Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Bài viết dựa trên dữ liệu và báo cáo điều tra của các tổ chức quốc tế Global Witness (Anh), Environmental Investigation Agency (Anh), World Bank; các tổ chức phi chính phủ Campuchia LICADHO, Adhoc Cambodia, Sahmakum Teang Tnaut; các tờ báo của Campuchia Cambodia Daily, Phnompenh Post; và các nguồn uy tín khác.
Tác giả sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa thực dân mới” (neo-colonialism) dựa trên các định nghĩa của học giả Kwame Nkrumah, cũng như định nghĩa của học giả Sandra Halperin trên từ điển Britannica. Theo đó, chủ nghĩa thực dân mới là việc một quốc gia kiểm soát và bóc lột một quốc gia kém phát triển hơn dựa trên những công cụ gián tiếp như đầu tư, viện trợ, cho vay… Một ví dụ thường được dẫn chiếu, mặc dù gây tranh cãi, là sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi. Tác giả hiểu rằng việc gọi ảnh hưởng của Việt Nam ở Campuchia là “chủ nghĩa thực dân mới” cũng sẽ gây ra những tranh cãi tương tự.
***
Kể từ khi Việt Nam cấm khai thác gỗ trong các khu rừng tự nhiên của mình, ngành chế biến gỗ đã phụ thuộc sâu sắc vào nguồn gỗ nhập khẩu, bất kể nguồn gốc của gỗ có hợp pháp hay không. Nước láng giềng Campuchia trở thành mục tiêu của nạn khai thác trộm gỗ và buôn lậu sang Việt Nam, dưới sự hậu thuẫn của các quan chức tham nhũng. Hàng năm, khoảng 500.000 m3 gỗ từ Campuchia vẫn được vận chuyển qua biên giới vào Việt Nam thông qua các đồn biên phòng của quân đội, được tập kết lại tại kho gỗ và được đóng búa kiểm lâm để trở thành gỗ hợp pháp.
Chế biến gỗ là một ngành quan trọng ở Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam có khoảng nửa triệu lao động tham gia vào lĩnh vực chế biến và hàng triệu lao động lâm nghiệp ở các vùng nông thôn và miền núi. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu các sản phẩm chế biến gỗ lớn thứ hai ở châu Á (sau Trung Quốc) và lớn thứ năm trên thế giới.
Năm 2018, ngành xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ gỗ của Việt Nam đạt ngưỡng 8,476 tỷ USD, và kim ngạch nhập khẩu đạt 2,34 tỷ USD, trong đó chủ yếu là gỗ tròn, gỗ xẻ và các loại ván. Để có nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến gỗ, chính phủ Việt Nam đã hậu thuẫn các doanh nghiệp trong nước để khai thác và nhập lậu gỗ từ các nước láng giềng, trong đó có các loài gỗ quý thuộc diện cần phải bảo vệ.
Trong số 15 quốc gia xuất khẩu gỗ tròn nhiều nhất cho Việt Nam năm 2018 thì có bảy nước thuộc diện quản lý rừng lỏng lẻo, quan chức tham nhũng bảo trợ cho lâm tặc và hệ thống pháp luật không minh bạch. Lượng cung gỗ tròn từ bảy quốc gia này chiếm đến 40% tổng lượng gỗ tròn nhập khẩu vào Việt Nam cùng năm. Ngoài ra, 64% lượng gỗ xẻ Việt Nam xuất khẩu đi các nước khác là các dòng gỗ quý được nhập lậu vào Việt Nam.
Các cánh rừng bạt ngàn và những cây gỗ trăm năm tuổi của Campuchia hiện đang bị các doanh nghiệp, quan chức và quân đội Việt Nam khai thác. Jago Wadley, người tham gia chiến dịch bảo vệ rừng của tổ chức Environmental Investigation Agency (EIA) nhận xét: “Việt Nam có lịch sử lâu đời trong nghề trộm gỗ từ các nước láng giềng”.
Rừng của Campuchia được Ngân hàng Thế giới (World Bank) mô tả là “tài nguyên quan trọng nhất về mặt phát triển”, thế nhưng hiện đang suy thoái nghiêm trọng. Độ che phủ rừng giảm từ 73% tổng diện tích đất trong những năm 1990 xuống còn 53% tính đến năm 2016. Các loài gỗ quý như căm xe, hồng mộc, dầu, chò chỉ và giáng hương của Campuchia đã bị giới tinh hoa chính trị của nước này bán cho các công ty tư nhân. Khối tài sản khổng lồ từ việc bán gỗ này chưa bao giờ đến được ngân khố quốc gia, thay vào đó, dường như đi trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của những người khai thác gỗ và những kẻ bảo trợ chính trị của họ. Rừng của Campuchia theo lý thuyết là “tài sản công của nhà nước” (state public property) và do đó không thể cho thuê. Kể từ năm 2006, chính phủ đã duy trì lệnh cấm xuất khẩu đối với gỗ tròn nguyên khối và các loài gỗ quý. Tuy nhiên, độ che phủ rừng vẫn liên tục suy giảm.
Việc khai thác trộm gỗ Campuchia và buôn lậu trên diện rộng sang Việt Nam bắt đầu từ rất sớm, ít nhất từ những năm 1990. Các dòng gỗ trên được tuồn vào biên giới Việt Nam qua cửa khẩu Hoa Lư ở tỉnh Bình Phước và Lệ Thanh ở tỉnh Gia Lai. Các doanh nghiệp Việt Nam đã móc nối với giới quan chức và quân đội của hai nước để khai thác trái phép rừng ở Campuchia.
Tại vườn quốc gia Virachey ở tỉnh Ratanakiri, một công ty Việt Nam tên là Yin Tin đã thỏa thuận với Đơn vị 203 Bộ đội Biên phòng Campuchia để xây dựng một con đường vào khu vực khai thác gỗ. Các lao động người Việt Nam được huy động đến đây để xây dựng một con đường mòn từ biên giới Việt Nam dẫn vào vườn quốc gia, theo sau đó là các cưa máy và các xe “bò vàng” để chở gỗ. Các trại lán cho lâm tặc ở được dựng lên. Những cây giáng hương bị đốn ngã rồi xẻ thô ngay tại chỗ. Những ông cai người Việt bị trông thấy đang chỉ huy binh sĩ Campuchia chặt cây, chuyển ra giữa đường để chặn lối vào rừng rồi thiết lập các trạm kiểm soát.
Để che giấu hoạt động của lâm tặc, các binh sĩ Campuchia đã phong tỏa các tuyến đường và ngăn cản người dân địa phương vào rừng trong suốt quá trình khai thác và vận chuyển gỗ. Các loại gỗ quý có giá trị được xẻ ra thành từng khối. Gỗ có giá trị thấp hơn thì được vận chuyển dưới dạng gỗ tròn nguyên khối. Theo EIA, nhờ hối lộ quan chức hai nước, những kẻ buôn lậu đã đưa một lượng lớn gỗ trót lọt từ Campuchia qua lô cao su của Đội Cao su Thanh Niên (thuộc Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy – một công ty quốc doanh của Việt Nam) ở tỉnh Kontum.
Khu vực quanh đập thuỷ điện Hạ Sesan 2 có rất nhiều khu đốn gỗ trái phép. Tại một xưởng cưa ở phía Bắc hồ nước, tiếng máy cưa ầm ầm trong không gian, các cây gỗ nằm la liệt và những chiếc xe “bò vàng” chất đầy gỗ lậu. Ước tính khu vực này rộng 100 hecta. Có hơn 60 doanh nghiệp đang tham gia khai thác gỗ trái phép tại đây, chủ yếu là doanh nghiệp Campuchia và doanh nghiệp Việt Nam. Hơn 60% lao động tại đây là người Việt. Khoảng 200 chiếc xe bò vàng và 150 xe tải cỡ lớn, loại xe có thể chở được 50m3 gỗ mỗi xe, được huy động để chuyên chở gỗ.
Tại đây, một quản lý của công ty Ang & Associates Lawyers tên là Seng đã “thông đồng và tuyển dụng” người dân địa phương để khai thác gỗ bên ngoài khu vực hồ thủy điện, sau đó thu gom gỗ và “chuyển các khúc gỗ xuống dưới đáy hồ chứa để làm cho gỗ bất hợp pháp trông có vẻ hợp pháp”. Một người dân địa phương tên là Puth Khoeun cho biết một con đường mòn đã được cắt xuyên qua rừng để vận chuyển gỗ. Ông nói: “Các xe chở gỗ nhỏ hoạt động vào ban ngày; các xe lớn hơn, vận chuyển cả trong và ngoài nước, thường hoạt động vào lúc sáu giờ chiều hoặc muộn hơn”.
Số gỗ khai thác sẽ được vận chuyển hàng ngày theo hai con đường để đến cửa khẩu Lệ Thanh thuộc tỉnh Gia Lai và cửa khẩu Hoa Lư thuộc tỉnh Bình Phước. Đoàn xe di chuyển qua cửa khẩu vào lúc trời tối, theo những con đường mòn bụi tung mù mịt để vào bãi tập kết gỗ và xưởng cưa. Tại đây số gỗ lậu sẽ được các quan chức Việt Nam “rửa” để trở thành gỗ sạch.
Tại khu bảo tồn Phnom Prich, lợi dụng việc chính phủ Campuchia cấp các khu nhượng địa cho các doanh nghiệp với tổng diện tích lên đến 60.287 hecta nằm ngay trong phạm vi khu bảo tồn, các lâm tặc Việt Nam và lâm tặc Campuchia đã khai thác gỗ ngay trong khu nhượng địa, rồi lấn dần ra những cánh rừng xung quanh trong khu bảo tồn. Hàng trăm lao động người Campuchia và Việt Nam đã tham gia đốn hạ một cơ số các loài gỗ quý. Số gỗ này sau đó được chất lên các xe “bò vàng” và di chuyển theo đường mòn đến cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước).
Các lái xe tiết lộ, với mỗi lượt vận chuyển, mỗi xe phải trả tới 10.000 USD tiền hối lộ cho quân đội, kiểm lâm, thậm chí là truyền thông địa phương để đến được biên giới Việt Nam. Số gỗ này được tập kết lại tại các kho gỗ gần biên giới, sau đó được vận chuyển qua những lô cao su của Việt Nam để né thuế hải quan ở Campuchia. Các nhà điều tra của EIA cho biết có ba bãi tập kết gỗ ở cửa khẩu Hoa Lư, trong đó mỗi kho chứa hàng nghìn mét khối gỗ lậu từ Campuchia và số gỗ này nhiều khả năng sẽ không được ghi chép trong dữ liệu của Hải quan Việt Nam.
Theo tổ chức Global Witness, các nhân chứng tại những ngôi làng gần khu nhượng địa của Heng Brother (công ty con của HAGL) cho biết, một ông trùm trong ngành khai thác gỗ ở Campuchia tên là Try Pheap đã ký hợp đồng khai thác gỗ với Heng Brother. Theo đó, công ty Heng Brother chịu trách nhiệm chặt gỗ bên trong khu đất chuyển nhượng được chính phủ Campuchia cấp, trong khi Try Pheap trả phí khai thác tài nguyên cho Cục Quản lý Rừng, sắp đặt cho họ đóng búa kiểm lâm lên các khúc gỗ, rồi cho một doanh nhân địa phương mở một xưởng cưa gỗ bên trong khu nhượng địa của Heng Brother. Gỗ đã qua chế biến sẽ được ông trùm vận chuyển đến Phnom Penh bằng xe tải, mỗi xe chở 35 mét khối (m3) gỗ.
Các già làng ước tính rằng hàng ngày có 100m3 gỗ được vận chuyển khỏi khu nhượng địa của Heng Brother thông qua cách này. Trong số các cây gỗ mà HAGL khai thác, có những loài được xác định là quý hiếm và nằm trong diện cần được bảo vệ đặc biệt như gỗ trắc Miến Điện (Burmese rosewood), gỗ trắc Thái Lan (Siamese rosewood) và hồng mộc Campuchia (Cambodian Beng).
Trong các khu đất được chính phủ Campuchia cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam, các khu rừng thường xanh và bán thường xanh đang bị chặt phá đáng kể. Việc chặt phá cây rừng để lấy gỗ không những làm chảy máu tài nguyên của đất nước, mà còn làm mất đi sinh kế của người dân sống trong những ngôi làng gần đó. Chất nhựa lỏng từ các loài cây gỗ dầu sinh trưởng trên khắp các cánh rừng của Campuchia được người dân nghèo khai thác để thắp sáng, làm sơn và làm dầu bóng. Đây là nguồn thu nhập chính của khoảng 100.000 người ở các vùng nông thôn với sản lượng khoảng 2.000 tấn hàng năm.
Việc bảo vệ rừng của Campuchia, đặc biệt là đối với cây nhựa, dường như đã bị cả công ty và các cơ quan thực thi pháp luật phớt lờ. Thậm chí, các công ty Việt Nam còn ngang nhiên đến mức công khai đốn gỗ hồng mộc (rosewood) và mở xưởng cưa để chế biến chúng ngay bên trong khu nhượng địa của họ.
Campuchia đã có lệnh cấm hoàn toàn đối với xuất khẩu gỗ tròn và gỗ thô từ năm 1996. Nước này cũng đã áp lệnh cấm xuất khẩu đối với tất cả các mặt hàng gỗ sang Việt Nam từ tháng 1/2016.
Tuy nhiên, có nhiều tài liệu bao gồm hình ảnh vệ tinh cho thấy có sự tồn tại của các kho gỗ lớn nằm ngoài khả năng quan sát của người dân trên lãnh thổ do quân đội Việt Nam kiểm soát ở biên giới, cũng như các tài liệu hải quan và thuế đối với các lô hàng có hàng nghìn m3 gỗ tròn và gỗ xẻ thô được nhập khẩu từ Campuchia.
Trong những chuyến xe tải bụi tung mù mịt đến mức người dân phải vào nhà để tránh bụi, gỗ được đem về các kho tập kết tại những “vùng không xâm phạm” (non-trespass zone) của quân đội Việt Nam. Từ các kho tập kết gỗ này, các khúc gỗ được vận chuyển đến các cơ sở sản xuất đồ nội thất ở các thị xã Pleiku, Kontum và Quy Nhơn. Một số khúc gỗ được chở thẳng đến cảng Quy Nhơn, từ đó vận chuyển sang Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc, hoặc được lưu trữ cho các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất.
Bên cạnh việc vận chuyển gỗ bằng đường bộ, lâm tặc Việt Nam còn buộc các khúc gỗ tròn lại thành bè gỗ, rồi thả trôi theo dòng Mekong từ Campuchia vào Việt Nam. Các tài liệu ghi nhận có 4.000 – 5.000 m3 gỗ đã qua biên giới mỗi ngày theo cách này, nhưng không rõ kéo dài trong bao lâu.
Các quan chức chính phủ và quân đội hai nước đang đút túi những khoản hối lộ kếch xù từ những thương nhân và công ty gỗ người Việt. Theo EIA, “hầu hết số lượng gỗ nhập lậu được khai thác trái phép tại các khu bảo tồn do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ”.
Thay vì từ chối số gỗ trên, Việt Nam đã cấp hạn ngạch nhập khẩu (quota) và cho phép những kẻ buôn gỗ tuồn gỗ lậu vào Việt Nam qua các bãi tập kết gỗ sát biên giới hai nước gần cửa khẩu Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) và Hoa Lư (tỉnh Bình Phước). Chẳng hạn, công văn số 4363/UBND-KT ngày 21/09/2016 do UBND tỉnh Gia Lai cấp cho phép 16 doanh nghiệp Việt Nam nhập gỗ với các mức hạn ngạch từ 5.000 – 20.000 m3 gỗ từ Campuchia qua các đồn biên phòng 721, 723, 727, 729, 731.
Ngay sau đó, Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum ban hành quyết định số 278/QĐ-HQGLKT ngày 10/10/2016 để chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ hải quan cửa khẩu Lệ Thanh giám sát số gỗ lậu lấy được từ Campuchia. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, gỗ lậu được “rửa” để trở thành gỗ sạch: sau khi gỗ được đo đạc, đăng ký, đóng dấu, đăng ký kiểm lâm và các thương nhân gỗ nộp thuế, chúng sẽ được hải quan cho thông quan rồi được vận chuyển bằng xe tải 16 bánh đi các tỉnh để tiêu thụ.
Ông Lê Quốc Trung, kế toán của công ty TNHH Nguyễn Trung cho biết, công ty của ông phải mua hạn ngạch nhập khẩu gỗ từ tỉnh Gia Lai, và mặc dù Campuchia cấm xuất khẩu gỗ sang Việt Nam nhưng Bộ Công thương Việt Nam vẫn cấp hạn ngạch nhập khẩu gỗ từ Campuchia.
Tại Quy Nhơn, ông Phong, người từng tham gia vận chuyển gỗ lậu của công ty TNHH Hùng Anh, cho rằng để có thể khai thác gỗ thì phải hối lộ cho các quan chức Campuchia với số tiền lên tới hàng triệu USD, đặc biệt là tại những khu vực có nhiều cây gỗ quý, gỗ lâu năm. Các điều tra viên của EIA cũng cáo buộc các doanh nghiệp Việt Nam hối lộ lên tới 45 USD cho mỗi m3 gỗ cho các quan chức Việt Nam, bao gồm chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, hải quan và quân đội biên phòng để đổi lại hạn ngạch cho phép họ nhập khẩu vào Việt Nam.
Không chỉ có những quan chức Việt Nam tham nhũng, mà nhà nước Việt Nam cũng hưởng lợi từ nạn phá rừng và buôn lậu gỗ ở Campuchia. Họ đã đánh thuế lên hoạt động buôn bán gỗ tròn và gỗ xẻ, cấp quota cho các doanh nghiệp trong nước và đã không xử phạt khi các doanh nghiệp tham gia khai thác gỗ bất hợp pháp ở Campuchia.
Ngành công nghiệp đồ gỗ của Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động phá rừng và trộm gỗ ở Campuchia. Bộ Công Thương Việt Nam đã đóng vai trò đồng lõa trong việc cho phép nhập khẩu trái phép một lượng lớn gỗ tròn và gỗ xẻ của Campuchia. Không những thế, ngành công nghiệp này tiếp tục đánh lừa người tiêu dùng, khiến họ tin rằng họ đang mua một sản phẩm bền vững. Thực tế khi mua đồ nội thất “made in Vietnam” (nhưng “cut in Cambodia”), người tiêu dùng đã góp phần trực tiếp vào việc tàn phá rừng của Campuchia, và tiếp tay cho các quan chức tham nhũng của cả hai nước.
Leng Ouch, nhà hoạt động bảo vệ rừng của Campuchia, người được trao giải Goldman Environmental Prize (Giải Môi trường Goldman) vì đã liều mình chiến đấu bảo vệ rừng Prey Long, ước tính rằng hầu hết các vụ khai thác gỗ bất hợp pháp diễn ra ở vùng biên giới Campuchia – Việt Nam, và mỗi ngày có ít nhất 200-300 xe tải chở gỗ từ Campuchia để buôn lậu sang Việt Nam. Ông nói: “Việt Nam đóng một vai trò quan trọng đối với nạn khai thác gỗ bất hợp pháp ở Campuchia, vì nước này bán gỗ mà họ mua được sang các nước châu Âu. Tôi cũng đã kêu gọi thế giới ngừng mua gỗ từ Trung Quốc và Việt Nam.”
Bên cạnh đó, Leng Ouch còn vạch trần những ông trùm khai thác gỗ trái phép ở Campuchia, trong số đó có những thành viên của đảng cầm quyền (Đảng Nhân dân Campuchia – CPP) và là cộng sự thân cận của Hun Sen. Ông cho rằng họ được các quan chức tham nhũng và giới tinh hoa cầm quyền bảo vệ. Ông nói: “Việc trấn áp tội phạm rất dễ dàng, nhưng tiếc là chính phủ không có ý chí làm điều đó. Đó là vì số tiền thu được từ hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp được đưa vào các chiến dịch chính trị cho đảng cầm quyền. Trước mỗi cuộc bầu cử, các ông trùm sẽ lấy tiền thu được từ tội ác của họ để hỗ trợ các chiến dịch chính trị của đảng cầm quyền và Hội Chữ thập Đỏ Campuchia.”
Các cuộc hội thảo, đối thoại về bảo vệ rừng, bảo vệ các loại động vật quý hiếm hay giữ gìn môi trường để chống biến đổi khí hậu vẫn được Việt Nam và Campuchia tổ chức hàng năm. Nhưng mặc cho điều đó, và bất chấp những nỗ lực của các nhà vận động bảo vệ rừng và cộng đồng người bản địa Campuchia, nạn khai thác và buôn lậu gỗ vẫn lén lút diễn ra.