ nữ Ba Lan cũng được kêu gọi đình công qua các hình thức như không đến công sở, không tới trường, và không làm việc nội trợ.
Đứng trước làn sóng phản đối rộng khắp của phụ nữ trên toàn quốc, Đảng Luật pháp và Công lý đã phải từ bỏ kế hoạch bỏ phiếu thông qua dự luật cấm phá thai mới.
Mặc dù đã thất bại trong việc cấm phá thai thông qua con đường lập pháp năm 2016, đảng cầm quyền của Ba Lan vẫn không từ bỏ toan tính chính trị của mình. Và lần này, họ hướng sự chú ý vào Tòa Bảo hiến, hộ pháp của nền dân chủ Ba Lan.
Giống như các tòa bảo hiến khác, chức năng của cơ quan này ở Ba Lan là giám sát các dự luật được quốc hội thông qua xem chúng có tuân thủ các quy định của hiến pháp hay không. Tòa này hoạt động hoàn toàn độc lập.
Để đảm bảo rằng các thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết theo hướng có lợi cho mình, Đảng Luật pháp và Công lý từ chối tuyên thệ một số vị thẩm phán được chính phủ cũ đề cử, và thay thế bằng những người có xu hướng ủng hộ đảng này. Họ thậm chí còn đưa đảng viên của mình vào ngồi ghế thẩm phán. Kết quả là hiện nay trong 15 vị thẩm phán của Tòa Bảo hiến, có đến 14 vị ủng hộ đảng cầm quyền.
Bằng việc hủy hoại tính độc lập và phi chính trị của Tòa Bảo hiến, đảng cầm quyền ở Ba Lan đã đập bỏ một trong những cơ chế quan trọng nhất, có tính quyết định đối với việc duy trì nền dân chủ ở Ba Lan.
Sau khi đã đảm bảo các thẩm phán của Tòa Bảo hiến sẽ đưa ra các phán quyết có lợi cho mình, Đảng Pháp luật và Công lý đệ đơn yêu cầu Tòa Bảo hiến xem xét lại luật phá thai hiện hành của Ba Lan, vốn cho phép phụ nữ tiến hành phá thai nếu đáp ứng một trong ba điều kiện đã nêu.
Trong yêu cầu của mình, Đảng Pháp luật và Công lý đề nghị Tòa Bảo hiến bãi bỏ điều kiện cho phép phá thai thứ ba, tức là trường hợp bào thai gặp các bất thường nghiêm trọng. Họ chỉ giữ lại hai điều kiện đầu: việc mang thai đe doạ tính mạng của người mẹ, và việc mang thai là hậu quả của hành động cưỡng bức hoặc loạn luân.
Vấn đề ở đây là lý do thứ ba chiếm đến 98% tổng số ca phá thai ở Ba Lan (1.074/1.100 ca vào năm ngoái). Như vậy, dù không trực tiếp ra lệnh cấm phá thai, nhưng với việc chỉ cho phép 2% số ca phá thai được tiến hành, điều đó cũng không khác gì so với việc cấm phá thai hoàn toàn.
79% người dân Ba Lan phản đối sự thay đổi này. Nhưng 11/15 thẩm phán Tòa Bảo hiến bỏ phiếu thông qua vào ngày 22/10/2020. Phán quyết này khiến cho gần như mọi trường hợp phá thai ở Ba Lan trở thành vi hiến.
Hàng trăm ngàn người đã lập tức xuống đường để phản đối, bất chấp đại dịch đe dọa đến tính mạng của họ. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Ba Lan vào năm 1989. Lần này, những người biểu tình còn thách thức cả những vùng cấm trong xã hội Ba Lan, đặc biệt là giáo hội Công giáo. Đây là lực lượng đã luôn tạo áp lực để chính quyền Ba Lan kiểm soát quyền tự quyết sinh sản của phụ nữ.
Vào cuối tháng 10/2020, nhiều nhóm phụ nữ đã xuất hiện tại các thánh lễ với khẩu hiệu “Chúng tôi chịu đựng đủ rồi”, “Chúng tôi sẽ không trở thành nạn nhân”. Họ bị các nhóm ủng hộ nhà thờ phản ứng lại, đôi khi bằng bạo lực. Ở Konstancin Jeziorna, thuộc ngoại ô Warsaw, một bức tượng của Đức Giáo hoàng John Paul II – vị anh hùng dân tộc của Ba Lan bị xịt đầy sơn đỏ. Đây là hành động trước đây chưa từng có ai dám nghĩ tới.
Trước sức ép khủng khiếp từ cuộc biểu tình, chính quyền Ba Lan đã bỏ lỡ hạn chót là ngày 2/11 để công bố phán quyết của Tòa Bảo hiến, đồng nghĩa rằng quy định mới tạm thời bị hoãn thực thi. Tuy vậy, chính quyền vẫn có thể công bố phán quyết vào bất kỳ lúc nào họ muốn, như họ từng làm trước đây, dù các chuyên gia cho rằng làm vậy là vi hiến.
Cho đến thời điểm này, ở Ba Lan, số mệnh của nữ quyền và nền dân chủ vẫn còn đang bỏ ngỏ. Biểu tình vẫn không dừng lại.
Bài viết được tổng hợp dựa trên thông tin từ Vox và The New York Times.