Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Một quyển sách có tác dụng phòng lẫn chống, và giúp ta nuôi hy vọng vào một tương lai khác.
“Cẩm nang” là tên thường gọi của những loại sách hướng dẫn, chia sẻ kiến thức. Nó là từ Hán Việt với nghĩa gốc chỉ cái túi gấm, được người xưa sử dụng để chứa những thư từ, tài liệu quan trọng.
Trong các truyện tích xưa, ta thường bắt gặp chi tiết các nhân vật trao nhau túi gấm, trong đó chứa những kế sách thoát thân hay nội dung tuyệt mật, chỉ lúc quan trọng mới được mở ra để dùng tới.
Ngày nay, cẩm nang được dùng làm tên gọi chung cho các loại sách hướng dẫn, chia sẻ kiến thức về một lĩnh vực nào đó.
Trong các loại cẩm nang, chủ đề về sức khỏe có lẽ có đối tượng độc giả rộng nhất. Càng quan trọng, hay càng nghiêm trọng, lại càng được nhiều người đón đọc, ví dụ như các “cẩm nang phòng chống ung thư”.
Vì vậy nếu nhác thấy tiêu đề, “cuốn cẩm nang mà người Việt nào cũng cần”, bạn ắt sẽ nghĩ đó phải là sách về sức khỏe hay y học.
Bạn đoán gần đúng. Bài viết này giới thiệu về một cuốn sách chăm sóc sức khỏe đặc biệt. Quyển sách có tên “Cẩm nang nuôi tù” của tác giả Phạm Đoan Trang.
Một quyển sách sặc mùi chính trị lại nghe xúi quẩy như vậy thì liên quan gì đến sức khỏe? Câu trả lời là rất liên quan, không chỉ đối với từng cá nhân, mà còn với toàn bộ cộng đồng, những người đang phải sống dưới chế độ công an trị tại Việt Nam.
Sự kiện nhà báo Trương Châu Hữu Danh mới đây bị bắt theo điều 331 Bộ luật Hình sự, tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, chỉ là minh chứng mới nhất cho thấy bất kỳ ai sống dưới chế độ độc tài đều có thể bị chụp mũ tội phạm.
Những ai theo dõi các hoạt động của Hữu Danh xưa nay đều thấy rõ nhà báo này luôn rất cẩn trọng trong những phát ngôn và bài viết, vừa tuân thủ pháp luật, lại vừa đi theo “đường lối chủ trương của nhà nước”. Nhưng ngay cả “đi đúng lề” như Hữu Danh vẫn có thể bị bắt theo điều luật đặc chế dành cho “phản động”. Cùng với nhiều đạo luật áp đặt khác của chế độ độc tài để kiểm soát các quyền tự do của công dân, hàng trăm người bất đồng chính kiến trước đó cũng đã bị bắt giữ bỏ tù vì dám cất tiếng.
Bạn không cần phải đấu tranh chống tiêu cực như Hữu Danh, hay lên tiếng trước bất công như các nhà hoạt động khác, mới trở thành đối tượng bị cầm tù. Chỉ cần không may tài sản của mình lọt vào tầm ngắm của các doanh nghiệp cấu kết với quan chức chính quyền, vậy là đã đủ để bạn có thể vướng vòng lao lý nếu dám “cứng đầu không nghe lời”. Đó là chuyện đã và đang xảy ra với hàng ngàn dân oan bị chiếm mất đất, hoặc trong những tranh chấp đất đai từ sai phạm của chính quyền kéo dài hàng chục năm qua ở Thủ Thiêm, Dương Nội, hay mới đây nhất là vụ án chấn động tại Đồng Tâm.
Bạn cũng có thể hoàn toàn chịu cảnh bắt giữ tù đày chỉ đơn giản bằng động tác chia sẻ lại các thông tin bài viết trên mạng. Những cái “like”, “share” hay vài dòng gõ phím của bạn khi đó bỗng dưng trở thành các “bằng chứng phạm tội” đủ sức “chống lại nhà nước”.
Thậm chí nếu bạn là “người của chính quyền”, đã từng một thời hét ra lửa, khi ngã ngựa vẫn phải đấu tranh cật lực chỉ để “mong được đối xử như người bình thường”, như cách Đinh La Thăng phản ứng với các cáo buộc của Viện kiểm sát mà ông cho là “có tính quy chụp, gắp lửa bỏ tay người, không có căn cứ, không đúng luật, vô cảm”.
Cho dù bạn là ai, dưới thể chế độc tài độc đảng, bạn luôn là một tù nhân của chế độ, luôn có thể được chuyển hộ khẩu vào thẳng trại giam theo những cách tùy tiện nhất có thể.
“Cẩm nang nuôi tù” có tám chương sách, bao quát nhiều nội dung, từ những khái niệm pháp luật rắc rối đến các kinh nghiệm rất đời thường về cách đối phó với những trò hèn hạ tiểu nhân của cán bộ chính quyền.
Ví dụ như trong chương III, “Đối phó với kiêu binh”, tác giả đã chỉ ra đặc điểm quan trọng nhất trong cách lực lượng bảo vệ chế độ đối phó với dân là “bất cần thủ đoạn, không từ một thủ đoạn nào miễn là được việc mình”.
Vì thế, họ sẵn sàng “nói dối, sẵn sàng lừa bạn và gia đình, không hề ngại ngùng”. Họ cũng có thể dùng bạo lực không nương tay, trong đó “có những đòn gây tổn thương nhìn thấy được như bầm tím mặt, chảy máu đầu, có những ‘đòn âm’ gây tổn thương kéo dài bên trong cơ thể”. Họ còn có thể “dùng các biện pháp vô luật để ‘đấu tranh’, ví dụ như bố trí cho ‘quần chúng tự phát’ ném mắm tôm, chất bẩn vào nhà ‘đối tượng’”. Quyển sách có đầy những ví dụ thực tế và cách thức để đối phó với những thủ đoạn này của chính quyền.
Giống như “Chính trị bình dân” trước đó của cùng tác giả, sách được viết theo văn phong dễ hiểu, giúp độc giả vừa có kiến thức pháp luật căn bản, vừa có cái nhìn bao quát về bản chất chế độ công an trị, về những con người được trả tiền để làm công việc đàn áp đồng bào mình.
Nó giúp bạn đọc biết cách tự bảo vệ, đặc biệt là trước nỗi sợ hãi khi bị bạo lực và dối trá bủa vây.
Nó cũng là cẩm nang hướng dẫn cách thức hỗ trợ những người thân không may gặp nạn, từ những việc làm đơn giản nhất như thăm nuôi, chuẩn bị đồ dùng sinh hoạt cho người đang bị tù, đến các hoạt động làm truyền thông, tìm kiếm giúp đỡ, vận động pháp lý cả trong nước lẫn quốc tế.
Với nội dung vừa bao quát vừa chi tiết trong gần 300 trang sách, sẽ không ngoa nếu xem đây là cẩm nang chăm sóc sức khỏe chính trị trong một thể chế độc tài.
Và nếu đọc đủ các “triệu chứng ung thư” được kể lại trong sách, vốn đến từ các bài học thực tế xương máu theo nghĩa đen của hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam trong suốt những năm qua, bạn sẽ thấy đây cũng là quyển cẩm nang chẩn bệnh cho chế độ độc tài.
Giống như các cẩm nang về sức khỏe khác, quyển sách có tác dụng phòng không kém gì chống.
Mọi thể chế độc tài, cho dù có điên loạn khát máu đến đâu, cũng không thể cầm tù đa số người dân. Lý do giản dị vì những kẻ độc tài là những người ăn bám phụ thuộc nhiều nhất trong số những kẻ phụ thuộc. Độc tài chỉ có thể dùng cách đàn áp thiểu số dám lên tiếng để hy vọng khuất phục đa số phải tiếp tục im miệng.
Những người trở thành nạn nhân trực tiếp của chế độ độc tài vì vậy sẽ luôn là thiểu số. Nhiệm vụ của những người đa số – chưa bị cầm tù – không chỉ là bảo vệ họ, những kẻ vác tù và không gặp may đó. Quan trọng hơn, tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ phải đảm bảo phòng bệnh, để những xã hội tương lai không còn xuất hiện các thể chế dung dưỡng những âm hồn phi nhân tính, trong khi cầm tù những tâm hồn tự do.
“Cẩm nang nuôi tù” là một trong những quyển sách giúp chúng ta hy vọng vào một tương lai khác đó.
Luật Khoa sẽ tiếp tục giới thiệu đến độc giả các nội dung của sách trong những bài viết tiếp theo.
Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.