Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Chính quyền Biden sẽ có rất nhiều lợi thế trong quan hệ với Trung Quốc, nhờ Trump.
Tổng thống Donald Trump đã làm cho cả Washington phải tỉnh giấc trước họa Trung Quốc. Dưới chính quyền Trump, tầm nhìn của cả Mỹ và thế giới về Trung Quốc đã thay đổi.
Donald Trump đang dùng nốt những ngày còn ở Nhà Trắng để làm cho chính quyền kế nhiệm Biden phải khốn đốn.
Đó là nhận định của một loạt các tòa báo, từ CNN, La Times, tới New York Times.
Gần một nửa nước Mỹ tới giờ vẫn không tin Biden đã thắng, và khoảng chừng ấy sẽ coi ông là kẻ nhờ gian lận mà lên chức tổng thống vào tháng Giêng.
Đại dịch trầm trọng, kinh tế bết bát, người dân chia rẽ, đồng minh bất tín nhiệm, kẻ địch vươn lên chiếm ảnh hưởng, trong đống đổ nát này có một món quà quý mà Biden sẽ được nhận lại từ Trump: di sản đối ngoại với Trung Quốc.
Có gì tốt đẹp ở cái mớ bòng bong này? Biden sẽ phải kế thừa một cuộc chiến thương mại còn dang dở và bế tắc; một mối quan hệ đầy cay đắng và thù địch tới mức cả hai không thèm nói chuyện với nhau; một nền kinh tế suy thoái, phục hồi kém hơn Trung Quốc, vẫn bện xoắn vào Trung Quốc nhưng lại cứ đòi “tách rời” Trung Quốc.
Nhưng mọi chuyện không chỉ có thế.
Di sản đối ngoại của Trump là tầm nhìn sáng quắc và bước đi quả quyết dựa trên khẳng định rằng Trung Quốc là kẻ địch số một của Mỹ.
Suốt bốn năm, Tổng thống Trump hướng sự chú ý của người Mỹ và thế giới vào Trung Quốc. Ông đã coi Trung Quốc là mối họa khi mà Washington và các đối thủ của ông còn lờ mờ chưa dám khẳng định.
Năm 2017, chiến lược an ninh quốc gia của Trump gọi Trung Quốc là “đối thủ chiến lược”. Cùng năm đó, Trump khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trong bốn năm qua, Nhà Trắng thành công khi vừa kêu gọi, vừa gây sức ép buộc đồng minh tẩy chay công nghệ viễn thông Trung Quốc trong xây lắp mạng 5G – vốn cực kỳ quan trọng cho an ninh quốc phòng. Một loạt các tập đoàn công nghệ, an ninh mờ ám của Trung Quốc bị liệt vào danh sách cấm vận.
Trong khi đó, tới tận năm ngoái, Joe Biden vẫn coi những hành động của Trump với Trung Quốc là thái quá.
“Ông ta nghĩ Trung Quốc sẽ ăn bữa trưa của chúng ta sao? Thôi nào ông ơi.”
“Họ còn không biết làm sao để giải quyết chuyện tham nhũng bên trong hệ thống của mình mà. Ý tôi là, họ không phải là kẻ xấu đâu. Nhưng họ không thể nào cạnh tranh với chúng ta”, Biden nói hồi đầu năm 2019, một tuần sau khi tuyên bố tranh cử. Nhận xét này của Biden bị coi là mất điểm thậm tệ.
Chỉ vài tháng sau, Biden đổi giọng. Ông gọi thẳng Tập là “một kẻ chẳng có một ý niệm nào về dân chủ. Hắn là một tên côn đồ”.
Hầu như mọi nhà quan sát đều đồng ý rằng tân chính quyền Biden sẽ tiếp tục các chính sách cứng rắn của Trump. Bầu không khí của Washington đã thay đổi. Các khảo sát chỉ ra người người Mỹ coi Trung Quốc là một vấn đề nghiêm trọng. Các chính khách Washington nhất loạt kêu gọi bảo vệ việc làm và chống chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh.
Tháng 12/2020, Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe tuyên bố Trung Quốc là đại họa an ninh số một của Mỹ.
Dù vô tình hay hữu ý, Trump đã khiến cả hệ thống lưỡng đảng của Washington và người dân nước Mỹ phải mở mắt trước Trung Quốc. Một tay ông đã thay đổi sách lược mềm mỏng bốn chục năm của Hoa Kỳ, phá vỡ những mộng mị cuối cùng rằng nước Mỹ cứ tử tế đầu tư, Trung Quốc giàu có sẽ thay đổi theo khuôn phép của Mỹ.
Vào tháng 7/2020, tại Viện Nixon, Pompeo tuyên bố đường lối này đã chết. Ông cảnh bảo Mỹ và thế giới tự do sẽ phải thay đổi Trung Quốc nếu không muốn bị Trung Quốc thay đổi.
Đây là lời cảnh báo bị nhiều người nghi kỵ là như một ám chỉ đòi thay đổi chế độ Trung Quốc, một điều có thể dẫn đến xung đột, thậm chí chiến tranh lạnh.
Di sản mà Trump để lại cho Biden là một cái nhìn huỵch toẹt vào thực tế. Thực tế rằng Nixon đã sai khi bình thường hóa quan hệ với Mao Trạch Đông. Bill Clinton và George Bush đã ngây thơ khi mở cửa thế giới với Bắc Kinh, để cho họ vào WTO, và mơ về một ngày nước Trung Quốc giàu có sẽ dân chủ hóa. Cả Obama và Biden cũng quá dè dặt khi xoay trục sang châu Á mà vẫn để Trung Quốc vươn lên, hùng cứ khu vực, mua chuộc đồng minh, đè đầu cưỡi cổ láng giềng.
Đầu năm sau, Biden sẽ nhậm chức sau ba năm chính quyền Trump khởi động cuộc chiến thương mại và dùng đủ loại vũ khí chống Trung Quốc. Nhà Trắng hiện đánh thuế lên 370 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc; ép Canada giam lỏng Giám đốc Huawei Mạnh Vãn Châu; đe dọa không cho nhiều công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường tài chính Mỹ; và liên tục buộc tội Bắc Kinh đã gây ra đại dịch COVID-19. Chính quyền Trump cũng ký hai đạo luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hong Kong vì vấn đề nhân quyền.
Tận đến những ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ, chiến dịch chống Bắc Kinh của chính quyền Trump vẫn chưa dứt. Bộ Thương mại Mỹ công bố đang cấm cửa hơn 60 công ty Trung Quốc, không cho mua công nghệ Mỹ với lý do bảo vệ “an ninh quốc gia”.
Dù Biden và Đảng Dân chủ chỉ trích cuộc chiến thương mại “tốn tiền và vô ích” của Trump, tổng thống tân cử cũng ám chỉ ông sẽ tiếp tục sử dụng các quân bài mà Trump để lại.
“Tôi sẽ không có hành động gì ngay bây giờ, với thuế cũng vậy”, Biden nói trong một cuộc phỏng vấn với New York Times, đăng ngày 2/12/2020.
“Tôi cho rằng chiến lược tốt nhất với Trung Quốc là tập hợp tất cả đồng minh, hay ít nhất những người từng là đồng minh của chúng ta, để cùng hành động”.
Đây sẽ là một ưu tiên lớn của những tuần đầu tiên của tân chính quyền, Biden nói.
Eswar Prasad, người từng phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhận xét:
“Nhờ các chế tài thương mại rộng lớn của Trump đối với Trung Quốc, cộng thêm việc các nước khác chống trả lại đường lối ngoại giao gây hấn của Bắc Kinh, về mặt địa chính trị, chính quyền Biden sẽ có đòn bẩy rất tốt để đàm phán song phương.”
“Các chế tài sẵn có này và sự vận động của môi trường chính trị trong nước sẽ giúp Biden trên cơ trong cuộc thương thảo [với Bắc Kinh]”.
Nói như tờ Bloomberg, nhờ Trump mà Biden mới được ngồi một chiếc ghế thoải mái trong phòng đàm phán với Bắc Kinh.
Dù coi Trung Quốc là địch thủ số một, chính sách đối ngoại của tổng thống Trump thiếu hẳn sự nhất quán để đối phó với kẻ địch này.
Trump thường xuyên gọi Tập là bạn tốt, thậm chí còn chúc mừng khi Tập trở thành lãnh đạo suốt đời của Trung Quốc. Ban đầu, Trump đã khen Trung Quốc “minh bạch tuyệt vời” trong đại dịch, sau lại chỉ trích thậm tệ nước này nói dối, che đậy khiến dịch bệnh tràn lan khắp nước Mỹ.
Tổng thống Trump tuyên bố “thương chiến rất dễ thắng”, nhưng sau ba năm lại bế tắc đến mức đội ngũ đàm phán hai bên tuyệt giao với nhau. Đến cái thỏa thuận thương mại giai đoạn một vốn chỉ giúp nông dân Mỹ bán thêm nông sản cũng bị đang Trung Quốc bỏ rơi.
Dù coi Trung Quốc là đối thủ số một, ông Trump lại không chỉ “gây chiến với Trung Quốc”. Ông dọa đánh thuế bất kỳ nước nào phạm vào cái “nước Mỹ trên hết” của ông. Cả đồng minh ở châu Âu, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc đều từng bị dọa.
Khi thâm hụt mậu dịch Mỹ – Việt tăng lên, vốn là dấu hiệu thương chiến với Trung Quốc có hiệu quả vì các công ty rời bỏ Trung Quốc sang Việt Nam, thì Trump lại tức giận đòi đánh thuế cả Việt Nam. Nay Washington đã liệt Việt Nam vào nhóm nước thao túng tiền tệ, tạo ra khả năng áp đặt chế tài thực sự.
Tổng thống Trump không thích các thỏa thuận đa phương mà chỉ thích ký thỏa thuận song phương. Trong khi đó, ông lại kêu gọi các đồng minh và đối tác liên kết với nhau để chống Trung Quốc. Những sách lược đối nhau chan chát này càng làm cho lời kêu gọi cùng nhau “thay đổi chế độ cộng sản Trung Quốc” của Mike Pompeo trở nên lạc lõng.
Trong bốn năm, ông Trump đã một tay quay ngược đường lối ngoại giao mềm mỏng của Hoa Kỳ, hình thành từ khi Richard Nixon tới gặp Mao Trạch Đông vào năm 1972. Hồi tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố đường lối ngoại giao này đã thất bại, và Mỹ phải chuẩn bị cho một hướng đi khác. Có người cho rằng đây là tuyên bố chiến tranh, và ông Trump đích thực đã mở màn cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc.
Nhưng tờ Nikkei (Nhật) cho rằng cách gọi “chiến tranh lạnh” là thổi phồng quá mức. So với cuộc đối đầu ý thức hệ sống còn giữa Mỹ và Liên Xô, vốn sinh ra một loạt các xung đột ủy nhiệm khắp Trung Mỹ, Nam châu Phi và châu Á, Mỹ chưa hề tham gia vào một xung đột quân sự nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, với Trung Quốc. Quan trọng hơn, quan hệ kinh tế Mỹ – Trung vẫn còn cực kỳ bền chặt. Ian Bremmer, người sáng lập Eurasia, một hãng tư vấn chính trị ở New York, nhận xét:
“Nếu tới Walmart, bạn sẽ thấy hàng hóa chủ yếu là sản xuất ở Trung Quốc. Nếu tới những trường đại học hạng trung ở Mỹ, những sinh viên quốc tế đến theo diện nộp toàn bộ học phí cũng đa phần là người Trung Quốc. Nếu theo dõi Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia, ban quản lý và các cầu thủ tin rằng tương lai của họ nằm ở việc các cổ động viên Trung Quốc mua vật phẩm, người Trung Quốc xem họ đấu bóng. Thậm chí ngày càng nhiều người tin rằng tương lai nằm trong tay các cầu thủ Trung Quốc. Đây không phải là chuyện xảy ra trong một cuộc chiến tranh lạnh”.
Và cuộc thương chiến với Trung Quốc cũng không dễ thắng như Trump đã hứa.
Suốt ba năm đánh thuế lẫn nhau rồi lại đàm phán, hai nước ký được thỏa thuận giai đoạn một. Thỏa thuận này không làm được gì để giải quyết cái đòi hỏi ban đầu đã khiến Trump gây chiến: Trung Quốc phải tôn trọng tài sản trí tuệ và thay đổi cấu trúc kinh tế, chấm dứt trợ cấp công nghiệp.
Các nhà kinh tế đánh giá thương chiến với Mỹ gây hại nhiều hơn lợi. Nông dân Mỹ phá sản vì không bán được hàng, môi trường làm ăn bất ổn, lên xuống thất thường trong mỗi dòng tweet của Trump về thương chiến. Các chính sách khuyến khích từ Washington không đủ hấp dẫn để các công ty bỏ Trung Quốc về quê hương. Phần lớn họ dọn sang một nước khác như Việt Nam và Ấn Độ.
Thương chiến khiến kinh tế Trung Quốc trầy da tróc vẩy, nhưng không thể ép Trung Quốc thay đổi. Thay vào đó, Mỹ đang chứng kiến tốc độ hồi phục kinh tế của Trung Quốc trong dịch bệnh vượt trội so với mình. Mối đe dọa từ Mỹ cũng khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh ra sức chuẩn bị cho một cuộc “trường chinh” chống Mỹ, dẫu phải thắt lưng buộc bụng. Trung Quốc lại đặt mục tiêu làm chủ các ngành công nghệ chủ chốt khi bị dọa cắt nguồn cung.
Thứ hai là việc Trump rút Mỹ khỏi các hiệp ước đa phương như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Chính quyền Obama – Biden đã cất công xây dựng và ra sức vận động cho hiệp ước này để làm công cụ kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á. Ông Trump đã vứt ngay hiệp ước này vào sọt rác sau khi đắc cử. Trung Quốc tự nhiên lấp vào khoảng trống lãnh đạo của Mỹ. Cuối năm 2020, RCEP được ký kết giữa Trung Quốc và 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, trở thành thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất thế giới, dẫu các điều khoản đơn sơ hơn nhiều so với TPP.
Trung Quốc và Liên minh Châu Âu cũng sắp sửa hoàn tất một thỏa thuận đầu tư (CAI), giúp Trung Quốc tìm một hướng đi và động lực mới trong khi bị Washington ghẻ lạnh.
***
Hôm 17/11/2020, Joe Biden nói rằng sau khi chiến thắng, ông đã nói với các lãnh đạo thế giới qua điện đàm rằng “nước Mỹ đã trở lại!”
“… Mỹ đã sẵn sàng lãnh đạo thế giới chứ không phải rút lui khỏi thế giới. Một lần nữa, chúng ta ngồi ghế chủ tọa của bàn họp, sẵn sàng đối đầu với kẻ địch, không chối bỏ các đồng minh, dám đứng lên bảo vệ các giá trị của mình”, Biden đã nói với các nguyên thủ nước khác như vậy.
Theo Reuters, đây rõ là ám chỉ việc Biden sẽ đảo ngược lại đường lối “nước Mỹ trên hết” của chính quyền Trump.
Nhưng di sản ngoại giao Trung Quốc là thứ mà Biden sẽ không thể đảo ngược được. Trump đã làm nước Mỹ thay đổi, và Biden sẽ phải tiếp tục cuộc đối đầu với Trung Quốc mà ông đã khơi mào.