Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Khi chính quyền Campuchia móc ngoặc với doanh nghiệp Việt Nam, người dân bản xứ lâm vào cảnh khốn cùng.
Campuchia đang trong tầm ngắm của các chiến dịch trưng dụng đất và vơ vét tài nguyên, được các doanh nghiệp Việt Nam góp phần thúc đẩy. Việc chính phủ Campuchia cấp đất cho các nhà đầu tư của Việt Nam đã gây ra một cảm giác bất an và căm hận người Việt sâu sắc trong xã hội nước này. Dân làng không những phải vật lộn với cái nghèo mà còn đụng độ bạo lực với những doanh nghiệp Việt Nam. Tình trạng trên thường xuyên xảy ra ở các tỉnh phía Đông Bắc Campuchia, nơi sinh kế của người dân thường xuyên bị các công ty Việt Nam đe dọa.
Hai bài viết tác giả sẽ giới thiệu sau đây dựa trên dữ liệu và báo cáo điều tra của các tổ chức quốc tế Global Witness (Anh), Environmental Investigation Agency (Anh), World Bank; các tổ chức phi chính phủ Campuchia LICADHO, Adhoc Cambodia, Sahmakum Teang Tnaut; các tờ báo của Campuchia Cambodia Daily, Phnompenh Post; và các nguồn uy tín khác.
Tác giả sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa thực dân mới” (neo-colonialism) dựa trên các định nghĩa của học giả Kwame Nkrumah, cũng như định nghĩa của học giả Sandra Halperin trên từ điển Britannica. Theo đó, chủ nghĩa thực dân mới là việc một quốc gia kiểm soát và bóc lột một quốc gia kém phát triển hơn dựa trên những công cụ gián tiếp như đầu tư, viện trợ, cho vay… Một ví dụ thường được dẫn chiếu, mặc dù gây tranh cãi, là sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi. Tác giả hiểu rằng việc gọi ảnh hưởng của Việt Nam ở Campuchia là “chủ nghĩa thực dân mới” cũng sẽ gây ra những tranh cãi tương tự.
***
Tính đến tháng 03/2020, chính phủ Campuchia đã cho thuê 2,16 triệu ha đất cho các dự án nông nghiệp, tương đương hơn một nửa diện tích đất có thể canh tác. Từ năm 2000 đến nay, nạn cướp đất đã gây cảnh mất đất, mất nhà cho hơn 500.000 dân oan ở 12 tỉnh Campuchia. Các cuộc biểu tình chống cướp đất đã tăng lên nhanh chóng; năm 2012, số người bị chính phủ bắt giữ nhiều hơn gần gấp đôi so với năm trước.
Đi kèm với thu hồi đất là các vụ cưỡng chế bạo lực, trục xuất người dân khỏi nơi ở của họ. Chỉ riêng ở Phnom Penh, các tổ chức phi chính phủ báo cáo rằng gần 30.000 gia đình đã bị trục xuất khỏi nơi ở của họ trong vòng 25 năm qua.
Trong một báo cáo tháng 07/2015, các nhóm nhân quyền địa phương cho biết, trong sáu tháng đầu năm, họ đã nhận được 66 khiếu nại về vi phạm quyền sở hữu đất ảnh hưởng đến hơn 3.500 hộ gia đình và hơn 8.600 ha đất.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam năm 2015, Việt Nam đã đầu tư vào Lào và Campuchia 430 dự án FDI, tương đương 46% tổng số dự án mà Việt Nam đầu tư trên toàn thế giới, với vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD trong các ngành khai thác khoáng sản, nông – lâm nghiệp.
Khác với các quốc gia khác, đầu tư của Việt Nam chủ yếu nhắm vào tài nguyên đất, rừng và các loại tài nguyên thiên nhiên khác của hai quốc gia này. Những dự án đầu tư này gây ra các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng; đe dọa sinh kế của người bản địa; và vi phạm nghiêm trọng đến các tiêu chuẩn pháp lý, xã hội và môi trường cơ bản nhất.
Các doanh nghiệp Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group – VRG), Dai Dong Duong Commercial Joint Stock, Rama Khmer International, Chea Chanrith, Veasna Investment, Kausu Eah Leo BM, Daun Penh Agrico… đã được chính phủ Campuchia cho thuê những vùng đất rộng lớn để trồng cây nông – lâm, và gây ra nhiều hậu quả xấu cho cộng đồng địa phương và môi trường.
Cuộc sống của người dân và cộng đồng dân tộc bản địa thường xuyên bị đe dọa. Các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên hủy hoại môi trường và công khai vi phạm pháp luật Campuchia. Đụng độ bạo lực, đàn áp, bắt bớ và đổ máu đã nổ ra, những giọt nước mắt của người Campuchia đã rơi trên quê hương họ. Tình trạng trên góp phần tạo ra tâm lý “bài youn” trong xã hội Campuchia.
Các quan chức chính phủ ở Campuchia đã cấp nhượng đất đai trái với luật pháp của chính họ, giúp cho các công ty Việt Nam đàn áp chính người dân của họ, và đã không hành động khi các doanh nghiệp Việt Nam công khai vi phạm luật pháp Campuchia.
Có rất ít thông tin liên quan đến nhượng đất kinh tế ở Campuchia. Chính phủ không công khai bản đồ địa chính, không có thông tin về các khu vực mà chính phủ sắp cho thuê, không tiết lộ khi nào các công ty bắt đầu đàm phán thuê đất và không có thông tin về các doanh nghiệp sở hữu đất.
Các bản đánh giá tác động môi trường và xã hội cũng không được chính quyền địa phương công bố cho những cộng đồng bị ảnh hưởng. Kết quả là, trong phần lớn các trường hợp, các cộng đồng địa phương chỉ biết vùng đất của tổ tiên đã bị chuyển giao cho các doanh nghiệp Việt Nam khi “sự đã rồi”.
Theo tổ chức Global Witness, các điều khoản bảo mật cũng là một yếu tố quan trọng cho phép những gã khổng lồ như HAGL và VRG che giấu diện tích đất mà họ đang nắm giữ qua hệ thống các công ty con. Điều này rõ ràng cho phép họ nắm giữ một diện tích đất đai vượt quá ngưỡng pháp lý của luật pháp Campuchia, lần lượt là gấp 5 và 16 lần.
Khi người dân bị doanh nghiệp chiếm đất và rừng, một trong những rào cản quan trọng nhất đối với các khiếu nại đòi đất, hoặc đòi bồi thường, là thiếu quyền tiếp cận thông tin: doanh nghiệp, dự án nào đã chiếm đất của họ; ranh giới, diện tích của dự án là bao nhiêu; đất thu hồi được sử dụng để làm gì; và những tác động môi trường hoặc xã hội từ dự án sẽ ra sao.
Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia (Cambodian Ministry of Agriculture, Forestry and Fisheries) có cơ sở dữ liệu trực tuyến về các khu đất nhượng; tuy nhiên, cơ sở dữ liệu này không đầy đủ, hiếm khi được cập nhật và chỉ chứa thông tin cơ bản nhất. Cơ sở dữ liệu này cũng không thể truy cập được ở những vùng không có điện, máy tính và Internet.
Việc giữ bí mật các thông tin này không chỉ để ngăn chặn người dân phản kháng mà còn để bảo vệ quyền lợi của các công ty, sâu xa hơn là của các quan chức chính phủ quyền lực và các “đàn em kinh tài” của họ. Việc giới tinh hoa móc nối với các doanh nghiệp Việt Nam để chiếm đoạt tài sản quốc dân đã trở thành “chuyện thường ngày” ở Campuchia.
HAGL có quan hệ thân cận với giới tinh hoa thuộc Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), những người đã cai trị đất nước liên tục trong hơn ba mươi năm. Được sự hậu thuẫn của chính phủ Hun Sen, các vụ thâu tóm đất đai của HAGL được thực hiện qua mạng lưới các công ty con để che giấu danh tính thật của chủ sở hữu. Tập đoàn này và các công ty con của nó (Hoang Anh Oyadav, Heng Brother, CRD) đã thực hiện các vụ chiếm đất từ năm 2009 mà không cần phải đền bù cho chủ đất.
Ở Campuchia, các dự án đầu tư đất nông nghiệp đáng kể của HAGL đều nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Ratanakiri, vùng đất giáp ranh với tỉnh Gia Lai của Việt Nam. Tính đến tháng 03/2020, HAGL nắm giữ 54.191 ha đất ở tỉnh Ratanakiri, theo dữ liệu của LICADHO, một tổ chức nhân quyền của Campuchia. Phần đất này tương đương 5% tổng diện tích của tỉnh Ratanakiri và gấp năm lần giới hạn pháp lý mà pháp luật Campuchia cho phép (ở Campuchia, một doanh nghiệp chỉ được nắm giữ tối đa 10.000 ha).
Năm 2009, dân làng ở 14 vùng nông thôn đã bất ngờ bị HAGL chiếm đất khi lực lượng máy kéo và xe ủi đất (được dân quân và binh sĩ Campuchia bảo vệ) ập đến chặt phá. Sau vụ này, HAGL thu về 18.952 ha để trồng cao su.
Mười bốn ngôi làng, ngay cả những làng ngay sát nơi xảy ra vụ việc là Jarai, Kachoh’, Tampuan, Lao, và Kreung đều không được chính phủ và công ty thông báo trước. Sau vụ việc, các cuộc họp với nội dung mơ hồ được tổ chức. Dân làng được kể về một dự án nông nghiệp hiện đại theo định hướng phát triển quốc gia, còn chủ quyền của họ trong vùng đất của tổ tiên để lại thì đã bị lấy đi.
Hàng trăm hộ gia đình đã bị mất đi sinh kế, bao gồm lâm sản, nguồn nước, đất trồng hoa, ruộng lúa, gia súc và hoa màu. Để thu hồi đất, HAGL tìm cách đe dọa, dùng vũ lực, cưỡng chế và trục xuất dân làng khỏi những cánh đồng và cho máy xúc phá hủy nhà cửa của họ.
Các gia đình bị chiếm đất không còn có thể tổ chức các nghi lễ văn hóa và tâm linh của họ. Một số nông dân nói rằng phần mộ của gia tộc và tổ tiên nằm trong vùng đất canh tác nên đã bị công ty phá hủy, điều này khiến họ không thể tiến hành nghi lễ cầu siêu để linh hồn người chết siêu thoát khỏi thế giới loài người.
Những người nông dân ở các làng bị cướp đất tìm cách liên kết lại với nhau, dưới sự hậu thuẫn của các nhóm nhân quyền địa phương. Tuy nhiên, đơn khiếu nại của họ đã bị tòa án tỉnh từ chối, với lý do nó nằm ngoài thẩm quyền của tòa án. Các khiếu nại gửi đến chính quyền cấp huyện không nhận được phản hồi. Những lá thư gửi tới HAGL không bao giờ nhận được hồi âm, tuy nhiên công ty tiếp tục cho người rào kín các khu đất và ngăn cấm người dân canh tác trên lãnh thổ của họ. Đây chỉ là một trong hàng chục vụ chiếm đất của công ty, đẩy hàng chục ngàn người Campuchia vào cảnh mất đất mất nhà.
Dân làng Srae Angkrong 3 kể lại:
“Công ty đã đến làng và mời dân làng đến nói chuyện về vấn đề đất đai giữa công ty và dân làng. Phía công ty không nói gì trong khi ngài quận trưởng chủ trì buổi nói chuyện… Dân làng cảm thấy thất vọng vì [họ] không thể nói chuyện với công ty… Chính quyền cứ nói rằng đất thuộc về công ty, vì thế dân làng chúng tôi không nên đòi hỏi gì hết… [Một dân làng] thỉnh cầu công ty để lại một khu vực lớn dọc theo bờ suối để dân làng nuôi gia súc… Một vệ sĩ của quận trưởng hỏi [dân làng] rằng mày có biết đến mùi ngục tù chưa?”.
Dân làng sống ở vùng đất bị Hoang Anh Oyadav thu hồi rơi vào cảnh thiếu lương thực trong một thời gian khi việc chiếm đất của công ty Heng Brother không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực của địa phương mà còn phá hoại nguồn nước.
“Trước khi bị cướp đất, dân làng có thể thu lượm rau và các sản vật khác từ rừng. Còn hiện nay, khu vực mà chúng tôi có thể thu lượm tài nguyên rừng đã bị giảm rất nhiều do hoạt động phá rừng của công ty”, dân làng Taolao nói.
Các già làng nói rằng công ty đã phá hủy các khu rừng tâm linh và khu nghĩa địa của làng. “Chùa chiền là nơi thờ cúng tôn giáo của người Khmer, nhưng còn người dân chúng tôi thì tin vào những linh hồn cư ngụ trong núi rừng. Bây giờ HAGL đã dọn sạch ngọn núi tâm linh của chúng tôi và chúng tôi không còn nơi nào để cầu nguyện và những linh hồn sẽ rất tức giận với dân làng chúng tôi vì đã để công ty làm điều này.”
Những thiệt hại tích lũy này đã làm xói mòn nghiêm trọng chất lượng đất đai, làm ảnh hưởng đến hệ thống canh tác và sản xuất lương thực, vi phạm chủ quyền và làm ảnh hưởng đến bản sắc và đời sống của các tộc người bản địa.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group – VRG) được Chính phủ Việt Nam chính thức thành lập vào năm 2006 và đến năm 2019, công ty đã báo cáo tổng doanh thu là 1,28 tỷ USD. Năm 2012, công ty được nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng – huân chương cao quý nhất của Việt Nam.
Khi VRG chuẩn bị triển khai đợt chào bán cổ phiếu công khai đầu tiên vào tháng 02/2018, tổ chức Global Witness đã kêu gọi các nhà đầu tư tẩy chay công ty này do liên quan đến các vụ cưỡng chiếm đất đai trên diện rộng, cùng các vụ trục xuất, cưỡng chế bạo lực các cộng đồng sắc tộc bản địa trên khắp Campuchia và Lào, và khai thác gỗ bất hợp pháp.
“Các nhà đầu tư nên tránh mua cổ phần của VRG do hàng loạt các vụ cướp đất táo tợn của công ty đã gây khổ đau cho hàng loạt người dân nghèo ở các nước láng giềng, những tác động này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay”, Emma Burnett, nhân viên Global Witness, nói.
Cũng như HAGL, VRG được chính phủ Campuchia cho thuê những vùng đất rộng lớn vượt quá giới hạn pháp lý mà không có sự cho phép của những người dân sống trên đó. Theo Global Witness, VRG và hệ thống các công ty con đang nắm giữ 161.344 ha đất ở Campuchia.
VRG và các dự án của họ như Dong Phu – Kratie Rubber Project, Dong Nai – Kratie Rubber Project, Hoang Anh Mang Yang, Tan Bien – Kampong Thom Rubber Development Co. Ltd, Krong Buk – Ratanakiri Rubber Development Project, và Phu Rieng – Kratie Rubber Project đều chiếm đoạt đất nông nghiệp và rừng của người dân địa phương mà không có sự đồng ý của chủ đất. Những gia đình nông dân nghèo khổ bị VRG chiếm đất hiện đang ở trong tình cảnh thiếu lương thực và mất nguồn thu nhập đáng kể.
Một số người dân mất đất phải đến làm việc tại các đồn điền cao su của VRG, dưới những điều kiện lao động hết sức ngặt nghèo. Họ không được đóng bảo hiểm y tế và phải tự trang trải chi phí vận chuyển. Họ được trả mức lương rất thấp, lại thường xuyên bị chậm lương. Có cả những đứa trẻ khoảng 11 tuổi làm việc trên các đồn điền mà không có đồ bảo hộ, tiếp xúc với hóa chất độc hại gây bỏng da và gây ô nhiễm nguồn nước địa phương.
Trong các vụ chiếm đất, những cộng đồng địa phương phản kháng đã phải đối mặt với bạo lực, bị lực lượng an ninh bắt và giam giữ. Tại tỉnh Kampong Thom, dân làng, bao gồm cả những cô gái trẻ, đã bị các lực lượng an ninh nhà nước đe dọa, đánh đập và bắt giữ.
Các quan chức, cảnh sát và binh lính địa phương đã phong tỏa mọi tuyến đường, ngăn chặn những người biểu tình ra đường đi chợ, tiếp cận với thực phẩm, vật tư và sự hỗ trợ từ các nhóm khác.
Những người từ chối di dời đã bị cảnh sát tịch thu đồ đạc. Không ai dám chống cự vì trong làng chỉ còn lại phụ nữ, những người đàn ông đã đi trốn vào khu ruộng sắn vì sợ bị bắt giữ. “Họ đã đặt tất cả gói hàng của tôi vào thùng xe cảnh sát. Tôi không thể làm gì vì có rất nhiều cảnh sát có súng”, Meas Sopear – người làng Kraya nói.
Những chuyện xảy ra tiếp theo giống y như một cuộc chinh phạt và chiếm đóng quân sự. Trong một báo cáo năm 2015, các nhà hoạt động của Global Witness mô tả rằng năm trong số sáu khu đất giải tỏa của VRG mà họ quan sát đã được binh lính hoặc cảnh sát quân sự (được trang bị súng AK47) bảo vệ. Những người lính tiến hành tuần tra thường xuyên và thiết lập các trạm kiểm soát quanh khu đất. Dân làng nếu muốn đi qua các trạm kiểm soát sẽ phải xin phép, và thường xuyên bị dọa nạt. Mặc dù có những rủi ro về bạo lực, quấy rối và bắt giữ, cộng đồng vẫn đang cố gắng lấy lại đất hoặc đòi bồi thường cho những mất mát của họ.
Trong các tranh chấp đất như vậy, tòa án và hệ thống tư pháp thường được sử dụng để bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam, và áp dụng các chế tài hình sự để xử phạt những dân làng có ý định chống đối và phản kháng. Tháng 09/2011, bốn dân làng ở xã Svay Chreah, huyện Snoul, tỉnh Kratie đã bị triệu tập lên tòa án tỉnh để làm rõ hành vi gây thiệt hại vì trước đó các dân làng đã chặn đường để ngăn không cho xe ủi đất của công ty tiến vào khu ruộng của họ.
Ở Ka Nat Thum, dân làng bị lừa mất đất nông nghiệp một cách không tự nguyện thông qua việc điểm chỉ ngón tay cái. Một công ty đã giết trâu để tổ chức một bữa tiệc. Dân làng được mời đến, họ được yêu cầu điểm chỉ lên một tờ giấy. Dân làng nói rằng họ không biết tờ giấy viết gì, nhưng được công ty giải thích là biên bản trợ cấp thuốc và quần áo cũ. Cuối cùng, dấu điểm chỉ hóa ra là chữ ký để giao đất cho công ty.
Từ năm 2013, VRG đã kiểm soát hơn 130.000 ha đất ở Campuchia – một khu vực rộng tương đương thành phố Delhi (Ấn Độ) hoặc Los Angeles (Mỹ), và gấp hơn 13 lần giới hạn sở hữu đất mà pháp luật Campuchia cho phép. Không có đất để canh tác, nhiều gia đình bị rơi vào cảnh nghèo khó. Ở tỉnh Ratanakiri, dân làng nói rằng thực phẩm khan hiếm đến nỗi họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gửi con cái đi làm phu ở đồn điền cao su của VRG.
Những khu rừng rộng lớn ở Campuchia đã bị xóa sổ trong các lần nhượng đất cho VRG. Cho đến nay, tranh chấp đất đai giữa VRG với cộng đồng địa phương vẫn đang tiếp diễn.
Kỳ 2: Khai thác và buôn gỗ lậu